Hò đưa linh(Tập sưu tầm – biên soạn của Trần Hồng, NXB Sân khấu - 2012)
SÁCH MỚI:
Sau nhiều tập sách đã xuất bản về dân ca Việt Nam như Dân ca xứ Quảng, Nhạc tuồng, Hát đồng dao, Hát sắc bùa, Hò xứ Quảng, Hát bả trạo, Nhạc kịch dân ca, Nhạc đàn kịch dân ca, nhạc sĩ Trần Hồng lại công bố tác phẩm mới Hò đưa linh.
Hò đưa linh dày gần 500 trang, gồm 07 chương chính và 01 chương phụ với các nội dung: Hồn linh, Sinh ly tử biệt, Hành lễ, Đưa linh, Mộ táng, Điếu văn – văn tế… cùng nhiều hình ảnh minh họa được trình bày nghiêm túc, trang trọng đã giới thiệu một cách sinh động, chân thực quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm nghệ thuật và hình thức thể hiện của loại hình này. Điều đó thể hiện sự dày công đầu tư của tác giả đối với tập sách.
Đã là người Việt hẳn ai cũng được nghe ít nhiều về các điệu hò. Nếu quan tâm tìm hiểu sẽ thấy thế giới của các điệu hò thật vô cùng phong phú và đa dạng, chứa đựng một sức sống mãnh liệt, có khả năng lan tỏa và thâm nhập vào cuộc sống, vào ý thức và tình cảm con người. Với Hò đưa linh, người đọc có dịp hiểu thêm một cách cụ thể về một loại hò đã phát triển thành tổ chức lễ nghi, có biểu diễn âm nhạc, ca hát, múa dân gian như một chương trình ca múa nhạc độc đáo và qua đó nhận ra được cái hay, cái đẹp, cái ý nhị và giá trị của hò đưa linh, một trong số các loại hò thuộc vốn văn nghệ dân gian cổ nhất trong dân ca Việt Nam, được phổ biến từ các dân tộc thiểu số ở Tây bắc, Việt bắc, đồng bằng Bắc bộ vào miền Trung, Tây nguyên cho đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây và cả Nam bộ.
Từ những trang sách nhìn lại trong thực tế, người đọc sẽ cảm nhận rõ hò đưa linh không chỉ vẫn tiếp tục tồn tại mà còn được khai thác và phát triển một cách sáng tạo và trở nên gắn bó với cuộc sống hiện tại bởi thể hiện được cái tình, cái nghĩa ở đời.
Hò đưa linh là một tập sách đáng được ghi nhận và trân trọng. Có thể xem đây là một nguồn tư liệu quý báu góp phần lưu truyền và làm phong phú thêm vốn dân ca Việt Nam.
Hoàng Yến