Sách và khát vọng sống

22.06.2011

Sách và khát vọng sống

Nguyễn Thị Anh Đào

Ở tuổi ông Tuấn bây giờ, thời gian vô cùng quý giá vì cứ mỗi ngày thức dậy, ông lại kiểm tra xem khối kiến thức mình đọc được từ sách sẽ được dùng vào việc gì để giúp ích cho đời. Bộ sưu tập với gần 30 nghìn cuốn sách của ông hơn ba chục năm qua đã minh chứng một điều, rằng, sống, hãy biết bước lên. Dù bước chân đó khó khăn đến bao nhiêu thì cũng phải một lần chiến thắng…

Sống là biết vượt qua chính mình

Đón tôi trong căn phòng đầu tiên dưới tầng một ngôi nhà trên đường Lý Nhân Tông, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), người đàn ông cụt hai chân đang ngồi giữa ngổn ngang sách và sách. Ông chào khách bằng một nụ cười rất tươi, mời tôi ngồi rồi vào đề ngay “Giờ chị muốn viết gì về tôi nào, cả cuộc đời này, tôi chỉ có sách thôi. Vì sách là linh hồn của tôi rồi”. Đó là ông Trần Phước Tuấn, 65 tuổi - người đã cho tôi biết thêm rằng, đằng sau mỗi số phận, bao giờ cũng có những ký ức, dù ký ức đó mang màu hồng hay vẩn đục màu đen thì bản thân người trong cuộc phải bước lên, tìm cho mình một chỗ dựa để sống. Và phải biết sống mạnh mẽ với đời.

Câu chuyện mê sách của ông Tuấn bắt đầu vào phút giây ông tưởng như đã rời bỏ cuộc đời vì dẫm phải mìn và bị thương, sau đó phải cưa cụt hai chân. Khi nhìn thấy đôi chân mình bị mìn “nghiến” sạch, ông đã có ý định tự tử. Trong lúc tuyệt vọng đó, thì sách lại là chiếc phao cứu cánh cho ông. Ông đã quyết sống để sau này khi khỏe lại, ông ước mơ làm một “thủ thư” trong trường học nào đó, hoặc tự gầy dựng một thư viện sách tư nhân có thể phục vụ cho nhu cầu đọc sách của nhiều người. Khi đi đến tận cùng của số phận mới cảm nhận hết được ý nghĩa của cuộc sống, và phải cố gắng sống, ông Tuấn đã hình dung về cuộc sống sau này của một người tàn tật như ông, sẽ đi nạng, sẽ ngồi xe lăn, sẽ làm những việc có ích cho đời. Từ đó, với niềm đam mê đọc sách thời thơ bé của mình và kế thừa kho sách của gia đình, ông Tuấn đã vượt qua nỗi đau thể xác và mặc cảm bản thân. Ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Hán ở Sài Gòn, vừa học vừa sưu tầm sách. Cũng từ đó, niềm đam mê đọc sách của ông lớn dần theo năm tháng và vốn ngoại ngữ của ông cũng rất vững, đặc biệt là chữ Hán. “Kiến thức ngoại ngữ đủ để tôi tiếp cận được với ngôn ngữ gốc của một cuốn sách nước ngoài. Từ đó, đọc lại bản dịch ra tiếng Việt mới thấy được sự đa dạng, phong phú của các loại ngôn ngữ khác nhau”. Ông Tuấn chia sẻ.

Mặc dù đi lại rất khó khăn, nhưng ông Tuấn vẫn thao tác thoăn thoắt mọi thứ, từ đi lại, đến quét dọn lau chùi, bao bọc từng cuốn sách. Ông vẫn dành hàng giờ vào mạng, để đọc, cập nhật tin tức và để “săn” sách mới, sách hay vừa xuất bản. Khi dẫn tôi đi thăm kho sách của mình trên tầng hai, ông Tuấn yêu cầu “Không được cầm bất cứ cuốn sách nào ra khỏi kệ!”. Vừa giới thiệu cho tôi những cuốn sách quý xuất bản trước năm 1975 đang được sắp thẳng đều trên giá, ông Tuấn vừa kể về những cuộc phiêu lưu sách của mình. Tốt nghiệp đại học, về quê đi dạy thêm, dạy kèm để kiếm sống nhưng khó khăn quá, nên ông đã nghĩ đến việc mở một quán sửa xe đạp, để có thời gian nuôi đam mê sách. Ở Đà Nẵng ngày đó, quán sửa xe đạp “Tuấn cụt” rất nổi tiếng. Ông vừa học nghề, làm nghề và dạy cho các học trò cách kiếm sống. Vốn kiến thức của ông có được từ sách đã được truyền lại cho nhiều thế hệ học trò học nghề ở quán ông. Hồi đó nhà ông ở cũng là nơi đặt quán, bên trước là sửa xe, bên sau là “thư quán” của ông với câu khẩu lệnh viết ở cửa “giới hạn cuối cùng”. Hơn 30 năm làm nghề sửa xe đạp, xe máy, số tiền kiếm được ông đều dồn hết cho niềm đam mê sách của mình. Ông tâm sự, năm 2009, khi nhà ông nằm trong dự án quy hoạch phải giải tỏa và được phân lại đất, ông đã xây dựng ngôi nhà này và thực hiện mơ ước đầu tiên làm một phòng sách để tiện nghiên cứu và đọc. Nhưng giờ đây, căn phòng ông thiết kế để làm phòng đọc sách hồi đó đã chất đầy sách. Ông đã “nhượng” hết không gian sống cho sách và ngủ với sách ngay trong phòng sách dưới nhà. Cả ngàn cuốn sách kê chật các kệ lớn nhỏ, chất vào từng thùng, từng rương dưới hàng lang, trên lối đi, và nhiều sách không có chỗ để nên ông phải đóng gói và gửi ở nhà người thân. Ông mê sách và muốn có được nhiều sách ở tất cả các thể loại từ toán học, văn học, triết học, kinh tế, chính trị, tự điển đến truyện trinh thám, truyện tranh, tiểu thuyết, đạo Phật, sách về phong thủy… Ông nói rằng, mỗi thể loại sách là một thế giới riêng, tôi học mỗi cuốn một chút, và làm đầy thêm cho kiến thức bé nhỏ của bản thân. Là người cầu toàn, lại khắt khe “cái gì cũng ưng đủ bộ” nên niềm đam mê sách cứ thế nhân lên bội phần.

Trong số sách đó, nhiều cuốn quý, hiếm vì không mua được nên ông mượn thư viện, bạn bè để phô-tô và cất giữ. Ông nói mình giàu lên nhờ sách, không phải giàu tiền bạc mà giàu tri thức, giàu bạn bè. Tôi tìm thấy trên kệ sách của ông nhiều bộ sách rất quý, ví dụ bộ sách về Truyện Kiều của Nguyễn Du, sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tuyển tập lịch sử Việt Nam qua các triều đại, Đại Việt thư ký toàn thư; Tập Kinh Thi (in bằng giấy gió); Exodus -Về miền đất hứa của Leon Uris (Thế Uyên dịch); Bố già, Luật im lặng, Đất khách quê người, Những kẻ điên rồ phải chết của tác giả Mario Puzo…và rất nhiều đầu sách mới xuất bản trong thời gian gần đây. Là người nặng lòng với sách, nên ông thường tự vấn lòng mình. Sách cũng như người, sách mang trí thức đến cho người thì sách cũng có số phận, có linh hồn. Qúy giá trị cuốn sách cũng chính là quý bản thân cuốn sách. Mỗi cuốn sách trên giá sách của ông, dù đã xuất bản cách đây vài chục năm đến cuốn vừa xuất bản còn thơm mùi giấy mới, tất cả đều được ông đóng bao bóng cẩn thận và đóng dấu triện vào đó. Ông có cách đọc sách cũng khác người, vì không bao giờ gạch bút vào sách, không gấp sách, mà đọc đến đâu, khi ngừng đọc ông lại dùng cuốn sổ nhỏ ghi lại nội dung, số trang, để khi rỗi thời gian thì kiểm tra lại và đọc tiếp. Còn nếu ai mượn sách, ông buộc phải trao đổi sách với sách hoặc “cược” lại số tiền bằng giá bìa cuốn sách đó, sau khi người mượn trả sách thì ông sẽ trả lại tiền. Khi gặp những lời hay, ý đẹp trong sách, ông lại gõ vào vi tính hoặc ghi lại trên giấy để…mang tặng bạn bè mỗi khi có dịp hàn huyên về sách.

Sách nhân lên khát vọng sống

Cũng vì hoàn cảnh nên vợ chồng ông không có con. Hiểu và chia sẻ với đam mê của chồng, vợ ông vẫn hay về phố, tìm mua tặng ông những cuốn sách hay. Bà nói rằng, hạnh phúc của chồng cũng là động lực của mình, để cả hai đều hướng về phía trước. Quay lại thăm ông lần thứ hai, tôi có dịp được ngồi trò chuyện với những người bạn chơi thân với ông vì sách. Ông Nguyễn Quang Trí, “bạn sách” của ông Tuấn nhiều năm qua, tâm sự “Tôi gặp anh Tuấn rất tình cờ. Qua câu chuyện về sách, hai anh em tụi tôi mến nhau rồi chơi thân hồi nào không hay. Chúng tôi có một giao kèo, là kiến thức từ sách phải được hoán đổi, ví dụ khi anh Tuấn có bộ sách mới thì tôi cũng tìm một bộ mới khác, hai em anh đọc hoán đổi cho nhau. Tìm kiến thức, tìm hơi thở cuộc sống từ sách rất thú vị, sách làm cho cuộc sống bớt xơ cứng hơn và con người sống với nhau nhân hậu hơn”.

Thời gian không chờ đợi ai, ở tuổi ông Tuấn bây giờ, ngoài nỗi lo về người “hương khói” cho mình khi qua đời cũng ngang bằng với nỗi lo không có người kế nghiệp “thư viện sách” này. Niềm hy vọng của ông bây giờ đặt vào em Nguyễn Thị Phương An, học sinh lớp 11, Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng. An là cháu bên ngoại vợ ông, sống với vợ chồng ông từ nhỏ. Hàng ngày, ngoài giờ học, cháu An lại tự mình lục tìm những cuốn sách mình thích để đọc. Gặp An khi em đang rất vui vì bộ sách được bố Tuấn tặng - Trọn bộ sách 12 cuốn Dạy con làm giàu của Robert T.Kiyosaki - Sharon L.Lechter. An nói rằng, đam mê của An là thiết kế xây dựng và kinh doanh. Và cuốn An thích nhất trong thư viện sách của gia đình là cuốn Tâm hồn cao thượng. Đó là cuốn sách ông Tuấn đã dạy An đọc khi em vào lớp 1. Hiện ông Tuấn đang tự thiết kế giá sách để hoàn tất thư viện sách của mình, và ông cũng mong rằng đây sẽ là địa chỉ đọc sách tin cậy phục vụ nhiều người có chung niềm đam mê như ông.

Trong cuộc sống này, sách sẽ cảm hóa được con người, hướng con người về cái Thiện. Nhà ông Tuấn bây giờ khách ra vào liên tục. Hỏi thì mới biết ông là người rành phong thủy, tiếng lành đồn xa nên nhiều người lại tìm ông để xem hướng nhà, xem ngày hiếu hỉ. Những kiến thức có được từ sách đã được ông dùng vào việc giúp đời, giúp người như thế. Và khách “trả công” ông Tuấn không phải bằng tiền mà bằng quà, đó là ít hoa quả, bánh kẹo. Ông Tuấn là người ăn chay trường từ khi trở về cuộc sống đời thường. Ông nói, sống thanh thản để tận hưởng những giá trị từ sách và nâng niu từng ngày giờ mình đang sống.

N.T.A.Đ