GỌI MẦM - Nguyễn Thị Thu Sương

13.07.2012

GỌI MẦM - Nguyễn Thị Thu Sương

Bút ký

Chúng tôi gặp thiếu tướng Đoàn Y Thanh vào một buổi chiều trong căn nhà yên tĩnh ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Gió từ sông Hàn thổi tới mát dịu. Tám mươi sáu tuổi nhưng vóc dáng ông vẫn thanh thoát, phong thái nhanh nhẹn hiếm có. Rồi ông nói một câu mà chúng tôi thường đùa là visa của người Quảng Ngãi: Chững chàng rồi nói. Hơn 70 năm xa quê thế mà ông vẫn mang theo giọng nói nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Khi chúng tôi "chững chàng” rồi ông mới cho "nhập cảnh” vào những tháng ngày của hơn nửa thế kỷ trước, rõ ràng và khúc triết.

Ai cũng biết cây sắn đã đóng vai trò rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Tây Nguyên. Khi giáp hạt, bị địch càn quét, không thổi nấu được, khi bị thương, lạc rừng lạc bản… sắn đã tiếp hơi cho con người. Ai từng qua Tây Nguyên trong thời gian ấy cũng được sắn tiếp sức nhưng ít người biết cây sắn có mặt ở đây năm nào và do ai đưa lên. Tôi xin nói ngay, đó là những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và tôi cũng có thể nói không có một quân đội nào trên thế giới lại gắn bó với người dân như Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là điều mà tôi rất tâm đắc, không chỉ đánh giặc giỏi, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn kết keo sơn với người dân. Đầu năm 1950, ngay trước tết Nguyên đán, Đại đội Độc lập 1 do anh Trần Kiên (sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương) làm đại đội trưởng, tôi làm chính trị viên hành quân lên Tây Nguyên. Trước ngày lên đường, anh Kiên bàn với tôi, phải tự túc tại chỗ, động viên toàn đơn vị mang theo mỗi người 30 cây sắn và cuốc hoặc rựa. Phải nói là động viên vì cõng quân trang quân dụng và thêm 30 cây sắn, cuốc, rựa… trèo dốc cao, qua vực thẳm hàng trăm cây số là việc không đơn giản. Vậy mà 270 chiến sĩ đã cõng hom sắn và nông cụ từ Hoài Ân, Bình Định hành quân lên Tây Nguyên. Chúng tôi trồng, phân phát và hướng dẫn đồng bào làm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cây sắn từ đồng bằng lên Tây Nguyên và được đồng bào ở đây vui mừng đón nhận bởi sắn dễ trồng, dễ sử dụng. Đồng bào gọi là mì goòng. Từ củ đến lá đều ăn được. Củ nấu chín thơm ngon, bột bở tơi và chế biến được rất nhiều món. Khi kẹt không thể nấu thì ăn sống cũng được. Lá sắn luộc hay muối chua đều ngon. Vỏ sắn cũng được muối chua. Chỉ trong vài năm sắn có mặt khắp Tây Nguyên. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt, phong trào "Rẫy mì (sắn) cách mạng”, "Rẫy mì bộ đội” được trồng khắp nơi. Cứ đào một bụi sắn thì chặt 5 - 7 hom cắm xuống. Sắn đã giúp cho đồng bào, bộ đội trong thời đoạn khắc nghiệt nhất.

Mỗi khi đến bản, bộ đội không chỉ tôn trọng tập tục mà còn hướng người dân thực hiện nếp sống mới. Chúng tôi đã cùng người dân cưa ống lồ ô ngắn làm bát ăn, dùng đũa hai đầu, ăn chín uống sôi, chữa bệnh… Đồng bào nhường chúng tôi gạo, mì, tấm đắp, che chở chăm sóc cho chúng tôi khi sốt rét, kiết lị, bị thương… Quân và dân nghĩa tình như cá với nước. Từ tháng 7 năm 1965, tôi được chuyển sang làm hậu cần. Nói hậu cần nhưng đây là một thế trận liên hoàn: từ súng đạn, cơm áo đến thuốc men… Nhưng cũng từ đây, duyên cơ với cây trồng của tôi có dịp bén rễ. Năm 1973, Kon Tum mới giải phóng một số nơi nhưng trên cục diện chúng tôi biết sẽ đến ngày chiến thắng nên vừa chiến đấu, quân đội vừa bắt tay vào sản xuất. Và chúng tôi xác định xây dựng kinh tế trong hòa bình không thể là sản xuất như trong chiến tranh mà phải hướng tới một khu kinh tế - xã hội, không những có diện tích trồng trọt lớn mà phải có cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống. Phải hướng đồng bào tới một nền sản xuất lớn hơn chứ không chỉ "phát, đốt, chọc, trỉa”, tức phải làm lúa nước và cây công nghiệp.

Công trình thủy lợi Đắk Uy được xây dựng từ chủ trương đó. Được cắm mốc, phóng tuyến từ tháng 7 năm 1973 và cách đó không xa vẫn là đồn địch. Máy cày máy ủi làm trong tầm pháo địch. Một chiếc máy ủi MTZ đã bị trúng pháo địch nhưng công việc vẫn tiến hành. Sau ngày giải phóng 30/4/1975 Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương, đặt tại công trường. Cơ quan tiền phương của Quân khu gồm có cán bộ các phòng chức năng của Cục kinh tế do đại tá Vương Tuấn Kiệt, Phó Tư lệnh quân khu chỉ huy. Đoàn 331 do tôi (lúc ấy là đại tá) làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng Ủy, Chỉ huy trưởng công trường. Thượng tá Nguyễn Ba, Phó đoàn trưởng về chính trị. Trung tá Thái Kế Chưởng, tham mưu trưởng và một số cán bộ các ban phòng.

Chúng tôi thành lập một đội thiết kế, cán bộ nhân viên thủy lợi hầu hết quê ở miền Bắc do anh Hy, một kỹ sư quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi phụ trách. Cục Kinh tế Quân khu 5 cử một đội thiết kế do kỹ sư Phẩm quê ở thị xã Quảng Ngãi làm đội trưởng lên giúp. Rồi Bộ Thủy lợi điều anh Trần Quy, đang là Giám đốc Sở Thủy lợi Khánh Hòa lên giúp xây dựng công trình – Theo yêu cầu Quân Khu 5, Đoàn 331 được trang bị 10 máy cạp Mỹ có dung tích gầu xúc 13m3, 8 máy cạp Nhật, cần cẩu có sức nâng 20 tấn. Máy ủi Ko-ma-su, T100, ĐT75, máy đầm chân đê, xe trộn bê tông tự hành, xe vận tải GMC... Hầu hết các trang thiết bị này là chiến lợi phẩm thu được của địch. Với tinh thần quyết tâm, chưa đầy một năm sau ngày giải phóng, chúng tôi đã xây dựng được một trung đoàn cơ giới hùng mạnh với trang thiết bị hiện đại, đủ sức thi công những công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên thời bấy giờ. Quân số làm đập lên đến hàng ngàn người, có nhiều đại đội nữ tân binh.

Là người lính sẵn sàng hi sinh tính mạng, không hề nghĩ đến lợi ích bản thân nhưng nay đi làm kinh tế thì phải "kê tính”: nhập vào, xuất ra, tiết kiệm, chất lượng tốt… Lúc này bản làng rất thưa thớt, hầu như chưa có thị trường, mọi thứ hàng hóa, thuê mướn phải xuống đồng bằng. Mới qua chiến tranh, đâu đâu cũng bãi mìn, thép gai. Đâu đâu cũng đói rét. Lao động nặng nhưng mỗi người một ngày chỉ có vài lạng gạo, có lúc bo bo, ngô bung, khoai lang trừ bữa. Thực phẩm chỉ có cá khô, nước mắm, rau cũng thiếu. Khí hậu Kon Tum với hai mùa mưa, mùa khô rất rõ. Mùa khô thì nắng chói chang từ sáng đến chiều, đất nóng như rang, bụi đóng lớp trong mũi trong mắt. Mùa mưa thì có khi cả tuần không thấy ánh mặt trời, mưa dầm dề, mặt đường cũng bị nước xói chảy thành dòng. Chim kêu vượn hú cả ngày. Người ở chiến trường đã lâu, mong muốn về gần gia đình. Người mới vào chưa quen khí hậu, bị cảm, sốt rét, nhất là sốt rét ác tính. Đã có nhiều người tử vong vì sốt rét. Rồi trong khi rà phá, đào cuốc có người bị trúng bom mìn, rắn cắn, lũ cuốn. Đói rét. Tàn quân Fulrô lẩn trốn trong rừng phục kích, tấn công trên những đoạn đường vắng. Trong buôn thì bọn ngụy quân ngụy quyền cài lại tìm mọi cách chống phá… Tất cả như "tổng tấn công” vào tinh thần cán bộ chiến sỹ, không ít người đã hoang mang, thậm chí đào ngũ.

Chúng tôi nhận thấy cần phải xốc lại đội hình, phải lấy lại tinh thần người chiến sĩ cách mạng. Vừa động viên tinh thần anh em, chúng tôi vừa tìm mọi cách cải thiện cuộc sống. Chúng tôi mời các đoàn chiếu bóng lưu động, tổ chức văn nghệ với các chủ đề hiện tại, qua đó để anh em xác định được mục tiêu nhiệm vụ. Một phòng cấp cứu được đặt tại công trường. Các đơn vị đều có tổ sản xuất rau xanh, chăn nuôi heo, gà để tăng chất lượng ngoài định lượng ít ỏi của chế độ. Nhờ vậy mà dần dần trở lại ổn định.

Để đẩy nhanh tốc độ thi công, Quân khu 5 kết hợp với Đoàn 331 mở chiến dịch "BA MƯƠI THÁNG TƯ TOÀN THẮNG”. Quân khu điều thêm các đoàn kinh tế khác đến: Đoàn 332, Đoàn 352, ngoài ra còn bổ sung thêm xưởng sửa chửa xe máy 387, bộ phận thông tin, bộ phận quân y và Trung đoàn công binh 270. Kết quả thi công từng hạng mục công trình được cập nhật và báo cáo trong giao ban buổi sáng hàng ngày. Vướng mắc về trang thiết bị, nhiên liệu, hậu cần được giải quyết kịp thời. Sau khi các ban phòng chuyên môn giám sát, đánh giá, những cá nhân, đơn vị vượt khối lượng, thời gian, đảm bảo chất lượng được tuyên dương trên hệ thống loa phóng thanh của công trường… Đêm đêm, ánh sáng máy phát điện của Đoàn 332, tiếng ầm ầm của máy cạp máy ủi, tiếng hò khoan, hò đối đáp nam nữ, tiếng đầm đất nhịp nhàng của hàng ngàn chiến sĩ làm kênh mương vang động góc trời phía Bắc thị xã Kon Tum. Ở lán tại công trường, đêm đêm ra với chiến sỹ, tôi rất cảm động vì làm ca đêm nhưng không có một chế độ bồi dưỡng nào. Nhiều người ngủ ngay tại đập, sáng mai kẻng đánh dậy tập thể dục, ăn cơm với cá mực khô rồi đi làm luôn. Mỗi ngày, công trình mỗi mở ra, bề thế hơn, khang trang hơn. Tôi cảm tưởng như câu chuyện cổ tích Sơn Tinh dời non lấp biển đang diễn ra nơi đây.

Bà con các buôn làng thường đến thăm. Họ đi thành đoàn, mang theo sắn, chuối, măng, rượu cần tặng cho bộ đội. Có lần có cả anh hùng Đinh Núp đến thăm. Đúng ngày 30/4/1977, đập chính dài 680m, cao 34m, chân đập rộng 270m, mặt đập 6m, 10 cây số kênh chính (kênh cấp I) và 49 công trình trên kênh, cầu máng, tràn xả lũ đã hoàn thành. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vào thăm đã biểu dương tinh thần tích cực, khẩn trương, nhanh nhạy của Quân khu 5 và của Đoàn 331. Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước đã nhận xét khi cắt băng khánh thành phần đập chính: Chỉ có quân đội mới xây dựng và hoàn thành đập trong 3 năm, đảm bảo chất lượng. Nếu dân sự phải làm trong 10 năm…

Sau lễ khánh thành đập chính, các đơn vị bạn rút đi làm công trình khác. Đoàn 331 tiếp tục xây dựng các công trình: kênh máng, cửa cống, tràn xả lũ. Việc xây dựng kênh mương trên đất gò đồi rất khó: đá núi, lấy cốt, chạy kênh thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm kinh phí… Vừa thiết kế, vừa thi công, chúng tôi nói đùa là "vừa chạy vừa xếp hàng” rất vất vả. Các cán bộ, kỹ sư phòng Thiết kế cơ bản Phạm Phẩm, Tô Khương, Võ Quang Hy nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, tính toán. Với mục tiêu tạo cánh đồng lúa nước, Trung đoàn 734 vừa rà phá bom, mìn, đạn pháo vừa sử dụng 6 đại đội bộ binh, 1 trung đội máy kéo mở cánh đồng ở phía nam cầu Đăk Uy. Máy ủi máy cày san lấp, bộ đội tay cuốc tay rựa đào gốc cây, đắp bờ vùng bờ thửa. Chỉ sau 1 tháng, cánh đồng rộng 5 ha đã hoàn thành. Trung đoàn cử người tìm mua giống lúa mới và ra Thái Bình tuyển dụng quân nhân là các thợ cấy đưa vào. Đập Đăk Uy đang xây dựng nên phải dùng xăng dầu bơm nước tưới và bắt đầu cấy vụ lúa nước đầu tiên với giống lúa mới IR.8. Các cô gái Thái Bình đã cấy lúa ngửa tay theo kỹ thuật mới khiến bà con thấy rất lạ. Vừa trình diễn kỹ thuật cấy lúa chúng tôi vừa dùng loa nói về lợi ích lúa nước với bà con. Nói đến lúa nước, tôi lại lâng lâng một niềm vui xen lẫn tự hào. Cuối năm 1977, Bộ Nông nghiệp Liên Xô mời Bộ Nông nghiệp Việt Nam sang tham quan. Thành phần đoàn gồm Giám đốc Sở Nông nghiệp các tỉnh, cơ quan Bộ… Tôi là đại biểu đại diện cho lực lượng làm kinh tế của Quân đội. Chúng tôi được tham quan Mát-cơ-va, Lê-nin-grad, các nông trường vùng Trung Á, U-zơ-bê-kixtan… Khi đang ngồi ở phòng chờ sân bay Lê-nin-grad thì anh phiên dịch viên đem đến cho tôi một tờ báo hàng ngày của Liên Xô với bản tin có tựa đề "Lúa nước ở Việt Nam đã lên cao nguyên”. Tôi nói ngay với anh phiên dịch: đó là đồng ruộng Võ Định, Đắk Uy ở Kon Tum! Tôi mừng đến muốn khóc vì thông tin phát triển cây lúa nước ở Tây Nguyên không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui của bạn bè quốc tế vì lúc đấy nước bạn đang chi viện lương thực cho ta.

Mở xong cánh đồng lúa nước 5 ha, chúng tôi chuyển sang cánh đồng 10ha. Chỉ sau 3 tháng Trung đoàn 734 đã đưa 15ha đất vào canh tác. Rà phá bom mìn, san ủi giao đất cho bà con lập làng mới. Đồng bào ở đây cho rằng cây lúa cũng có hồn nên trong sản xuất không dùng vật dụng kim khí, sợ đau thân lúa. Quy trình làm lúa của họ là: phát, đốt rẫy, chọc lỗ, trỉa hạt, tuốt lúa. Trước khi trỉa làm lễ gọi hồn lúa thức dậy. Khi lúa chín, tuốt mang về nhà họ buộc dây dẫn đường, qua ngã 3 ngã 4 hay khe suối đều đặt nhánh cây cho hồn lúa nhớ đường đi. Sau khi được vận động, được tận mắt nhìn thấy kết quả vụ lúa nước đầu tiên, đồng bào mới làm. Có xã ở trên đập đã tự làm đập bổi, một loại đập nhỏ đưa nước vào đồng ruộng để làm lúa nước. Để tận dụng các sản phẩm nông nghiệp, có phân hữu cơ, nuôi thêm cá, trâu, bò, gia cầm, tháng 10 năm 1978 Đoàn 331 xây dựng trại chăn nuôi Đắk Uy. Chúng tôi cử cán bộ ra tận Quảng Ninh mua lợn Móng Cái đem về. Đây là giống lợn hay ăn, chóng lớn, ít dịch bệnh lại khéo nuôi con. Trại nuôi hàng trăm lợn nái, mỗi năm xuất chuồng 1000 - 1600 con giống, phục vụ cho nhân dân và các đơn vị. Chúng tôi còn liên hệ với Viện kỹ thuật cao su (thuộc Tổng cục cao su), xác định loại giống thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết nơi đây rồi cử cán bộ kỹ thuật vào Phú Riềng (Nam Bộ) mua giống. Để kịp trồng trong mùa mưa, tôi xin Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho ô tô 3 cầu, loại xe kéo pháo đưa cây về.

Cuối năm 1979, đồng chí Chu Huy Mân, lúc ấy là trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Tây Nguyên. Sau giờ làm việc buổi chiều, đồng chí Chu Huy Mân cùng tôi và ông Năm Vinh, cán bộ tỉnh Gia lai – Kon Tum đi thăm đập. Lúc này đập vừa hoàn thành, các Trung đoàn đã rút đi làm công trình khác, đập rất vắng vẻ. Mặt nước in bóng núi trong chiều tím, thoảng trong gió hồ mát rượi là mùi vữa xi măng còn mới. Đồng chí Chu Huy Mân nói: từ đây cuộc sống sẽ sinh sôi, no ấm, hãy đặt tên đập Mùa Xuân. Năm 1980, Bộ Nông nghiệp có chủ trương trồng cà phê. Mặc dù Đăk Uy nhiều nơi không phải là đất Bazan, loại đất phù hợp cho cây cà phê nhưng sẵn nước tưới, nông trường 701 (tiền thân là trung đoàn 734) đã tiên phong trồng. Cà phê phát triển tốt. Và "kê tính” rõ ràng thì sau ngày làm "giấy khai sinh” đập Mùa Xuân một năm: năm 1980 đoàn 331 đã hình thành không chỉ 1 mà 3 nông trường cà phê, một nông trường lúa nước. Nhiều đoàn chuyên gia, đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Bulgari đến thăm, hợp tác trồng và chế biến với Việt Nam. Nhiều làng mới được lập ra quanh đập Mùa Xuân.

Có một con số buồn mà tôi muốn nhắc tới với một dòng riêng cho sự tri ân, đó là 194 người của Đoàn 331 đã nằm xuống trong công cuộc mở đất. Ngoài rà phá, tháo gỡ bom mìn, nhiều người đã chết vì sốt rét, dịch hạch, rắn cắn, lũ cuốn, tai nạn, bị FulRô tập kích… Trong đó không ít người đã nằm lại mãi mãi với đập Mùa Xuân.

Thiếu tướng Đoàn Y Thanh nói với chúng tôi:

-Tôi vừa đi thăm lại đập Mùa Xuân về đây.

Chúng tôi ngạc nhiên: 86 tuổi mà ông vẫn trở lại chiến trường xưa?

- Mới hai ngày trước! Ông cười, nói tiếp: Không phải khi mới hoàn thành mà 36 năm rồi, giờ đây nhìn lại đập và hệ thống kênh mương vắt dọc triền núi tôi vẫn xúc động vì công sức cán bộ và chiến sĩ đoàn 331. Đứng trên đập tôi vẫn cảm thấy không khí làm việc hăng say của hàng ngàn chiến sĩ, vẫn như nghe tiếng hò, tiếng hát của các chàng trai và các cô gái trong bộ quân phục màu lá. Những người lính từ các miền đất đã làm nên câu chuyện cổ tích bằng bầu máu của trái tim nhiệt thành. Đập Mùa Xuân đã đánh thức một tiềm năng của một vùng đất, đem lại cho người dân hiền lành nghèo khó nơi đây cuộc sống no ấm. Đây là điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Chúng tôi đã tổ chức chuyến đi Tây Nguyên. Cà phê ngút ngàn, từ đường 14 rẽ trái về đập Mùa xuân càng nhiều. Đang vào mùa thu hoạch, quả trĩu cành, đỏ mọng. Một cơn mưa cuối mùa khá lớn làm đường lên đập nhiều chỗ bùn lầy. Chúng tôi được một anh bạn là giáo viên cho mượn chiếc xe máy để đi cho tiện. Ghé vào một ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng cà phê bên đập, nói chuyện mới biết họ ở khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui, trên rừng xa về đây sau khi đập Mùa Xuân hoàn thành. Khi biết chúng tôi lên đập để ngắm nhìn như ý của Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, nhiều người ồ lên "bộ đội anh Thanh”. Bộ đội anh Thanh không chỉ làm đập với một phần ba thời gian mà chất lượng rất cao. Sau ngày khánh thành, cuối năm 2009, tức là hơn 30 năm, lần đầu tiên mới nạo vét lòng hồ, nâng cấp đập để tăng trữ lượng nước.

U Teă, ông già người Tơ Đrá (một nhóm của dân tộc Xê Đăng) ở làng Kon Pông xã Đăk Ui khi nghe chúng tôi nói về những người lính đã cõng cây mì lên Tây Nguyên gần như reo lên: Phải gọi là mì anh hùng! Nếu không có cây mì thì không thắng được Mỹ đâu. U Teă kể: thời gian đầu giống mì ít lắm, phải sang Đăk Côi đổi. Một con gà hoặc một bầu mật ong đổi được 3 cây. Giống ít mà ai cũng mong trồng được nhiều. U Teă mày mò chẻ một hom ra làm hai, giâm thử xem có lên không. Khi thấy cái mầm nhỏ như hạt gạo, xanh như ngọc nẩy trên mắt mì, U Teă mừng quá. Thế là U Teă chẻ hom ra, nhân đôi số cây giống mình có. Bà con trong làng thấy vậy cũng làm theo. Chỉ trong vài năm mì đã xanh tốt các rẫy. Bà con làm "Rẫy mì cách mạng”, "Rẫy mì bộ đội” để các anh bộ đội cứ việc nhổ ăn. Giáp hạt, lạc bản, lạc rừng, địch càn không nấu được, nhổ ăn sống là qua bữa. Ngay cả khi Mỹ thả chất độc da cam, củ mài sâu dưới đất 2 mét vẫn thối, gạo nấu sôi đổ nước đi rồi nấu lại vẫn hôi không thể ăn được thì mì lại tiếp hơi. Biết chất độc da cam thẩm thấu qua lá nên sau khi máy bay Mỹ thả chất độc hóa học xong, bà con chặt ngang gốc. Nấu sôi đổ nước đầu đi rồi thay nước mới, nấu lại là ăn được. Sau này các anh bộ đội còn đem về giống mì Ấn Độ, chất lượng như mì goòng nhưng thời gian trồng còn 6 tháng. Rồi giống mì Xu có năng suất rất cao. Ngày nay có giống mì Nhật, năng suất cao, đồng bào trồng để bán cho nhà máy. Nhưng U Teă và nhiều người trong làng vẫn trồng cây mì goòng của anh Thanh, chỉ 400 – 500 gốc để ăn và kể chuyện xưa! U Teă bảo với con cháu rằng không chỉ trồng mì để ăn mà còn là "trồng lịch sử”.

Bà con nói: có đập nước, bộ đội anh Thanh đem giống lúa mới về, vận động bà con làm, nhiều gấp 10 lần làm lúa rẫy. Rồi giống lợn mới, cà phê, cao su… Nhiều cánh rừng cao su, bộ đội trồng trong những năm đầu nay vẫn cho mủ tốt. Bộ đội đã đưa đồng bào đến với cách làm ăn lớn, no ấm. Đường lên đập nhiều chỗ bùn lầy nhưng chúng tôi làm đúng lời thiếu tướng Đoàn Y Thanh, lên đập để nhìn rõ hồ và hệ thống cầu máng. Phía thượng nguồn, nước mênh mang giữa những triền cà phê xanh ngút. Dưới chân đập những con kênh bắt nước theo hàng lối. Đang vào mùa lúa chín, những đám ruộng lúa vàng. Biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của bao người đã đổ xuống nơi đây. Những Sơn Tinh, những Mỵ Nương thời hiện đại đã tặng bà con Tây Nguyên nơi đây "lễ vật” thật ý nghĩa. Đập Mùa Xuân đã đánh thức lúa, sắn, cà phê, cao su vươn mầm. Heo, bò phôi thai thành bầy đàn. Với diện tích lưu vực gần 83km2, lòng hồ rộng 363 ha, trữ lượng nước hơn 26.200.000m3, đập Mùa Xuân đảm bảo đủ nước tưới cho 4.500 ha, trong đó có 2.400 ha ruộng nước. Mùa Xuân đã góp phần xây dựng Đăk Hà thành vùng chuyên canh cây cà phê. Tổng diện tích 6553 ha, cà phê Đăk Hà chiếm 65,15% tổng sản lượng cà phê tỉnh Kon Tum. Chúng tôi được biết hiện nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đang cùng huyện Đăk Hà triển khai kế hoạch phát triển du lịch ở đập Mùa Xuân. Hy vọng "mầm” mới sẽ phát triển tốt trên vườn cây mà các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã gieo trồng.

N.T.T.S

Bài viết khác cùng số

ĐÀ NẴNG – MỘT LẦN ĐẾN - Nguyễn Nhi Dâng MiCHỒI BIẾC (Viết tặng ba)- Nguyên Nhật AnhNGỌT NGÀO VỊ CÁT - Nguyễn Ngọc PhúTìm ai bên sông - Hoàng ĐặngGỌI MẦM - Nguyễn Thị Thu SươngPHẦN TUỔI THƠ CỦA EMTRANG THƠ DÀNH CHO THIẾU NHI: EM VÀ BÓNG NẮNG - NGÂN VINHQUÀ SINH NHẬT - Lê Thị Huyền NgaVăn học thiếu nhi:THÌ THẦM CỦA GIÓTội lỗi!(Thông Tấn Xã Việt Nam tại Đà Nẵng) - Ngọc Nhân GIỮA XUÂNLỜI XA XƯA - PHẠM MINH DŨNGỞ VÁCH NGĂN CUỐI CÙNGMẸ ƠI TỔ QUỐC(Cơ quan thường trú Báo Nhân dân tại Đà Nẵng) - Nguyễn Thị Anh ĐàoVỀ ĐÀ NẴNGTRÒ CHUYỆN VỚI CHUỒN CHUỒN(Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) - Lê Minh Quốc Một nửa…MẸ TÔILỜI SÓNG GỌI BÌNH MINH(Báo kon Tum)- Từ Dạ LinhVÙNG NHỚCẨM LỆ (Trưởng đại diện tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng)- Lê Anh DũngMùa không láMưa chan từ cuối phố - TRẦN TRÌNH LÃMANH LỚN LÊN… HUYỀN THOẠI BUỔI CHIỀU XANH Đó là buổi thành phố xanh màu xanh của lá (Phóng viên Báo An Ninh Thế giới tại miền Trung) - PHAN BÙI BẢO THY CHIỀU BIÊN GIỚI ĐÀ NẴNG(Phó Tổng biên tập Báo Công an Đà Nẵng) - NGUYỄN ĐỨC NAMNÓI VỚI CON - NGUYỄN MINH ÁNHBàn lại cách dịch bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ - Nguyễn Thiếu DũngKHI CON KHÓC(Cảm nhận bài thơ “Khi con khóc” của Ngọc Tuyết)Tâm sự Nữ Sĩ BANG NHÃN qua bài thơ VỊNH NGŨ HÀNH SƠN Châu Yến Loan NGƯỜI TÌNH TRONG CA KHÚC “THU, HÁT CHO NGƯỜI” - Trương Văn KhoaTỐNG PHƯỚC PHỔ, TÁC GIẢ VIẾT KỊCH BẢN HÁT BỘ XUẤT SẮC - Trương Đình QuangNGHỀ MÚA - NỖI SUY TƯ - NSND Lê HuânNhững dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt NamHò đưa linh(Tập sưu tầm – biên soạn của Trần Hồng, NXB Sân khấu - 2012)