Vẽ chân dung nhà thơ Hoàng Trần Cương

22.06.2011

Vẽ chân dung nhà thơ Hoàng Trần Cương

Nhà thơ Hoàng Trần Cương là một trong những chân dung khó vẽ nhất, tôi đã phải “đánh vật” suốt mấy tuần lễ của mùa hè năm 2005 mới hoàn thành bức sơn dầu trên toan, khổ chỉ rộng (0,20 x 0,20)cm. Người đàn ông, rất đàn ông có đôi lông mày “Đại đao”, gương mặt thô ráp, nhiều đặc tính để có thể vẽ giống anh – nhà thơ Hoàng Trần Cương. Nhưng vẽ cái hồn cốt, cái đớn đau tình đời, cái ngây dại, ngơ ngác của nhà thơ Hoàng Trần Cương thì không phải dễ. Nhất là phải “mông” lên một chút cho dễ nhìn nhưng nếu hơi quá tay “son phấn” cũng sẽ không còn giống nhân vật nữa. Thật may mắn là tôi đã vẽ như gần tới được cái hồn cốt bên trong của Hoàng Trần Cương.

“Đầu Hạ” là tên của bữa rượu mà Hoàng Trần Cương mời mấy anh em “chiến hữu” đến quán rượu của một phụ nữ đẹp trên Phố Vũ Ngọc Phan, mở chai rượu Chi-Vát12 để cùng ngắm bức chân dung Hoàng Trần Cương mà Ba Tỉnh vẽ tặng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nhời bình như sau: “Người trong tranh là nhà thơ Hoàng Trần Cương thật. Còn người ngoài tranh là Hòang Trần Cương giả”. Mọi người cạn ly rượu “Mật ba ba” để chúc mừng Hoàng Trần Cương và cùng tâm đắc với nhận xét rất ấn tượng của anh Nguyễn Trọng Tạo.

Tới dự cuộc vui còn có các nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Thụy Kha, Châu Nho, Trần Ninh Hồ, DG.Đoàn Tử Huyến và TS. Quang Vinh, Việt kiều Mỹ…

Xin được phác vài nét về chân dung Hoàng Trần Cương. Anh sinh năm Mậu Tý (1949), chữ Hán viết 戊子 là kết hợp thứ 25 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, nó được kết hợp từ thiên can Mậu (Thổ dương) và địa chi Tý (chuột). Trong chu kỳ của lịch Trung Quốc, Mậu Tý xuất hiện trước Kỷ Sửu và sau Đinh Hợi.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương và Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh

Hoàng Trần Cương quê làng Đặng Lâm, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An, một làng nhỏ bên bờ con sông mà trong Trầm tích anh viết: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa - Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Tiếng khóc chào đời và khóc thương đời của Hoàng Trần Cương như được trộn lẫn phù sa của ba dòng nước Sông Lam, Sông Hồng và sông Cầu. Ba con sông ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ và làm nên tên tuổi Hoàng Trần Cương.

Tuổi trẻ, khi đang học đại học, anh đã ba lần viết đơn xin nhập ngũ, hai lần đầu, viết “huyết thư” đều không được chấp nhận. Nhưng lần thứ ba anh viết bằng bút mực xanh Cửu Long thì thành công. Chàng sinh viên Hoàng Trần Cương “xếp bút nghiên ra trận”, rời ghế giảng đường đại học, lao lên chiếc ghế sắt của pháo cao xạ để tham gia nhiều trận “đất đối không” vô cùng ác liệt với giặc Mỹ để bảo vệ vùng trời Thủ đô. Cuối năm 1970, anh có mặt trong đoàn quân chi viện cho mặt trận Nam Lào, một chiến dịch lớn trong lịch sử quân đội ta…

Hòa bình lập lại, Hoàng Trần Cương được xuất ngũ, đi học tiếp rồi làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Năm 1993, anh được mời về đầu quân cho tờ Thời báo Tài chính Việt Nam. Từ một nhà báo có cá tính, anh đã trở thành Tổng Biên tập của tờ báo này. Nhưng mọi người biết đến và yêu mến anh trước hết là một nhà thơ độc đáo và ấn tượng với những tác phẩm đã in: Đường chân trời; Trầm tích: Trường ca/Hoàng Trần Cương - Nxb. Hội Nhà văn, 1999; Dấu vết tháng ngày: Thơ/Hoàng Trần Cương - Nxb. Hội nhà văn, 1992 và Quà tặng hành tinh: Thơ/Hoàng Trần Cương - Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

Trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000, là “Trường ca hay nhất kể từ sau đổi mới” như lời thi sĩ Hoàng Cầm nhận xét. Trong trường ca Trầm tích, mặc dù không nói trực diện, nhưng xuyên suốt tác phẩm là bóng dáng của chiến tranh, nó được nấp sau những nỗi đau khác...Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Anh và được quảng bá ở Pháp.

Miền Trung, vùng đất "phên dậu" của Tổ quốc, đã phả vào thơ của Hoàng Trần Cương một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo. Trong cái nắng gió, đói nghèo của miền Trung chỉ có hai chữ đói nghèo là thay đổi, còn phong thổ là thứ được lưu giữ vĩnh viễn trong tâm hồn thì mãi mãi không thay đổi, đã ám vào hồn cốt các cư dân miền Trung, trong đó có Hoàng Trần Cương, những dấu ấn tuổi thơ và được đắp bồi thêm bởi những năm tháng sau này đã tạo nên tính cách thơ của anh.

Vẽ chân dung Hoàng Trần Cương là biểu hiện tình cảm yêu mến của tôi dành riêng cho anh - Một con người nghị lực can trường với những khúc tráng thi để đời.

Đ.Q.T