Gặp lại

31.10.2008

Gặp lại

Truyện ngắn
 
Anh Hân đưa tôi 5 tờ xanh 100 đô la lo việc đám giỗ phụ thân anh. Lễ giỗ sẽ được tổ chức tại nhà tôi. Ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có tôi là chỗ máu mủ với anh. Tôi gọi anh bằng anh và cha đẻ anh bằng bác. Bác tôi chết ở quê lâu lắm rồi, ngày ấy tôi còn nhỏ chỉ nhớ láng máng, khi nhận được tin bác chết, cha mẹ tôi từ thành phố tức tốc về quê đưa tang. Sau đấy cả gia đình tôi lang bạt sang tận Nông - Pênh kiếm sống. Cha tôi làm nghề chụp ảnh, mẹ tôi chạy chợ. Ở Nông - Pênh khó làm ăn, chúng tôi lại về Sài Gòn sinh sống. Năm 1955, gia đình tôi gặp lại anh Hân cùng vợ con ở Bắc di cư vào. Anh Hân theo binh nghiệp ở cấp sĩ quan, đi biền biệt tôi ít gặp. 1975 Sài Gòn thất thủ, chế độ ngụy quyền sụp đổ, anh Hân phải đi cải tạo. Hết hạn cải tạo về, cả gia đình theo anh nhập cư sang Mỹ, anh là người đi đợt đầu diện HO ở Sài Gòn này. Ngần ấy năm, dịp này anh về nước thăm chơi. Bữa giỗ anh ủy thác cho tôi tổ chức, ngoài số khách bạn hữu của anh, anh giao cho tôi nhiệm vụ mời hết người cùng quê hiện đang ở thành phố đến dự. Người cùng quê trong thành phố ở sắp tuổi chúng tôi đếm đầu ngón tay chưa hết một bàn tay, còn lớp sau vào lập nghiệp, sinh sống thì khá đông, nhiều lắm. Vậy nên tôi chỉ mời người cùng trang tuổi ở quê đã biết nhau.

Ngày giỗ, anh Hân từ khách sạn đến sớm. Mấy bữa trước nhận được thư chuyển phát nhanh của anh báo tin về nước, theo yêu cầu của anh, tôi đã bố trí cho anh nghỉ ở khách sạn mi-ni cùng đường phố với nhà tôi, giá rẻ lại tiện bề gặp gỡ, giao lưu vì anh một mực từ chối đề nghị giành cho anh một phòng tại nhà tôi. Lễ vật cúng tiến hương hồn người khuất và gia tiên cùng thực đơn con cháu, khách khứa thừa lộc thụ hưởng vợ con tôi đã chuẩn bị chu tất, thịnh soạn. Tiết lễ cử hành sớm để anh Hân và tôi đón tiếp khách. Tôi mời anh lên phòng thờ thắp nhang. Nhang thắp nhà tôi mua loại đích thị của Hà Nội toả ngát hương gỗ hoàng đàn, cỏ xạ, cỏ bái quyện nhau khiến mọi người nao nao chốn sâu thẳm tâm linh. Anh Hân lầm rầm khấn vái cung thỉnh. Chấp lễ xong, quay ra mắt hoe đỏ, anh bảo:

- Người Việt Nam ta giỗ tứ thân phụ mẫu là giỗ trọng chú ạ. Ở bên ấy từ ngày nhà tôi mất, giỗ các cụ quạnh quẽ một mình. Chú tính: thằng út đi biền biệt, chẳng vợ con, nghiện hút, đêm ngày mê mẩn chúi mũi ở Ca-si-nô; thằng cả lấy vợ đầm ở bang khác, cả năm ló mặt về vài tiếng; đứa con gái thì bận bịu tối mày, tối mặt ở tiệm uốn tóc, chăm lo cho túi tiền, thiết gì đến cha!... Mấy năm đi cải tạo và bây giờ đọc sách mới hiểu ra đất nước mình, con người mình. Thật buồn, thật tiếc... chú ạ.

Có tiếng xe đến. Tôi giục anh xuống nhà đón khách. Khách đến đúng giờ, đông đủ cả. Anh Hân và tôi bắt tay từng người mời vào bàn ăn. Cỗ giỗ ba bàn ngồi kín. Sau đôi lời thưa chuyện của tôi, anh Hân cầm ly rượu đi từng bàn mời, chúc tụng. Anh ngồi bàn tiếp bạn hữu, tôi ngồi bàn tiếp khách cùng quê, bàn bên kia vợ con tôi và các cháu.

Mãn tiệc khách khứa lần lượt cáo lui. Vợ con tôi ở nhà trong. Phòng khách còn lại tôi và ông Cừ người cùng quê. Ông nán lại chờ người đến đón. Ông Cừ năm nay ở tuổi anh Hân, ngoài 70. Đột nhiên tôi thấy quá lạ lùng: Anh Hân từ ngoài cửa tiễn khách quay vào, mặt anh nhợt nhạt nhăn nhúm. Mắt cụp xuống chớp chớp ngấn nước, đến trước mặt ông Cừ đang ngồi trên sa-lông bỗng quì sập xuống, chập hai bàn tay mếu máo:

- Hôm nay giỗ cha tôi. May mắn gặp được ông. Tôi có lỗi với ông nhiều lắm. Xin cúi đầu tạ lỗi, mong ông tha thứ cho. Được như vậy tôi xin đến thăm ông trước khi rời Sài gòn. Ông Cừ sau thoáng ngỡ ngàng, mặt đỏ lên rồi trở lại vẻ bình tĩnh điềm đạm và hiền hậu vốn có. Ông đứng vội lên đỡ anh Hân dậy:

- Đừng làm thế anh Hân.

- Chú Hà không biết chuyện của tôi và ông Cừ ngày trước ở quê, sau cái chết của cha tôi. Từ ngày ở trại cải tạo về đến giờ, tôi vẫn áy náy không yên. Mong ông xá tội cho. Anh Hân vái ông Cừ lần nữa rồi đi ra cửa. Tôi vội chạy theo nhưng anh đã lên xe ôm, Tôi gọi Tắc- xi mời ông Cừ lên xe và đưa ông về nhà. Từ dạo đi họp đồng hương Nam Hà ở trong này tôi mới biết ông và thi thoảng đến thăm, vậy mà chẳng bao giờ ông hé cho tôi biết tí gì về chuyện của ông với anh Hân, mặc dầu ông biết rất rõ tôi là em con chú với anh Hân. Trên xe, tôi hỏi chuyện của hai người ngày trước.

Ông Cừ kể : Tảng sáng hôm ấy, như mọi lần tôi mang giỏ đi một lượt quanh các bờ ao thu cá rô trong rọ lờ gài đặt dưới ao từ đêm hôm trước. Đang lúi húi mải mê mò rọ, tôi giật mình vì tiếng quát “Ê! Thằng kia”. Ngẩng lên, có ba tên lính chĩa súng vào mình. Bọn lính ập đến lúc nào tôi không hay biết.

- Lên ngay! - Một thằng trong bọn quát.

- Tôi đang thu rọ cá.

- Vất mẹ rọ cá của mày đi! Lên bờ ngay.

Tôi bước lên, vừa lúc ấy có ba tên lính khác từ trong ngõ đi ra trong đó có Hân. Hân gườm gườm nhìn tôi, hất hàm ra hiệu cho bọn lính. Chúng đá văng rọ cá trên tay tôi, trói nghiến tôi lại. Tôi vẫy vùng phản đối:

- Tại sao các ông bắt tôi?

- Mày là Việt Minh. Về đồn tha hồ nói.

Ba tên áp giải tôi lên sân đình. Ở đây có một tiểu đội đang đứng vây quanh anh Ấm. Ba tên giao tôi cho bọn chúng rồi tiếp tục vào xóm lùng sục. Bọn lính đứa ngồi, đứa đứng tay lăm lăm súng. Chúng đẩy tôi vào giữa sân ngồi cùng anh Ấm. Anh Ấm đưa mắt nhìn tôi. Trong ánh mắt của anh dường như muốn nói điều gì với tôi...

Anh Ấm quê dưới mạn Xuân Trường gần biển. Cha mẹ, anh em chết đói hết năm Ất Dậu. Anh về làng tôi làm tá điền cho nhà Tổng Nhương, Lý Bản rồi về ở hẳn làm con nuôi bà Đẩu góa bụa xóm Thượng. Anh hơn tôi 5 tuổi. Những lần cùng đi cắt cỏ, đánh cá, tát nước, đào ao, cầy cấy anh trò chuyện với đám thanh niên làng. Nhờ anh giảng giải lớp trẻ mới hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Tại sao trong làng này những Tổng Nhương, Lý Bản, Chánh Kình, Cai Hữu lại giầu có: Nhà ngói ngang dọc, tường cao cổng kín, ruộng tư điền chiếm gần hết cánh đồng. Cả làng lăn lưng cấy thuê, cấy rẻ nộp tô cho họ, đói rách vẫn hoàn đói rách. Nhất định bộ đội sẽ về diệt hết đồn tây, bốt ngụy giải phóng quê mình. Kháng chiến còn dài, còn nhiều gian khổ. Quê hương tạm thời trong tay kiểm soát của tụi Tây và bọn tay sai. Anh khuyên nhủ, động viên chúng tôi gia nhập lực lượng du kích chuẩn bị tiếp ứng phối hợp với bộ đội tiêu diệt chúng. Anh là Việt minh. Theo anh gia nhập lực lượng, tôi được anh giao nhiệm vụ theo dõi nhà Cai Hữu; anh cho biết Cai Hữu làm Việt gian rất nguy hiểm. Mấy cán bộ Việt minh trong xã do lão chỉ điểm đã bị bắt. Địch đang ráo riết khủng bố, chà xát càn quét hòng tiêu diệt phong trào, bình định vùng đồng bằng này.

Cai Hữu đi lại thất thường lúc ở nhà, lúc đi. Cả làng duy chỉ có lão có xe đạp Pháp mác Pơ-giô. Tôi ở cùng xóm Cai Hữu. Nhà tôi lẩn sâu trong ngõ, nhà Cai Hữu chễm chệ ngay mặt đường trung tâm làng. Nhà lão rộng bao la ao trước, ao sau; có tường xây bao cắm đặc mảnh thuỷ tinh, cổng gỗ lim đóng im ỉm đêm ngày. Chập tối, tôi đi thả rọ cá gặp lão xịch xe về. Tôi lập tức báo cho anh Ấm hay tin. Sáng hôm sau cả làng nháo nhác ầm lên tin Cai Hữu chết. Cai Hữu bị đâm chết tại nhà. Trên người thấy găm mảnh giấy "Bộ đội Ký Con xử tử tên Việt gian ".

Không hiểu bằng cách nào anh Ấm cùng các anh đột nhập vào xử được Cai Hữu.

Hân, con trai lớn của Cai Hữu đóng ở đồn Quy Phú giữ chức phó đồn. Đồn Quy Phú án ngữ trấn giữ đường 21 và bến đò sang đất Thái Bình. Hân về làm ma cha đem theo toán lính. Mai táng cha xong, Hân còn nấn ná nghe ngóng, dò hỏi tới nửa đêm mới đi. Sáng sớm Hân đem quân về im hơi lặng tiếng bắt người. Chắc Hân nghi tôi và anh Ấm giết cha. Hân nhỉnh hơn tôi vài tuổi, còn bé ở làng, hết tiểu học lên Nam Định học tiếp rồi đi lính. Lính từ các ngả đổ về sân đình giải hơn chục người nữa. Chúng dồn chúng tôi một hàng dong về đồn. Anh Ấm nói phía sau vừa đủ để tôi nghe: "Cừ ơi! hãy ráng chịu đòn, nhất định chúng sẽ tra tấn. Đừng nhận, đừng khai gì Cừ nhé. Anh tin em" .

Đến đồn, tên đồn trưởng đứng ở cổng nghênh tiếp chúng tôi mỗi người một cái tát hoa mắt và một quả đấm móc sườn đau điếng. Đồn trưởng có biệt danh Bê Hắc. Tên thật nó là Bê, hắn đen thui giống như bọn tây đen đánh thuê nên có thêm tên Hắc và nó “hắc” thật. Bê Hắc nổi tiếng ác ôn. Làng tôi mấy người bị nó đánh kinh hãi kể lại. Lần lượt từng người bị hai lính gồng vai đẩy vào tra tấn. Huỳnh huỵch tiếng đấm đá, kêu rên vọng ra. Tôi bị đẩy vào phòng. Bê Hắc ngồi duỗi chân ngã trên thành ghế, có lẽ hắn đánh nhiều nên mệt. Hân đứng bên cạnh, ghé tai một thằng cao to lừng lững. Hắn xô ra yểm tới tấp giày đinh vào hông, vào bụng, vào sườn; tôi khuỵu xuống. Hắn quát:

- Mày là Cừ phải không?

- Vâng

- Mày giết cụ cai như thế nào?

- Tôi ... tôi không giết cụ cai ...

- Vậy ai?

- Tôi... không biết... tôi là dân.

Tên hộ pháp táng mấy gậy gỗ vào lưng, đòn cuối trúng vai, tôi gục xuống sàn nhà. Lúc sau hắn dựng tôi dậy, Hân bước tới nói giọng rắn rỏi, cay cú:

- Anh Cừ! Anh muốn sống hãy khai ra. Anh cùng mấy đứa nữa giết cha tôi. Đừng hòng che mắt tôi. Em gái tôi ra mở cửa cho cha tối ấy thấy anh ở ngoài đường. Biết cha tao về, đêm ấy tụi bay...

Hân sầm sầm xô tới đạp đế giầy đinh vào mặt, tôi lộn ngửa trên sàn. Hắn gầm lên:

- Tao sẽ giết sạch tụi Việt minh, rửa thù cho cha tao!

Đau điếng khắp người, tôi phều phào nói để Hân hiểu:

- Cụ Cai về... tối ấy... nhiều người gặp. Tối nào tôi cũng đi thả rọ cá... tôi có biết gì đâu.

Bê Hắc ra lệnh:

- Tống nó xuống buồng giam, để tao tính.

Tôi nằm bất động dưới buồng giam, lúc chúng mang vào chậu nước và rá cơm mỗi người một nắm mới tỉnh lại.

Sáng ra. Đầu óc tỉnh táo hơn, toàn thân vẫn còn nhức nhối, ê ẩm đau. Chúng lùa chúng tôi ra hồ sau đồn, ngồi xếp hàng quay mặt vào hồ. Bê Hắc và hộ pháp cởi trần, bận quần soóc từ trong đồn ra. Bê Hắc chỉ tôi, hất hàm cho hộ pháp và tụi lính. Lập tức tụi lính kéo tôi và anh Ấm đứng lên đẩy giúi xuống hồ. Bê Hắc nhảy xuống đạp anh Ấm vừa ngoi lên. Hộ pháp túm tóc tôi giúi xuống nước, xô tôi ngã chìm, hắn ngồi lên lưng, tay bị trói, tôi dùng chân đạp nước. Sặc nước và nghẹt tưởng chừng tắt thở. Hắn chuỗi khỏi lưng, dựng đầu tôi lên khỏi mặt nước. Mồm mũi xì nước, tôi hớp vội không khí. Hộ pháp sằng sặc cười - "Đi tầu ngầm sướng không, Việt minh? Có khai không?". Tôi lắc đầu - "Không khai, này !". Hắn thúc đầu gối vào lưng, tôi đổ nằm trong nước, kẹp người tôi vào háng, đè cổ nắm gáy dìm đầu tôi. Không biết bị chúng dìm bao nhiêu lâu, khi nghe tiếng cười - "Đi tầu ngầm giỏi lắm" - Tôi không hay biết gì nữa.

Tỉnh lại. Buồng giam chật ních người. Thằng Hân cùng thuộc hạ lùng ráp bắt hơn hai chục người nữa phần lớn là trung niên và trai tráng tuổi tôi. Có tiếng ô-tô rú ga ngoài cổng đồn. Lính mở khoá buồng giam. Bê Hắc, Hân, Hộ pháp cùng thằng Tây đứng ngoài cửa. Chúng gọi tên từng người ra sân, cả thẩy 15 người, trong đó có tôi, anh Ấm và 3 người nữa cùng ở làng Đô. Chúng lùa lên xe cam - nhông, chạy thốc về nhà tù Máy Chai, Nam Định.

Năm tháng ở nhà lao bê-tông có cánh cửa sắt, trong vòng tường cao bên trên căng dây thép tích điện cùng lô cốt, bốt canh tôi đã giác ngộ cách mạng. Được anh Ấm và các đồng chí giúp đỡ, tôi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chi bộ chỉ đạo anh em tù vùng dậy nội công cùng ngoại kích của bộ đội tiến vào giải phóng nhà tù, giải phóng Nam Định.

Kháng chiến thắng lợi, hoà bình lập lại được anh Ấm dìu dắt, tôi gia nhập lực lượng công an...

Xe đến nhà. Ông Cừ mời tôi vào. Rót ly nước mát cho tôi, ông lấy giấy bút, viết thư. Ông đưa cho tôi bì thư:

- Nhờ chú chuyển thư này cho anh Hân giùm tôi.

Nhận thư, tôi lên xe đến thẳng khách sạn nơi anh Hân nghỉ. Anh Hân đang nằm trên giường nệm đốt thuốc, choàng dậy. Đọc thư ông Cừ, tôi thấy mặt mũi anh như hồng hào, đầy đặn lên:

- Sau cái chết của bác, tôi nghi ông Cừ tham gia giết ông cụ. Tôi căm lắm, bắt, tra tấn ông Cừ.

- Chuyện ấy, em vừa được nghe ông Cừ kể.

- Còn chuyện này chú chưa biết: Khi nhập trại cải tạo, tôi nhận ra người chỉ huy trại chính là ông Cừ. Những khi tập trung học tập, nghe ông ấy giảng, tôi thường ngồi lẩn phía dưới. Nơm nớp lo lắng đêm ngày, tự hỏi không hiểu ông có nhận ra mình không. Rồi đột nhiên một hôm tôi được báo lên gặp chỉ huy trại. Lạnh toát người, đinh ninh sẽ bị ông ấy trả thù. Tôi định thần chấp nhận tra tấn, chấp nhận cái chết, biết làm thế nào được, âu cũng là định mệnh nhưng - chú biết không, ở phòng làm việc chỉ có ông và tôi. Sau một hồi nhìn tôi, ông hỏi: “Anh là Hân, Nguyễn Văn Hân, con ông Nguyễn Văn Hữu quê quán làng Đô, xã Nam Yên, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đúng không?”. Tôi run bắn người, tim nhảy thình thịch, cúi gằm xuống lí nhí: “Dạ... thưa... thưa ông... đúng ạ". Lạ lùng thay, ông Cừ không hề xưng danh, không nói gì về mình, không tra hỏi xem tôi có nhận ra ông không, không nhắc gì về quá khứ ở quê. Thật bất ngờ, ông hỏi thăm vợ con làm gì, sinh sống ra sao. Ông khuyên tôi phải cải tà quỳ chính, nỗ lực lao động, học tập cải huấn tiến bộ, chắc chắn sẽ được khoan hồng. Sau lần gặp ấy tôi vẫn lo lắng, khiếp sợ sự trả thù của ông, thấp thỏm như cá nằm trên thớt; lúc ấy tôi nghĩ có lẽ ông Cừ chưa ra tay trị mình đấy thôi. Thời gian dần trôi, nỗi lo sợ như đám mây đen trùm kín tâm tư dần phai nhạt, tan biến. Hơn 3 năm ông Cừ chỉ huy trại, tôi không bị trừng phạt. Về sau được biết ông chuyển công tác khác, chức chỉ huy trại người khác thay. Đi cải tạo 6 năm 7 tháng, suốt thời gian ấy và khi được về sang sống bên Mỹ, tôi luôn nghĩ về ông. Từ lo sợ bị trả thù chuyển sang lòng khâm phục, kính trọng. Càng nghĩ càng thấy ân hận, nhức nhối về tội lỗi của mình...

Anh Hân châm mồi thuốc, rít một hơi dài nuốt khói:

- Vậy là ông Cừ đã tha lỗi cho tôi. Ông cho phép đến nhà. Thư ông đây, chú xem đi. Chờ tôi đọc xong thư, anh Hân khoan thai:

- Sớm mai chú đưa tôi đến thăm nhà ông Cừ. Tôi sẽ mời ông, mời cả chú cùng về quê ngoài Bắc. Lộ phí tôi xin lo liệu. Đằng đẵng bao nhiêu năm mới có dịp nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi sinh thành... tôi thèm khát được thấy lại làng quê mình, gặp lại bà con cô bác, được thắp nén nhang nơi yên nghỉ của người cha tội nghiệp, xấu số!...

Tôi hẹn anh Hân sáng mai sẽ đến đưa anh đi. Đêm đã khuya. Tôi ra về lòng nhẹ bổng, chợt nhận ra ánh đèn trên các ngả phố đêm nay sao mà sáng mà lung linh đến vậy.

 
  NGUYỄN KHIÊM