Nhìn những mùa trăng qua
Thu đến trên từng con ngõ, góc phố với chùm lá lộc vừng lũ lượt lìa cành và âm thanh cắc tùng của tiếng trống múa lân. Thu về với giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên: Và em có hay khi mùa thu tới, mang ái ân mang niềm vui tới... Đêm, nhìn lên bầu trời, những vì sao rủ nhau chạy trốn nhường chỗ cho vầng trăng... Lại một mùa trung thu đến!
Từ lâu, ta đã quen với sự luân chuyển của thời gian, thậm chí những cột mốc đáng nhớ nhất của đời mình cũng dần quên lãng. Có phút nào, ta ngồi lại, dành chút thì giờ để tìm hiểu về một phong tục tập quán đẹp có thể bị mai một bởi lốc cuốn của cuộc sống bận rộn này. Và Tết trung thu với những truyền thống đẹp cũng có thể bị lãng quên...
Mùa thu là thơ của đất trời bởi là mùa lãng mạn nhất trong năm. Nhưng thu còn là thơ của lòng người, quyến dụ thi sĩ cất lên ngôn từ làm đắm say lòng người.
Thi ca viết về trung thu cũng không ít. Trong thơ ca nước ngoài, Lý Bạch, Đỗ Phủ đã từng có những dòng xúc cảm ngợi ca cảnh trăng thu thanh bình: Thu cảnh kim tiêu bán /Thiên cao nguyệt bội minh/ Nam lâu thùy yến hưởng/ Ty trúc tấu thanh thanh. (Thơ Đỗ Phủ - bản dịch của Thái Giang: Cảnh thu nay đúng nửa rồi/ Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao/ Lầu nam ai rót rượu đào/ Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng). Thật vậy, những đêm rằm tháng tám, vầng trăng sáng tỏ khiến không gian của bầu trời được đẩy lên cao vòi vọi làm lòng người thênh thang với những cảm xúc khó tả thành lời. Thi ca Việt Nam từ cổ chí kim có khá nhiều tác phẩm viết về trung thu. Nguyễn Trãi trong tập thơ “Quốc âm thi tập” dành không ít vần thơ cho trăng trung thu. Đối với thi nhân, mùa thu là mùa trăng đẹp nhất và trăng giữa mùa thu là tuyệt vời nhất: Tính kể tư mùa có nguyệt/ Thu âu là nhẫn một hai phần (Thu nguyệt tuyệt cú). Hình ảnh trăng mùa thu trong thơ ông thường gắn với mặt nước sông và con thuyền lướt nhẹ: Thuyền nổi dòng thu có nguyệt đưa (Tự thán, 20)...
Đối diện với vầng trăng,Tản Đà - dấu gạch nối của hai thế hệ thi ca cũ và mới, ước làm chú Cuội để đêm đêm làm bạn với Hằng Nga. Trong nỗi chán chường vì cuộc sống trần thế, Tản Đà đã tâm sự: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/Trần thế em nay chán nửa rồi... Có bầu có bạn can chi tủi/ Cùng gió cùng mây thế mới vui/ Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám/Tựa nhau trông xuống thế gian cười (Muốn làm thằng Cuội). Cách lánh đời khỏi những ô trọc, nhiễu nhương năm 30, 40 ở thế kỷ XX của thi sĩ không phải là tiêu cực, mà là một cách giữ mình thanh cao đáng được trân trọng. Hồ Chí Minh cũng có không ít câu thơ viết về mùa thu, nhất là thời gian Người bị Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (TQ): Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu. Đến lúc giữ chức vụ cao nhất nước, từ núi rừng Việt Bắc mùa trăng, Bác vẫn không quên viết thư, tặng thơ cho thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết trung thu: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng (Thư Trung thu 1951).
Đa số các thi nhân xưa viết về trung thu để gửi gắm nỗi ưu thời mẫn thế. Các nhà thơ hiện đại đã dành riêng một khoảng trời cho trung thu trẻ thơ bởi trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Mỗi dịp nhìn sắc trời đổi thu, nhìn những gian hàng trưng bày chiếc đèn lồng đủ màu, bao ký ức thời niên thiếu trong trẻo lại tràn về và thơ cất lên từ đó: Trung thu ngày tết về rồi/Trong veo ký ức trong tôi ùa về (Trở về tuổi thơ - Vũ Dung).Trong bài thơ “Mùa thu của em”, Quang Huy tái hiện thật tài tình những âm thanh, hình ảnh đặc trưng của tiết trung thu ở Bắc Bộ: Mùa thu của em/ Là xanh cốm mới/ Mùa hương như gợi/ Từ màu lá sen/ Mùa thu của em/ Rước đèn họp bạn/ Hội rằm tháng tám/ Chị Hằng xuống xem. Đọc những dòng thơ ấy trong trang sách Tiếng Việt của học sinh Tiểu học, lòng ta rung ngân cùng những câu thơ bốn chữ ngắn, nhịp điệu sôi nổi như tâm trạng hồ hởi của tuổi thơ mỗi đêm rước đèn, phá cỗ trông trăng. Không chỉ Tết trung thu chỉ có ở vùng xuôi mà khắp bản làng miền núi xa xôi đều rộn ràng theo tiếng trống ếch múa lân: Trống ếch tùng cắc dung dinh/ âm thanh vang vọng vòng quanh núi đồi/ Bản làng thưa thớt bỗng vui/ Trung thu như vẫy gọi mời khách qua (Trung thu đồi quê - Trương Thị Anh)...
Điểm lại vài nét để hình dung về Tết trung thu xưa, nay. Thời gian trôi nhanh, mỗi chúng ta thoáng một cái đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời, nhưng mấy ai quên được những ngày ấu thơ cùng giai điệu của tiếng trống múa lân, màu sắc lung linh của chiếc đèn ông sao hay vị ngon ngọt của bánh dẻo, bánh nướng. Cuộc sống hiện đại với bao tấp nập, rộn ràng và trẻ em hôm nay được sự ưu ái của toàn xã hội. Trung thu các em được trao cho những phần bánh kẹo đẹp mắt, những chiếc lồng đèn chạy bằng pin, được xem những đội lân sư rồng đủ màu biểu diễn võ thuật... Song với những người lớn chúng ta, mỗi khi nghe tiếng trống tập lân rộn ràng, những kỷ niệm xưa lại hiện về như nhắn nhủ, nhắc nhở lòng trân trọng quá khứ và ý thức trách nhiệm với cuộc sống hôm nay.
N.T.T.T