Đà Nẵng: Chuyện về một nữ bác sĩ tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang

02.10.2020
Văn Khoa

Đà Nẵng: Chuyện về một nữ bác sĩ tại bệnh viện dã chiến Hòa Vang

Cuộc chiến sống còn với “giặc” Covid

Th. nữ bác sĩ 39 tuổi, đến từ Quảng Nam, vội vã rời kỳ thi chuyên khoa 1 ở Huế, đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang để lao mình vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.

Tôi thật sự xúc động khi cô nói rằng, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp chuyên khoa 1 nghe tin Đà Nẵng có dịch, cô làm đơn xin hoãn thi để về nhận công tác từ 27/7 đến giờ. Ban đầu, Th. khám sàng lọc cho đối tượng F1 và F2 có triệu chứng, sau khi thành lập Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, cô được điều vào Khu hồi sức bệnh nặng, nơi những ca Covid có tiên lượng ra đi bất cứ khi nào.

Khi được hỏi về sự lo ngại, cô cười hiền hòa:

- Bác sĩ, tất nhiên không bao giờ sợ hãi bệnh nhân, chỉ biết làm hết sức mình để cứu họ, được nhìn thấy ca bệnh khỏe là vui rồi. Thế nhưng, nhiều khi, ngủ dậy, sụt sịt mũi vì nhiễm lạnh nhưng cũng có cảm giác “gai gai” sống lưng vì sợ mình... có triệu chứng nhiễm.

Th. sinh ra ở Điện Bàn, lớn lên ở Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, nhận công tác tại Bệnh viện Hòa Vang (Đà Nẵng). Và thế rồi, dịch bệnh hoành hành khiến cô, cũng như hàng ngàn bác sĩ khác, để lại đứa con còn nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc ở Thanh Khê (ngã ba Huế), khoác ba lô lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, chống chọi trong cuộc chiến sống còn, chưa biết ngày trở về.

Trong một trang nhật ký ngày 15/8, cô viết:

“... Sắp hết tuần thứ 3 kể từ khi bước vào chiến đấu, cũng chẳng nhớ tháng ngày mô. Má gọi điện hỏi:

- Răng gần 3 tuần rồi chưa về?

- Dạ mô, răng về được, bệnh vẫn còn đông mà.

- Rứa khi mô về?

- Hi, hi, hi,... Dạ, thì khi mô hết dịch đã chứ má!

Làm răng con biết được ngày về đây má ơi, khi hằng ngày bệnh vẫn còn tăng. Đài báo mỗi ngày “Đà Nẵng có thêm... ca mắc mới” là con và các đồng nghiệp lại phải mặc đồ bảo hộ kín mít để chiến đấu mà. Đến bây giờ, tuy thời gian kéo dài nhưng mọi người dường như đã quen, không còn tiếng khóc mỗi khi điện về cho gia đình, không còn bỏ bữa vì mệt mỗi khi hết ca và không còn nơm nớp lo sợ lỡ mình “dính chưởng”. Bây giờ mọi người đã quen việc hơn, đã xác định tâm lý về cường độ làm việc và mối nguy hại rình rập mình. Ngày hôm qua, khi nghe tin 1 bác sĩ nhiễm là mọi người nhao nhao lên 1 lúc, rồi sau đó cũng lại “vô guồng”, vẫn làm và phục vụ bệnh nhân như chưa có gì xảy ra. Chẳng biết bao giờ mình nhiễm, vậy thì hôm nay cứ phải sống, phải làm việc cho tốt, làm việc hết sức mình. Chứ nhiễm rồi là bị nhốt vô phòng bệnh, bị phục vụ cơm ngày 3 bữa đến “béo ú” cả ra đấy.

Giờ đây (tính đến thời điểm sáng 18/8), Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã 'hái quả ngọt' đầu tiên với 34 bệnh nhân và thêm 9 bệnh nhân (Bệnh viên Phổi) được xuất viện. Họ cười còn mình khóc. Khóc vì mừng, vì hạnh phúc, vì quá xúc động khi thấy công sức cả tập thể bỏ ra bấy lâu đã được đáp đền. Và thấy rằng, đường về không còn xa lắm.

Có thể nói, với gần 150 y bác sĩ, khoảng 200 ca bệnh Covid-19, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã trở thành Bệnh viện chữa trị nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nhiều nhất, được cả nước và thế giới quan tâm. Cũng như đồng nghiệp, Th. đã vật lộn sinh tử với những ca nặng, không người nhà chăm. Cô là bác sĩ nhưng phải cùng gánh vác, chia sẻ với đồng nghiệp để có thể vừa điều trị, vừa chăm sóc từ ăn, uống, tắm rửa, vệ sinh... từng bệnh nhân.

Khi được hỏi về tình hình sinh hoạt, các y, bác sĩ tự cắt tóc cho nhau tại Bệnh viện dã chiến, Th. tâm sự:

- Tụi em con gái nên chưa phải cắt tóc nhiều anh ạ. Mỗi lần xong ca trực, mọi người phải tắm gội sạch sẽ để hạn chế lây nhiễm. Một số bạn nam muốn tiện nên cạo đầu, bạn gái chỉ cắt ngắn bớt. Nhiều hôm đi làm về, gội đầu, tóc chưa khô nhưng em phải leo lên giường ngủ vì mệt quá.

- Thế còn vệ sinh cá nhân, thông tin là y bác sĩ phải mang “bĩm”?

Th. cười nói:

- Dạ, không đến mức đó đâu anh ạ. Tụi em làm việc theo ca 8-10 giờ/ngày nên cũng thong thả. Nhịn khát và nhịn đi vệ sinh thì có nhưng không đến mức mang “bĩm” ạ!

Th. tiếp tục:

- Trước đây, bệnh nhân của em là những em bé đáng yêu, giờ đây là các cụ đã bị nhiễm Covid-19 có bệnh nền nặng. Nhìn các cụ với dây nhợ, máy móc quanh mình, lòng em lại quay quắt, quặn cả ruột gan.

Số bệnh nhân tử vong đến nay 24 ca trong vòng 2 tuần (tính đến 16/8) khiến người dân Đà Nẵng ít nhiều hoảng sợ cho dù hầu hết là ca có bệnh nền nặng như suy thận mãn giai đoạn cuối, ung thư, đái đường, huyết áp tăng...

Để biết thêm chi tiết ang táng đối với những ca bệnh Covid-19 đã qua đời, tôi tò mò:

- Chuyện hậu sự của những ca bệnh đã qua đời vừa rồi?

Th. buồn bã trả lời:

- Dạ, bệnh nhân tử vong sẽ được báo cáo lên cấp trên. Thi thể được khử khuẩn cẩn thận, chuyển xuống nhà đại thể (nhà xác) để khâm liệm. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, thi hài của người quá cố sẽ được đưa vào quan tài, vận chuyển đến Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) để hỏa thiêu.

Khi tôi viết những dòng này, Th. chuẩn bị cho ca tối (20:30h đến 8:00h sáng mai). Bệnh viện dã chiến Hòa Vang chia làm 3 ca, từ 7 giờ sáng đến 13 giờ 30, từ 13 giờ 30 đến 20 giờ 30 và từ 20 giờ 30 đến 8 giờ sáng. Cách làm này, bệnh nhân rất yên tâm vì các y bác sĩ trực chiến 24/24, không một giây ngưng nghỉ để theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Dạo này, Đà Nẵng hay giông, cơn mưa chiều tại vùng trung du khiến Th. lại nhớ phố thị, nhớ nhà, ba má và các con. Cho dù thế nào đi nữa, Th. vẫn dành hết tâm và trí lực cho “cuộc chiến” này. Tình người Đà Nẵng vẫn ấm áp như những gì Th. và các đồng nghiệp cống hiến tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Nước mắt rơi, giọt mồ hôi đổ xuống, những đêm trường thức trắng bên ca bệnh đớn đau, nhiều khi khiến bác sĩ muốn ngã khuỵu, buông xuôi. Nhưng không, họ vẫn gượng dậy bằng ý chí, bằng lời thề Hippocrates, quyết cứu sống bệnh nhân Covid-19 bằng tất cả khả năng của mình.

Với một lực lượng y bác sĩ nhiệt huyết như Th. cùng những hộ lý, điều dưỡng ngày đêm lầm lũi làm việc với lực lượng y tế hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy... tôi tin rằng, ngày chiến thắng “giặc Covid-19” của Việt Nam không xa lắm.

Hãy tin tưởng, hãy ý thức thực hiện đầy đủ tất cả những khuyến cáo của cơ quan chức năng, Đà Nẵng sẽ chắc chắn thành công trong đợt dịch lần 2 này. Phố phường lại như xưa, nắng vẫn vàng, hàng cây lá vẫn xanh trên những con đường ấm áp tình người, như những lời trong ca khúc nổi tiếng “Đà Nẵng tình người” về thành phố biển này:

“... Có qua bao lận đận

mới biết đâu biển cạn

đâu là dòng sông sâu

Có hiểu được lòng nhau

mới tới bờ tới bến

Có hiểu được lòng nhau

mới thấu hết nghĩa tình...”.

Như bóng chim cuối đèo

Mấy hôm trước ông còn tỉnh, ăn cháo được, la hét khi bị lấy máu đau.

Hai hôm nay, ông nằm im, yếu người, không ăn được. Điều dưỡng phải dỗ dành đút từng chút sữa, truyền dịch, lấy máu các loại.

Ông đi rồi, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng làm cho bác sĩ Th. đau đớn. Thương!

Truyền thông hôm qua (22/8) đưa tin, ca Covid-19 số 666 vừa qua đời, hưởng thọ 93 tuổi.

Ông đông con, vợ mất sớm, một mình bươn chải đạp xích lô giữa thành phố Đà Nẵng nuôi 9 người con. Cuộc sống cơ cực đến như vậy nhưng giây phút lâm chung, nằm trên giường bệnh, ông không có người con nào bên cạnh.

Bác sĩ Th. biết ông buồn và người nhà ông cũng đau lòng lắm!

Th. và đồng nghiệp ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mới chăm ông hơn 2 tuần. Mái tóc đã bạc phơ nhưng y bác sĩ phải dỗ dành như trẻ con mỗi khi ông không chịu ăn, thều thào đòi về:

- Cho ông về nhà với, cho về Hoàng Diệu, về Lê Duẩn với, gọi điện cho Thằng Hiếu với con Hoa.

Những lời ông nói như nuối, Th. nhớ mãi. Không có con cái kề bên nhưng hy vọng, ông được xoa dịu bởi những bàn tay chăm sóc của y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.

Giờ ông không còn phải đau đớn nữa rồi. Thương! Nhưng không giúp gì hơn được nữa. Nhìn ông những lúc cuối cuộc đời, Th. Và các đồng nghiệp niệm Phật, cầu mong ông vãng sinh cực lạc.

Đại dịch Covid khiến bao người phải ra đi trong cô đơn, không được nhìn thấy người thân lần cuối. Và đại dịch Covid cũng khiến tâm hồn của Th. lay động. Những giọt nước mắt rơi xót xa trong giờ làm việc.

Vĩnh biệt! Cụ ông có mái tóc bạc trắng như mây!

Lá thư cuối của bệnh nhân Covid-19

Trực tại Bệnh viện dã chiến, những lúc nghỉ ca, Th. nghe đồng nghiệp kể lại một câu chuyện thương tâm có liên quan đến đợt dịch này.

Chuyện rằng, có hai anh em quê Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam, người anh 28 tuổi, người em 26 tuổi. Chẳng may người anh bị ung thư, phải điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đại dịch Covid-19 lần 2 ập đến khiến mọi người trở tay không kịp, tất cả đều bị phong tỏa trong khuôn viên bệnh viện để dập dịch, khỏi lây lan toàn thành phố. Khi Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành “làm sạch” để mở cửa trở lại, người anh được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Lúc này, người em trai (26 tuổi) theo anh đến Bệnh viện Ung bướu để chăm sóc.

Định mệnh trớ trêu, cả 2 anh em đều mắc Covid.

Họ được chuyển đến Bệnh viện phổi để cách ly và điều trị. Người em (ca 1020) bệnh nhẹ được điều trị tại Khoa Nội 2, người anh (ca 996) bệnh nặng được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu.

Nằm điều trị, lòng người em như lửa đốt, cứ trằn trọc, luôn nhớ đến anh mình vừa ung thư vừa bị Covid nhưng không có người thân bên cạnh.

Như có linh cảm, chiều 28/8, người em viết một bức thư rồi nhờ nhân viên y tế đưa qua phòng bệnh để các y bác sĩ tại đây gửi cho người anh xem. Thư viết rằng:

- Gửi anh P.H.T. (BN 996). Em là T. đây. Anh Hai ơi, anh có khỏe không? Mọi người ở nhà vẫn khỏe, vẫn trông tin anh từng ngày. Anh cứ yên tâm, mọi việc ở nhà đã có mọi người nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ cho anh rất nhiều. Bây giờ chỉ cần anh cố gắng mạnh mẽ lên, ý chí chiến thắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Anh hãy kiên cường lên... Em và ba má mong anh mau khỏe để về với gia đình.

Đớn đau thay, do hôn mê sâu nên người anh mãi mãi không đọc được những dòng chữ thân thương và quyến luyến tình ruột thịt này.

Sáng 29/8, người anh nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng và đi vào cõi vĩnh hằng.

Ngày trở về?

Tối nay, bác sĩ Th. nằm mơ thấy mình được về nhà.

Cơn mưa giông miền trung du khiến Th. buồn, nhớ nhà, ba má và các con.

“Về nhà” là điều mà cả tháng nay, mỗi lần nghĩ tới, Th. và các đồng nghiệp phải quay quắt, giấu nước mắt vào trong để làm việc, tận tụy với từng bệnh nhân Covid.

Cả ngày hôm qua, Đà Nẵng chỉ có 1 ca nhiễm (ca 1015 chăm bệnh ở Bệnh viện Đà Nẵng, quê Nam Phước - Duy Xuyên) nhưng được cách ly từ trước. Mọi người ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mừng thầm trong niềm mơ ước, thành phố Đà Nẵng sẽ trở lại như xưa.

Một tháng trải nghiệm cùng các bác sĩ Bạch Mai và các bệnh nhân Covid nặng giúp cho Th. học tập được nhiều kinh nghiệm quý giá giữa ranh giới sự sống và cái chết. Một tháng, chưa kịp quen nhau, các đồng nghiệp bắt đầu chia tay Th. rời Bệnh viện dã chiến Hòa Vang để thực hiện nhiệm vụ khác khi tình hình bệnh nhân nơi đây đã ổn định. Nhờ trời thương, đến giờ phút này, Th. vẫn khỏe mạnh và “âm tính”. Hy vọng, các đồng nghiệp cũng như vậy.

Xin cảm ơn người dân đã đồng hành cùng đội ngũ y bác sĩ. Đà Nẵng dường như đã ổn, số ca nhiễm và tử vong không còn “dồn dập” như trước nữa. Có lẽ, chính điều này khiến Th. càng hy vọng, ngày trở về nhà sẽ không còn xa nữa.

Ngày về nhà, chúng ta lại được ôm con, được ăn uống cùng với ba mẹ, được gặp bạn bè để tán gẫu và được ăn mặc đẹp để những chiều dạo phố như xưa như những lời trong ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn mà Th. vẫn thường nghe mỗi khi nhớ nhà:

“... Em còn nhớ hay em đã quên

Khi chiều xuống bên sông nước lên

Én nô đùa giữa phố nhà

Có nắng vàng lạc trên lối đi...

... Em còn nhớ hay em đã quên

Quê nhà đó bao năm có em

Có bóng dừa, có câu hò

Có con đò, chở mưa nắng đi”

V.K