Sản vật trên vùng biển Hoàng Sa
Hoàng Sa là tâm điểm tranh chấp của nhiều nước không chỉ bởi vị trí chiến lược địa - quân sự quan trọng, mà còn là vùng biển dồi dào tiềm năng về sản vật và khoáng sản. Đây là một trong những ngư trường truyền thống rộng lớn của ngư phủ Việt Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế quốc gia và đảm bảo đời sống an sinh xã hội cư dân nhiều tỉnh, thành duyên hải.
Từ trước thế kỷ XVII, ngư phủ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu và đánh bắt sản vật trên vùng biển này. Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, môi trường trong lành, lại là nơi hoang sơ, nên hải sản ở đây to lớn dị thường, lại có đủ loại, màu sắc, hình dạng không khỏi khiến những người đặt chân đến đây ngạc nhiên.
Theo ghi chép của nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784)(1) trong Phủ biên tạp lục, thì sản vật trên quần đảo Hoàng Sa rất phong phú. “Bên bãi cát có vô số loài vật kỳ lạ như ốc hoa còn gọi là ốc tai voi, to như chiếc chiếu, dưới bụng có các hạt to bằng ngón tay, màu đục chẳng bằng màu trai minh châu. Vỏ ốc ấy gọt thành thẻ bài, lại có thể đem nung vôi xây nhà trát vách. Có loại tên là xà cừ, có thể dùng làm đồ trang sức. Lại có loài ốc tên là ốc hương. Thịt các loài ốc này đều có thể ướp muối nấu ăn. Loài đồi mồi thì rất lớn, có loài ba ba biển tục gọi là con tráng bông. Cũng có loài giống như con đồi mồi song hình thể nhỏ hơn, mai mỏng có thể dùng làm đồ trang sức, trứng nó to bằng ngón tay to, đem muối dùng làm thức ăn. Lại có loài hải sâm, tục gọi là con đót đót, bơi lội ở bên bãi biển. Bắt hải sâm đưa về lấy vôi xát qua, tuốt bỏ ruột đi đem phơi khô. Đến khi ăn thì đem ra ngâm vào nước cua đồng rồi nạo qua cho sạch đem nấu với tôm hoặc thịt heo cũng ngon”(2). Điều này cũng được xác nhận trong các ghi chép sử học khác như Đại Việt sử ký tục biên, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Hoàng Việt địa dư chí, Hoàn vũ ký văn... Ngoài các loài ốc, đồi mồi, hải ba, sử liệu còn cho biết trên các đảo có vô số tổ yến, là loại quý hiếm mà giá trị của nó cho đến nay đã được khẳng định.
Chính nguồn sản vật hấp dẫn về hình thù, có giá trị cao về kinh tế mà từ thời chúa Nguyễn đã đặt các hải đội chuyên thám sát các đảo ngoài biển, như Hoàng Sa, Trường Đà, Quế Hương, Đại Mạo Hải Ba, Trường Sa... Một trong những nhiệm vụ của họ là lượm bắt các sản vật mang về kinh đô dâng nạp. Tờ đơn xin tái lập đội Hoàng Sa thời Tây Sơn ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với nhân số 30 người. Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 [thạch] đồi mồi, hải ba, năm lượng quế hương. Sau năm Quý Mão (1723), thì giải thể. Đến năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), xã này xin tái lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp(3). Đến năm Thái Đức thứ 9 (1786), một vị quan viên nhà Tây Sơn ra chỉ thị “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý.. đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ”(4).
Đến thời nhà Nguyễn, lệ đánh bắt sản vật vẫn còn. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Giám thành đội trưởng đội Hoàng Sa Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến xứ Hoàng Sa vẽ bản đồ. Khi trở về, đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò, ngao đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy. Vua mời thị thần đến xem và thưởng những người đi về [...](5). Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), trong các sản phẩm dâng trình của các viên chức đi Hoàng Sa, ngoài các tấm bản đồ, súng bọc đồng còn có nhiều san hô đỏ, các loại chim và rùa biển(6). Như vậy, có thể thấy sản vật ở Hoàng Sa thực sự là một trong những mối quan tâm của các vị vua chúa.
Nhà Nguyễn liệt một số loại sản vật theo biệt lệ thu nạp hoặc có chính sách thu mua với giá cả ổn định do chính quyền đưa ra như hải sâm, xà cừ, yến sào, vỏ ốc tai voi, vây cá, mực ống, đồi mồi, ba ba biển,... Đặc biệt, đối với yến sào có nêu rõ “tổ yến là phẩm vật quý, không phải của người ta thường dùng, ngoại trừ thường năm số thu nộp bao nhiêu, còn có lẻ thừa không cứ nhiều ít tốt xấu đều không được mua bán tư túi bên ngoài; nếu dám trái lời cấm, mà phát giác ra, thời tang vật sung vào quan, và bao nhiêu người tư túi mua bán với nhau, đều bị tính theo tang vật và trị tội”(7). Yến sào nằm trong diện nhà nước kiểm soát, lập hộ đi thu lấy, hằng năm nộp một số lượng nhất định, miễn cho thuế thân, tiền dây xâu tiền và binh dao tạp dịch. Như năm Gia Long thứ 4 (1805), doanh Quảng Nam dồn những người dân ngoại tịch về lập làm đội lấy tổ yến, mỗi người cả năm nộp 8 lạng yến sào, miễn cho việc binh dao.
Đến thời Pháp thuộc, qua các cuộc khảo sát địa chất và tìm vị trí phù hợp lắp đặt cơ sở vật chất kĩ thuật, các nhà nghiên cứu đã chụp được một số hình ảnh về các loài chim và sinh vật biển nơi đây. Bắt đầu từ đây, người ta mới có cái nhìn cụ thể hơn về các loài sinh vật ở vùng biển Hoàng Sa. “Cá ở đây phần lớn sống lâu năm nên to lớn dị thường. Có những con cá đuối bằng hai chiếc chiếu, lấp lơ dưới nước. Có những ốc tai tượng to bằng cái bàn nặng cả 700 ký, nằm dưới đáy san hô, hai mảnh vỏ màu vàng san hô bám víu. Ốc mở miệng ra chờ mồi, và vô phúc cho người nhái nào đặt chân vào giữa là nó khép lại, giữ chặt lấy mồi, không phương thoát được. [...] Nhiều nhất là cá hồng, rồi cá mú và lươn bể. Những con lươn này đường kính to chừng 7 cm, dài qua 2 mét, màu xám đốm trắng rất khỏe. Nếu bị một chĩa xuyên qua mình chúng vẫn còn đủ sức để ưỡn đầu lại cái mũi chĩa với hai hàm răng thực bén. [...] Trên đảo Duy Mộng có thật nhiều vít. Ban đêm chúng lên đảo đẻ trứng. Người đi săn vít chỉ cần lắng tai nghe nơi nào có tiếng thở phào phào là đến đó, lật ngửa con vít lên rồi đi tìm con khác”(8). Những người trú đóng ở đảo Hoàng Sa thường thết đãi những người mới lên đảo bằng hai đặc sản là thịt vít và khô ốc tai tượng. “Thịt vít ăn như thịt gà, còn khô ốc là những gân ở 2 đầu con ốc, chính những gân này giúp cho ốc có thể khép kín 2 mảnh với nhau. Gân cắt ra đem phơi ăn rất ngon. Ngoài ra còn loại ốc nhảy, ruột rút ra trông tựa như lò xo, ăn cũng được”(9).
Các nhân chứng từng ra đảo Hoàng Sa sinh sống và làm việc cũng không khỏi ngạc nhiên và bị hấp dẫn bởi thế giới sinh vật nơi đây. Một trong những công việc họ làm khi có thời gian rảnh là câu cá, mực, bắt ốc. Ông Nguyễn Văn Đức, nhận sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa năm 1969 nhớ lại: “...Những kỷ niệm vui thú nhất của tôi là những giờ rảnh rỗi chúng tôi đi câu cá và bắt cá. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. [...] Trên đảo mỗi hộc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi ăn không hết phơi khô để dành mang trở về đất liền. Vào buổi tối chúng tôi đi câu cá nhám, và ít nhất cũng được 20 con mỗi tối. Tha hồ nấu cháo cá nhám. Thú nhất là mỗi tháng có 2 đợt nước rút vào đầu và giữa tháng âm. Nước rút xa đảo khoảng 300 mét lúc đó đủ loại hải sản không rút ra kịp mắc kẹt vào những rạng san hô nằm chờ nước lên. Chúng tôi đã thấy đủ mọi loại cá. Từ cá heo, cá mập đến những con mực nang khổng lồ. Nhưng nhiều nhất có lẽ là mực, cá chình và ốc gân. Lúc đó, chúng tôi tha hồ bắt mang về(10).
Hải sản dễ kiếm và số lượng nhiều như vậy, nên thức ăn không thiếu. Và nó là “cứu cánh” như trong trường hợp chuyến tàu Europe chở 1.100 lính Tây Ban Nha gốc Phi Luật Tân cùng các thủy thủ và sĩ quan người Pháp bị mắc cạn ở đảo Tri Tôn năm 1863(11). Trong hoàn cảnh gặp nạn bất ngờ, người đông, thực phẩm ít ỏi, các loài sò, rùa, chim hải âu, chim mòng biển, chim cánh cụt và thậm chí cả cá mập là nguồn sống “tanh” bù đắp. “Nhờ máu huyết của các loài khiến cho những người lính Phi và các thủy thủ trở nên tươi tỉnh hơn”(12).
Với sự tiến bộ của các ngành khoa học, ngày nay chúng ta có được thông tin hữu ích, xác đáng, cụ thể và có giá trị về các loài sinh vật sống ở vùng biển Hoàng Sa. Hình ảnh sau đây chụp được khoảng vào năm 1938 trên đảo Phú Lâm, và được minh họa nhiều khi nói đến thế giới tự nhiên trên các quần đảo xa bờ. Sau khi nghiên cứu phân tích, giờ đây chúng ta biết được nó là loài chim có số lượng lớn, thuộc họ Zosterops, người Việt Nam thường gọi là ”Chim sâu nghệ”, bên cạnh hai họ khác là Laridés và Stéganopodés.
Hay như loài rùa biển, khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như bốn chân biến thành vây để bơi và vì sự tiến hóa, vây dài thêm không còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất, nó có thể lớn tối đa khoảng gần 1,9 mét, sống lâu hàng trăm năm. Đồi mồi thì nhỏ hơn, mai rộng khoảng 80 cm, gồm nhiều miếng vẩy xếp như mái ngói. Vẩy đồi mồi có vân màu nâu óng ánh rất đẹp, dùng làm quạt, gương, lược, bìa sách [...]. Vít cũng là một loại rùa biển khác, thường đẻ trứng trong cát, trứng to như trứng vịt, có thể ăn được. Nhờ cát nóng, trứng nở ra vít con chạy tứ tung trở lại biển...(13)
Dựa trên kết quả khảo sát của các đoàn nghiên cứu, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đánh giá cao tiềm năng kinh tế của vùng biển Hoàng Sa và có sự chú ý nhất định khi khuyến khích ngư phủ tích cực đánh bắt xa bờ. Theo số liệu của Bộ Cải Cách Điền địa và Phát triển Nông-Ngư-Mục (Việt Nam Cộng hòa), năm 1971 trị giá đánh bắt ngư sản của toàn miền là 600.000 tấn, trị giá 60 tỷ bạc, dự kiến năm 1975 là 900.000 tấn, trị giá hơn 100 tỷ bạc(14) (số liệu này bao gồm hải sản đánh bắt ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa). Việt Nam ngày nay là một quốc gia thống nhất. Nhà nước Việt Nam nối tiếp tiền lệ của các chính quyền trước đây, kêu gọi ngư phủ trang bị thiết bị hiện đại, đánh bắt xa bờ trên vùng ngư trường truyền thống của quốc gia, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao sản lượng và chất lượng các sản vật. Điều này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng vào việc ổn định sinh kế lâu dài, tăng cường sự hiện diện của ngư phủ Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
(1) Lê Quý Đôn người làng Duyên Hà (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thông minh, uyên bác. Năm 1775, ông được cử vào làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa trong thời gian quân Trịnh chiếm giữ đất Phú Xuân (1775 - 1786). Trong thời gian này ông tập thành sách Phủ biên tạp lục.
(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tờ 82 - 83, bản ký hiệu VĐ.9, lưu trữ tại Viện Khảo cổ học Sài Gòn.
(3) Dẫn theo: Nguyễn Quang Ngọc, “Đội Hoàng Sa - lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX”, http://biengioihaidao.wordpress.com/category/tu-lieu-lich-su/page/2/, truy cập ngày 10.4.2020.
(4) Dẫn theo: Nguyễn Quang Ngọc, tlđd, truy cập ngày 10.4.2020.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản A.2772, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(6) Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), bản lưu trữ tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập III, tr.211-212.
(8) Sơn Hồng Đức, “Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa”, in trong “Đặc khảo về Hoàng Sa Trường Sa biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” (Nguyễn Nhã chủ biên, 2015), tr.228-229.
(9) Tập san Sử Địa, số 29 Đặc khảo Hoàng Sa, Trường Sa, file pdf, tr.184. https://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/24360, ngày truy cập: 10/4/2020.
(10) Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa (2017), Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.143-144.
(11) Năm 1860, sau cuộc đánh chiếm Việt Nam, mở đầu bằng sự kiện ngày 01.09.1858 tiến đánh Đà Nẵng, sau đó chuyển hướng vào các tỉnh Nam Bộ, liên quân Pháp-Tây Ban Nha gặp nhiều trở ngại, phải rút quân ra khỏi Việt Nam. Europe là một trong những con tàu nhận lệnh rút lui khỏi Việt Nam, chuyển hướng về Manille. Tuy nhiên, thời điểm tàu gặp nạn là một nghi vấn. Bài báo tường thuật cho biết đó là năm 1863, nhưng theo các nhà nghiên cứu, đến tháng 3.1860 thì toàn bộ liên quân đã rút hết khỏi Việt Nam, nên năm Europe gặp nạn có lẽ là năm 1860 (!).
(12) Nguyễn Đức Hiệp dịch, Vụ đắm tàu Europe ở quần đảo Hoàng Sa, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (138).2017, tr.112.
(13) Vũ Hữu San (1995), Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa, Ủy ban bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam, tr.29-30.
(14) Tờ trình số 10179-CCĐĐNNM/HCTC.3 của Bộ Cải Cách Điền Địa và Phát triển Nông-Ngư-Mục (Việt Nam Cộng hòa) trình Thủ tướng Chánh phủ về việc xin ban hành Sắc luật ấn định lại lãnh hải Việt Nam Cộng hòa về phương diện ngư nghiệp. Tài liệu số hóa Nhà Trưng bày Hoàng Sa.
Đ.T.T