TỐNG PHƯỚC PHỔ, TÁC GIẢ VIẾT KỊCH BẢN HÁT BỘ XUẤT SẮC - Trương Đình Quang
Vào tuổi thanh niên, Tống Phước Phổ là thư ký của Nguyễn Hiển Dĩnh, nhà hoạt động sân khấu hát bộ lỗi lạc. Trong việc ghi chép sáng tác hoặc chỉnh lý tuồng của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, ông được cụ dạy bảo, dìu dắt. Say mê văn chương và hát bộ, gắn bó với các nghệ sĩ Nguyễn Phẩm, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, được sự khuyến khích của họ, ông mạnh dạn tập viết tuồng. Ở tuổi 18, ông đã có vở tuồng hát bộ đầu tay Lâm Sanh Xuân Nương, được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh và các bạn trong ngành công nhận là vở diễn thành công. Ngay trong vở này, người xem nhận biết tư tưởng tiến bộ của ông chống đối quan lại.
Lâm mẫu (với Lâm Sanh):
Mi khá lo coi cửa, coi nhà
Tao cần phải lên nha, lên huyện
(hát nam):
Cần phải lên nha, lên huyện
Quan là người hai miệng, lo chi
Kè kè túi bạc mang đi
Thay đen đổi trắng, khó chi đâu nào
Một mụ mẹ chồng ác nghiệt, có tội giết con dâu, mà vẫn ngang nhiên không sợ pháp luật, vì đã có quan huyện là "người hai miệng”.
Nhưng, chưa đến cái tuổi lập thân (tam thập nhi lập), Tống Phước Phổ đã bị cuốn hút vào những biến động chính trị xã hội dữ dội của quê hương, với các phong trào: Nghĩa hội Cần vương, "xin xâu đòi giảm thuế”, Duy Tân, khởi nghĩa do vua Duy Tân làm minh chủ, phong trào đòi ân xá cụ Phan Bộ Châu, cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tự do, nhân dịp lễ tang cụ Phan Châu Trinh...
Không thể ngồi yên, dù có thể gửi gắm tâm sự yêu nước trong tác phẩm văn chương và tuồng hát bộ của mình, đầu năm 1926, xin phép tạm xa cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ và Sài Gòn. Vừa học văn hóa (ban tú tài) ông vừa liên lạc với tổ chức yêu nước. Ông vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong một thời gian ngắn, ông là chiến sĩ trong đấu tranh chính trị, có mặt trên văn đàn, báo chí. Năm 1931, hưởng ứng những cuộc bãi khóa, tạm xếp bút nghiên, dấn thân cho hoạt động cách mạng, ông quay về đất Quảng. Ở "Phai Phô” (tức thị xã Hội An), ông làm thư ký cho sở đạc điền. Lại trở về với cây bút, làm thơ và viết tuồng hát bộ, hoạt động cách mạng. Gửi gắm tâm sự yêu nước của mình trong vở tuồng Trưng Vương khởi nghĩa (phác thảo từ năm 1927). Lời của nhân vật Trưng Trắc:
Há đành để dân ta thảm khổ
Mà ngồi xem quân giặc hoành hành
Nối chí anh, còn có vợ
Trà thủ nước mới là dân nước
Nhận lời mời của nghệ sĩ Nguyễn Lai, ông thôi nghề công chức nhà nước bảo hộ, cùng nhau lập một phái khác, dựng gánh hát Tân thành ban. Với cố gắng bảo tồn vốn liếng cổ truyền, thực nghiệm vừa diễn tuồng cổ vừa diễn tuồng tiểu thuyết của Tống Phước Phổ gánh hát đổi mới lối diễn, hát theo sắc màu âm điệu xuân nữ.
Đôi lúc, để có thực tế cuộc sống sân khấu, Tống Phước Phổ diễn một số vai phụ. Ông xem đó là sự tập dượt giúp ông nắm bắt việc bếp núc của sân khấu, nâng cao tay nghề trong sự sáng tạo vở diễn.
Tuồng hát bộ của Tân thành ban thường mang chủ đề chống đối chế độ, lễ giáo phong kiến, nhắc nhở với công chúng ý chí, truyền thống cách mạng. Vì thế, lúc bấy giờ, bọn thống trị cấm diễn một số vở tuồng gọi là tuồng lãng mạn của ông.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Tống Phước Phổ diễn đạt rõ ràng nhất định tinh thần yêu nước trong những vở tuồng lịch sử. Ông viết nhiều, nhưng do hoàn cảnh xã hội và tình hình chính trị, không thể đạt đến việc thể hiện tốt đẹp và hoàn chỉnh nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của mình.
Cách mạng Tháng Tám, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Điện Minh (bầy giờ gồm cả xã Điện Phương hiện nay).
Nhưng khi nghệ sĩ Bảy Thử (Lê Thử) lập gánh hát và diễn vở tuồng "Trưng Vương khởi nghĩa của ông, mời ông cộng tác, thì ông thôi công việc của xã và trở lại với hát bộ, sát vai với bạn bè nghệ sĩ nổi tiếng. Ông viết một loạt vở diễn: Kiều Quốc Sĩ, Vì bạn quên mình, Anh Lan chị Lan v.v...”.
Vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Tống Phước Phổ cùng người bạn là ông Võ Bá Huân (bấy giờ là cán bộ ty công an tỉnh) lập Đoàn hát bộ dân quân Điện Bàn gồm toàn diễn viên trẻ, diễn lấy tiền bỏ vào quỹ dân quân của huyện.
Mùa đông năm 1952, đoàn hát bộ thuộc Chi hội văn nghệ kháng chiến Liên khu 5 với những nghệ sĩ đầy tài năng của đất Quảng và xứ Dừa lưu diễn ở Quảng Nam. Nhận lời mời của ban phụ trách, ông về đoàn, là tác giả.
Cuối năm 1954, ông theo đoàn chuyển ra miền Bắc. Hơn 2 năm, ông làm công tác cải cách ruộng đất. Giữa năm 1956, ông trở về đoàn, sống và viết.
Tiếp tục phát huy sở trường viết tuồng lịch sử, ông viết Lam Sơn khởi nghĩa (1975), Công chúa An Tư (1960), Trưng Vương khởi nghĩa (viết lại, 1962), Rừng khuôn mánh (1970), Nguyễn Huệ (1971), Tuổi trẻ truyền thống (1972) v.v...
Cùng đạo diễn Hoàng Châu Ký cải biên vở Tam nữ đồ vương 3 hồi thành Ngọn lửa Hồng Sơn. Chỉnh lý một loạt vở tuồng cổ truyền: Tam Khí Châu Du, Trảm Trịnh Ân, Ngũ Hổ, Sơn Hậu, Thanh Xà - Bạch Xà. Cùng các nghệ sĩ Đội Tảo (Thủ, Nguyễn Nho Túy), Sáu Lai (Nguyễn Lai), Mười Thân (Phạm Chương), Phó Sơn (Côi, Văn Phước Khôi), Ngô Thị Liễu khai thác, dựng lại những vở tuồng cổ đã bị lãng quên trong ngành: Mã Phụng Cầm, Nghĩa Hổ, Võ Hùng Vương, Lý Phụng Đình, Giác Oan, Hải Đường, Trạch Trúc... và một số vở tuồng đồ: Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Ngáo đúc chuông v.v... Cùng lúc, ông thử viết một vài vở diễn về đề tài cuộc sống hiện nay.
Sau tháng 5-1975, ông đã về đoàn hát bộ Bình Định (nay là Nhà hát Đào Tấn), tiếp tục viết và nghiên cứu. Ông đã cho ra đời những vở: Sao khuê trời Việt, Đô đốc Bùi Thị Xuân...
Sau 15 năm sống và làm việc ở xứ Dừa, được quý trọng và chăm sóc chu đáo trong gia đình lớn ngành hát bộ, đến cái tuổi bát thập, muốn được từ giã cõi đời này ở nơi chôn nhau cắt rốn, ông về lại đất Quảng. Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đón ông về vào mùa xuân 1990, ân cần phụng dưỡng cho đến ngày ông ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Với tuổi 89, ông đã dành thời gian dài nhất của cuộc đời mình cho sân khấu hát bộ. Tài năng và công lao của ông đối với ngành hát bộ rất lớn và nhiều mặt. Với sự nghiệp nghệ thuật và cuộc sống trong sáng, liêm khiết, tấm lòng thủy chung với ngành, ông được những người làm nghệ thuật và công chúng yêu hát bộ quý trọng và nhớ mãi.
Tác phẩm hát bộ của ông còn sống mãi trong tiếng trống chầu vang dội vào trái tim và tâm hồn của công chúng say mê sân khấu sau này. Năm 1996 Tống Phước Phổ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
T.Đ.Q