Văn học - Nghệ thuật thời đại dịch Covid-19
Đại dịch toàn cầu Covid-19 không chỉ có nguy cơ tấn công vào lá phổi của những người làm Văn học - Nghệ thuật trên toàn thế giới - virus corona chủng mới đáng sợ này không hề phân biệt đối xử khi sẵn sàng tấn công tất cả ai bị lây nhiễm, bất kể người ấy là thường dân ở Vũ Hán hay thái tử của nước Anh, là trẻ em sơ sinh hay cụ già trăm tuổi; mà còn có nguy cơ làm tê liệt nhiều hoạt động Văn học - Nghệ thuật khắp sáu châu bốn biển, nhất là các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhiều sân khấu, nhà hát nổi tiếng thế giới đang phải oằn mình hứng chịu tác động kinh hoàng của đại dịch Covid-19. Ở xứ sở sương mù quê hương của Shakespeare, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đoàn diễn Bóng ma trong nhà hát buộc phải rời Nhà hát Her Majesty sau 34 năm trụ bám nơi đây; Nuffield Southampton Theater - một nhà hát lớn của Vương quốc Anh từng hoạt động hơn 50 năm qua cũng phải đóng cửa vô thời hạn; Nhà hát Haymarket tại thành phố Leicester đã đóng cửa từ tháng 5, các nhà hát như Royal Plymouth, Birmingham Hippodrome, Horsecross Arts... cũng lâm vào tình thế tương tự. Còn ở xứ sở cờ hoa quê hương của Hemingway, cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sân khấu Broadway buộc phải đóng cửa tới hết năm 2020, nhiều nghệ sĩ biểu diễn Broadway đã lên kế hoạch cho tương lai là có thể chuyển sang nghề khác và vĩnh viễn rời khỏi New York - điều được giới chuyên môn nhận định sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp sân khấu từng đóng góp hơn 14,7 tỷ USD cho nền kinh tế thành phố New York...(1)
Tuy nhiên ở đời cái khó không chỉ bó cái khôn mà còn có khả năng làm ló cái khôn. Chính trong tình cảnh khắc nghiệt mang âm hưởng lời độc thoại to be or not to be/ tồn tại hay không tồn tại của Hamlet, những người làm Văn học - Nghệ thuật trên toàn thế giới buộc phải đổi mới cách nghĩ cách làm và đã sáng tạo được nhiều hình thức ứng phó với đại dịch rất độc đáo. Chẳng hạn một nghệ sĩ dương cầm có thể vừa đeo khẩu trang y tế vừa chơi piano, nhưng làm thế nào một nghệ sĩ khẩu cầm có thể vừa đeo khẩu trang y tế vừa thổi kèn trumpet? Trả lời câu hỏi này, Công ty Shimamura chuyên sản xuất nhạc cụ có trụ sở đặt tại Tokyo bên Nhật Bản quê hương của Kawabata vừa cho ra đời loại khẩu trang được thiết kế khe hở ở miệng để khi nghệ sĩ mang khẩu trang này có thể thổi kèn thông qua khe hở ấy(2). Hay chẳng hạn hôm 20 tháng 8 vừa rồi Israel đã triển khai loại hình rạp chiếu phim nổi trên một mặt hồ của thành phố Tel Aviv nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả yêu điện ảnh trong mùa dịch Covid-19, khi Chính phủ ra chỉ thị đóng cửa nhiều địa điểm tụ tập đông người bao gồm rạp chiếu phim - khán giả đến “rạp” được ngồi trên khoảng 70 chiếc thuyền tự chèo hoặc có turbine nước, cho phép điều chỉnh khoảng cách với khán giả khác để đảm bảo yêu cầu giữ khoảng cách an toàn hai mét(3). Hay chẳng hạn một ban nhạc Pop tại Indonesia cũng vừa tổ chức buổi hòa nhạc mang tên Cuộc sống mới/ New Live theo phong cách độc đáo, giúp dịu bớt bầu không khí căng thẳng của dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo được an toàn - ở một bãi đỗ xe và thay bằng những tràng pháo tay, reo hò thường thấy, 900 khán giả tại đây vừa ngồi trên xe nghe nhạc vừa thỉnh thoảng góp vui cùng ban nhạc bằng những tiếng còi xe và nháy đèn...(4) Ở Thái Lan, trong thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, các hãng phim được phép hoạt động trở lại nhưng nhà chức trách Bangkok quy định mỗi đoàn làm phim không quá 50 người và những cảnh thân mật yêu đương tạm bị cấm quay và thay vào đó là góc máy hay kỹ xảo được sử dụng để tạo ra hiệu ứng thị giác trên màn ảnh(5).
Đặc biệt đối với các nghệ sĩ chuyên sáng tác thì giãn cách xã hội thậm chí phong tỏa ở các tâm dịch lại là điều kiện thuận lợi để họ có thêm quỹ thời gian và sự tĩnh tâm cần thiết để viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác ca khúc hay sắp đặt nghệ thuật... Chẳng hạn nghệ sĩ nhiếp ảnh người Nhật Tatsuya Tanaka đã thiết kế mô hình mini độc đáo về một cuộc sống bình thường khi chưa có đại dịch Covid-19 nhằm tạo nên một bộ ảnh nghệ thuật độc đáo - độc đáo bởi những mô hình sắp đặt này được sáng tạo từ chính những chiếc khẩu trang, nhiệt kế, bình nước... là các vật dụng thời thượng hiện nay(6). Hay chẳng hạn nhiều tác giả văn học thiếu nhi hàng đầu Trung Quốc cùng với các họa sĩ tên tuổi ở quê hương Tề Bạch Thạch đã sáng tác và xuất bản bộ truyện tranh đang được khoảng 20 quốc gia trong đó có Việt Nam, Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... mua bản quyền, gồm sáu cuốn: 14 trò chơi của ông nội của Triệu Lăng xoay quanh cuộc tìm kiếm những trò chơi mới mỗi ngày để vượt qua 14 ngày cách ly; Bà mẹ chạy trốn của Thiên Mạch kể về mẹ bé Hoa Hoa vì muốn bảo vệ con gái cưng nên đã quyết định “trốn”; Chiếc khẩu trang biết đếm của La Hy - các con số mà chiếc khẩu trang thường đếm được là minh chứng cho cuộc chạy đua giữa con người với thời gian nhằm giành giật từng giây từng phút để cứu mạng sống đồng bào đồng loại; Levin là một chú mèo của Đào Cửu xoay quanh chuyện nhận thức về thế giới khi đột nhiên đại dịch Covid-19 ập tới làm đảo lộn cuộc sống; Chuyến du hành 9.000mm của Trương Hiểu Linh là câu chuyện của hai chị em phải ở nhà một mình trông nom nhau khi cha mẹ đều đang đi xa làm công tác ngành Y và Hộp cơm rỗng của Ngải Văn Nhi và Tinh Hỏa thể hiện một thái độ rất nhân văn về trách nhiệm của con người với động vật trong giai đoạn dịch bệnh(7).
Không phải ngẫu nhiên mà nhân Ngày Nghệ thuật thế giới 15 tháng 4 năm 2020, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức khởi động chiến dịch “ResiliArt - Nghệ thuật kiên cường” đối với các nghệ sĩ trên toàn cầu và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã nêu rõ lý do vì sao phải phát động chiến dịch này: “Giữa khủng hoảng, nghệ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng. Hàng tỷ người trên thế giới đã tìm tới văn hóa như nguồn cội của sự an ủi và kết nối. Văn hóa và sự sáng tạo gắn kết mọi người. Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến xã hội thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho con người sức mạnh và sự can đảm để có thể tự do thể hiện bản thân, duy trì kết nối với cộng đồng, kể cả trong bốn bức tường nhà”. Cũng trong tháng 4 năm nay, Bùi Bích Hà - một người Việt sống ở Mỹ bồi hồi kể lại câu chuyện người thanh niên đang chơi đàn vĩ cầm trước viện dưỡng lão trong những ngày đại dịch Covid: “Nhìn vào TV, tôi thấy một thanh niên trẻ, đang đứng dưới bao lơn một tòa nhà vắng vẻ, thả hồn theo cây mã vĩ lướt trên mấy dây vĩ cầm. Bầu trời phía trên anh hừng hừng sáng, tôi không biết đêm đang mùa trăng hay không gian phản chiếu đèn đường? Những cành hoa đào nở ngang dọc sau lưng anh không làm cho đêm bớt lạnh lẽo dưới sương đêm. Anh đứng đấy, đầu nghiêng xuống vai, một mình, mải miết kéo đàn. Tôi đến gần TV hơn, nhận ra tòa nhà là một viện dưỡng lão khá cũ kỹ. Tôi hiểu lý do đưa anh đến đây và anh rất có lý khi từng ô cửa kính trên cao bắt đầu chuyển động. Có cụ còn khỏe, nâng hẳn cửa kính lên để âm thanh tràn ngập. Có cụ nhẫn nại ngồi như cái bóng sau cửa kính, lắng nghe. Tuy họ cách nhau cả một khoảng không, như với cả tôi lúc đó, tất cả hồn xác chúng tôi thực sự được nối kết, thực sự được chạm vào nhau, thậm chí tan vào nhau trong thanh âm của những dây đàn”.
Nghệ thuật còn được sử dụng vào việc nghiên cứu giải pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19. Báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin trường Đại học Halle ở Đức quê hương của Goethe đã tiến hành ba buổi biểu diễn âm nhạc tại thành phố Leipzip trong ngày 22 tháng 8 vừa qua với 2.000 tình nguyện viên: “Khi đến nhà hát, họ được kiểm tra thân nhiệt và tất cả đều được đeo khẩu trang bảo hộ y tế tiêu chuẩn cao FFP2 cùng một thiết bị điện tử để truy dấu di chuyển trong không gian này. Sử dụng các hóa chất sát khuẩn huỳnh quang, các nhà nghiên cứu sẽ có thể thấy được những bề mặt mà khán giả tiếp xúc nhiều nhất và thậm chí có thể theo dõi được lộ tuyến của giọt bắn nhỏ mà khán giả thở ra - yếu tố mà giới chuyên gia tin rằng đóng một vai trò lớn trong sự lây nhiễm. Mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là nhằm xác định liệu các buổi biểu diễn âm nhạc cũng như các sự kiện lớn có thể được tổ chức lại trong khi tránh được những nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không. Các dữ liệu thu thập sẽ được đưa vào một thuật toán đánh giá nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan trong một nhà hát quy mô lớn mà kết quả dự kiến sẽ có trong mùa thu tới”.
Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cũng không nằm ngoài bức tranh chung của Văn học - Nghệ thuật thế giới. Nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam rất trăn trở để tìm cách làm nghệ thuật phù hợp với trạng thái bình thường mới. Và vấn đề trực tuyến thay cho trực tiếp đang được thảo luận nghiêm túc trên nhiều diễn đàn nghệ thuật. Ngay cả chương trình “Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19” do Báo An ninh Thủ đô và Công ty Cổ phần Tầm nhìn Mỹ thuật Đông Dương (Indochineart) cùng phối hợp thực hiện hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua cũng được tiến hành theo hình thức trực tuyến trên mạng. Một cựu du học sinh ngành Quản lý Nghệ thuật tại trường Đại học Macquarie ở Úc là Lucas Luân Nguyễn cho rằng sau thời gian dài cách ly xã hội, thói quen xem phim của khán giả Việt Nam thay đổi nhiều: “Trong đợt nghỉ dịch, họ tìm đến phim trực tuyến nhiều hơn. Nhiều nội dung phim truyền hình mới lên ngôi trong lúc mọi người không được ra rạp. Và họ nhận thấy một điều là không cần thiết phải coi qua màn hình lớn nữa. Tôi thấy bây giờ người ta chọn ra rạp tùy vào thể loại phim, ví dụ chỉ ra rạp để coi phim hành động. Phim tình cảm thì ở nhà trùm mền khóc, thriller/ phim giật gân thì ở nhà trùm mền coi, horror/ phim kinh dị ở nhà trùm mền sợ. Do đó tôi nghĩ người ta đang rất cẩn trọng với số tiền bỏ ra để xem những thể loại họ thích. Họ bắt đầu không thấy đến rạp là một thói quen như “hồi đó” nữa”(8). Và chủ trương Nhà hát online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang đón nhận nhiều ý kiến trái chiều của người trong cuộc, người tán thành - như Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng - thì xem “đây là thời điểm phải nghĩ tới việc đó; biểu diễn online có mặt lợi là nghệ thuật được lan tỏa tới cả vùng miền, cả bạn bè quốc tế nữa; thêm vào đó, Nhà hát online sẽ không chỉ có xiếc, mà còn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, chèo, cải lương... khán giả tha hồ chọn lựa dù vẫn ngồi phòng khách, nằm phòng ngủ để thưởng thức nghệ thuật”, trong khi người phản đối - như Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân - thì thẳng thừng khẳng định: “mô hình sân khấu online không khả thi; bản chất của bộ môn sân khấu là nghệ sĩ tương tác trực tiếp, tạo sự cộng hưởng với khán giả chứ không thể thông qua hình thức khác như màn hình điện thoại, máy tính”, hoặc chí ít - như Đạo diễn Việt Tú - cũng cho rằng: “online là xu hướng tất yếu của vòng quay cuộc sống, mình phải chấp nhận, còn hỏi có tuyệt vời hay không tôi cho là không”(9).
(1) Xem thêm Nhã Phong, Sân khấu thế giới tắt đèn, lay lắt trong mùa dịch, Báo Giao thông điện tử ngày 14-8-2020.
(2) Xem Tài Lương, Khẩu trang có khe hở dành cho nghệ sĩ thổi kèn, Zing.vn ngày 21-8-2020.
(3) Xem Hạ An, Israel mở rạp chiếu phim trên nước, Zing.vn ngày 24-8-2020.
(4) Xem Khánh Hà, Indonesia tổ chức hòa nhạc ở bãi đỗ xe, tiếp thêm động lực vượt qua Covid-19, VOV.VN ngày 30-8-2020.
(5) Xem Cảnh thân mật, yêu đương bị cấm trong phim Thái Lan, Báo Người Lao Động ngày 21-5-2020.
(6) Xem Nghệ thuật thu nhỏ của Tatsuya Tanaka, VNews ngày 21 tháng 8 năm 2020.
(7) Xem Tố Quyên, Giúp thiếu nhi “vượt qua” dịch Covid-19 bằng truyện tranh, Báo Đồng Nai điện tử ngày 24-8-2020.
(8) Xem Ngọc Anh, “Film Influencer” Lucas Luân Nguyễn: COVID-19 khiến khán giả Việt thay đổi cách xem phim, Báo Hoa Học Trò ngày 20-8-2020.
(9) Xem Gia Bảo - Tình Lê - Mỹ Anh, Các ý kiến trái chiều của nghệ sĩ về 'Nhà hát online', Vietnamnet ngày 19-8-2020.
B.V.T