Tản văn NGUYỄN HIỆP
Nguyễn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp. Sinh ngày 14/8/1964.
Anh hiện sống và làm việc tại Hàm Tân - Bình Thuận. Là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
Giải thưởng:
- Giải nhì truyện ngắn báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam 2003 - 2004.
- Giải ba truyện ngắn Nhà văn và Tác phẩm 2020.
Và nhiều giải thưởng khác.
Tác phẩm đã in:
- Mang cả chiều đi, tập thơ, VNBT, 1996.
- Trả áo về trời, tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1999.
- Ngã Hai, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Trẻ, 2001.
- Dưa huyết, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007.
- Bông cỏ giêng, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hà Nội, 2008.
- Làng người xanh, tiểu thuyết, Nhà xuất bản - Văn nghệ, 2008.
- Trần gian nhìn từ sau lưng, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn nghệ, 2009.
- Âm thanh đổ bóng, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2012.
- Mùi chồng, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn học, 2013.
- Mùi đồng quê, tập tản văn, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, 2015.
- Từ thời gian khác, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016.
- Mùa bay không cánh, tập tản văn, Nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM.
- Gói ghém heo may, tập tạp bút, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM.
- Chỗ trống dưới ngón tay Phật, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Dân Trí, 2019.
- Dự án chôn dọc, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020.
Tạp chí Non Nước kỳ này trân trọng giới thiệu chùm tản văn của anh.
Những hột lúa sót
Mùa gặt, túi áo bà ba của má lúc nào cũng có nhiều hột lúa sót, lép có chắc có. Hồi nhỏ, tôi cứ thắc mắc má để mấy hột lúa trong túi làm gì? Có lần tôi thấy má dùng hột lúa kẹp vào để nhổ tóc trắng cho bà ngoại nên nghĩ thì ra là vậy. Đến mùa hè năm tôi học lớp ba, được theo má ra sân phơi lúa, thấy má bưng từng thúng lúa nhỏ bước lên một cái ghế thang và cho lúa từ từ rơi xuống qua kẽ các ngón tay, gió đẩy lúa lép và lá lúa dính theo bay ra xa, lúa lừng rơi gần hơn, lúa chắc rơi thẳng xuống thành đống. Má nói đó là công việc giê lúa, tức làm cho lúa sạch. Thỉnh thoảng má ngồi nghỉ, đưa tay áo quệt mồ hôi trán và đưa tay lộn trái hai túi áo bà ba cho những hột lúa rớt vào túi rơi hết ra ngoài. Sau ngày hôm đó, tôi hiểu rõ những hột lúa sót trong túi áo của má tại sao mà có.
Má tôi, người đàn bà giê lúa, hình ảnh đó thật đẹp trong mắt tôi, ngay khi đứng nhìn lần đầu trong ánh sáng ngược chiều tôi đã thấy thích thú vô cùng, càng lớn lên hình ảnh vốn đã in sâu trong tâm trí tôi ấy dần dần mang những ý nghĩa khác nhau, nửa thương thuộc, nửa thương xót và hơn thế nữa. Công việc ấy tự nó đã nói lên cái đẹp nhưng mỗi lần cái hình ảnh sống động kia hiện lên tâm trí thì cùng lúc tôi thấy quặn lòng đau. Ba tôi mất sớm, một mình má tần tảo, hết cấy gặt mướn đến trở thành người đàn bà giê lúa suốt nhiều mùa gặt, má làm tất cả những gì có thể để nuôi anh em tôi khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Những hột lúa sót trong túi áo bà ba của má đã làm cay mắt tôi không biết bao nhiêu lần, những hột lúa mà má tôi thường nói “đó là những hột ngọc của trời, những hột ngọc đẫm mồ hôi sôi nước mắt của người nông dân”.
Sau này, khi tôi đi học xa về thì trên cánh đồng quê tôi đã xuất hiện nhiều máy quạt lúa làm bằng gỗ. Lúa được một người liên tục đổ vào cái phễu gỗ tam giác bên trên, một người đứng cạnh bên quay tay cho cánh quạt phía trong xoay tròn, lúc nào cũng thổi ra một làn gió vừa đủ, tùy theo lúa ướt lúa khô mà quay nhanh hay chậm. Máy quạt lúa có hai miệng ra, một cho lúa chắc, một cho lúa lừng, lúa lép thì bay thẳng ra ngoài. Thỉnh thoảng, họ dừng lại moi các lá lúa sót quấn kẹt bên trong, họ nói đó là lấy nhau ra cho cánh quạt khỏi kẹt. Quan sát, hỏi han những người nông dân đủ thứ chuyện, tôi hiểu ra công việc giê lúa từng thúng trên cái ghế thang của má tôi đã không còn nữa, các máy quạt lúa này đã giúp người nông dân làm công việc cuối cùng của khâu thu hoạch này nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Lúc này, má tôi cũng đã lớn tuổi nên chuyển sang làm nghề hàng xáo, mua lúa về xay thành gạo, sàng sạch rồi đem ra chợ bán. Suốt ngày, má ngồi giữa mớ thúng mủng nong nia dần sàng. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp hình ảnh mấy bà bạn áo bà ba của má ngồi tụm lại nhổ tóc trắng cho nhau, cũng bằng cái cách kẹp hột lúa vào đầu ngón tay mà nhổ từng cọng, từng sợi. Tôi lại rưng rưng nhớ ngoại tôi, người vừa đi xa vài năm trước. Cuộc sống những người đàn bà hai bên đầu cầu Khóm Một này kể cũng kỳ lạ thật. Họ vừa là đàn bà vừa là đàn ông, họ làm tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ để nuôi dạy con cái, để vun vén cho gia đình, không có gì cho riêng họ cả. Như má tôi, những phút giây ngồi với bạn bè để nhổ tóc sâu cho nhau thôi cũng hiếm hoi lắm, má lúc nào cũng liền tay liền chân hết ngoài đồng, ngoài chợ đến trong nhà, lúc mưa cũng như lúc nắng, lúc trời nổi giông nổi gió, sấm chớp đùng đùng ngoài ruộng rẫy cũng như lúc yên ả quanh ngọn đèn dầu trong góc bếp. Tất bật. Lầm lũi. Chịu đựng. Chiếc áo bà ba nâu nâu trăng trắng bạc phết ấy hình như lâu lắm không được thay bằng cái áo nào khác, nó đẫm hết lớp mồ hôi này đến lớp mồ hôi khác, nó đẫm hết lớp nước mắt này đến lớp nước mắt khác, nó đẫm chất mặn xót của cuộc đời người đàn bà góa bụa.
Và nhiều lần tôi đã thấy những hột lúa sót trong giấc chiêm bao của mình, cái túi áo bà ba đã lộn trái nhưng nó không rơi ra nữa, nó đã ra rễ, đã đâm chồi xanh, nó đã mọc thành cây lúa tốt tươi. Trên thân áo sờn cũ, cây lúa ánh xanh lên màu hy vọng, màu ước mơ, màu khát khao, màu nguyện cầu... Tôi đã thức giấc trong bàng bạc nhớ, dáng má liêu xiêu hiện lên, cánh đồng quê tôi hiện lên, ngôi làng ở hai đầu cầu Khóm Một hiện lên, tất cả những hình ảnh thay nhau hiện lên và biến mất chỉ còn hình ảnh ngược sáng má tôi đang trên cái ghế thang, lúa chảy qua các kẽ ngón tay, lúa chảy thành dòng, bay bay, bay bay không ngừng. Chỉ vậy mà khi thức dậy tôi thấy một bên chiếc gối của mình còn sậm dấu nước mắt nhòe nhoẹt. Tôi hiểu cảnh ngộ của má tôi không là duy nhất bởi quê tôi là một vùng đất từng bị rát bỏng đạn lửa chiến tranh, những người đàn ông đã lần lượt ngã xuống khi còn rất trẻ và chiến cuộc đã đẩy linh hồn họ đi rất xa, những người đàn bà còn lại là hồn phách của làng, những sinh mệnh thương đau của làng, những giọt nước mắt lặn vào trong để giữ cho cuộc sống sinh tồn mãi mãi.
Biết vậy nhưng mỗi lần ký ức sống dậy, mỗi lần có điều gì chợt gợi lên hình ảnh những hột lúa sót trong túi áo bà ba của má là hai mắt tôi lại một lần cay cay, lòng lại quặn lên từng cơn bởi thương má vô cùng.
Nếu thu không lá vàng
Em bán nốt con nai vàng ngơ ngác
Cầm cố buổi chiều cho mưa trắng
ngày thu
Nếu lời khấn nguyện nào cũng được thấu tỏ thì ý nghĩa của giấc mơ đâu chiếm trọn một đời. Con người là vậy mà, luôn luôn không viên mãn, luôn luôn không tròn đầy. Luôn khuyết như trăng hạ huyền. Luôn đi về phía trước như trăng thượng huyền. Và luôn ảo mờ trong vòng tròn ước mơ.
“Khi lớn lên, mình sống với bầu trời trong xanh, với nghĩ suy trong xanh, đâu có ngờ rằng số phận đã dẫn mình đi qua một ngã rẽ hắt hiu”. Người bạn tôi đã nói như thế, đã tâm sự như thế. Nói trút lá như có cơn gió lạnh vừa thổi qua mùa thu! Nói giãi bày cho vơi bớt nỗi lòng trĩu nặng hư hao khi ngồi với tôi trong một chiều mưa giăng trắng lối. Không phải ai cũng có một mùa thu sớm như thế nhưng cuối cùng rồi ai cũng chạm mặt mùa thu. Hai chữ hắt hiu dường như chực sẵn đâu đó, rình rập đâu đó để một ngày bất ngờ ập xuống đời người.
Khi viết những dòng này tôi mường tượng anh trai tôi đang ngồi trong trại dưỡng lão, hai mắt mờ đục nhìn ra cửa sổ. Hai mắt đầy gió. Hai mắt ứ tràn những câu độc thoại ngày thu. Hai mắt hắt hiu. Anh tôi là người mang nhiều ước mơ lắm! Những mối tình đi qua đời anh cứ lãng đãng như mây trời bởi tính lãng mạn từ trong máu của anh. Anh đi qua cuộc chiến trở về nguyên lành, bom đạn không làm gì được thân xác anh nhưng chúng đã để lại trong tâm hồn anh một vết sẹo lớn, một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Chiến tranh để lại trong giấc ngủ anh những cơn giật mình thảng thốt nửa đêm, những ú ớ la hét nửa đêm, những run rẩy co rúm nửa đêm. Chiến tranh đã hủy diệt những giấc mơ của anh. Nó lấy đi tất cả chỉ để lại những cơn mưa rừng ám ảnh, những bùn lầy và xác đồng đội chồng đống lên nhau.
Người bạn tôi không đi qua chiến tranh nhưng lại vấp phải bãi lầy bất nhân của đời sống ngợm người. Cô ấy không bị bán đi như Kiều, không bị cho đi như Loan. Cô ấy lấy chồng ngoại quốc trên danh chánh ngôn thuận, tự nguyện và hợp pháp, thậm chí đem lại niềm vui cho gia tộc, họ hàng. Nhưng cô không thể ngờ rằng chuyến bay về phương Bắc ấy là chuyến bay chở cô về mùa thu vĩnh viễn, nơi người ta tước đoạt hết những gì trong sáng còn lại của con người, nơi người ta trở mặt trơ tráo coi cô ấy như một món đồ chơi chung cho cả hai cha con.
Mùa thu hắt hiu xứ người đã tước mất những giá trị cuộc đời như nó vốn có, hằng có trong phần ưu tư, buồn dại mong manh trong tâm hồn bạn tôi.
Anh Hai tôi cũng vậy, sao có thể còn lại được gì trong đôi mắt mờ đục phận người kia?! Một vợ năm con hẳn hoi sau cuộc chiến, cứ tưởng đó là những gì bù đắp cho một phận người, tưởng đó là những ấm áp để người ta vin vào mà sống cho trọn kiếp trần ai, vịn vào đó mà đứng lên trong ngả nghiêng xế bóng. Không phải! Mười triệu một tháng trả cho nhà dưỡng lão là trách nhiệm, là trả ơn, là công bằng duy lý. Thôi thì cũng may còn chưa đến bước đưa chân mà chưa biết về đâu. Thôi thì cũng may còn có bức tường trắng mà quay mặt vào. Thôi thì cũng may còn có cửa sổ mùa thu và hai mắt đầy gió.
Mùa này, mưa cứ giăng trắng xóa những buổi chiều. Thu chẳng lá vàng lãng mạn như trong giấc mơ vườn tượng Luxembourg của anh tôi một thời tú tài trai tơ phóng đãng. Những vị thần Hy Lạp đã đi vắng từ lâu. Giấc mơ sinh viên cùng những con thú thơ ca đã hiện thành phiên bản hắt hiu quanh căn phòng dưỡng lão.
Mùa này, mưa cứ giăng trắng xóa những buổi chiều. Thu chẳng lá vàng lãng mạn như chuyện tình Quỳnh Giao. Ai đem giấu những chuyện tình dưới hộc bàn một thời nữ sinh bướm trắng?! Ai lén cha lén mẹ ấp ủ những Hàn Ni, những Kiều Phong với mùa thu xứ Bắc, với lá vàng rơi rực Nhạn Môn Quan? Ai? Cô bé “nai vàng ngơ ngác” ngày nào mặc áo trinh nguyên và ánh mắt rất xanh. Tất cả đã xa rồi. Lòng người ấy không có thật. Chỉ còn sự câm nín, bất lực và nhục nhã khi sống chung với thế giới thấm đẫm “mùi đồng”, thú tính.
Vậy đó, mùa thu đâu chỉ có lá vàng! Mùa thu đâu phải do lá vàng! Mùa thu đời người cũng nhiều cung bậc lắm: Lãng mạn, bay bổng cũng thừa mà hắt hiu, cúi xuống cũng không phải là ít. Thôi thì nhờ đêm mà ngày sáng hơn. Thôi thì nhờ thu mà xuân rực rỡ hơn. Hay sống theo một câu trong Kệ Vân của Trần Nhân Tông vậy: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Thôi thì hy vọng, thì nhìn vào góc sáng của cuộc đời mà sống. Gì thì gì, nếu mùa thu không lá vàng cũng chưa thật là thu.
N.H