NGHỀ MÚA - NỖI SUY TƯ - NSND Lê Huân

13.07.2012

NGHỀ MÚA - NỖI SUY TƯ - NSND Lê Huân

Nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay đang tiến triển theo nhịp điệu thời đại. Trong các cuộc liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân cho tới các ngành, các vùng và từng địa phương múa đều không thể thiếu trong cơ cấu chương trình. Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thi: Tác phẩm múa ít người, tác phẩm múa dân gian, dân tộc, kịch múa, kịch bản múa, tài năng nghệ sĩ biểu diễn múa. Ở đó, nhiều tác phẩm đã được giải vàng, giải bạc. Nhiều tài năng diễn viên xứng tầm quốc gia, quốc tế. Tuy vậy, cho tới nay, người xem múa không nhiều và người hiểu múa lại càng ít!

Ngay trong cuộc hội thảo "Văn học-Nghệ thuật với hiện thực cuộc sống”, do Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại thành phố Đà Lạt năm 2010 có một giáo sư văn chương đã nhìn nhận: "Múa chỉ là những động tác giơ chân, giơ tay!”. Còn trên báo Văn Nghệ số gần đây nhất (tháng 9-2011) có bài của tác giả Cao Minh, xếp múa vào cùng loại hình nghệ thuật Việt Nam đang khủng hoảng, sa sút chưa đồng hành với thời đại.

Chuyện bình phẩm trong làng văn nghệ tùy thuộc vào sự hiểu biết, thiện cảm của mỗi người. Nhất là ở những người ngoại đạo với nghề múa.

Người trong nghề múa chắc chắn một điều: Chúng ta không tụt hậu, lạc lối. Nghệ thuật múa Việt Nam đang tiến tới mục tiêu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhưng vì sao nghề múa chúng ta lại chưa được đánh giá, nhìn nhận cho thật khách quan? Nguyên nhân chủ yếu theo tác giả bài viết này trước hết do chúng ta, những người làm công tác múa chưa tổ chức được nhiều chương trình quảng bá tác phẩm múa, nhất là ở mảng chuyên nghiệp đến với công chúng.

Các cuộc liên hoan, hội diễn, thi múa chuyên nghiệp có nhiều tác phẩm hay, xứng tầm thời đại cả về ý tưởng, cấu trúc, ngôn ngữ. Nhưng những tác phẩm ấy chỉ nằm trong bốn bức tường sân khấu. Thi múa chỉ có giám khảo xem và một số ít tác giả, diễn viên trong nghề coi với nhau. Phương tiện quảng bá đắc lực hiện nay là phương tiện truyền hình chỉ lớt phớt đưa tin điểm qua. Dựng một tác phẩm múa tốn biết bao công sức, tiền của nhưng lại ít có kinh phí tổ chức biểu diễn quảng bá tác phẩm. Đơn vị nghệ thuật làm nên những chương trình tác phẩm múa chỉ cố gắng đạt được cái điều là diễn cho giám khảo chấm, chứ chưa nghĩ đến việc biểu diễn cho công chúng xem!

Biểu diễn cho công chúng xem, hoặc phổ biến băng hình cho đông đảo công chúng được xem những tác phẩm múa trong cuộc thi, hội diễn đòi hỏi phải có kinh phí. Thông thường, các cơ quan hữu trách có thẩm quyền với các đơn vị nghệ thuật, duyệt chi kinh phí cho việc đi thi, ít khi duyệt chi tiếp cho việc tổ chức biểu diễn quảng bá tác phẩm. Những tác phẩm làm để đi thi, mang đi diễn nhiều khi lại không dễ diễn chút nào! Vì mọi sự tô điểm, trang trí kềnh càng cốt đạt cho được hiệu quả lúc thi. Trừ các đơn vị nghệ thuật có nhà hát của mình còn các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phục vụ cơ động, chắc chắn phải xếp bó lại các tác phẩm này.

Thử hỏi, có bao nhiêu tác phẩm được xây dựng công phu, tốn kém mang đi thi, sau đó được mang đi công diễn rộng rãi cho công chúng được xem? Nỗi suy tư cho nghề múa còn nhiều chuyện tự thân của chúng ta gây ra ảnh hưởng chẳng tốt đẹp gì cho múa.

Chưa có một cuộc thi múa, cuộc hội diễn nào mà sau đó ban tổ chức có hội thảo để được trao đổi, được tranh luận những vấn đề chuyên môn, những vấn đề còn khuất tất của tác phẩm, tác giả của giải thưởng và giám khảo. Thi xong là cuốn gói ra về, còn để lại bao nỗi ấm ức cho người trong nghề.

Công tác lý luận phê bình múa thực sự yếu và thiếu. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam có một cơ quan ngôn luận duy nhất là Tạp chí "Nhịp điệu”, hầu như chỉ viết ngợi ca, giới thiệu hoặc lý luận nghiên cứu. Trên những trang báo viết, báo hình toàn quốc, lĩnh vực phê bình múa cũng không phải có nhiều phóng viên tỏ tường, am hiểu lĩnh vực này nên xem như chẳng có.

Người ta chỉ phẩm bình múa theo lối "văn chương truyền miệng” hoặc "vơ đũa cả nắm” như giáo sư văn chương nọ hoặc như tác giả Cao Minh trên báo Văn Nghệ!

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta đã tự hại chính mình bằng những tác phẩm tùy tiện, bằng những tư duy cạn cợt hoặc những sự sao chép các tác phẩm của người khác. Nhiều điệu múa ra đời không có ý tưởng, chỉ là sự lắp ghép tổ hợp động tác với âm nhạc. Nhiều nhà biên đạo không viết được kịch bản. Nhiều màn minh họa, phụ họa múa cho bài hát chỉ để khoe thân thể, xiêm y rất đỗi nhàm chán. Khán giả dị ứng với múa kiểu như vậy, họ nói "thà bỏ múa đi còn hơn!”… Vừa rồi, trong lễ trao Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng 5 năm lần thứ 2 (tháng 8-2011), Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đề nghị không để múa phụ diễn cho các bài hát khi trình diễn!

Ở các thành phố, các nhóm múa tự lập, tự doanh mọc lên như nấm sau mưa. Múa chào mừng, đón khách, múa trình diễn cho đám cưới trở nên phổ biến, mục đích mưu sinh cho diễn viên múa. Tất nhiên ở những cuộc diễn ấy, nghệ thuật khỏi cần bàn! Múa trong các chương trình lễ hội, nhất là ở các lễ hội văn hóa địa phương đang là sự thu hút, bận bịu cho các đơn vị nhà trường có đào tạo diễn viên ngành múa. Chẳng hiểu trong giáo trình đào tạo diễn viên múa, hoạt động này có lợi ích gì cho sự phát triển khả năng, kỹ năng biểu diễn múa của học trò.

Còn điều này, trong cơ chế thị trường, người người đua nhau kiếm sống, làm giàu. Nghệ sĩ múa cũng không thoát khỏi vòng đời thực dụng ấy. Nhưng có ai làm giàu bằng nghề mình được? Lĩnh vực đất đai, nhà cửa hoặc phục trang, nhà hàng, khách sạn v…v… cuốn hút nhiều tâm lực, nhân tài ngành múa. Thế hệ trẻ hôm nay xem ra cái tâm nghiệp không thể so với các ông bà, anh chị ngày xưa một thời say mê rèn giũa để vì nghệ thuật phục vụ cho non sông, Tổ quốc.

Nghề múa còn lắm nỗi phải suy tư.

L.H

Bài viết khác cùng số

ĐÀ NẴNG – MỘT LẦN ĐẾN - Nguyễn Nhi Dâng MiCHỒI BIẾC (Viết tặng ba)- Nguyên Nhật AnhNGỌT NGÀO VỊ CÁT - Nguyễn Ngọc PhúTìm ai bên sông - Hoàng ĐặngGỌI MẦM - Nguyễn Thị Thu SươngPHẦN TUỔI THƠ CỦA EMTRANG THƠ DÀNH CHO THIẾU NHI: EM VÀ BÓNG NẮNG - NGÂN VINHQUÀ SINH NHẬT - Lê Thị Huyền NgaVăn học thiếu nhi:THÌ THẦM CỦA GIÓTội lỗi!(Thông Tấn Xã Việt Nam tại Đà Nẵng) - Ngọc Nhân GIỮA XUÂNLỜI XA XƯA - PHẠM MINH DŨNGỞ VÁCH NGĂN CUỐI CÙNGMẸ ƠI TỔ QUỐC(Cơ quan thường trú Báo Nhân dân tại Đà Nẵng) - Nguyễn Thị Anh ĐàoVỀ ĐÀ NẴNGTRÒ CHUYỆN VỚI CHUỒN CHUỒN(Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) - Lê Minh Quốc Một nửa…MẸ TÔILỜI SÓNG GỌI BÌNH MINH(Báo kon Tum)- Từ Dạ LinhVÙNG NHỚCẨM LỆ (Trưởng đại diện tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng)- Lê Anh DũngMùa không láMưa chan từ cuối phố - TRẦN TRÌNH LÃMANH LỚN LÊN… HUYỀN THOẠI BUỔI CHIỀU XANH Đó là buổi thành phố xanh màu xanh của lá (Phóng viên Báo An Ninh Thế giới tại miền Trung) - PHAN BÙI BẢO THY CHIỀU BIÊN GIỚI ĐÀ NẴNG(Phó Tổng biên tập Báo Công an Đà Nẵng) - NGUYỄN ĐỨC NAMNÓI VỚI CON - NGUYỄN MINH ÁNHBàn lại cách dịch bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ - Nguyễn Thiếu DũngKHI CON KHÓC(Cảm nhận bài thơ “Khi con khóc” của Ngọc Tuyết)Tâm sự Nữ Sĩ BANG NHÃN qua bài thơ VỊNH NGŨ HÀNH SƠN Châu Yến Loan NGƯỜI TÌNH TRONG CA KHÚC “THU, HÁT CHO NGƯỜI” - Trương Văn KhoaTỐNG PHƯỚC PHỔ, TÁC GIẢ VIẾT KỊCH BẢN HÁT BỘ XUẤT SẮC - Trương Đình QuangNGHỀ MÚA - NỖI SUY TƯ - NSND Lê HuânNhững dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt NamHò đưa linh(Tập sưu tầm – biên soạn của Trần Hồng, NXB Sân khấu - 2012)