Đôi điều về tác phẩm "Mẹ Âu Cơ"

22.06.2011

Đôi điều về tác phẩm

Nguyễn Đình An

"Một nhà quy hoạch đô thị cho rằng: Việc dựng được tác phẩm hiện đại “Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành ở Đà Nẵng là một ngoại lệ hiếm hoi và đáng quý. Làm sao nghệ thuật không có đất đứng, đất sống trong môi trường đô thị hóa ào ạt trong khi nó là phương tiện hữu hiệu nhất để “văn hóa hóa” thì môi trường đô thị hiện nay đang được chính trị hóa và thương mại hóa"". Đây là nhận xét của nhà phê bình nghệ thuật có uy tín Nguyễn Quân (Báo Lao động chủ nhật số 35 ngày 10-12/9/2010).

Tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành dựng tại công viên Biển Đông, Đà Nẵng

Nhận xét này có thể làm tăng thêm mối quan tâm (và những ý kiến khác nhau) về tác phẩm điêu khắc “Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành được dựng lên giữa năm 2007 ở vị trí rất đẹp, nơi đường Phạm Văn Đồng gặp đường Hoàng Sa, địa điểm vừa được đặt tên Công viên Biển Đông.

Là người quen biết và được cộng tác với Lê Công Thành một thời gian, tôi xin mạo muội viết ra đây đôi điều suy nghĩ, một vài kỷ niệm vui mong muốn bạn đọc chia sẻ, thông cảm. Giữa những năm 80 (thế kỷ trước) lúc còn làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng tượng đài chiến thắng Núi Thành.

Tôi không mấy hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc, càng không quen biết giới điêu khắc gia. Tôi có đem chuyện này trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc (người bạn thời chiến trường). Anh giới thiệu Lê Công Thành. Theo anh Nguyên Ngọc, Lê Công Thành là người Đà Nẵng gốc, được đào tạo có bài bản, người có thực tài, có cá tính, có nhân cách. Tôi liên hệ với Lê Công Thành và anh nhận lời ngay. Chúng tôi mau chóng trở nên thân thiết.

Tôi nhớ hoài mỗi lần đi cùng Lê Công Thành, ngang ngã tư đường Trần Phú –Trần Quốc Toản, anh lại chỉ vào ngôi nhà ở góc phố này (phía Nhà thờ Chánh Tòa) nói với tôi “Đây là nơi tôi sinh ra”.

Chúng tôi tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực địa nơi diễn ra trận đánh và vùng phụ cận, có cả những nhân chứng từng tham gia trận đánh này cùng đi, kể lại. Chúng tôi cũng có nhiều cuộc tọa đàm trao đổi về trận đánh, với các bản đồ và sơ đồ như ngày nào ở cơ quan tham mưu nghe cán bộ tác chiến báo cáo chiến lệ. Anh Hoàng Minh Thắng, Bí thư Tỉnh ủy – người chỉ huy lực lượng vũ trang Quảng Nam hồi Núi Thành rất quan tâm công việc của chúng tôi, cùng dự nhiều hoạt động và luôn dặn tôi có gì khó khăn thì báo cáo trực tiếp với anh.

Qua làm việc với Lê Công Thành, tôi thấy anh là người ít nói, lặng lẽ lắng nghe, một người có trách nhiệm cao và rất say sưa với công việc. Anh không hề đòi hỏi, chẳng thấy anh phiền trách gì chuyện tiền bạc. Mỗi lần từ Hà Nội vào anh chỉ ghé khách sạn chốc lát (nơi có một phòng dành riêng cho anh) rồi vào ngay công trường không có xe của Sở hay của bên thi công, anh tự tìm cách đi, dù đi kiểu ấy rất vất vả, nhọc nhằn.

Thời bao cấp ấy, quả là có vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Công ty hợp doanh xây lắp của anh Phạm Minh Thông được giao nhiệm vụ thi công. Một đội công tác do kỹ sư Thọ phụ trách lo mọi việc. Các anh chị làm việc không quản ngày đêm, hình như không phải là do trúng thầu mà là được giao phó một nhiệm vụ chính trị, một công việc thiêng liêng, tất cả phấn đấu đảm bảo tiến độ. Anh Thành có vẻ hài lòng khi cộng tác với các đồng chí bên xây dựng.

Tượng đài được khánh thành đúng ngày 26/6/1985 – kỷ niệm 20 năm chiến thắng Núi Thành, một buổi lễ thật trang trọng.

Hôm ấy trong đông đảo người dự lễ, tôi nghĩ có hai người vui nhất:

Đó là Lê Công Thành. Anh vẫn ăn mặc xuềnh xoàng, ít nói cười, gương mặt vẫn xương xẩu khắc khổ, khi mọi người bắt tay chúc mừng tác giả, mắt anh như ánh lên một chút vui vẻ, một lời cám ơn.

Người thứ hai là anh Năm, người đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy trận đánh năm xưa, anh đã cùng chúng tôi đi suốt cuộc hành trình xây dựng tượng đài. Chính anh là nguyên mẫu của hình ảnh người chiến sĩ giải phóng mà Lê Công Thành đã thể hiện, phần được xem như là điểm nhấn của tác phẩm. Anh Năm đi lại, cười nói rộn rã, như trận đánh mới xảy ra hôm qua, anh trở về trong vòng tay đồng bào. Anh Hoàng Minh Thắng nói với tôi “Cha này mạng lớn lắm, chẳng hiểu sao, qua bao trận dữ ác, đạn bom đều tránh lão. Vậy mà bây giờ lão lại nói nếu lão chết hãy chôn lão ở chân tượng Núi Thành, để lão bảo vệ tượng đài chiến thắng này”.

Sau ngày 26/5 ấy, anh Thành về Hà Nội, chúng tôi mỗi người một việc ít liên lạc với nhau.

Tôi biết một thời gian sau lễ khánh thành, anh đã làm được một việc mà từ lâu anh thấy chưa làm xong, anh như còn mắc nợ. Đó là lên Kon Tum tìm và đưa về hài cốt người em gái của mình, một liệt sĩ hy sinh ở độ hoa niên, hồi kháng chiến chống Pháp.

Rồi chỉ sau đó ít lâu, anh vào Đà Nẵng, một mình đi tới Núi Thành kiểm tra công trình (dù với anh mọi việc ở tượng đài như đã hoàn thành), chẳng may khi trèo lên cao (khoảng 30m) anh trượt chân ngã xuống, bất tỉnh nhân sự, người ta chở anh về Đà Nẵng và ông cậu anh chữa chạy cho anh, theo cách của ông.

Anh không cho ai báo với chúng tôi tin này. Chúng tôi được biết từ sau tai họa hiểm nghèo đó, anh đã thay đổi hoàn toàn. Anh như một người ở ẩn, ở ẩn nhưng vẫn sáng tác. Anh thôi làm những tác phẩm ca ngợi chiến công, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng.

Anh chuyển sang sáng tạo những bộ phận nhạy cảm của người nữ, tất cả đều tinh khôi, sung mãn đầy sức trẻ. Một số tờ báo gọi đó là anh nặn "Bống".

Anh vẫn rất kiệm lời, nhưng đôi khi dốc hết những tâm tư, những ý tưởng của mình mà lại bảo đây là tiếng nói của một thế lực siêu nhiên, xa lạ nào đó mượn anh, thông qua anh.

Giữa những năm 90, anh trở lại Đà Nẵng, lúc này Đà Nẵng đang xây dựng cụm đài tưởng niệm ở đường 2/9. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chủ trì công trình này.

Trong thâm tâm tôi rất lo, với cách nói của anh nếu anh phản bác công trình này, thì sẽ rách việc, nhưng không thể không tham khảo ý kiến anh – một nhà điêu khắc nổi tiếng, người con của quê hương.

Tôi và Hải Học đưa anh đi xem công trình đang khẩn trương thi công. Đường 2/9 mới mở, cảnh tượng đang còn hoang sơ. Đứng lặng một hồi lâu, anh chậm rãi nói “Đất này, phải được dùng vào việc này, không có chỗ nào tốt hơn”. Tôi mừng hết lớn. Xin nói thêm đôi điều về Phạm Văn Hạng. Anh là một người được đào tạo ở Sài Gòn. Năm 1970, anh đã nổi tiếng với tác phẩm "Chứng tích", được ghép bằng xương thịt, phủ tạng của những nạn nhân hy sinh trong chiến tranh cùng với những đoạn dây kẽm gai, mảnh bom đạn. Bức tranh này Phạm Văn Hạng làm ở Quảng Trị (có xử lý hóa chất đảm bảo vệ sinh) được đem vào Sài Gòn trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Hội Hồng thập tự, dự kiến Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Sài Gòn sẽ đến cắt băng khai mạc. Nhưng trước giờ đó, bức tranh vốn được che kín bằng tấm vải đen đã bị đem đi, Thiệu cũng không đến, đông đảo người có mặt ở triển lãm đã náo động còn Phạm Văn Hạng thì khóc.

Khoảng năm 1980, Báo Tuổi trẻ có đưa tin Phạm Văn Hạng đã làm một phác thảo về Nguyễn Trãi, chưa biết đặt ở đâu.

Có được những thông tin ấy, tôi viết một bức thư mời anh vào dịp nào thuận lợi, về thăm quê hương và mong anh có đóng góp nghệ thuật cho Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ít lâu sau, tôi nhận được hồi âm, anh rất xúc động, ứa nước mắt khi nhận được thư của tôi, anh không ngờ một đứa con lưu lạc mà lại được quê hương quan tâm như thế. Anh nói nhất định một ngày nào đó anh sẽ về.

Năm 1983, anh về Đà Nẵng cùng nhà văn Vũ Hạnh. Tôi đã có một đôi lần gặp anh Vũ Hạnh, anh em quen biết thông cảm. Anh Vũ Hạnh nói với tôi, “Hạng nó về, lần đầu nó ngại chưa làm được gì mà để cho Sở (Văn hóa), quê nhà đón tiếp rình rang, anh chàng này nom tướng tá thế chứ dễ xúc động lắm”. Biết vậy tôi gặp anh Hạng, nói ngay “Anh về với quê hương thế này là quý, còn làm được gì là chuyện tính sau. Khi nào anh thấy chín, thấy hứng thì làm, không sợ muộn”.

Anh yên tâm và phấn khởi. Lúc này, tỉnh đang dồn sức đầu tư cho tượng đài Núi Thành, tất cả đang lo chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng 29/3/1985, chưa thể hứa hẹn gì với anh. Tôi chợt nảy ra một ý kiến và bàn với anh PhanVăn Nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (lúc này thuộc tỉnh) tạo điều kiện cho anh Hạng làm tượng, anh Nghệ rất rất tán thành. Các anh ở Thành ủy gợi ý, có thể chọn một trong hai chủ đề tượng đài về các chiến sĩ tiểu đoàn 1 chiến đấu hy sinh trong trận xuân Mậu Thân, dựng ở khu vực Đò Xu và tượng đài về Mẹ Nhu dựng ở Thanh Khê nơi giao nhau giữa đường Điện Biên Phủ và Trần Cao Vân.

Anh Hạng tạc tượng Mẹ dũng sĩ.

Trong quá trình thực hiện hai công trình đó, một ở Đà Nẵng đầu tỉnh, một ở cuối tỉnh nhưng anh Thành và anh Hạng cũng thường gặp nhau. Thời gian này, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng hay ở Đà Nẵng với các chuyến điền dã khảo cổ, ông là bạn học hồi tiểu học với tôi, ông cũng thân quen cả với anh Hạng và anh Thành. Một hôm, chúng tôi ngồi uống cà phê cùng nhau, với lối nói bỗ bã ông Vượng nhận xét: “Ta thấy cậu chơi cũng được đấy, kéo được hai cha này đều là dân Đà Nẵng một Hà Nội, một Sài Gòn về đây làm việc, thế là tốt”. Cho đến bây giờ mỗi lần ra Đà Nẵng có công chuyện nếu biết có Lê Công Thành đang ở đây, thế nào Phạm Văn Hạng cũng tìm gặp.

Lê Công Thành không phải là dân nhậu, nên chỉ là những cuộc gặp uống cà phê, ăn điểm tâm, tôi biết là họ không nói nhiều với nhau, nhưng rất đồng cảm.

Sau khi có những ý kiến đậm chất phong thủy xanh rờn ấy, Lê Công Thành lại lặn đi. Tôi chỉ biết loáng thoáng anh vẫn sáng tác liên tục và vẫn là nặn “bống”.

Nhiều người nước ngoài tìm tới xem tác phẩm của anh, họ đánh giá cao và hỏi mua. Anh có bán với giá cao nhưng anh cũng sẵn sàng tặng cho những người yêu mến tượng của anh mà không đủ tiền. Và dần dần, anh có tham gia một vài cuộc triển lãm, song vẫn với phong cách ẩn dật.

Khoảng năm 2004-2006 (?), trong một chuyến vào Đà Nẵng, chúng tôi rủ anh đi dọc bờ biển. Đường Sơn Trà – Điện Ngọc và các đường chạy quanh bán đảo Sơn Trà chưa hoàn thành. Anh tỏ ra bức xúc vì thấy hầu hết dải đất ven biển đều đã được phân giao cho các resort, các khu du lịch. Anh nêu ý kiến, họ có thể làm những gì họ muốn nhưng phải quy định để người dân Đà Nẵng vẫn thấy biển, vẫn có quyền nhìn ngám biển của mình. Khi đứng ở bãi biển đầu đường Phạm Văn Đồng, anh lặng người đi. Anh kể với chúng tôi, đây là lần đầu tiên tới chốn này nhưng từ nhiều năm trước anh đã vẽ một bức sơn dầu với cảnh trí y hệt như cảnh trí ở đây hôm nay. Anh tỏ ra vui mừng vì từ chân bán đảo đến T20, may mắn thay người ta chưa đụng gì nhiều đến bãi biển. Anh bảo đây là huyệt đạo không phải của Đà Nẵng đâu mà là của đất nước.

Đầu năm 2007, anh dựng hai bức tượng trước biển, rất đẹp và rất có ấn tượng ở Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng). Hải Phòng có ý định giao cho anh cả một quả đồi rộng lớn để anh toàn quyền xây dựng một vườn tượng. Từ chối lời mời và sự giao phó đó, anh về với Đà Nẵng, quyết tâm dựng tượng Người mẹ và bọc trứng – Mẹ Âu Cơ ở thành phố quê hương.

Anh cho biết, bức tượng này anh sáng tác từ lâu, giữa những năm 80. Một số người có biết và khen ngợi. Một vài bạn nước ngoài có yêu cầu anh phóng lớn bằng đồng để đem về đặt ở Pháp, Ý. Nhưng anh tin rằng, có một sự linh báo huyền nhiệm anh chỉ có thể dựng bức tượng này ở Đà Nẵng quê anh. Hải Phòng cũng đã đề nghị anh đặt tượng này ở thành phố hoa phượng đỏ. Người ta còn đề nghị anh, đặt tượng này ở đất Tổ (Phú Thọ) và cả ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chuyến về quê đầu tháng 5/2007, lại một lần nữa anh đi dọc bờ biển và anh thấy nơi bãi biển – quảng trường đầu đường Phạm Văn Đồng như đã được tạo hóa sắp đặt cho anh dựng tượng Mẹ Âu Cơ. Anh xác quyết.

Ngay 8/5 anh gặp đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy và trình bày ý tưởng dâng hiến Mẹ Âu Cơ cho thành phố quê hương. Anh không đòi hỏi bất cứ một yêu cầu nào, chỉ yêu cầu thành phố mấy điểm: Đặt tượng ở đúng vị trí mà anh yêu cầu, không thay đổi, dù chỉ là một chút. Thành phố đảm bảo cảnh quan cho tác phẩm, trước hết là một mặt bằng. Việc trồng cây xanh, thiết kế ánh sáng... sẽ tính sau. Trên mặt bằng đó, thành phố cho xây dựng một bệ tượng hình hộp (kích thước do anh định) bằng bê tông, ốp đá hoa cương đen. Anh sẽ tự lo liệu việc tạo tác ra bức tượng, đúng đến ngày quy định, anh sẽ cho chở tác phẩm đặt lên bệ tượng. Nếu thành phố - cụ thể là đồng chí Bí thư Thành ủy không ưng thuận, anh sẽ cẩu đi, không đòi hỏi bất cứ một sự đền bù nào. Như thế là sẽ không có hội đồng nghệ thuật xét duyệt phác thảo, không có phê chuẩn thiết kế kỹ thuật, không có lễ khởi công, không có lễ khánh thành.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chấp nhận và giao cho các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thực hiện các yêu cầu của anh Thành.

Lê Công Thành về ngay Hà Nội rồi bươn bả đi Nghệ An tìm mua ba khối đá trắng đúng như kích cỡ cần thiết, cho chở vào một địa điểm ở Đà Nẵng. Tại đây, anh dựng lán trại che kín bốn phía và huy động (thuê) các nghệ nhân, thợ đá đục đẽo, bóc tách ngày đêm.

Trong quá trình thi công bệ tượng, anh em có phát hiện nền đất không ổn định, cần nghiên cứu xử lý và xin lùi thời gian. Anh Thành yêu cầu phải xử lý nhưng không được lùi thời gian, “vì đây là sự sắp đặt của thiên cơ”.

Tất cả mọi việc được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục: 45 ngày. Và đúng nửa đêm 30/6/2007, các khối đá trắng tinh khôi được đặt đúng vị trí. Mẹ Âu Cơ hiển hiện uy nghi bên biển Đông.

Trước đó, 18 giờ 30 ngày 30/6 một áng cầu vồng rực rỡ đã xuất hiện vắt ngang biển từ núi - bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn.

Sáng sớm 1/7, những người Đà Nẵng đi tắm biển, tập thể dục, những dân chài Thọ Quang, Mân Thái... hết sức ngỡ ngàng.

7 gia 30 sáng, Bí thư Thành ủy đến chứng kiến sự hoàn công. Bí thư Thành ủy bắt tay nhà điêu khắc, hai người đều im lặng.

Sáng hôm sau, 2/7/2007, anh Thành điện (và cho xe) đón tôi ra xem biểu tượng, anh nói: đây là người thứ hai anh mời dự “khánh thành” công trình này. Sau đó máy tháng, có lẽ thấy sự trống trải của không gian xung quanh bức tượng. Anh cho đặt hai hàng trụ đá trắng như hai đội tiêu binh ở hai bên bức tượng và anh lại gọi tôi đến xem sự bổ sung này.

Chuyện về tượng đài Mẹ Âu Cơ và tác giả của nó có thể còn dài, nhiều tập. Trên đây là đôi điều tôi được biết, xin ghi lại mong giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu tác phẩm nghệ thuật này, một tác phẩm góp phần làm chúng ta yêu mến hơn thành phố quê hương.

Tôi có hai điều tâm đắc:

Quá trình sáng tạo Mẹ Âu Cơ và quá trình đưa Mẹ Âu Cơ hiển hiện thành hình khối ở Công viên biển Đông đúng là một việc không giống ai. Việc không giống ai trên các lĩnh vực khác thì còn có thể bàn cãi, chứ trong lĩnh vực nghệ thuật thì rất nên là như vậy.

Thế giới này từ tự nhiên đến xã hội và con người đều vốn là đa dạng: Nghệ thuật có sứ mệnh làm cho sự đa dạng ấy ngày càng đa dạng hơn. Cái mà chúng ta hướng tới là Chân – Thiện – Mỹ trong đa dạng.

Mong được chia sẻ cùng bạn đọc. Để kết luận, xin chép ra đây một đoạn trong một bài thơ của anh về bức tượng này:

“Ngày 30 tháng 6

Con về đây xây tượng Mẹ

Lưng Mẹ tựa vào con

Mắt Mẹ nhìn ra biển

Ôm một bọc trứng tròn

Chờ đến ngày sinh nở

Con sẽ xây dựng lại nơi này

Nơi chôn rau cắt rốn

Một thành phố tuyệt vời

Để Mẹ về Mẹ ở với con”

N.Đ.A.