Văn học thiếu nhi:THÌ THẦM CỦA GIÓ

13.07.2012

Văn học thiếu nhi:THÌ THẦM CỦA GIÓ

Phan Thị Thảo Hạnh

Lớp 8/5 – Trường THCS Nguyễn Khuyến

Thời gian đừng như gió, mải mê bay miết tới cuối trời
Để chúng ta nói với nhau lời chia tay
Ngày dần trôi còn bao giây, ngày chia tay sắp hết rồi
Thấy có ai đứng trên sân nhìn hoa rơi
Ngồi trong lớp biết bao điều tựa như giấc mơ mới hôm nào
Cả ký ức bao năm trời dần dần xa
Này tim ơi, nghe, đồng hồ gõ nhịp lòng
Gói yêu thương vào trong

Buổi học cuối cùng của năm học, lớp 7A dường như loạn cả lên. Nói đến "loạn”, mọi người thường hay nghĩ đến những cuộc tranh chấp "nảy lửa”, những màn giao chiến "đổ máu”, nhưng không, học sinh lớp 7A nổi loạn bởi chính trái tim các bạn cũng đang đập loạn nhịp vì buồn, vì một niềm nôn nao khó tả.

Ở một góc hành lang, nơi được che chở bởi hàng phượng vĩ với những tán lá xanh rì và hàng trăm bông hoa đỏ rực, có một cô bé lớp 5A thắt hai bím tóc đang ngồi thu lu tại đây. Cô bé không vào lớp bởi cô muốn trốn tránh cái cảm giác khó chịu ấy - cảm giác nỗi buồn như những sợi chỉ len lỏi, luồn sâu vào trái tim. Lạ thật! Nhớ cái ngày bị mẹ giục dậy sớm đến trường sau 3 tháng dài nghỉ hè, cô bé đã phụng phịu không chịu đi. Nhớ cái lần bị điểm kém môn toán, cô bé chỉ mong năm học sớm kết thúc. Nhớ những ngày dài nỗ lực quên ăn quên ngủ để ôn thi học kì, cô bé thầm ước thời gian sẽ qua nhanh... Ấy vậy mà giờ đây - trong khoảnh khắc này, cô bé lại mong sao mình chưa bao giờ ước như vậy. Cũng giống như đứa trẻ chỉ biết quý trọng một món đồ chơi khi nó đã rời xa mình. Cô bé có hai bím tóc cũng đang bị nhấn chìm trong cái tâm trạng nuối tiếc ấy.

Minh họa: Hoàng Đặng

Nhưng nỗi buồn khi phải xa bạn bè, thầy cô, mái trường thân yêu cũng chỉ là một trong hai nguyên nhân chính khiến cô bé ngồi ở đây - đơn độc một mình. Mà lí do chính là bởi hôm nay, cô bạn của bé không đi học. "Bạn ấy không tới, bạn ấy không tới, không tới!”. Câu nói ấy cứ vang vọng trong lòng cô bé. Đó không phải là một câu hỏi, mà gần như là một lời khẳng định, một tiếng vang thất vọng. Cô bạn ấy không đi học vào cái ngày quan trọng nhất - ngày chia tay. Nhưng họ không chỉ phải xa nhau 3 tháng hè thôi đâu, mà bạn cô bé phải chuyển ra Hà Nội sống kia, có vẻ như đây là cuộc chia tay lâu dài. Cô bé buồn chăng? Không! Cô bé thất vọng chăng? Không! Vậy cô bé lo lắng cho bạn chăng? Không! Mà có lẽ, tâm trạng của cô bé bao gồm tất cả những cảm xúc trên.

Một buổi sáng đầu hè nóng bức, gió nâng cánh, nào là lá phượng, nào là hoa phượng bay lượn khắp nơi. Góc hành lang hỗn độn với đầy hoa và lá - sự hỗn độn không một tiếng động, có chăng chỉ là vài ba tiếng rì rào, than thở của cây phượng vĩ già cỗi. Và cô bé với hai bím tóc vẫn ngồi trong cái không gian hỗn độn ấy với một tâm trí hỗn độn. Cô bé không nói, không khóc, không gây ra tiếng động, có chăng chỉ là những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má... Một buổi sáng đầu hè với nỗi buồn thầm lặng!

*********

Cần bao phút bao kim giờ để thời gian sẽ quay trở lại
Để lưu hết những kỷ niệm ngày hôm nay
Này tim ơi, nghe, đồng hồ gõ nhịp lòng
Giữ cho nhau ngày cuối năm

Buổi chiều mùa hè, khí trời có phần dịu mát hơn. Tại một công viên trẻ em, cô bé với hai bím tóc xuất hiện. Nhận được điện thoại của bạn, cô bé đến đây ngay. Đi loanh quanh một hồi, cuối cùng cô bé cũng nhìn thấy cô bạn đang lúi húi buộc vật gì đấy vào cành một cái cây cổ thụ. Và thật ngạc nhiên làm sao, không chỉ một mà trên rất nhiều cành cây, những chiếc chuông gió bằng trúc đang mải mê với những bản nhạc giao hưởng của mình. Bạn của cô bé đứng đấy với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và ánh mắt lấp lánh niềm vui.

- Bạn...bạn treo tất cả những thứ này sao?

- Ừ, bạn thấy mình giỏi không, chỉ trong một ngày mà tìm mua và treo được chừng ấy cái chuông gió. Nhưng không phải chỉ thế đâu, bạn nhìn xem, mình đã tô màu cho chúng đấy nhé, này thì màu đỏ của bình minh này, màu xanh của hy vọng này, màu vàng ấm áp này, và...cả màu tím của nỗi buồn chia xa nữa...

Giọng cô bạn nhỏ dần rồi dường như chỉ còn lại là những tiếng nấc nho nhỏ trong cổ họng.

- Tại sao bạn lại treo chuông gió trúc ở đây? Và tại sao lại là 24 cái?

Cô bạn nhỏen miệng cười, ra vẻ vui mừng:

- Vì chỉ ở đây, chuông gió mới có thể phát ra hết những âm thanh tuyệt diệu của nó. Mình treo 24 cái vì đó là ngày chúng ta gặp nhau. Còn mình chọn loại chuông gió bằng trúc bởi "trúc” là tên của bạn...

Cái giọng nói ấy ngừng một lúc rồi lại cất lên:

- Mình biết mình đi rồi bạn sẽ buồn lắm! Mình cũng vậy. Nhưng bạn biết không, tình bạn cũng giống như cơn gió, có lúc sự hiện diện của gió chỉ là những tiếng rì rầm nhỏ xíu, nhưng khi gặp chuông gió, tiếng gió chính là tiếng chuông - là tiếng reo vui, là niềm hạnh phúc. Gió có lúc tưởng chừng như đã đi rồi, nhưng gió cũng sẽ trở lại mà thôi. Gió không bao giờ ngừng thổi cả, và tình bạn cũng không thể mất đi. Trúc hiểu những gì mình nói, phải không!

Buổi chiều hôm ấy, trong tiếng chuông gió leng keng, có hai cô bé đã trao cho nhau một lời hứa tình bạn. Một buổi chiều mùa hè với niềm vui đọng lại trong những giọt nước mắt...

*********

Nếu có ước muốn cho cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi,
Trên bờ môi và trong những kỉ niệm xưa.

Vẫn tại công viên ấy, nhưng vào một buổi trưa cuối hè của 5 năm sau, Trúc - cô tân sinh viên đại học đứng lặng dưới góc cây cổ thụ năm nào, thì thầm lời tạm biệt trước khi ra Bắc nhập học. Vậy là sau nhiều năm cố gắng, cô bé có tâm hồn nhạy cảm năm nào đã thực hiện được lời hứa với cô bạn thân của mình: gặp lại nhau trong ngôi trường Đại học sự phạm Hà Nội.

Nhưng buổi chiều hôm nay không chỉ có cơn gió vi vu lướt qua như đang muốn nói lời chúc mừng, như cái vỗ vai tiếp thêm sức mạnh mà còn rộn ràng hơn bởi cuộc trò chuyện tíu tít của hai cô bé khoảng chừng lớp 6, lớp 7:

- Nhìn xem này, tớ giải ra bài này rồi!

- Tớ cũng thế, cậu xem có đúng không?

- Úi, sai rồi, không phải thế này.

- Sao lại sai chứ, rõ ràng là tớ làm đúng mà. Cậu sai thì có.

Từ tranh luận, hai cô bé chuyển sang cãi nhau chí chóe. Trúc đứng đó, chứng kiến và chợt mỉm cười vu vơ, hình ảnh của những ngày ấu thơ lại hiện về, đầy rẫy trong tâm trí cô: "Phong Linh à! Mình sẽ gặp lại bạn sớm thôi, và mình sẽ kể cho bạn nghe về việc mình giải hòa cho hai cô bé dễ thương này!”. Trúc lấy ra trong ba lô một chiếc chuông gió đã phai màu, nhẹ nhàng treo lên cành cây gần đó:

- Các em hãy im lặng một chút nào! Không thì chị sẽ gọi bảo vệ vì hai em gây rối ở công viên đó.

Trúc thoáng mỉm cười vì khuôn mặt lo sợ của hai đứa bé. Cô nhẹ nhàng bảo:

- Các em có nghe thấy gì không?

Từng đợt gió luồn qua khe lá, ùa vào chuông gió. Đã bao năm nhưng âm thanh của nó vẫn vậy, gieo sự bình yên vào trong lòng người nghe.

- Tiếng chuông gió hay quá chị à!

- Em còn nghe được gì nữa không?

Hai cô bé nhìn nhau nhưng lại lập tức quay mặt đi, cơn giận có vẻ như vẫn chưa lắng xuống.

-Các em biết không, gió đang nói rằng các em đã sai khi giận nhau vì những chuyện không đâu.

- Nhưng làm sao gió biết được ạ?

- Gió ở khắp mọi nơi, gió biết mọi chuyện.

- Chị có thể nghe được tiếng gió ư? Vậy tại sao tụi em lại không nghe thấy gì cả?

- Những ai biết quý trọng tình bạn đều có thể hiểu những gì gió nói. Vì gió là hiện thân của tình bạn không bao giờ có kết thúc, con người không thể sống tốt nếu không có gió và càng tồi tệ hơn nếu sống mà không có một tình bạn.

Một trong hai cô bé reo lên thích thú:

- Thấy chưa, hồi nãy lúc cãi nhau, tớ thấy gió thổi mạnh lắm, là gió đang trách tớ đấy!

- Không, gió cũng trách tớ nữa mà...

Buổi trưa hè hôm ấy, một cô gái đang mang theo mùi hương chan chứa trong từng cơn gió quê hương để đến một thành phố khác - nơi có người bạn đang từng ngày mong ngóng được gặp lại cô.

 

P.T.T.H

Bài viết khác cùng số

ĐÀ NẴNG – MỘT LẦN ĐẾN - Nguyễn Nhi Dâng MiCHỒI BIẾC (Viết tặng ba)- Nguyên Nhật AnhNGỌT NGÀO VỊ CÁT - Nguyễn Ngọc PhúTìm ai bên sông - Hoàng ĐặngGỌI MẦM - Nguyễn Thị Thu SươngPHẦN TUỔI THƠ CỦA EMTRANG THƠ DÀNH CHO THIẾU NHI: EM VÀ BÓNG NẮNG - NGÂN VINHQUÀ SINH NHẬT - Lê Thị Huyền NgaVăn học thiếu nhi:THÌ THẦM CỦA GIÓTội lỗi!(Thông Tấn Xã Việt Nam tại Đà Nẵng) - Ngọc Nhân GIỮA XUÂNLỜI XA XƯA - PHẠM MINH DŨNGỞ VÁCH NGĂN CUỐI CÙNGMẸ ƠI TỔ QUỐC(Cơ quan thường trú Báo Nhân dân tại Đà Nẵng) - Nguyễn Thị Anh ĐàoVỀ ĐÀ NẴNGTRÒ CHUYỆN VỚI CHUỒN CHUỒN(Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) - Lê Minh Quốc Một nửa…MẸ TÔILỜI SÓNG GỌI BÌNH MINH(Báo kon Tum)- Từ Dạ LinhVÙNG NHỚCẨM LỆ (Trưởng đại diện tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng)- Lê Anh DũngMùa không láMưa chan từ cuối phố - TRẦN TRÌNH LÃMANH LỚN LÊN… HUYỀN THOẠI BUỔI CHIỀU XANH Đó là buổi thành phố xanh màu xanh của lá (Phóng viên Báo An Ninh Thế giới tại miền Trung) - PHAN BÙI BẢO THY CHIỀU BIÊN GIỚI ĐÀ NẴNG(Phó Tổng biên tập Báo Công an Đà Nẵng) - NGUYỄN ĐỨC NAMNÓI VỚI CON - NGUYỄN MINH ÁNHBàn lại cách dịch bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ - Nguyễn Thiếu DũngKHI CON KHÓC(Cảm nhận bài thơ “Khi con khóc” của Ngọc Tuyết)Tâm sự Nữ Sĩ BANG NHÃN qua bài thơ VỊNH NGŨ HÀNH SƠN Châu Yến Loan NGƯỜI TÌNH TRONG CA KHÚC “THU, HÁT CHO NGƯỜI” - Trương Văn KhoaTỐNG PHƯỚC PHỔ, TÁC GIẢ VIẾT KỊCH BẢN HÁT BỘ XUẤT SẮC - Trương Đình QuangNGHỀ MÚA - NỖI SUY TƯ - NSND Lê HuânNhững dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt NamHò đưa linh(Tập sưu tầm – biên soạn của Trần Hồng, NXB Sân khấu - 2012)