Thơ PHÙNG HIỆU
Nhà thơ Phùng Hiệu tên thật là Phùng Văn Hiệu, sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, lớn lên Đồng Nai. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Tình không dám ngỏ (Thơ, Nxb Văn Học, 2008); Thức giấc (Thơ, Nxb Thanh Niên, 2010); Trong thế giới nguỵ trang (Thơ, Nxb Trẻ - Wikibook, 2014); Dấu chân biển cả (Thơ, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2018); Biên bản thặng dư (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2019)
Đã đạt được các giải thưởng: Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2019 cho tập thơ Biên bản thặng dư; Giải thơ Áo trắng 2020 cho chùm thơ lục bát.
Quét rác
Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu
Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác
Và năm tháng rót dần khô cạn
Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn
Chị quét mòn phố xá về đêm
Những bước chân thưa trên con đường
chạnh vắng
Những bô rác chứa đầy số phận
Những chén cơm từ rác chảy ra đường
Chị quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh
Từ những ngôi nhà mang danh tri thức
Từ những diễn đàn hô hào, phô trương
rất thực
“Giữ sạch môi trường, quy hoạch tự nhiên”
Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra
Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột!
Ngôn ngữ lên ngôi
Chợt một ngày ngôn ngữ đa đoan
Đừng hỏi tại sao
Có những vần thơ được rót từ đáy cốc
Khi nhìn vào chiếc ly
Tôi bỗng thấy cả sông ngòi và đại dương
trong đó
Chảy miên man hình tượng ngôn từ
Chợt một ngày châu thổ bị lãng quên
Tôi cầm lấy bát cơm
Và chợt thấy những con trâu, cánh đồng,
mùa gặt
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt
Câu thơ sót lại sau mùa
Chợt một ngày tôi nhận ra tôi
Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa
(hoặc ký tự)
Tôi nghe được tiếng hát của mưa
Tiếng cười của nắng
Tiếng nói của cỏ cây
Tiếng rên của mây
Tiếng buồn của đất...
Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!
Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi
Nhưng còn lại vần thơ nhân cách.
Tiếng nấc trong khu rừng cao su
Trong khu rừng già cỗi cơn đau
Những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ
Nơi vách tường bằng đất
Rét cong từng ngọn lửa tàn
Người đàn bà cựa mình rát buốt cơn đau
Chôn chặt tháng năm trong túp lều
lạnh cóng
Tiếng gió mùa đông thét gào tuyệt vọng
Những vết thương khô
Vỡ vụn giữa đêm ngàn
Giải pháp nào cho hơi thở hồi sinh
Khi cơn đau bật thành tiếng nấc
Tiếng nấc cuối cùng theo quy luật tự nhiên
Người đàn bà thoát kiếp công nhân
Khu rừng cao su
Trút đầy tiếng lặng!
Dấu chấm
Có một quãng đường mang tên dấu chấm
Không quanh co nhưng khúc khuỷu
gập ghềnh
Chỉ một ngả mà lối về muôn hướng
Bước chân khờ theo vạt nắng chông chênh
Có một dòng sông chảy về miền ngược
Thuở núi đồi vừa mới nhấp nhô lên
Thuở con sóng còn vương triền bãi cạn
Bờ miên man bồi lở phía sau ghềnh
Có một thiếu phụ mơ màng khát vọng
Hét vang lên trong hạnh phúc mơ hồ
Những đôi mắt lặng thầm qua rất vội
Sau ánh rèm lặng lẽ một người mơ...
Họ xa rồi dang dở những vần thơ
Người thiếu phụ chắp tay vào quá khứ!
Tết của người công nhân góa phụ
Chị cầm tháng lương nép vào bóng đêm
ngoài kia
những vì sao giật mình trở giấc
những bước chân âm thầm tháng chạp
gọi nhau về sau tiếng kẻng tan ca
Chị ước bầu trời không có mùa đông
cho những đứa con thơ đừng đòi mua
áo ấm
cho bà mẹ gầy còm đêm sương ướt đẫm
chén cơm vơi run rẩy phía sau ngày
Tiếng kẻng mùa này không chứa nổi
giấc mơ
sau buổi tan ca
chị nghe âm vang từ quê nghèo réo rắt
những tấm áo đàn con se thắt
cái tết nghèo - giá trị thặng dư
Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông
nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo
nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo
với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang.
P.H