Thái Tuấn - đời như tranh vẽ

31.10.2008

Thái Tuấn - đời như tranh vẽ

Nhà họa sĩ Thái Tuấn nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngèo, ai muốn vào thăm phải điện thoại từ trước để con trai ông ra dẫn, tránh lạc đường. Căn phòng nhỏ hẹp của Thái Tuấn hiện tại vừa là nơi tiếp khách, phòng ngủ và phòng sáng tác. Không phải ông không có điều kiện sống trong một căn phòng sang trọng, rộng rãi hơn. Nhưng "Sang hơn thì khó vẽ lắm, cứ như thế này là tốt", ông nói. Người quen gặp ông cách đây 10 năm, giờ gặp lại vẫn thấy ông như thế. Mái tóc bồng, vóc người gày gò, nhanh nhẹn không đổi. Dường như Thái Tuấn chung thủy với những nề nếp của riêng mình, với những gì xưa cũ. 

Ông nói đùa: "Tôi 88 tuổi rồi mà chưa có cái nhà, nhà đang ở là của thằng con. Đến bây giờ vẫn không có nghề". Thái Tuấn chưa bao giờ nhận họa sĩ là một nghề. Ông cũng chưa bao giờ nhận mình là một nghệ sĩ, dù tranh ông từng bán đắt như tôm tươi và cái tính nghệ sĩ của ông đều được mọi người công nhận. "Họa sĩ hay không thì nằm ở trong tranh. Nghệ sĩ hay không là ở tính tình. Người ta gọi thì tôi nghe, không bao giờ dám tự nhận". 

Năm 1984, Thái Tuấn xuất ngoại theo diện đoàn tụ với gia đình. Ông định cư tại thành phố New Orleans của Pháp, một nơi cách Paris 100 cây số và có dòng sông Loire êm đềm chảy qua. New Orleans là thành phố châu Âu cổ xưa đầy ắp những lâu đài nguy nga, tráng lệ cùng bảo tàng mỹ thuật. Thế nhưng, suốt mấy mươi năm, Thái Tuấn hầu như chỉ quanh quẩn trong ngôi biệt thự của mình cùng vợ và con gái. Vài lần, mấy người bạn Pháp rủ ông tham quan bảo tàng, kiến thức của ông về lịch sử hội họa Pháp và thế giới làm họ phải kinh ngạc. "Tôi học tiếng Pháp từ năm lên 6 tuổi, thú vui thuở nhỏ của tôi là đọc sách, ngắm nghía những sách mỹ thuật in tranh ảnh màu sắc rất đẹp của cha". 

Ông nói, những năm tháng sống xa quê là những năm tháng sống trong tâm tưởng hướng về miền Bắc, về Sài Gòn. Những ngày ngoài trời đổ tuyết, thèm cồn cào một bát phở đến ứa nước mắt, lại thấy tức bác Nguyễn Tuân cứ hay chê phở gà không ngon. "Phở gà ngon thế mà lị!". Từ chỗ ông ở phải đi 100 cây số nữa mới tìm thấy tiệm phở Việt Nam. Thế mà vẫn đi vì nhớ.

Đôi lúc ông cũng thử lấy cọ ra vẽ khung cảnh, con người xung quanh mình, nhưng không vẽ được. "Phụ nữ Pháp đẹp thế mà tôi vẽ bức nào cũng chỉ ra phụ nữ Việt Nam", ông đùa. 

Đùa mà thật. Khi rời quê hương ra đi, ông chỉ đem theo vỏn vẹn 2 bức tranh do ông vẽ. Đó là hai bức tranh cuối cùng mà ông đã bán cho người bạn ở Sài Gòn. Bạn ông xuất ngoại nhưng không có điều kiện mang theo, nay mang qua trả khổ chủ. Ở Pháp, mỗi năm ông vẽ trung bình 10 bức, phần nhiều là tranh về phụ nữ Việt Nam. Ông vẽ vì hình ảnh quê hương day dứt trong tâm tưởng. Vẽ vì người vợ tảo tần luôn sát cánh bên ông trên những bước thăng trầm của cuộc đời. Vẽ vì trong những giấc mơ ngày đông giá buốt, hình ảnh con sông Lô cuồn cuộn chảy về. Con sông đó một thời gắn với tuổi thơ Thái Tuấn: Mỗi ngày ông phải đi đò từ đồn điền nơi cha làm việc sang bờ bên kia để đi học. 

Vì công việc của bố mình, tuổi thơ và thời niên thiếu của Thái Tuấn không sống cố định một nơi. Từ khi sinh ra đến khi 5 tuổi, bố của ông giữ nhiệm vụ trông coi cả vườn Bách thảo Hà Nội ngày ấy nên ông được sống giữa thiên nhiên xanh mát. Rồi sau đó, ông lại theo gia đình đến sống ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, Nam Định ... những cảnh đẹp, nếp sống, tính tình của người dân quê miền Bắc đã đi vào tâm thức của cậu bé mộng mơ Thái Tuấn. 

Chính vì thế, từ giới phê bình đến người xem tranh đều phải công nhận, tranh ông tiêu biểu cho nét văn hóa, tính cách Việt Nam: dịu dàng, tinh tế. Có lần ông triển lãm tranh tại Washington DC, Mỹ, người xem đòi mua luôn cả poster in hình tác phẩm Quả dưa đỏ, một bức sơn dầu ông vẽ cô gái miền Bắc yếm thắm, lưng đuỗi, dáng cong mềm mại đội quả dưa.

Ông không bán tranh tại gallery ở nước ngoài nhưng tranh vẫn luôn được tìm mua vì mang nét lạ. Tranh chỉ vẽ chân dung, nhưng trong từng vóc dáng, màu sắc còn thấp thoáng cả dòng sông, cánh đồng ngọn đồi miền Bắc. Một năm ông vẽ trung bình 10 bức. Vẽ xong là bán hết. Tiền bán tranh ông gửi về Việt Nam giúp con trai có được căn nhà.

Giai đoạn 1945-1954 suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thái Tuấn ở ngoài Bắc, chuyên vẽ tranh cổ động để tăng gia sản xuất. Sau hiệp định Genève, ông vào Nam, kiếm sống bằng nghề làm design quảng cáo cho một hãng của Pháp. Ông còn làm cho nhà in Trương Vĩnh Ký, vẽ và viết cho tạp chí Sáng Tạo của Sài Gòn ngày ấy. Ông có nhiều kỷ niệm với các bạn bè cùng thời như: Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Quang Dũng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân, Đái Đức Tuấn.

Kỷ niệm vui, Thái Tuấn dành kể cho bạn bè, báo chí, chuyện buồn ông cất giữ cho riêng mình để đến ngày "đi gặp" các chiến hữu thuở xưa mà tiếp tục hàn huyên. 

2 năm cuối cùng ở Pháp, tự dưng Thái Tuấn không thể vẽ bức tranh nào. Tưởng đã mãi gác cọ, khép lại cuộc đời họa sĩ, ông quyết định về Việt Nam. Giã từ căn biệt thự, khu vườn con yên tĩnh, những phố sá đẹp, hiện đại... Ông về lòng nhẹ thênh thênh, tươi như nắng mới. Tranh vẽ được ở nước ngoài phần lớn đã bán hết và nằm trong những các bộ sưu tập ở Mỹ, Pháp, Canada ... Vật quý giá nhất theo ông trở lại quê hương là nắm tro của người vợ thân yêu. Người vợ mà những ngày nằm viện vì bệnh ở Pháp, ông đã tự tay mình nấu ăn, chăm sóc cho đến phút cuối cùng. 

Chỉ về từ đầu năm 2006, tại ngôi nhà trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, ông vẽ liền một mạch 12 bức tranh mới. Triển lãm vừa xong cũng bán được dăm bức. Vừa qua Câu chuyện hội họa, cuốn sách tiểu luận - phê bình nghệ thuật nổi tiếng của Thái Tuấn, được NXB Văn Nghệ và công ty văn hóa Phương Nam tái bản (lần thứ ba). Trong tình trạng Việt Nam còn thiếu trầm trọng sách lý luận, phê bình nghệ thuật, đây là tập sách hay và bổ ích cho bất cứ ai yêu thích hay muốn gắn bó với hội họa. 

Hỏi ông bí quyết nào đến tuổi này vẫn còn nhanh nhẹn khỏe khoắn, trò chuyện hàng giờ vẫn chưa mệt. Thái Tuấn hóm hỉnh: "Đi ngủ 10h. Thức dậy 6h. Sống 100 tuổi". Đó là lời dạy mà ông nghe từ cha lúc còn bé. Sống chừng mực, tinh thần thoải mái. Bí quyết một cuộc đời họa sĩ lãng du chỉ có thế.

Họa sĩ Thái Tuấn, qua đời tại TP Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 9 năm 2007, thọ 90 tuổi .

                                                A.V