Mộng du buồn Tập thơ của Lê Công Đỉnh, NXB Lao động, 2008

13.12.2012

Mộng du buồn Tập thơ của Lê Công Đỉnh, NXB Lao động, 2008

Lê Công Đỉnh sinh năm 1957 tại làng Xuyên Mộc, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh tốt nghiệp đại học Sư phạm Văn, nhưng cuộc sống đưa đẩy anh xa mái trường đến với nghề làm báo và làm thơ. Hiện anh công tác tại Văn phòng báo Tiền phong tại Đà Nẵng.

Tháng 5 năm 2008 anh cho ra mắt tập thơ đầu tay, lấy tên "Mộng Du Buồn”. Bìa do hoạ sĩ Phan Ngọc Minh vẽ, phụ bản của các hoạ sĩ Đinh Cường, Lương Xuân Đoàn, Hoàng Tường, Duy Ninh. Tập thơ mỏng mà dày dặn, nặng trĩu tình.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh viết lời bạt cho tập thơ nhận xét: "Lê Công Đỉnh không chọn thơ làm nghiệp dĩ và cũng không định làm thơ để mời gọi những cảm thức đồng điệu về hiện thực cuộc sống. Anh làm thơ từ miền ký ức của mình như là một cách để cất giữ nỗi buồn”. Nỗi buồn anh không chỉ "cất giữ”, thực ra anh đã chưng cất nỗi buồn của mình thành thơ, tạo nên rung cảm sâu xa bằng nhiều cung bậc tình yêu đẹp và dễ vỡ như giọt sương ban mai.

Nỗi buồn mà Lê Công Đỉnh xa xót một thời là nỗi buồn của sự chia ly. Nỗi buồn ấy ai cũng từng trải qua, nhưng không bao giờ xưa cũ "Ta đi tìm ta rồi gặp bạn/ Bạn nhìn bóng bạn lại thấy ta” (LCĐ).

Có thể là sự trớ trêu của số phận khi thấy người mình yêu thương ngày một xa xăm: "Lòng như con sông rộng/ Ta ngàn bến chờ mong/ Em hoà theo tiếng gió/ Ta hoài như bến sông” (Về thăm Hội An).

Trong giông bão của tình yêu lận đận đôi lúc Lê Công Đỉnh nhìn cõi vô chung thoát lên lời oán trách: "Em thương ta chưa thật một đời/ Em yêu ta chưa thật một lời/ Một đời ta trùng khơi gió bão…”. Niềm đau mỗi ngày một lớn dần lên. Niềm đau này từ đâu tới? Rồi sẽ về đâu? Khi không gánh nỗi niềm đau qua phiêu du ghềnh thác qua "trôi nổi bọt bèo”, qua "gió mưa cùng tận”, Lê Công Đỉnh quay về hỏi mẹ: "Có một thuở mang niềm đau về hỏi mẹ/ Người bàng hoàng đôi mắt rưng rưng/ Mẹ đã chịu ngàn cơn đau cầu cho con hạnh phúc/ Chẳng lẽ còn cơn đau nào đày đoạ con tôi” (Mộng Du Buồn).

Vết thương do tình yêu gây nên có lẽ chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành, và thơ như là tiếng nói của tình yêu mà Lê Công Đỉnh đã tìm đến. Khép tập thơ lại, tôi thấy những câu thơ như bước ra ngoài trang giấy, cất lên ngậm ngùi "Rồi cũng như mây trở về trời…Nghe trong hồn lạnh hạt sương rơi” (Vĩnh biệt cơn mơ hồng).

                                    NHƯ NGHĨA