Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững
Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là mối quan hệ hỗ tương, tác động và hỗ trợ lẫn nhau để làm cho xã hội phát triển một cách bền vững. Một nhà nghiên cứu nước ngoài ví von rằng, kinh tế và văn hóa giống như cái chân ga và cái chân phanh trên một chiếc ô tô. Chỉ nhấn chân ga thì ô tô sẽ lao đến phía trước nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây tai nạn. Do vậy, cần phải dùng cái chân phanh để điều tiết tốc độ, giữ cho ô tô được an toàn.
Mặt khác, xã hội muốn phát triển an toàn, lành mạnh thì cần có pháp luật. Mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu thì cũng không thể điều chỉnh hết mọi hành vi và các mối quan hệ của con người. Bởi trong thực tế, có nhiều trường hợp không vi phạm pháp luật nhưng xét về góc độ văn hóa, đạo đức thì đáng bị phê phán. Chẳng hạn như là sự vô cảm, thấy người khó khăn thì không giúp đỡ, thấy người gặp hoạn nạn thì không sẻ chia, “sống chết mặc bay”... Trong một số trường hợp, người ta lách qua được các quy định của pháp luật, nhưng lương tâm, đạo đức có thể ngăn cản họ phạm tội. Ở đây, văn hóa là cái chốt chặn cuối cùng.
Hiện nay, ai cũng có thể thừa nhận rằng, kinh tế nước ta đang phát triển, cuộc sống vật chất khá giả hơn, phương tiện sinh hoạt khá phong phú, đủ đầy. Nhưng xã hội chưa thật sự an tâm, nhiều người gióng hồi chuông báo động về sự suy đồi của văn hóa, xuống cấp về đạo đức. Cái xấu, cái ác, sự vô cảm, giả dối diễn ra rất đáng lo ngại. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị đảo lộn, tư tưởng coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền hơn tình nghĩa có chiều hướng phát triển. Phải chăng, nguyên nhân là ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, cụ thể ở đây là chưa xác định rõ vị trí của văn hóa trong chiến lược phát triển; chỉ chú trọng nền tảng vật chất mà chưa chú trọng đúng mức nền tảng tinh thần, nghĩa là ta chưa “đi bằng hai chân” một cách nhịp nhàng.
Kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Không gian đô thị không ngừng mở rộng... Không chỉ du khách mà cả người dân Đà Nẵng cũng ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của quê hương mình.
Chỉ tiếc rằng, có một khoảng thời gian, trong lúc say sưa phát triển kinh tế, thành phố chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực văn hóa. Các thiết chế văn hóa chẳng những ít được đầu tư mà một số trường hợp phải hy sinh để phục vụ phát triển kinh tế. Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà Biểu diễn đa năng, Nhà Chứng tích tội ác chiến tranh, Sân Vận động Chi Lăng, 7 rạp chiếu phim, hàng chục Nhà sách... lần lượt bị đem bán. Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học Tổng hợp - hai thiết chế văn hóa có từ thời Pháp thuộc đã “sống sót” vào các giờ phút cuối cùng. Thành Điện Hải, di tích gắn liền với sự kiện quân dân Đà Nẵng đại diện nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược (1858 - 1860), được coi là “bàn thờ” của thành phố, bị xâm hại nặng nề từ vùng lõi đến vùng đệm. Điều đáng buồn là không chỉ một bộ phận người dân mà ngay cả nhiều cơ quan nhà nước cũng xâm hại Di tích quốc gia đặc biệt này. Đó là câu chuyện từ năm 2014 trở về trước.
Trong nhiệm kỳ qua, rất đáng vui mừng là nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong các cấp lãnh đạo, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực. Tình trạng coi nhẹ văn hóa, coi thường văn hóa cơ bản được khắc phục. Với sự tham mưu kịp thời, trách nhiệm, quyết liệt của ngành Văn hóa - Thể thao, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chủ trương mạnh mẽ để đầu tư và phát triển lĩnh vực văn hóa:
- Các di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của thành phố được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục hồi nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giáo dục và phát huy truyền thống cho nhân dân và du khách. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Thành Điện Hải và Danh thắng Ngũ Hành Sơn là “Di tích quốc gia đặc biệt”, công nhận 4 hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm là “Bảo vật quốc gia”. Đã và đang triển khai thực hiện dự án tu bổ, phục hồi di tích Thành Điện Hải, trong đó đã di dời 3 cơ quan nhà nước, 80 hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ Thành, khôi phục toàn bộ hệ thống thành cao, hào sâu gần như nguyên trạng. Thành phố cũng có chủ trương xây dựng nơi đây một Quảng trường thành phố, lấy Thành Điện Hải làm khu vực trung tâm. Thành phố đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế làm hồ sơ và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia. Lấy văn hóa để kết nối hai địa phương ở hai bên Đèo Hải Vân là một chủ trương có ý nghĩa nhiều mặt. Trong dịp kỷ niệm 160 năm ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp và Tây Ban Nha, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nâng cấp Nghĩa trủng quốc gia Hòa Vang, nơi an nghỉ của nghĩa sĩ, nghĩa dân trong buổi đầu kháng chiến. Thành phố đang làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, để trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, lịch sử tại đây trong tương lai.
- Lĩnh vực bảo tàng cũng được thành phố đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Những năm gần đây, thành phố thực hiện các dự án cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, xây mới Bảo tàng Mỹ thuật, và đang triển khai dự án mang tính động lực, trọng điểm là cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng lịch sử với kinh phí 500 tỷ đồng. Đà Nẵng là một trong 3 địa phương (cùng Hà Nội, Tp HCM) có Bảo tàng lớn và nhiều nhất trong cả nước. Khách tham quan, nghiên cứu đến với các Bảo tàng ngày càng nhiều. Riêng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày có gần 1000 khách tham quan.
- Đà Nẵng đã và đang vươn lên khẳng định là thành phố sự kiện và lễ hội, chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa thể thao, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố với các Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội văn hóa hai bên bờ sông Hàn, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội các Đình làng. Các liên hoan, hội sách, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng, triển lãm tranh, ảnh, các giải thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao... diễn ra thường xuyên, liên tục, rộng khắp các địa bàn, đã tạo nên không khí vui khỏe, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân và du khách. Các hoạt động này đã thu hút du khách đến thành phố ngày càng nhiều, lưu trú, chi tiêu ngày càng tăng, góp phần vừa trực tiếp vừa gián tiếp để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
- Các hoạt động văn hóa và thể thao ở Đà Nẵng những năm gần đây cũng góp phần đáng kể thực hiện chủ trương ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước qua việc tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế như các liên hoan nghệ thuật, liên hoan phim, triển lãm tranh, ảnh, lễ hội pháo hoa, các cuộc thi thể thao (Ironman, Marathon, dù lượn, Bóng đá U21 quốc tế...). Qua giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, chúng ta có cơ hội quảng bá hình ảnh của thành phố đến với bạn bè quốc tế, bởi “nghệ thuật là con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim”, và bởi thể thao là “ngôn ngữ” chung của nhân loại...
Tuy có gặt hái được nhiều kết quả khả quan nhưng lĩnh vực văn hóa và thể thao vẫn còn một số hạn chế đáng lưu tâm:
- Một số thiết chế trọng yếu chậm được đầu tư xây dựng, như: Trung tâm Văn hóa, Nhà hát lớn, Sân vận động (hiện chỉ có sân bóng đá Hòa Xuân chứ chưa có sân vận động). Mặc dù thành phố đã có quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở với mục tiêu đến năm 2020 có 80% xã, phường hoàn chỉnh trung tâm văn hóa thể thao, nhưng chỉ tiêu này chỉ đạt 50%.
- Một số thiết chế văn hóa - thể thao từ thành phố đến quận, huyện hoạt động chưa hết công năng, thiếu hiệu quả. Bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong ngành chưa được khắc phục triệt để.
- Chưa chú trọng đúng mức đến ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo nên sản phẩm văn hóa, thị trường văn hóa để vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa cho nhân dân, vừa tạo nên nguồn thu để trang trải các yêu cầu chi tiêu và cải thiện đời sống đội ngũ những người làm công tác văn hóa thể thao.
- Văn học - nghệ thuật thành phố tuy có một số mặt khởi sắc nhưng nhìn chung, chưa có những tác phẩm xứng tầm, có sức lan tỏa trong cả nước.
- Việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao còn nhiều bất cập. Một bộ phận anh chị em trong ngành chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu tâm huyết, thiếu nhiệt tình, thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu, bao trùm là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa chưa thấu đáo; vẫn còn xem văn hóa là “bánh xe thứ 5”, có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Chặng đường tiếp theo (2020 - 2025), thành phố tập trung đầu tư hoàn thành các thiết chế văn hóa trọng điểm; bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích; phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, khỏe khoắn cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Trong việc đầu tư phát triển các thiết chế và tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, cần thống nhất một số vấn đề như sau:
- Các thiết chế văn hóa - thể thao Đà Nẵng phải mang tầm khu vực, bởi theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị thì Đà Nẵng được xác định có nhiều Trung tâm, trong đó có Trung tâm Văn hóa và Thể thao của khu vực và cả nước.
- Hiệu quả hoạt động văn hóa - thể thao là hiệu quả tổng hợp, vừa trực tiếp vừa gián tiếp; vừa trước mắt vừa lâu dài, vừa vật chất vừa tinh thần... Do vậy, không nên chỉ lấy doanh thu, lợi ích vật chất trước mắt để đánh giá hiệu quả của các hoạt động văn hóa - thể thao.
- Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh là việc làm dài lâu, đòi hỏi vừa quyết liệt, mạnh mẽ, vừa kiên trì, bền bỉ. Ở Đà Nẵng, không gian đô thị phát triển quá nhanh, có nơi hôm trước là xã, hôm sau là phường; con người ngày trước là nông dân, ngày sau là thị dân, nên việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị càng phải nhẫn nại hơn.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Từ thực tế và bài học trong thời gian đã qua, Đà Nẵng cần “sử dụng cả hai chân” để nhịp nhàng hướng về phía trước.
H.H