TRONG NHÀ TÙ HOẢ LÒ,

22.06.2011

TRONG NHÀ TÙ HOẢ LÒ,

VƯƠNG GIA KHƯƠNG sáng tác kịch thơ

PHAN LÝ LỆ VÂN

Tốt nghiệp Trường kỹ nghệ thực hành ở Huế, Vương Gia khương(1) làm nhân viên đường sắt ở Turan (Tourane, tên cũ của Đà Nẵng). Ông vào Đoàn thanh niên dân chủ (1938), rồi vào Đảng Cộng sản (1940). Đầu năm 1942, ông bị thực dân Pháp bắt đưa ra giam tại nhà tù Hoả lò ở Hà Nội. Ở đây, ông gặp nhạc sĩ Đỗ Nhuận, anh em gắn bó nhau trong đấu tranh, biết đôi điều sơ đẳng về sáng tác nhạc nên thúc đẩy nhau viết bài hát.

Vào giữa năm 1942, một số bạn tù chính trị mang tâm tư người chiến bại, giảm sút ý chí chiến đấu. Vương Gia Khương bị cùm. Trước tình hình ấy, ông sáng tác vở kịch thơ để nhắc nhở họ, chê trách ở mức độ cái yếu kém về tinh thần, mà bọn cai tù và lính canh giữ có thể xem được. Tên vở kịch thơ là "Chiến sĩ và Hằng Nga".

Ban đầu, vở kịch được bí mật chuyền tay nhau đọc trong bạn tù.

Khi dàn dựng vở diễn, Vương Gia Khương đóng vai Hằng Nga, Thanh Lạng đóng vai chiến sĩ. Tiếng sáo trúc của Đỗ Nhuận đỡ giọng ngâm của diễn viên.

Đây là trích lớp 1 trong cảnh I:

Chiến sĩ vẻ buồn rầu đi tha thẩn trong rừng, dưới ánh trăng, ngâm thơ:

Đâu thế nhỉ? Tiếng ai đâu thế nhỉ?

Nghe êm êm như dòng suối Vân tuyền

Lời của ma hay giọng hát của tiên

khiến cảnh tục cũng say màu hư ảo

Nhưng lòng ta vẫn chưa nguôi sầu não

sầu bao la, thất bại hãy còn vương...

Hằng Nga xuất hiện.

Vâng, chính thiếp giữa đêm trường vắng lặng

Lìa Quảng Hàn, đôi phút xuống trần gian

Trăng đêm nay sao tráng lệ, huy hoàng

Sương ngọc bích tỏa men nồng rượu mạnh

Lá oà reo trong hào quang lấp lánh

nhịp dương cầm muôn điệu cảnh thần tiên

ơi chiến sĩ cũng như bao kẻ khác

cũng mê mùi đường mật, hám duyên tơ

cũng dại khờ như một đứa trẻ thơ

ham sữa ngọt, lãng quên mùa sương gió

Chí gang thép và lòng son sắt đó

chưa được rèn trong lò lửa gian nguy

chưa được nung trong những cuộc thịnh suy

vẫn chưa đáng cho trần gian tin tưởng

Men nụ sắc ướp hương nồng mộng tưởng

vẫn muôn đời làm chúa tể trần gian

Ai ngồi trên chín bệ của Minh Hoàng

Ai chiến thắng sức phi thường của Hạng Vũ

Mở miệng cười, nghiêng nước, nghiêng thành, ai?

Thơ tù đây, ta với khách anh tài

xin vĩnh biệt để phương trời rộng bước

Chiến sĩ tỏ ra ân hận.

Ôi, nhục nhã, một thanh niên anh dũng

đã quên thù non nước, để si mê

đã quên thân bách chiến, quên lời thề

với nhiệm vụ đôi vai người chiến sĩ

Ơi lý tưởng cao siêu và tuyệt mỹ

đã đắm chìm trong sóng mắt thiên nga

đã mê ly trước miệng ngọc, tay ngà

trót lầm lỡ để sai đường sứ mệnh!

***

Vương Gia Khương sinh ngày 15-1-1921 tại xã Minh Hương, tổng Phú Triêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất ngày 28-8-1985 ở Hà Nội. Gia đình tộc Vương hiện ở ngôi nhà số 40 đường Phan Châu Trinh, phố cổ Hội An.

Trong tù, ông còn sáng tác nhiều ca khúc như: Ủng hộ Liên Xô (1940), Cờ Việt Minh (1941), Hò la (1942), Côn lôn (1943), Không khuất phục (1945) v...v, in trong tập "Cờ Việt Minh", Nhà xuất bản âm nhạc, Hà Nội - 1960, và một số ca khúc phổ biến trong bộ đội ở chiến trường Liên khu 5 và Khu 6.

P.L.L.V