Một khía cạnh nhân bản của nghệ thuật
Trời mưa gầm gào ngoài sân, hơi lạnh tỏa khắp ngõ ngách. Sấm đã vỡ ầm ĩ trên nền trời, từ vết toác đau đớn của nước da xanh, mưa đổ xuống trắng toát trên con đường loang loáng chút ánh sáng chiều. Trời sầu muộn trút hơi thở dài lên mình con người cao đại, kẻ đã run rẩy vội phóng nhỏ cái bóng to kềnh của mình theo ánh nắng chiều dần tắt, chỉ còn thân xác co ro giữa giá lạnh, cô độc, phiền não, yếm thế. Mưa đã quất vào mặt hắn nỗi lạc loài ghê rợn. Với những con người biết suy cảm, chẳng có ai là tàn ác bẩm sinh, chỉ có kẻ lạc loài.
Tôi biết đến những kẻ lạc loài bi thương, ẩn mình trong những trang sách. Những kẻ ấy sống ở đời trong thân phận bị ruồng bỏ, không ai biết nhớ quan tâm, nhưng ngòi viết của nghệ thuật đã lần tìm thấu cảm. Bài viết của tôi xin được làm một cuộc phân tích giản dị về góc nhìn về tính bản ác của con người theo thời gian, và giá trị to lớn của nghệ thuật trong việc đào sâu thấu hiểu phần tối tăm trong nhân bản.
Đen và trắng:
Những kẻ ấy gợi cho tôi nhớ đến những cái bóng bị ruồng rẫy trong xã hội, không có tên, chỉ có những cái mác. Họ gọi hắn là “con ác thần” hay “quái vật”. Trong bộ phim cuộc đời, hắn đóng vai phản diện, một kẻ bất nhẫn hoàn hảo. Thế giới ta sống phẳng lặng và đơn giản như chuyện cổ tích: trên đời chỉ có hai loại người: người tốt và kẻ xấu.
Tôi nghĩ rằng ấy là sự lầm tưởng lớn. Loài người tự cao tự đại phán xét cuộc đời khách quan, đã tự cho phép mình đem sự thật phức tạp vào tâm trí để uốn nắn cho ra một hiện thực ảo. Một hiện thực chỉ có trắng và đen, tốt và xấu, cao cả và tầm thường. Kẻ ác cần phải bị phê phán, phải bị trừng phạt, ruồng rẫy; người tốt được thiêng liêng hóa, ngưỡng vọng, tôn vinh. Hai kiểu người là địch thủ của nhau, phủ nhận nhau, không thể tìm thấy sợi dây liên kết. Song, sự thật hỗn mang và phức tạp hơn nhiều. Tạo hóa ban cho loài người khả năng nhìn nhận sự vật một cách đối xứng, không phải để khu biệt chúng thành hai mảng tương phản gay gắt, mà nên nhớ: điện ảnh không còn sử dụng chất liệu trắng và đen để làm phim, họ dùng xám, vàng, đỏ, xanh,...
Ấy thế mà ta đã từng chọn nhìn đời trong chỉ hai màu đen trắng. Tính cách con người bất biến và cố định trong hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện, anh hùng và tiểu nhân, người chân thiện và kẻ tàn ác. Tại sao lại có sự khu biệt gay gắt đó? Phải thừa nhận, đây là cách nhìn đời rất đơn giản: tuyệt đối hóa mọi thứ để khiến chúng trở nên phân minh, dễ tiếp cận: ta có thể hoàn toàn kính ngưỡng một ai và hoàn toàn căm thù một ai. Chúng ta đều sợ hãi khi phải chấp nhận tính chất tương đối ở đời, tính chất hỗn mang, lẫn lộn, thiếu đường biên, ta sợ sệt khi đối diện với câu hỏi: có thể nào một người phạm tội vẫn là người tốt, có thể nào một người có chân tâm trở thành kẻ độc ác? Nhưng cũng cần thừa nhận, cái nhìn khu biệt kia của con người là một phần tất yếu trong quá trình phát triển nhận thức của người trần mắt thịt.
Chỉ niềm kiêu hãnh mới vượt thoát khỏi sức mạnh của Chúa trời:
*Bài viết chỉ thể hiện một góc nhìn về văn hóa tư tưởng phương Tây*
Hãy thử điểm lại tiến trình tư tưởng của con người. Bắt đầu từ Thời cổ đại, con người hèn mọn quỳ gối thờ phụng những vị thần tối cao trên đỉnh Olympus, xem thần thoại Hy Lạp và La Mã như là bộ thánh kinh. Càng dấn sâu vào đức tin, con người đã càng trở nên mù quáng, mông muội, chìm trong “đêm trường Trung Cổ”, vì thế xuất hiện thời đại Phục Hưng chủ nghĩa (nhân văn chủ nghĩa), con người đứng lên lập ngôn chống đối Giáo hội. Thời đại tiếp nối được bao bọc trong bầu không khí duy lý của chủ nghĩa cổ điển - khi Descartes đặt những viên gạch đầu tiên cho triết học về con người. Về sau, Kant tuyên bố về tính chất cao cả của con người: những thực thể sở hữu “lý trí thực tiễn thuần túy” (“pure practical reason”). Như vậy, từ yếu đuối thờ phụng tín ngưỡng đến vực dậy khẳng định mình, con người đã đi đến tuyên ngôn dõng dạc của Nietzsche về tầm vóc Siêu nhân của nhân loại: “Chúa đã chết!”. Tiếng vang kiêu hãnh ấy vọng đến cả thế kỉ XX thời hiện đại: Aya Rand tụng ca “bản chất anh hùng của con người”, xây dựng nên mẫu cá tính lý trí, tự chủ, sáng tạo.
Quả nhiên, có ở đó một xung lực thôi thúc con người cởi bỏ nỗi tự ti trước những vị thần, một xung lực kích thích con người khẳng định tầm vóc anh hùng của bản thân, như Faustus khi xưa khẳng định: “Ta, bản thân là hình tượng Chúa” (“Faust” - J. W. Goethe). Ấy là một sự trưởng thành vượt bậc của giống người, mà nếu thiếu đi xung lực mãnh liệt ấy, con người sẽ mãi là loài hạ đẳng phục tùng tín ngưỡng mà nó tạo ra. Chỉ niềm kiêu hãnh mới vượt thoát khỏi sức mạnh của Chúa trời.
Niềm kiêu hãnh ấy buộc con người quay sang phủ nhận triệt để những vết nhơ trong nhân bản. Làm sao để có thể vượt thắng sự toàn hảo của thần linh nếu con người không thể thoát khỏi những tủn mủn, tầm thường trong mình? Lòng tham, lòng ích kỷ, sự hèn nhát, tính giả tạo,... chúng bôi nhọ con người cao đại mà nhân loại thuở ấy đang hướng đến. Đối với họ, kịch liệt chỉ trích, xa lánh, phản đối, khinh miệt cái xấu, cái ác là nhằm khẳng định cái thiện, cái đẹp, cái cao cả.
Nền văn học đi theo hệ ý thức đó mà trải ra hai loại hình cá tính trắng và đen, như đã bàn: người tốt được thần thánh hóa và kẻ xấu bị phủ nhận triệt để. Các vai phản diện hoàn hảo lần lượt ra đời: Don Juan sở khanh, Harpagon hà tiện, Don Quixote ảo tưởng, những kẻ tha hóa trong “Bộ tấn trò đời”. Và Javert có "cặp mắt như cái móc sắc" vốn là kẻ tàn bạo, hắn tìm đến cái chết khi bỗng dưng rối bời vì ánh sáng của lòng cao thiện. Cái chết của hắn chứng tỏ sự bất lực của Victor Hugo - không thể lách sâu ngòi bút vào một linh hồn hỗn mang phân tranh giữa thiện và ác. Cho đến năm 1943, văn học vẫn còn thiết tha với hệ thống nhân vật tương phản hoàn hảo: kẻ sáng tạo cao cả và kẻ sống thứ sinh bạc nhược (“Suối nguồn” của Ayn Rand). Thế giới đã phẳng trơn, đậm chất kịch (đầy ắp những mâu thuẫn cao trào giữa người tốt và kẻ xấu) như áng văn của Dickens.
“Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”:
Hãy hiểu cho tôi, tôi không dám lớn tiếng chê bai những tác phẩm kinh điển có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật ngàn đời bất tận. Nhưng, thế giới nội tâm con người quá phức tạp để được phản chiếu đầy đủ trong nền văn học của một vài thời. Những cây bút kinh điển dù tài hoa đến mấy vẫn chưa thể khơi hết được chiều sâu của nhân bản. Vì thế, luôn có những khoảng trống tất yếu về tư tưởng, chúng mời gọi thế hệ sau lấp đầy, tiếp tục dấn thân khai phá.
Đối với những bàn luận về bản chất con người trên đây, ý tưởng quá vãng rõ ràng đã chừa lại những khoảng trống lớn. Ta hoan nghênh tư tưởng giải phóng tự do cho con người khỏi sự kèm cặp của thần thánh, khỏi tôn giáo cực đoan, nhưng không đồng tình với ý niệm về con người cao cả: con người hoàn hảo sánh ngang với vũ trụ, với chúa. Lý tưởng trở nên hoàn hảo là ảo mộng phi thực tế, phi nhân bản: nó khiến con người chối bỏ phần bất toàn trong mình, phần yếu đuối, chơi vơi trong vũ trụ. Khoa học hiện đại (khoa học, chứ không là tôn giáo) đã nhấn mạnh sự thật khắc nghiệt rằng con người chỉ là một thực thể sinh học phù du trong thế giới khách quan.
Một sự thức tỉnh choáng ngợp được bày biện ra trong tâm trí nhân loại: không có con người cao đại, chỉ có con người bất lực, vô nghĩa trong quy luật khắc nghiệt của thời gian (Camus so sánh nhân loại như Sisyphus đẩy đá lên đồi trong vòng lặp vĩnh viễn). Không có con người biết tuốt, chỉ có con người “ngu dốt” và ngạo mạn. Không có con người tuyệt đối cao thiện, ai cũng có cái ích kỷ riêng mình, rằng: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?” (Nam Cao). Từ hân hoan tỏ rõ sức mạnh đến xót xa đào bới những góc khuất, loài người đã dần bước qua ngưỡng vị thành niên bồng bột, chủ quan, tự kiêu, để tiến đến châm ngôn bất hủ: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”(cách ngôn La tinh). Và như thế, người đời sau đã lấp đầy khoảng trống bày ra giữa vai chính diện và vai phản diện, giữa người hùng và kẻ phản anh hùng (hero and anti - hero).
Người ta dần nhận thấy: không có những con “quái vật”, “con ác thần”, không có những cái mác, những kẻ không tên. Ai cũng có trong mình tính thiện và tính ác, không ai hoàn hảo và cũng không có ai là kẻ bất nhân tuyệt đối. Nỗi căm ghét các vai phản diện trước kia cho thấy con người đang cật lực căm ghét một phần bản chất mình, một phần bất toàn, một phần yếm thế. Nỗi căm ghét kia đã làm nảy sinh những thân phận lạc loài. Cần phân định cho rõ: Kẻ phản diện là thuộc tính tự nhiên có ở trong ta, kẻ lạc loài là kẻ phản diện không được thấu hiểu, bị ruồng bỏ, xa lánh. Kẻ lạc loài là sản phẩm của xã hội phân mảng trắng đen, một xã hội bồng bột, cực đoan, không biết thấu hiểu, một xã hội vô lý đòi hỏi sự toàn hảo của con người. Quả nhiên, "ghét thì thường dễ dàng hơn là thấu hiểu" (Leland R. Beaumont).
Nền nghệ thuật theo đà ấy nhanh chóng điều chỉnh cái nhìn về tính ác. Các tác phẩm không chia con người thành hai vai chính và phản; hệ thống nhân vật rất phức tạp, gần với hiện thực, gây cho ta cảm tưởng được đồng điệu, thấu hiểu – rất khác với nền nghệ thuật trước kia luôn chủ quan hóa nhân vật cho phù hợp với lý tưởng cá nhân, khiến nó trở nên xa lạ với sự thật, với cuộc đời trần thế. Nghệ thuật truyền thống mô tả xung đột giữa cái thiện và cái ác để kéo dãn khoảng cách giữa hai đối tượng; nó đứng từ vị thế trên cao để phê phán hiện tượng cái xấu cái ác; từ đó cất lời tụng ca, thần thánh hóa cái chân thiện. Trong khi đó, nghệ thuật hiện đại xóa bỏ khoảng cách giữa tính ác và tính thiện để nhìn nhận chúng ở chiều sâu bản chất (bản chất, không phải là hiện tượng) và bày tỏ thái độ thấu hiểu, không phán xét.
Ở đây, tôi tập trung bình luận kiểu nhân vật lạc loài - con người bi thương, cô độc, những vai phản diện không được thấu hiểu. Và thử tìm tòi ở những áng văn bất hủ lời lý giải cho nhân cách cô đơn, sầu não, đen tối của họ. Nội tâm của những kẻ ấy được lý giải trong hai vế: tội ác thành hình từ nỗi cô độc; nỗi cô độc thành hình từ môi trường xã hội lạnh lùng, phán xét - một kiểu xã hội tự kiêu đến ngớ ngẩn vì tin tưởng tuyệt đối vào sự tự quyết của mình.
Xã hội tự kiêu:
Trắng và đen, phân minh rạch ròi giữa thiện và ác - đó là bản chất của xã hội. Xã hội nào cũng có những khái niệm, những quy định tuyệt đối, chỉ như thế nó mới quản lý được con người, hay nói cách khác, cần thiết có công lý và luật pháp để bảo vệ cộng đồng yên ổn. Tuy nhiên, đó sẽ là xã hội phi nhân nếu thiếu vắng lòng thấu hiểu. Trong tác phẩm điện ảnh tôi chọn bình luận để làm minh chứng cho tất cả luận điểm nêu trên, “Joker 2019”, gã hề tha hóa đã giễu cợt cái xã hội tự kiêu - tự ban cho mình quyền phán xét, quyền tạo ra những quy tắc, công thức như sau:
[…] all of you, the system that knows so much, you decide what's right or wrong, the same way that you decide what's funny or not.
( [...] tất cả các người, cái cơ chế biết tuốt, các người quyết định điều gì đúng hay sai, cũng như cách mà các người quyết định điều gì đáng cười hay chẳng).
Nền xã hội “trắng đen” cũng tự hình thành kịch bản về kiểu người lý tưởng và những kiểu người đáng khinh miệt.
“Each script is somewhat unique, each culture has a different hero system.” -Ernest Becker, “The Denial of Death”.
(“Mỗi kịch bản là có phần độc nhất, mỗi nền văn hóa có một cơ chế anh hùng khác biệt.”)
Trong tác phẩm kể trên, kịch bản đó được cấu trúc như sau: hình mẫu anh hùng (Hero), tức hình mẫu lý tưởng, được người mẹ gieo vào tâm trí Arthur Fleck từ nhỏ, đó là trở thành một người luôn hạnh phúc và lan tỏa niềm vui đến với mọi người.
My mother always tells me to smile and put on a happy face. She told me I had a purpose to bring laughter and joy to the world.
(Mẹ của tôi luôn bảo tôi hãy mỉm cười và khoác lên gương mặt hạnh phúc).
Bà đặt tên cho con mình là Happy. Niềm mong mỏi của bà chóng trở thành áp lực phải che giấu bản ngã đối với Arthur. Hắn trở thành một gã hiền lành luôn nuốt chịu nỗi đau như miếng bọt biển, và trưng bày ra bên ngoài một bộ mặt tươi tắn, dễ chịu. Bản ngã thật của hắn là cái mà người ta khinh bỉ, cười cợt: một con người yếu hèn và khổ sở vì cảnh nghèo, vì nhục nhã, một gã sống dạt ra ngoài rìa của xã hội, lại thêm mắc bệnh về tinh thần. Nhưng mỗi khi hắn cố tình che đi cái bản ngã ấy để khoác lên mình hình mẫu lí tưởng mà người mẹ luôn trông đợi, con người thật của hắn lại lộ ra trần trụi.
Arthur không thể tự lừa dối bản thân quá lâu, nhiều sự kiện bi ai chồng chất xảy đến làm hắn thêm tuyệt vọng và bất lực. Thế giới u ám lột trần ra trước mắt Arthur nỗi cô độc khủng khiếp, hắn không có ai để bầu bạn, để được thấu hiểu. Hắn đắm mình vào thế giới tưởng tượng độc hại để tự thỏa mãn khát vọng kết nối và khát khao quyền lực, tiếng tăm, sự ngưỡng mộ, sự tôn vinh, ca tụng. Nhà làm phim hẳn rất khéo khi mô tả tiến trình tâm lý của Arthur đúng theo tháp nhu cầu của Maslow: từ nhu cầu được yêu thương và yêu thương người đến nhu cầu được khẳng định, chứng tỏ bản thân. Nhưng Arthur đáng thương chỉ có thể vin vào ảo giác để làm đầy khát vọng trong mình.
Phải, nỗi cô độc đang giết chết dần mòn nhân tính trong hắn. Hắn đâm ra đổ lỗi cho xã hội. Và đây là khởi điểm của những thân phận lạc loài trên tuyến đường tha hóa, trở thành những kẻ phản anh hùng (Antihero).
Gương mặt cười trở thành biểu tượng xuyên suốt tác phẩm, theo tôi nghĩ, có hai ẩn ý. Từ ẩn ý này chuyển hóa sang ẩn ý kia, đó cũng là sự chuyển biến tâm lý từ một Arthur khờ khạo, cam chịu đến một gã hề tàn ác, thù hằn cuộc đời. Biểu tượng thứ nhất ám chỉ bi kịch không thể sống thật với bản ngã. Đó là cái cười giả tạo trong phân cảnh đầu phim: Hắn đưa tay kéo căng khóe miệng trễ trên gương mặt nhàu nhĩ để nặn một khuôn cười giả tạo; và những ám ảnh phải “khoác lên gương mặt hạnh phúc” (“put on a happy face”) trong hắn. Đó cũng là ẩn dụ của căn bệnh cười mà Arthur mắc phải, mỗi khi choáng váng vì đau khổ, những tràng cười liên tục không thể kiểm soát xuất hiện ngăn cho hắn khóc, ngăn đi cái quyền được sầu muộn như một người bình thường. Khi Arthur trở thành Joker, cái cười của hắn mang hàm nghĩa khác. Tiếng cười ra nước mắt, chua xót, khinh miệt, căm phẫn - phức hợp cảm xúc chống đối xã hội, tức đánh mất niềm tin vào cái thiện, cái tốt đẹp, hắn trở thành hiện thân của cái ác.
Hãy ngừng lại chút ít để làm một cuộc so sánh tác phẩm điện ảnh kiệt xuất này với cội nguồn cảm hứng của nó: tiểu thuyết “Thằng cười” của Victor Hugo, ra đời vào năm 1868, thuộc trường phái lãng mạn chủ nghĩa; để làm sáng tỏ sự khác biệt về góc nhìn về tính bản ác giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại mà tôi đã phân tích ở trên. Ở tác phẩm kiệt xuất của Hugo, nhân vật chính Gwynplaine thoát ly khỏi bi kịch cá nhân, trở thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng nhà văn. Chàng có tính cách bất biến là lương thiện và cao quý, đứng từ vị thế trên cao như một thiên thần trác việt để phê phán xã hội tăm tối:
Người ta đã bóp méo luật pháp, công lý, sự thật, lẽ phải, trí tuệ của nhân loại, cũng như đã làm biến dạng đôi mắt, cánh mũi và hai tai của tôi.
Thậm chí, chàng còn tự thừa nhận: “Tôi là một biểu tượng”. Đây rõ ràng sự lấn lướt của tư tưởng nhà văn vào cuộc đời riêng của nhân vật, khiến cho nhân vật xa cách với sự thật. Ngược lại, tâm lý Joker được đào sâu, lý giải chi tiết, tính bản ác được phơi bày ra các nguyên do, sự phát triển của nó, khiến cho nhân vật chân thật như là người. Song, khuyết điểm của nền nghệ thuật cũ là bệ phóng cho ý tưởng mới phát triển. Hình tượng Joker được truyền cảm hứng từ ý tưởng của V. Hugo, mà tôi tin đặc biệt là từ câu thoại chua chát của Gwynplaine:
Tôi là Thằng Cười khủng khiếp. Cười cái gì? Cười các ngài. Cười bản thân. Cười tất cả. […] Tôi cười, có nghĩa là tôi khóc.
Trở lại với tuyệt tác điện ảnh về Arthur bi thương của chúng ta, Joker mù quáng lần mò vào tội ác để trải nghiệm cảm giác quyền lực, mạnh mẽ, để thoát ra khỏi cái thân gầy yếu bị hại thuở trước. Thái độ của hắn là kình địch, chống đối xã hội. Khi tự lý giải tội ác của mình, hắn nói:
I killed those guys because they were awful. Everybody is awful these days. It's enough to make everyone crazy.
(Tôi giết những kẻ đó vì chúng tồi tệ. Tất cả mọi người đều tồi tệ dạo đây. Đủ để khiến người ta hóa rồ).
Joker cho rằng xã hội tồi tệ xứng đáng nhận lấy tội ác của hắn, đồng thời cũng thừa nhận chính cái xã hội xấu xa ấy đã gây ra hiện tượng Joker. Tôi chợt nhớ về lời tự bào chữa của con quái vật - tên sát nhân giết người hàng loạt - trong áng văn giả tưởng “Frankenstein” của Mary Shelley, ra đời vào năm 1818, một cây bút vượt thời đại đầu tiên dấn thân vào vùng tâm lý đen tối của tính ác:
Khi tôi không có chút nào bạn bầu và thương yêu, căm ghét và tội ác sẽ là số của phận tôi. Tội lỗi của tôi là con đẻ của cảnh sống cô đơn bắt buộc mà tôi vốn khiếp hãi.
Cả Joker và con quái vật không tên đều là những nạn nhân bi kịch của một xã hội lạnh lùng phán xét, thiếu lòng nhân, thiếu tình thấu hiểu. Nhưng hãy tỉnh táo để đừng trượt theo con đường mòn của cảm xúc mà những kẻ lạc loài đã vạch ra. Joker khinh miệt thế giới cực đoan đen trắng (“you decide what's right or wrong, the same way that you decide what's funny or not”) song chính hắn cũng là cực đoan. Hắn chủ quan đánh giá bản chất thế giới chỉ trong chữ “tồi tệ” (“awful”), những ý nghĩ của hắn chỉ quẩn quanh cái tôi tổn thương – không thể vượt ra ngoài mình để hiểu người, mỗi lời hắn nói là một lời tự ti, tự ái, tự thương thân. Khi trông thấy thái độ phản đối của mọi người về những kẻ đã chết dưới tay Joker, hắn cao giọng chua chát, rạn vỡ, nấc lên vì đau đớn và uất hận:
Tại sao mọi người lại quá buồn bực về những kẻ này? Nếu đó là tôi chết trên lề đường các người dẫm bước ngay lên tôi. Tôi đi ngang qua các người mỗi ngày mà có ai để ý!
(Why is everybody so upset about these guys? If that was me dying on the sidewalk you'd walk right over me. I pass you everyday and you don't notice! )
Thậm chí còn tệ hơn nền xã hội mà hắn kịch liệt phê phán, hắn còn tự mình quyết định việc thưởng phạt: thay chân pháp luật, hắn ngạo mạn tự quyết định ai xứng đáng với cái gì. Hắn giết người vì cho là họ tồi tệ. Hắn giết Murray vì ông tồi tệ và xứng đáng với điều ấy:
Ông phải nhận lấy điều gì nếu ông lướt ngang qua một kẻ cô đơn ốm yếu về tinh thần giữa một xã hội cấm cản anh ta và xem anh ta như rác?
(What do you get when you cross a mentally ill loner with a society that abandons him and treats him like trash?)
Nhưng như thế nào là xứng đáng? Bi kịch thay, Arthur đã tạo nên chính hình mẫu xã hội mà hắn căm ghét. Hắn đã nặn tạo lại thế giới và áp lên nó những phán xét cá nhân của mình. Vậy thì đổ lỗi ai đây hở Arthur?
Nhưng nếu nhìn nhận theo cách khác, theo nghĩa biểu tượng, ta nhận ra họ là những nhà tư tưởng khuyết tật, mà khi loại trừ phần khiếm khuyết mục ruỗng vì nhân cách tha hóa trong họ ra, có còn đọng lại những lời phản biện, lời biện luận, sức phản kháng đòi quyền tự do rất thâm sâu, triết lý. Gwynplaine khẳng định nhân tính cao trọng trong mình: “Tôi là Con Người”. Chí Phèo của Nam Cao đòi quyền được sống chân thiện. Con quái vật không tên đòi hỏi Frankenstein hãy tạo ra một thực thể giống như mình để được bầu bạn, san sẻ, yêu thương. Và Arthur Fleck, gã đã cất lời bi ai bất hủ: “Đời tôi chẳng là gì ngoài vở hài kịch” (“My life is nothing but a comedy”).
Lời kết:
Tôi chân thành mong mỏi nền xã hội phi nhân tính kia đã nằm vùi trong đống tro tàn của lịch sử, hay chỉ còn nằm lại trên những trang sách như chứng tích của một sự tự kiêu tàn nhẫn đã chết. Tôi không muốn trông thấy những kẻ lạc loài vật vã giữa sự sống ngắn hạn, càng không muốn trông thấy họ hét lên đau khổ, bức bách, chống đối lại xã hội. Bởi nỗi đau của họ là minh chứng cho sự tồn tại của kiểu xã hội ấy.
Nhưng đừng hiểu lầm tôi. Tôi không là tín đồ của chủ nghĩa duy nghiệm để khẳng định: suy cho cùng, tất cả tội đồ là do xã hội tạo nên. Ngoài kia vẫn có những tội nhân tàn ác bẩm sinh - những tâm hồn sinh ra đã không biết cảm thông, chia sẻ, yêu thương - mà trong bộ môn tâm lý học, người ta gọi là chứng thái nhân cách (psychopath). Nhưng bài viết của tôi chỉ dành cho những người có thiên lương, biết suy cảm, nhưng bị xã hội thúc đẩy tính ác, làm cho tha hóa. Viết về họ, tôi thẳng thừng đổ lỗi cho nền xã hội lạnh lùng phán xét, không có lòng thấu cảm. Tôi viết bài này không phải để kêu gọi hãy bảo vệ tính ác, bởi: nhiệm vụ cao cả của con người là hướng đến cái chân thiện cao đẹp. Tính ác luôn luôn cần phải được đấu tranh để loại bỏ.
M.