KHI CON KHÓC(Cảm nhận bài thơ “Khi con khóc” của Ngọc Tuyết)
Bùi Huyền Tương
Khi con khóc
gió lăn tròn
lá tha thiết cuộn bồn chồn trong tim
đóng đinh lên sóng mắt đêm
lời ru đau đáu lem nhem phận người
Khi con khóc
mưa rạc rơi
mẹ không bụ sữa giấc đời nhăn nheo
ca dao ốm vận… khúc nghèo
lời ru lỡ nhịp buồn đau tháng ngày
Không cha
nước mắt con dây
dải tang thiếu phụ đẫm đầy mồ côi
ngủ đi con những khuya rồi
mẹ còn bươn chải nỗi đời nhiêu khê
Nắng bấn loạn mưa tỉ tê
mẹ thèm con lắm!
ủ ê ngực trần
thèm con chui rúc vào thân
ninh nhừ xúc cảm trong ngần lời yêu
mẹ chai lòng với mọi điều
ôm bình minh vọng- cánh diều con bay…
Chấp tay vào khoảng không này
ơn đời độ lượng về bày bao dung
ngủ đi đời lắm bão bùng…
đắng đau –hạnh phúc
mẹ cùng con thôi!
(Đăng trên VNQĐ Số 726, Tháng 6-2011)
Với thể thơ tự do, bạn đọc thường gặp ở Ngọc Tuyết những bứt phá mạnh mẽ khác lạ trong cách tân sáng tạo thi tứ, trong mới mẻ ngôn từ. Còn với thể thơ lục bát truyền thống, chị vẫn tuân thủ theo những quy chuẩn của thể thơ nầy. Song với phong cách riêng của chị, ta lại nhận ra sự mới lạ bằng sự ngắt dòng linh hoạt, sự thay đổi nhịp điệu trong từng dòng thơ tạo ra những xúc cảm lắng đọng. Hướng tới những ngẫm ngợi về thân phận éo le của kiếp người. Bài thơ "Khi con khóc” thể hiện rõ điều này. Đây là một trong những bài thơ chị đạt giải cuộc thi thơ lục bát của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2010- 2011.
Đọc qua nhan đề bài thơ, ta có thể nghĩ rằng đây là bài thơ nói về hạnh phúc của thiên chức làm mẹ khi nghe con khóc. Từ tiếng khóc chào đời đến tiếng khóc vòi vĩnh đòi hỏi nuông chiều của con mình. Nhưng không, không phải vậy. Mà "Khi con khóc/ gió lăn tròn/ lá tha thiết cuộn bồn chồn trong tim/ đóng đinh lên sóng mắt đêm/ lời ru đau đáu lem nhem phận người”. Ta chợt ngộ ra tâm trạng bối rối, bồn chồn của người mẹ trẻ. Tiếng khóc của con làm nhói buốt tâm can người mẹ. Người mẹ trẻ ấy chẳng giàu sang gì đâu. Chỉ "lem nhem phận người”, nghèo khó, gầy rộc đến mức không đủ dòng sữa ấm để chu toàn thiên chức. Sự thiếu hụt về vật chất người ta có thể dần dà bù đắp. Nhưng sự thiếu hụt về tinh thần, nhất là sự chia lìa về nghĩa tình phu thê thì quả là sự mất mát lớn lao. Lấy gì bù dắp. Người thiếu phụ trong bài thơ đang chạm phải nỗi đớn đau cùng tận. Phải đối mặt với nỗi đau ê chề, bầm dập ngỡ có thể nát tan kiếp người. Đấy là nỗi đau tinh thần: "ca dao ốm vận… khúc nghèo/ lời ru lỡ nhịp buồn đau tháng ngày”.
Hai khổ thơ đầu của bài thơ, tác giả chỉ nói lên nỗi đau đời của người thiếu phụ. Nỗi chông chênh, hụt hẫng khi thiếu vắng người chồng mà chị yêu quý, thủy chung. Người đọc tinh ý có thể nhận ra điều này khi chạm vào cặp lục bát tài hoa đầu tiên: "Khi con khóc/ gió lăn tròn/ Lá tha thiết cuộn bồn chồn trong tim”. Xưa nay, người ta chỉ nghe tiếng gió thổi chứ không ai thấy được gió bao giờ. Ở đây người mẹ trẻ lại thấy "gió lăn tròn”. Phải chăng, "gió lăn tròn” hay tâm hồn chênh vênh của người mẹ "lăn tròn” không lối thoát. Người ta thấy được gió thông qua tác động của nó với vạn vật trên không gian này thôi. Xúc cảm của con người dựa vào tâm trạng hiện tại mà nhận ra hình ảnh buồn vui qua tác động của gió. Hình ảnh dễ gợi cảm nhất với tâm trạng con người là "lá”. Tiếng lòng người thiếu phụ trong bài thơ đang cùng tiếng lá nỉ non thân phận. Phận người như phận lá! Trái tim người thiếu phụ đang tha thiết với hình ảnh "lá non” và "lá xanh”. Nhưng hiện hữu chỉ còn "lá non” còn " lá xanh” về đâu nhỉ!? Để chị ta cứ đau đáu trong lòng.
Bi kịch của cuộc đời người mẹ trẻ được mở ra làm người đọc nao lòng, bởi những dòng thơ u uẩn như tiếng than thấu trời của cõi người: "Không cha/ nước mắt con dây/ dải tang thiếu phụ đẫm đầy mồ côi”. Thế là người chồng yêu quý của chị đã đi vào cõi vĩnh hằng. Để lại nỗi hóa bụa, côi cút. Và chị chỉ biết gói ghém phận mình vào khổ đau nhàu nhĩ. Cuối cùng chỉ biết tự an ủi mình khi phải đơn côi chèo chống con thuyền đời lắm nỗi: " ngủ đi con! những khuya rồi/ mẹ còn bươn chải nỗi đời nhiêu khê”.
Bằng cảm nhận tinh tế của mình, cùng với ngôn từ mới lạ như "lá tha thiết cuộn”, "ca dao ốm vận”, "nắng bấn loạn”, "mưa rạc rơi”, "nước mắt con dây” v.v.. Tác giả Ngọc Tuyết đã dựng nên hình ảnh người thiếu phụ phải nếm trải đủ cung bậc trần ai. Với chị nghĩa phu thê chỉ còn trong hoài niệm từ phía quá vãng xa xăm. Hiện tại chị phải đối mặt với nỗi trống vắng, buồn đau đến rợn ngợp phận mình. Mỗi khi ôm con vào lòng. Chị lại hồi tưởng nghĩa tình đằm thắm, hạnh phúc tràn trề của nghĩa tao khang thuở anh còn sống. Bây giờ, tất cả chỉ còn trao gởi vào tình mẫu tử thiêng liêng. Điều nầy được tác giả kiến tạo bằng khổ thơ với ý tưởng mới lạ. Được xem như khổ thơ tài hoa nhất trong bài thơ: "Nắng bấn loạn- mưa tỉ tê/ Mẹ thèm con lắm!/ ủ ê ngực trần/ Thèm con chui rúc vào thân/ Ninh nhừ xúc cảm trong ngần lời yêu”. Đấy là với con, với dòng hồi tưởng về người chồng yêu quý của chị. Còn bây giờ: "Mẹ chai lòng với mọi điều/ Ôm bình minh vọng- cánh diều con bay”.
Đọc mấy cặp lục bát trên đây, ta thấy bằng phép đối ngẫu, tác giả đã khắc họa nên hình ảnh cao đẹp của người thiếu phụ đã gắn đời mình với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chị đã dành hết tình yêu thương cho con, lòng chung thủy với chồng lúc anh còn sống cũng như khi anh đi vào cõi miên viễn.
Khi phải đối diện với dòng đời nghiệt ngã. Tưởng chừng như xô lệch phận người mong manh. Chị liêu xiêu như chiếc bóng. Nhưng chị đã gượng dậy vì còn đứa con thơ- giọt máu anh gởi lại, vì trách nhiệm công dân. Chị cậy nhờ vào cõi tâm linh, vào phép màu kỳ diệu của "ơn đời” phù trì độ lượng để vực dậy quãng đời còn lại, để chu toàn thiên chức là điều đáng trân trọng. Và đứa con thơ là nguồn an ủi, là niềm hy vọng của tấm lòng hết mực vì chồng, vì con: "Chắp tay vào khoảng không nầy/ Ơn đời độ lượng về bày bao dung/ Ngủ đi đời lắm bão bùng…/Đớn đau- hạnh phúc/ mẹ cùng con thôi!”.
Bài thơ mang âm hưởng thật buồn. Nhưng ánh ngời tấm lòng thủy chung trong nghĩa phu thê, tình mẫu tử lai láng của người thiếu phụ trước nỗi đau không thể khỏa lấp.
Chiều quê, ngày 22/3/ 2012
B.H.T