ĐÀ NẴNG – MỘT LẦN ĐẾN - Nguyễn Nhi Dâng Mi
Tôi đến Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng sáu, cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống ga Đà Nẵng là ngột ngạt, bức bối vô cùng, vì chỉ hai tiếng trước đó tôi đang ở thành phố Huế yên bình, thơ mộng. Nếu không vì tính chất của đợt thực tế, có lẽ tôi sẽ quay chân trở lại ga để nhanh chóng về với thành phố xinh đẹp của tôi.
Với gương mặt cau có, tôi lúng túng tránh hết dòng người này tới đợt xe khác để về khu nhà trọ đã được đặt chỗ trước trên đường Hải Phòng. Ba lô lỉnh kỉnh, tôi mệt nhọc lê bước theo các bạn, mọi người nhìn chúng tôi hiếu kì vì trông cái vẻ lúng túng như nhà quê lên tỉnh của chúng tôi. Quả thật, so với Huế, Đà Nẵng tấp nập và nhộn nhịp hơn hẳn, đường lại ít cây xanh nên nắng càng trở nên gay gắt chói chang. Tôi bắt đầu hối hận vì đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến trong chuyến thực tế của mình, nhưng bây giờ đây, khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì cảm giác ban đầu của tôi về Đà Nẵng hoàn toàn sai lầm.
Khác với cái vẻ oi bức ban ngày, khi đêm về, Đà Nẵng hoàn toàn đổi khác, giống như được thay một cái áo mới. Cậu bạn tôi tên Vinh, vào học ở Đà Nẵng đã kiên quyết kéo tôi ra khỏi nhà trọ để đi tham quan với cậu ta. Tôi bảo: "Ban đêm thì có chi để xem chớ”, Vinh cười, ánh mắt tươi vui: "Rồi Mi sẽ tự thấy lời mình nói là sai lầm”. Và tôi đã thấy mình sai lầm thật khi cùng Vinh đi qua cầu Sông Hàn, lên cầu Thuận Phước, cùng ngồi ở bãi biển Phạm Văn Đồng nhìn lên đỉnh Bàn Cờ, nhìn tượng Phật Bà Quan Âm dưới ánh đèn mờ mờ trông có vẻ huyền bí, từ xa, tưởng như tà áo của Phật Bà bay nhè nhẹ theo gió. Vinh gọi mực nướng và bia, chúng tôi ngồi nhìn mọi người qua lại dạo chơi trên bãi biển, tôi thích nhìn những thùng rác hình chú chim cánh cụt, thấy chúng thật dễ thương với dòng chữ: "Hãy cho tôi rác”. Gió lùa vào tóc tôi, Vinh nheo nheo mắt nói: " Nhờ gió mà Vinh mới nhận ra Mi để tóc dài trông xinh hơn hẳn, đừng cắt tóc nữa, Mi nhé”. Tôi không nói gì, nhấp một ngụm bia, thứ mà tôi không hề thích, để thấy rằng bia cũng có lúc ngọt.
Công việc trong chuyến thực tế của chúng tôi khá nhẹ nhàng, tôi và các bạn có nhiều thời gian để đi một số nơi ở Đà Nẵng. Tôi thích đi chợ ở Đà Nẵng, bà chủ trọ gợi ý chúng tôi đi chợ Cồn, theo lời bà, chợ Hàn nằm cách đó không xa nhưng giá mọi thứ đều cao hơn ở chợ Cồn. Nghe lời bà chúng tôi cùng nhau đi bộ, hỏi thăm bao nhiêu người mới đến được chợ Cồn, chỉ riêng việc hỏi thăm thôi, tôi cũng có một kỉ niệm đáng nhớ. Do không quen đường xá nên chúng tôi cứ vòng vo mãi, một hồi lâu, tôi gặp một bác đang đi thỏng thả trên đường, liền cất giọng Huế đặc sệt của mình lên mà hỏi: " Bác ơi! Ra chợ Cống đi đường mô bác hè”, bác ấy nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nheo mắt cười: " O ở Huế vô phải không, ở đây chỉ có chợ Cồn thôi o nờ”. Tôi xấu hổ, Ở Huế tôi có chợ Cống, tôi quen miệng chứ trong ý nghĩ thì tôi muốn tới chợ Cồn chớ. Hàng hóa ở chợ Cồn đa dạng cũng tấp nập như chợ Đông Ba. Đặc biệt ở cuối chợ có một lô gian hàng đồ bành, lùng đồ bành là sở thích của tôi, như cá gặp nước, tôi tha hồ ngụp lặn trong những đống đồ bành để lôi ra những thứ không giống ai, tôi thích đồ bành là bởi một lẽ, nó rẻ và không đụng hàng, nếu có gu thẩm mỹ một chút và biết phối đồ sẽ tạo ra những bộ quần áo độc đáo. Món ăn mà tôi thích nhất ở Đà Nẵng không phải là Mì Quảng mà là những quả chuối nấu nho nhỏ, vàng vàng tôi không biết tên, được bỏ trong những chiếc bội, chở trên xe đạp bán trước cổng chợ Cồn. Người ta luôn biết cách để cho mọi thứ đều được sử dụng với hiệu quả tốt nhất, với loại chuối này cũng vậy, có phải tất cả các loại chuối nấu lên đều dẻo, thơm khi nhai cứ xoắn vào lưỡi, lưu luyến không muốn trôi tuột vào cuống họng như loại chuối này đâu.
Vinh hẹn tôi đi chơi với một lí do, tôi chưa chụp ảnh kỉ niệm. Chở tôi đi dọc cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại. Có lẽ, về đêm, thần Gió luôn hào phóng với Đà Nẵng, tóc tôi rối tinh rối mù. Vinh dừng xe, những người chụp ảnh với biển quảng cáo "chụp ảnh lấy liền” ùa tới, tôi để mặc Vinh chọn lựa, đứng tựa ngực vào lang can để nhìn về phía cầu sông Hàn, bất chợt nhìn thấy biểu tượng pháo hoa trên đỉnh cầu sao giống trái bắp đang lột vỏ dở dang đến thế, biết thể nào cũng bị cóc đầu vì sự so sánh của mình, tôi đã không nói với Vinh điều đó, có lẽ, tâm hồn ăn uống của tôi lúc nào cũng đong đầy.
Một nhà văn đã so sánh đèn ở Đà Nẵng là những "mắt phố trong veo”, lúc này khi đứng từ cầu Thuận Phước nhìn bao quát xung quanh, tôi thấy thành phố như một quả cầu gai lấp lánh, đẹp và êm đềm, trái ngược hoàn toàn với cảm nhận khi vừa đặt chân đến đây. Thành phố như đang tận hưởng từng đợt vuốt ve của gió, cái oi nồng được gió mang đi hết từ lúc hoàng hôn nhường chỗ cho một Đà Nẵng nữ tính, dịu dàng. Vinh lôi tôi tới chụp ảnh, cái nào tóc tôi cũng bị gió thốc ngược, gương mặt càng bừng sáng bởi muôn ngàn ánh đèn.
Tôi đã từng trách Vinh sao lần nào ra Huế cũng nói về Đà Nẵng say sưa như thế, giờ thì tôi hiểu, những đêm nhong nhong dọc thành phố, tâm hồn của cậu ta đã được vuốt ve, làm dịu lại những vết thương mà thành phố trầm mặc của tôi chỉ khiến cậu ta thêm buồn.
Tôi về lại Huế, chuyến thực tế quá ngắn không đủ để tôi khám phá Đà Nẵng nhiều hơn. Một chút buồn và luyến lưu khi tôi đã ngồi yên vị trên tàu, tàu đi như bám vào sườn núi, đi mãi mà nhìn lại vẫn cứ thấy cầu Thuận Phước nổi rõ trong nắng chiều, quang cảnh sao đẹp quá. Các bạn tôi lại nổi máu văn chương: " khi ta ở chỉ là nơi đất ở…”.
N.N.D.M