Sống mãi những vần thơ trác tuyệt

31.10.2008

Sống mãi những vần thơ trác tuyệt

Hơn sáu trăm năm đã trôi qua những lời thơ trong Quốc âm thi tập vẫn nóng hổi tình người, hồn nhiên phóng khoáng, sâu sắc thâm thúy, lại gần gũi, thân thuộc với thế hệ ngày nay.

Chúng ta đều biết Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ tiếng Việt dầy dặn đầu tiên còn lại cho đến nay. Một tập thơ đặc sắc của một thi hào đồng thời là một danh nhân kiệt xuất của lịch sử nước ta. Có khác với Ức trai thi tập, tập thơ chữ Hán của tác giả đầy hào khí và có giá trị cao, Quốc âm thi tập là một minh chứng xứng đáng cho tinh thần dân tộc đầy tự hào về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nền văn học đặc sắc của mình. Với 254 bài, tập thơ lại tập trung biểu hiện tâm trạng muốn sống đời ẩn dật, thanh nhàn, hòa mình vào thiên nhiên nơi quê cũ thân thuộc, nhưng vẫn hàm chứa lòng ưu ái đầy khí phách trong văn thơ Nguyễn Trãi.

Đọc Quốc âm thi tập, chúng ta dễ nhận ra ngay thái độ chủ động chấp nhận tình thế của tác giả vốn quen cảnh sống thôn dã nghèo nàn, thanh bạch mà hồn nhiên, khoáng đạt. Nhà thơ coi đó là đời sống hợp quy luật, thuận đạo trời “Diều bay, cá nhảy, đạo tự nhiên”… Tự nhiên đắp đổi đạo trời… Cũng đạt xem hay nay có mệnh/ Đời cơ tạo hóa mặc tự nhiên.

Cảnh sống “tự nhiên” mang lại phong thái thanh nhàn, tự tại cho người… Quét trúc bước qua lòng suối? Thưởng mai về đạp bóng trăng… Một phút thanh nhàn trong thưở ấy, Thiên kim ước đổi được hay chăng? /Người tham phú quý, người hằng trọng... Ta được thanh nhàn ta sá yêu.

Chính trong bối cảnh tự do tự tại ấy, đã xuất hiện những vần thơ lâng lâng sảng khoái:

Nước dưỡng cho thanh, từ thưởng nguyệt/ Đất cày ngõ ải, lãnh ương hoa/ Trong khi hứng động vừa đêm tuyết/ Ngâm được câu thần, đặng đặng ca/ Láng diềng một áng mây bạc/ Khách khứa hai ngàn núi xanh/ Có thuở biếng thăm bạn cũ/ Lòng thơ nghìn dặm nguyệt ba canh// Hàng chim ngủ khi thuyền đỗ/ Vầng nguyệt lên thuở nước cường/ Mua được thú nhàn trong thưở ấy/ Thế gian hay một khách văn chương/

“Thú nhà quê” đơn sơ mà thú vịï dường nào: Một cày một cuốc thú nhà quê/ Áng cúc lan chen vãi đậu kê/ Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng/ Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”.

Quê cũ nhà ta thiếu của nào/ Rau trong nội, cá trong ao/… Khách đến vườn còn hoa lác/ Thơ nên cửa thấy nguyệt vào…

Tập thơ có rất nhiều bài hay khiến người đọc có cảm giác như lạc vào một vườn hoa lộng sắc, ngát hương, thấy đóa nào cũng đẹp, cũng thơm và càng phân vân khi muốn chọn lấy những đóa nào lộng lẫy nhất.

Có những bài hay bởi cám cảnh, sinh tình:

… Thương lang mấy khóm một thuyền câu/ Cảnh lạ đêm thanh, hứng bởi đâu?/ Nguyệt mọc dầu non, kình dội tiếng/ Khói tan mặt nước thẫn không lầu Giang Sơn dạm được đồ hai bức/ Thế giới đông nên ngọc một bầu// Tà dương bóng ngã thuở giang lâu/ Thế giới đông nên ngọc một bầu/ Tuyết sóc treo cây điểm phấn/ Cõi đông giãi nguyệt in câu/ Khói chìm thủy quốc quyên phẳng/ Nhạn triện hư không gió thâu/ Thuyền mọn còn chèo chẳng khủng đỗ/ Trời ban tối, ước về đâu?

Có những bài đượm mùi “thiền”: Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm/ Giơ tay áo đến tùng lâm. Rừng nhiều cây rợp, hoa chầy động/Đường ít người đi, cỏ kíp xâm/ Thơ dưới tục hiềm câu đới tục/ Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm/ Trúc thông hiên vắng trong khi ấy/ Nắng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm// Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy/ Có thân chớ phải lợi danh vậy/ Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/ Ngày vắng xem hoa bẻ cây/ Cây rợp chồi cành, chim kết tổ/ Ao quang mấu ấu, cá nên bầy/ Ít nhiều tiêu sái, lòng ngoài thế/ Năng một ông này đẹp thú này//

Có những bài hay vì thẳng thắn, khí khái: Mắt hòa xanh, đầu dễ bạc/ Lưng khôn uốn, lộc nên từ//Cơm kê bất nhân, ăn ấy chớ/ Áo người vô nghĩa, mặc chẳng thà// Khó khăn thì mặc có màng bao/ Càng khó bao nhiêu, chí mới hào.//

Có bài mượn giọng khoa trương khi bốc hơi men để lộ khẩu khí: Tài tuy chẳng ngộ, trí chẳng cao/ Quyền đến trong tay, chí mới hào/ Miệng khiến tửu binh phá lũy khác/ Mình làm thi tướng đánh đàn tao/ Cầm khua hết ngựa, cờ khua tượng/ Chim bắt trong rừng, cá bắt ao/ Còn có anh hùng bao nã nữa/ Đòi thì vậy, dễ hơn nào!

Đặc biệt nhất có bài toát lên hào khí của văn chương cao đẹp, dõng dạc như một tuyên ngôn sáng tác, mang cốt cách của một cương lĩnh phấn đấu: Văn chương chớp lấy đời câu thánh/ Sự nghiệp đua gìn  phải đạo trang/ Trừ độc trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng/ Bài thơ khiến chúng ta nhớ đến khí phách hào hùng của Bình Ngô đại cáo, một tác phẩm bất hủ của nhà thơ được coi như một tuyên ngôn độc lập sáng giá của dân tộc ta. Tuy nhiên, Quốc âm thi tập vẫn hàm chứa ít nhiều các cốt cách cơ bản đó của văn chương Nguyễn Trãi. Bàng bạc trong tác phẩm nỗi niềm thao thức khôn nguôi vì dân vì nước “lo trước” suốt đời:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ, Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đong//. Còn có một lòng âu việc nước/ Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung// Bui có một lòng trung liễn hiếu/ Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen.

Càng đọc, chúng ta càng dần dần nhận ra tầm vóc rộng lớn, cao đẹp của tâm tư Nhà thơ, bao quát cả những đạo tự nhiên, đức hiếu sinh, lòng nhân nghĩa, niềm trung hiếu, đến nghĩa đồng bào, lẽ cương nhu, tính khiêm nhường, nết ham học ham làm v.v… Nhiều kinh nghiệm sống, nhiều điều suy ngẫm lắng sâu được đúc kết thành quy luật, thành chân lý cụ thể và thiết thân: Nào ai dễ có lòng chân thật/ Ở thế tin gì miệng đãi bôi// Tích đức cho con hơn tích của/ Đua lành cũng thế, mưa đua khôn// Ngọc lành nào có tơ vết/ Vàng thực âu chi lửa thiêu/ Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi/ Khi bão mới hay là cỏ cứng, Thưở nghèo thi biết cỏ tôi lành// Ở yên thì nhớ lòng xung đột. Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày// Của thết người là của còn. Khó khăn phải đạo cháo càng ngon/ Nên thợ nên thầy vì có học/ No ăn no mặc bởi hay làm// Xa hoa lơ lửng nhiều hay hết/ Hà tiện đâu đang, ít hãy còn// Làm người mưa cậy khi quyền thế/ Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.//

Qua nhiều những câu thơ bình dị mà sâu sắc, chúng ta càng nhận ra chân dung quắc thước của một nhà tư tưởng lớn vượt thời đại từng được tôn vinh xứng đáng: “Ức trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lê Thánh Tôn). Tuy nhiên, qua Quốc âm thi tập, nhà tư tưởng lớn vẫn không lấn át mà song hành với nhà thi hào. Và xuyên suốt tập thơ vẫn lóng lánh những rung động rất nhạy cảm và tinh tế: Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt/ Vườn kín hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần, ong chữa thấy/ Tính hay khinh bạc, bướm chẳng gìn/ (Đầu xuân đắc ý). Vì ai cho cái đỗ quyên kêu/ Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu/. Lại có hòe  hoa chen bóng lục/ Thức xuân một điểm, não lòng nhau (Cảnh hè). Hình tượng cây chuối đơn sơ, xoàng xĩnh mà gợi cảm làm sao:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ, màu thâu đêm/ Tình thư một bức, phong còn kín/, Gió nơi đâu, gượng mở xem (Cây chuối). Đặc biệt còn có một chùm “thơ tiếc cảnh” gồm 13 bài tứ tuyệt. Đáng chú ý trong đó, có những câu:

Thấy cảnh lòng thơ càng vân vít/ Một phen tiếc cảnh, một phen thương// Một tiếng chày đêm đêm cối nguyệt/ Khoan khoan những lệ thở tan vừng// Xuân xanh chừng dễ trác phen lại/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên// Còn có cả Loàn đan ướm hỡi khách lầu hồng/. Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng/ Ngoài ấy dẫu còn áo lẻ, Cả lòng mượnn đắp lấy hơi cùng// Ý tình xưa thế mà nồng đượm vẻ  lãng mạn và hiện đại làm sao!

Có những bài hay đạt tầm vóc vũ trụ:

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trông thế giới phút chim bay! Núi cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay! Nước mấy trăm thu còn vậy/ Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này/ Ngoài chừng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay// Hỏi thơ 6 chữ bao quát cả không gian thời gian bỗng kết lại bằng 2 câu bảy chữ, nghe cứ như một tiếng thở dài não nuột. Như đối chiếu, một bài thơ khác cho thấy lòng người dẫu sao vẫn không thể vượt khỏi lòng trời tiêu, biểu cho những quy luật khách quan của tự nhiên:

Lòng người man xúc nhọc đua hơi/ Chẳng các nhân sinh giữ chơi/ thoi nhật nguyệt đưa qua mấy phút/ Áng phồn hoa họp mấy trăm đời/ Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa. Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi/ Mới biết doanh hư đà có số! Ai từng cãi được lòng trời.

Đương nhiên cảnh sống thanh nhàn nơi thôn dã không ít khó khăn: Càng một ngày càng ngặt đến xương/ Ắt vì số mệnh ít văn chương/ Người hiềm rằng cúc qua trùng cửu/ Kế hãy bằng quỳ hướng thái dương…/ Nhà ngặt bằng ta ai kẻ vì/ Khó khăn phải lụy đến thê nhi. Đắc thì thân thích chen chân đến/ Thất sớ láng giềng ngoảnh mặt đi// Nhưng: Khó ngặt hãy bền lòng khó ngặt/ Chê khen mưa ngại tiếng chê khen// Chốn ở trải gian lều lá/ Mùa qua chằm bức áo sen/ Hoa còn để rụng lam đất/ Cửa một đường cài lướt then…// Khó ngặt qua ngày xin sống/Xin làm đời trị mấy đời bằng// Thừa chỉ ai rằng thì khó ngặt/ Túi thơ chứa hết mọi giang san//

Về mặt hình thức nghệ thuật, Quốc âm thi tập mang sắc thái riêng của một loại thơ thuần Việt, kết hợp thơ 6 chữ với thơ 7 chữ trong các thể tám câu và bốn câu. Trong thể thơ 8 câu, đáng chú ý đến 14 bài có 4 câu 6 chữ, 8 bài có 5 câu 6 chữ, 4 bài 6 câu 6 chữ và 3 bài có 7 câu 6 chữ: Chụm tự nhiên một tấm lều/ Qua ngày tháng lấy đâu nhiều/ Gió tựa rèm thay chổi quét/ Trăng kề cửa kéo đèn khêu/ Làm ăn chẳng quản dưa muối/ Áo mặc nài chi gấm thêu/ Tựa gốc cây ngồi hóng mát/ Lều hiu ta hãy một lều hiu (7 câu 6 chữ).

Trong thể thơ 4 câu, đáng chú ý đến 8 bài có 2 câu 6 chữ: Lầm nhơ chẳng bén tốt hòa thanh, Quân tử kham khuôn được thuở danh/ Gió đưa hương, đêm nguyệt tĩnh/ Trinh làm của có ai tranh (Hoa sen- 2 câu 6 chữ); Rõ ràng tác giả có tài làm thơ 6 chữ.

Bàng bạc suốt tập thơ là ánh trăng thứ ánh sáng huyền ảo như soi rọi lòng thơ. Rượu đối cầm đâu thơ một thủ/ Ta cùng bóng liễn nguyệt ba người…/ Bến liễu mới dời thuyền chở nguyệt/ Gác văn còn chữa bút đeo hương// Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc/ Nước chảy âu khôn xiết bóng non// Có được những câu thơ như: Khách lạ đến ngàn, hoa chữa rụng/ Câu mầu ngâm da, nguyệt càng cao// quả là tuyệt tác  Phải chăng câu thơ thần có sức đẩy trăng lên càng cao?

 Hạ tuần Tháng 4 Mậu Tý

HOÀNG THANH