VĂN HỌC VÀ BÁO CHÍ – ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

22.06.2011

VĂN HỌC VÀ BÁO CHÍ – ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

Nhân kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21.6 tạp chí Non Nước tổ chức buổi gặp gỡ các nhà báo đồng thời là những người sáng tác văn học hiện là Trưởng đại diện các cơ quan báo chí Miền Trung – Tây nguyên và một số nhà văn - nhà báo tâm huyết khác.

Ban biên tập gửi đến bạn đọc đôi điều về “nghề báo, nghiệp văn” qua ý kiến trao đổi của Võ Kim Ngân, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Tuấn, Trần Trình Lãm.

Nhà thơ VÕ KIM NGÂN:

(Trưởng Văn phòng đại diện báo Người Lao động )

Tôi vẫn nghĩ công việc làm báo là nghề nhưng văn chương là nghiệp. Nghề và nghiệp gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, đôi khi không tách bạch lắm”.

Tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn và công tác tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1983. Năm 1998 chuyển về báo Người lao động - TP Hồ Chí Minh. Tôi yêu văn học, ham thích đọc sách từ thuở nhỏ. Tôi chọn Đại học tổng hợp Văn theo ý thích của mình nhưng chọn công việc là nghề báo. May mắn trong thời gian đầu, công việc của tôi khá gắn bó với sự yêu thích của bản thân. Là biên tập viên mảng văn học, tôi gắn bó với thơ văn, với các hoạt động VHNT tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với các tác giả văn học, có điều kiện đi sâu tìm hiểu kỹ hơn về VHNT, các hoạt động liên quan, các vấn đề lý luận.Có thể đó cũng là những tiền đề tốt đẹp cho những sáng tác của tôi sau này. Thời gian công tác tại báo Người lao động là thời gian tôi chuyên về nghề báo, gắn bó chặt chẽ với các vấn đề thời sự tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Những hoạt động báo chí giúp tôi có nhiều vốn sống thực tế hơn, có cái nhìn sâu sắc và thực tế hơn. Tôi vẫn nghĩ công việc làm báo là nghề nhưng văn chương là nghiệp. Nghề và nghiệp gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, đôi khi không tách bạch lắm. Văn học làm giàu cho tâm hồn người viết báo bằng vốn kiến thức rộng lớn, sự nhân văn sâu sắc. Và ngược lại những sự kiện đời sống dồn dập hàng ngày cung cấp cái nhìn mới mẻ, đa chiều về cuộc sống, con người, xã hội góp phần làm phong phú cho vốn sống của người viết văn. Với nghề báo, vốn văn học, sự cảm thụ văn học sẽ giúp những bài báo sẽ sắc sảo hơn, nhiều rung động hơn đối với bạn đọc. Còn với người sáng tác văn học, hiểu biết chiều sâu thực tế, sự tỉnh táo khiến những tác phẩm văn học trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, con người, dễ tạo sự đồng cảm đối với độc giả.

Tôi say mê cả nghề báo và sáng tác văn học. Tôi yêu nghề báo, tôi đã trưởng thành cùng nghề báo. Nghề báo cho tôi luôn được tiếp nhận cái mới, đòi hỏi bản thân phải năng động, linh hoạt, nhanh nhạy, phán đoán và xử lý nhanh mọi tình huống. Và tôi biết ơn văn học. Đó là miền yên tĩnh, chốn thanh tĩnh cho tâm hồn, nơi sàng lọc mọi điều thu nhận từ cuộc sống và có thể chia sẻ với mọi người mọi cảm nhận của mình.

Đã có rất nhiều nhà báo là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Bên cạnh những tác phẩm văn học nổi tiếng, họ cũng có nhiều bài báo sắc sảo và nổi tiếng. Ở Quảng Nam- Đà Nẵng, tôi ngưỡng mộ hai người. Đó là ông Phan Khôi - nhà thơ, nhà báo nổi tiếng và nhà văn Nguyên Ngọc. Hiện nay nhà văn Nguyên Ngọc là một cây bút đắt giá đối với nhiều tờ báo. Những bài báo tâm huyết của ông thường nêu lên những vấn đề sâu sắc và có sức thuyết phục.

Nhà thơ LÊ ANH DŨNG:

(Trưởng đại diện tạp chí Văn hoá Quân sự)

“Viết báo giống như nấu gạo thành cơm, còn làm văn chương như chưng cất cơm thành rượu”.

Tôi làm thơ từ năm 1978, khicòn học lớp 11, bài thơ dàiđầu tiên có tên "Thăm quê hương anh Trỗi". Bài này đượcđọc chođoàn giáo viên dạy Sử toàn quốc tham quanĐiện Bàn, Quảng Nam nghe vàđược phát trênĐài Truyền thanh Điện Bàn. Bài thơ thứ hai là "Cánh diều thời gian" đăng trên số thứ Bảy báo Quânđội nhân dânnăm 1986, khi là giáo viên dạy Văn Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn.

Sau đó, tôi xung phong vào bộ đội thuộc Sưđoàn 860 Quân khu 5. Tôi trở thành cộng tác viên, rồi ra học lớp Thông tin viên báo Quân đội nhân dân để trở thành phóng viên báo Quân khu 5 từ cuối năm 1986, phóng viên báo Quân đội nhân dân từnăm 1989. Dấn thân vào con đường báo chí, tôi tìm những khoảng lắngđọngđể sáng tác, trở thành hội viên Hội VHNT Quảng Nam- Đà Nẵng năm 1987 và hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam vào đầu năm 2006 với 5 tập thơ, trong đó có 3 trường ca, 1 tập ký văn học.

Giữa viết báo và làm văn chương không có gì mâu thuẫn nhau, thuậntay nào thì "mần"tay ấy. Tôi nghĩ viết báo giống như nấu gạo thành cơm, còn làm văn chương như chưng cất cơm thành rượu. Hai việc này song hành trong đời tôi (hiện tôi là Trưởng đại diện Tạp chí Văn Hóa Quân Sự tại Đà Nẵng và Trưởng đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn ĐN). Việc viết báo tôi có mục tiêu, mục đích rõ ràng là phục vụ nhiệm vụ chính trị, phụng sự đại chúng, phụng sự cộng đồng, còn viết văn, làm thơ là việc rất riêng, khoảng trời sáng tạo riêng tôi dành cho mình, còn có phục rộng rãi cho cộng đồng, đại chúng hay không là để cho bạn đọc phán xét. Tôi yêu hai công việc viết báo và viết văn. Viết báo để tôi sống và hiểu xã hội, viết văn , làm thơ để tôi sống với chính mình, để tôi hiểu tôi hơn.

Nhà thơ NGUYỄN NGỌC HẠNH:

(Trưởng Văn phòng đại diện Báo Công Thương)

“Nghề báo là một nghề không chỉ đòi dũng khí, tâm huyết mà cả sự uyên bác và lòng nhân ái nữa”.

Có người nói, “Quảng Nam hay cãi”; có phải vì “ cãi ” là cách thể hiện dũng khí, tính cách cương trực, yêu chuộng lẽ phải, công bằng, bình đẳng? Biết cãi, ở một chừng mực cũng bày tỏ được chính kiến của mình. Ít nhất trước một sự kiện, một tình huống nào đó của cuộc đời, người biết cãi đã thể hiện được một thái độ sống. Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không vô cảm, không hờ hững với đời. Cãi là một cách chứng minh quyền bình đẳng. Không chỉ có thế, cãi còn là điểm tương đồng với tính chất của người làm báo. Có phải vì thế mà từ xưa nay, nhiều người Quảng Nam theo cái nghề nguy hiểm này ?

Thực lòng mà nói không phải bất kỳ ai cũng dễ dàng sống đúng và đầy đủ phẩm chất cao đẹp ấy của người làm báo đâu. Cả những người hay cãi, thậm chí cãi rất giỏi mà vẫn không để lại tên tuổi mình trong báo giới. Nói cho cùng, nghề báo là một nghề không chỉ đòi dũng khí, tâm huyết mà cả sự uyên bác và lòng nhân ái nữa.

Riêng tôi, cũng như nhiều bạn bè cùng thời, biết làm thơ trước khi viết báo. Có phải vì thế mà tôi ít “cãi ” hơn các đồng nghiệp khác của mình! Con người làm thơ, họ thường sống nhiều hơn bằng cảm xúc, tư duy không bờ, không bến, cứ lan man bềnh bồng, cứ dào dạt yêu và dạt dào đắm chìm trong cái vô tận, vô cùng của trái tim yêu đau đớn ấy mà thôi.

Có người cho rằng, công việc làm báo sẽ “lấn ép” con người làm thơ. Không hẳn thế đâu! Hai người ấy với tôi đều là người yêu cả, chẳng ai ăn hiếp ai được! Mỗi người mỗi vẻ. Vẻ đẹp từ trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn con người sẽ bất tử, cái gì vốn được sinh nặng đẻ đau sẽ bền chặt lâu dài hơn với cuộc đời, còn lại tất cả sẽ vùi lấp theo năm tháng. Một bài thơ hay một tác phẩm báo chí đều có riêng số phận, tuy hai người anh em này không hề dễ dàng ăn ở đầm ấm với nhau; vấn đề là giá trị đích thực của nó có thực sự mang lại ít nhiều tốt đẹp cho đời này.

Thường thấy trong tôi, tuy hai công việc này có những lúc vui buồn, hờn dỗi, cáu ghét nhau, nhưng ít khi tôi nghĩ đến chuyện ly hôn ai cả, vì hai con người ấy đã có một thời gian chung sống và hỗ trợ cho tâm hồn tôi ấm áp, trinh bạch đến bây giờ …

Nhà văn NGUYỄN NHÃ TIÊN:

“Không bao giờ viết ngược ngạo với lương tâm nghề nghiệp”

Tôi cứ nhớ mãi cái tác phẩm báo chí hết sức độc đáo của nhà văn – nhà báo Vũ Bằng, đấy là cuốn hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”. Cái tiêu đề hài hước, tự giễu mình, gợi nhớ đến câu nói dân gian “Làm báo nói láo ăn tiền”, như một thường trực cảnh báo, nhắc nhở lương tâm người làm báo trước mỗi trang viết. Vũ Bằng là một nhà văn – nhà báo đồng thời với lớp nhà văn cây cao bóng cả Tô Hoài, Nguyễn Tuân… Nói đến văn nghiệp của ông, người ta nhớ đến những tập tùy bút nổi tiếng: Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam… Duy chỉ có “Bốn mươi năm nói láo” là tác phẩm duy nhất viết về nghề làm báo. Ông kể lại từ những bước đi tơ non chập chững ban đầu bước vào nghề (trước năm 1930) cho đến hồi từng trải bạc tóc. Một đời lên ghềnh xuống thác gian nan sống chết với nghề báo, có thể quả quyết ông là mẫu mực của một nhà báo làm vinh danh rạng rỡ cho nghề, làm đẹp cho nghề, xác lập vị thế văn hóa của một nhà báo trong lòng mến yêu của công chúng. Tất cả họ bây giờ đã là người xưa mà ngòi bút vẫn còn lưu lại lung linh bao hồi quang cho chúng ta học tập.

Với tôi, đọc đồng thời cũng là học. Bài học lớn nhất là: Có thể anh viết không được hay, thậm chí viết dở, nhưng một điều nhất quyết không bao giờ viết ngược ngạo với lương tâm nghề nghiệp, lom khom xu nịnh bẻ cong ngòi bút để cầu lợi lộc danh vọng hào nhoáng. Cố nhiên viết báo là phản ảnh lại mọi mặt sinh hoạt của xã hội, mang đến cho công chúng những thông tin nhanh chóng mà chính xác, ngắn gọn mà hàm súc, gợi mở thu hút mà không ba hoa chích choè. Tuy nhiên, nếu ưu thế anh (hay chị) là nhà văn thì tiêu chí của một bài phóng sự, bút ký, thậm chí là bài ghi chép…, ngoài hàm lượng thông tin cần thiết, nó còn phải tiềm ẩn sức sống của văn chương nghệ thuật, của cái đẹp để làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm.

Cho đến bây giờ, cái sân, cái vườn tôi loanh quanh kiểu như “gà què ăn quẩn cối xay”, cũng chỉ mỗi đề tài: văn hóa văn nghệ. Hình như đấy cũng là sự lựa chọn của định mệnh ngay từ những bài báo đầu tiên tôi viết từ thời còn là sinh viên. Út oi là vậy, nhưng mà cũng đã ngót ngét hơn ba mươi năm rồi.

Hỏng một cái là tôi chẳng bao giờ biết biên chế vào đâu, nên từ lâu, lang thang ăn nhờ ở đậu. Được cái nhờ bà con cô bác anh em thương tình, nên ngoài những tờ báo ở quê xứ ra (ví dụ như Non Nước chẳng hạn) tôi còn cày cuốc một số tờ báo ở trong Nam ngoài Bắc. Chỉ tiếc một điều, tài hèn sức mọn và lại giỏi lười biếng nên không đủ sức viết cho nhiều, cho hay. Đấy là tôi nói thực lòng chứ chả phải khiêm tốn, “nói láo” gì đâu.

Nhà thơ TRẦN TUẤN:

((Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong )

“Những tác phẩm báo chí của tôi cũng vẫn là một quá trình khám phá và suy tôn con người với mong mỏi những phẩm chất tốt đẹp không bị tha hóa và biến mất”

Nghề báo cho tôi những chuyến đi và cả những va đập thật dữ dội từ cuộc sống. Với tôi, những cú va đập dữ dội ấy quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ quan sát hay điều tra khám phá cuộc sống, sự kiện và con người một cách đơn thuần để viết ra những bài báo. Tôi cho rằng, nhà thơ sẽ thật khó thay đổi được cách suy nghĩ cũng như tạo được một phong cách viết “dị biệt”, nếu chỉ dừng lại ở vai trò người quan sát. Nếu anh không trải nghiệm bằng chính nước mắt và cả máu.

Và cuối cùng, thì một nhà báo giỏi cũng không thể thiếu những trải nghiệm ấy. Để rút cuộc, tôi càng nhận ra sự tinh tế đặc biệt của nhà văn người Colombia - Gabriel Garcia Marquez (Nobel văn học năm 1982), cũng là một nhà báo chuyên nghiệp lừng danh, khi ông tự bạch: “Vì tôi luôn làm hai nghề này cùng một lúc nên tôi mơ ước cho chúng hòa nhập vào nhau. Đôi khi có cảm giác như tôi đã làm được việc đó”.

Ai từng đọc thơ của tôi, có thể sẽ hỏi: “Với loại thơ như Ma Thuật Ngón, thì bóng dáng của hiện thực, cuộc sống ở đâu ?”. Thật đơn giản, hiện thực cuộc sống của thơ tôi chính là sự khám phá những tầng sâu bản thể con người. Ngoài ca ngợi “tuyết nguyệt trăng hoa”, phản ánh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa …, thì khám phá chính con người cũng là một yếu tính đặc biệt của thi ca. Nhất là giữa thời đại rối bời những giằng xé nội tâm và lương tâm, chất chứa những mâu thuẫn, xung đột vừa vĩ mô, vừa vi tế mà nhân loại, hay chính xác hơn là “chất Người” nguyên thủy tốt đẹp nhất đang phải đối mặt và bị thử thách.

Cũng vậy, dù không hề “dị biệt”, nhưng những tác phẩm báo chí của tôi cũng vẫn là một quá trình khám phá và suy tôn con người với mong mỏi những phẩm chất tốt đẹp không bị tha hóa và biến mất.

Nhà báo TRẦN TRÌNH LÃM:

(Trưởng Văn phòng đại diện Báo Giao thông vận tải)

“Thơ giải tỏa cảm xúc sau những căng thẳng, mệt nhọc của nghề báo”.

T

ôi là người làm báo, nhưng cũng đam mê sáng tác. Tôi bắt đầu “học đòi” làm thơ từ lúc học cấp hai. Khi bước chân vào nghề báo, tôi càng mê thơ và làm nhiều thơ hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình là nhà thơ hoặc sẽ trở thành một nhà thơ. Tôi cũng không thích người ta gọi tôi là nhà thơ. Có lẽ đó là do “tự ái nghề nghiệp” của mình chăng?

Nhiều người cho rằng người làm thơ thì khó mà làm báo tốt vì thơ thường lãng mạn, bay bổng và “duy cảm”. Trong lúc muốn có một tác phẩm báo chí đòi hỏi sự va đập thực tế, phản ánh trung thực và thấu đáo vấn đề. Tuy nhiên tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng người làm báo có thể làm thơ hay và người làm thơ cũng có thể làm báo giỏi. Hai lĩnh vực đó có quan hệ hữu cơ và tính tương hỗ. Vấn đề là anh phải xác định lúc nào thì “sống” cho thơ và lúc nào thì “sống” cho báo. Trong số các đồng nghiệp mà tôi quen biêt thì cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa và các nhà báo nhà thơ Trần Tuấn, Nguyễn Thị Anh Đào, Võ Kim Ngân, Nguyễn Ngọc Hạnh… là những ví dụ cụ thể. Hầu hết họ là những nhà báo sắc sảo. Nhưng bên cạnh đó họ cũng có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực thi ca.

Riêng với tôi thì thơ ca là “gia vị” cho cuộc sống và nghề nghiệp. Nó chỉ là “tay trái” và tôi không lấy đó làm mục tiêu vươn tới, càng không phải là “sự nghiệp” trong đời cầm bút của mình. Tôi làm thơ bằng sự đam mê ngoại thức. Thơ như một sân chơi giải tỏa cảm xúc sau những phút giây căng thẳng, mệt nhọc của nghề báo. Nhưng tôi yêu nó. Tôi tự thấy cuộc sống không thể thiếu thơ cũng như con chim không thể thiếu tiếng hót, bông hoa không thể thiếu mùi hương. Nhờ có thơ mà tôi cân bằng được trạng thái tình cảm và lý trí. Tôi lấy cảm xúc thơ ca bồi đắp cho sự nghiệp báo chí của mình với ý nghĩa toàn vẹn của nó. Đồng thời lấy báo chí làm “nhịp cầu” giúp tôi đến với thực tiễn phong phú và sinh động của cuộc sống để có nguồn cảm hứng thi ca. Có thể ai đó cho rằng tôi đại ngôn hoặc “múa rìu qua mắt thợ”. Điều đó với tôi không quan trọng. Tôi chỉ nói lên những suy nghĩ đích thực của mình - một người làm báo và … có làm thơ. Và tôi xin gửi đến bạn đọc tạp chí Non Nước một góc tâm sự, trăn trở về nghề cầm bút qua bài thơ:

Tiếng lẹt xẹt của đôi guốc

Phảng phất ngoài hiên tiếng lẹt xẹt của đôi guốc người đi xa dần trong im lặng mùa đông nhà nhà kín cửa

Gió đuổi theo sự cô đơn làm giá băng rụng xuống

bước chân vào đêm

Tôi ngồi nghe ngóng số phận của ai đó

Vừa lướt qua khu chung cư và hình như đang tiến về phía biển

Nhưng giá như cứ ngồi làm thơ vớ vẩn

Thì tôi chỉ gõ được hai chữ An Bài

Tắt điện và đi ngủ

Trong giấc mơ chập chờn tôi bắt gặp một cô gái chết đuối

Đôi tay đưa lên trời như níu lấy khoảng không

Đôi mắt mở to nhìn tôi chằm chằm mà không biểu lộ một điều gì đáng kể

Tôi giật mình tỉnh dậy

Bước ra ngoài hiên chợt nhìn thấy đôi guốc ai bỏ quên hình như là từ đêm hôm qua

Tôi lại gõ bàn phím mấy chữ vừa rung lên

Thật tối nghĩa

Lòng tự dặn lòng quẳng bút cho xong

Tôi biết mình sẽ không bao giờ viết những câu thơ đại loại như thế

Nếu như đêm hôm sau và những đêm hôm sau nữa không còn phảng phất tiếng lẹt xẹt đôi guốc người đi xa dần trong im lặng mùa đông nhà nhà kín cửa.

Nhã Hương thực hiện