Thêm một chuyên khảo khoa học đậm nét phong cách của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện

02.10.2020
Nguyễn Tự Lập

Thêm một chuyên khảo khoa học đậm nét phong cách của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện

Sau Tuyển tập: Thăng hoa sáng tạo và Thẩm mỹ tiếp nhận Văn chương (1974 - 2017), tôi lại được PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - người Thầy, người anh rất đỗi tự hào, kính trọng tặng tiếp Chuyên khảo: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật vừa ra mắt bạn đọc năm 2020 vào đúng dịp Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9).

Với hình thức trình bày tao nhã, bố cục hợp lý, chặt chẽ, nội dung phong phú, chuẩn mực và khoa học, đáp ứng thiết thực yêu cầu nghiên cứu và tham khảo... nên cuốn sách vừa ra đời đã tạo nên sự chú ý của đông đảo cộng sự làm công tác Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT). Đây là tác phẩm in riêng thứ 9 của tác giả và là cuốn sách thứ 7 viết về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng (sau sách in riêng và chủ biên của các tác giả: Hà Xuân Trường, Phan Khanh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn Bính, Đinh Xuân Dũng, Lê Thị Thu Huyền). Song điểm khác biệt là tác giả Nguyễn Ngọc Thiện tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu sự nhất quán và tiếp tục phát triển Đường lối Văn hóa Văn nghệ (VHVN) của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đến nay, đồng thời là chuyên luận tham gia Đề tài khoa học cấp Ban Đảng do Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT Trung ương chủ trì. Do vậy, nếu như Phần I (chuyên luận), với gần 180 trang trình bày dưới dạng hàn lâm như một công trình khoa học, tương đương Luận văn Thạc sĩ hoặc Luận án Tiến sĩ, thì Phần II (Tiểu luận & Phê bình) gồm 17 bài với dung lượng hơn 170 trang, hầu hết gồm các nội dung được tham luận tại Hội thảo khoa học, được đăng trên báo chí chuyên ngành: Lý luận - Phê bình VHNT, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT Trung ương... lại là những bài viết mang tính cụ thể hóa về lý luận thực tiễn nghệ thuật, nhằm minh họa, làm rõ những vấn đề đường lối được đề cập ở Phần I.

Điểm nổi bật trong tác phẩm ra mắt độc giả lần này là tính chặt chẽ, khoa học được tác giả chú trọng trình bày xuyên suốt từ đầu đến cuối nhằm nâng cao khả năng thuyết phục, đồng thời luôn mang đậm dấu ấn Nguyễn Ngọc Thiện - nhà khoa học - nhà quản lý - nhà nghiên cứu Lý luận & Phê bình VHNT tâm huyết, mực thước, cương trực... nhưng luôn thấm đậm tình đời, tình người!

Tính chặt chẽ, khoa học của tác phẩm được thể hiện bằng lối tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc qua lịch sử đường lối VHVN của Đảng, thấy được giá trị lý luận, tổng kết thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn, định hướng sự phát triển VHNT của đường lối. Đồng thời khẳng định những thành tựu của đường lối về mặt lý luận, làm giàu kho tàng lý luận mác xít về VHNT. Tác giả đã phân tích sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng lý luận và thực tiễn đời sống VHVN trong đường lối VHVN. Đặc biệt, đây là tác phẩm lần đầu tác giả nêu ra được những vấn đề mang tính cốt lõi, hết sức cơ bản Đường lối VHVN của Đảng được hình thành trong thời kỳ đầu cũng như từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam sau này như: Định nghĩa về đường lối VHVN; Khái niệm về Đường lối VHVN; Những đóng góp về hoàn thiện đường lối của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu - những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cũng là các nhà văn hóa; Việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam; Bản chất của đường lối là lý luận mác xít về VHVN, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, nhất quán qua các giai đoạn và luôn bổ sung, phát triển...

Ngoài thực chứng một cách đầy đủ, rõ nét về những thành tựu từ năm 1943 qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng, đổi thay của đất nước... tác giả đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, thiếu sót mang tính lịch sử trong đường lối VHVN của Đảng mà ở đó: Về lãnh đạo sáng tác, đã có những cách nhìn giản đơn, thiển cận về vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị dẫn tới chỗ coi nhẹ trách nhiệm cá nhân, ít khuyến khích sự tìm tòi trong sáng tác, gò bó đề tài và hình thức nghệ thuật một cách hẹp hòi, phiến diện. Nhiều tác phẩm rơi vào sự tầm thường, đẻ non, làm vội, khô khan, thiếu hấp dẫn, khi thì tô hồng một chiều gượng gạo, lúc thì bôi đen gây hoài nghi, bi quan... (tr.125). Và khi nói về thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp VHVN thuộc các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị trước đây cũng như hiện nay, tác giả cũng mạnh dạn chỉ rõ: Còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong nhận thức lý luận, sự hiểu biết về đặc trưng của văn hóa, văn nghệ... (tr.136). Từ đó, khi đề xuất những bài học về lý luận và thực tiễn đảm bảo thực thi hiệu quả đường lối VHVN của Đảng hiện nay cũng như trong giai đoạn phát triển mới, tác giả đã xác quyết đề xuất bằng những tư duy mang tính gợi mở, chân tình, trách nhiệm như: Đảng và Nhà nước cần quan tâm xây dựng một cơ chế lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn nghệ phù hợp, hạn chế sự thao túng chuyên quyền của cá nhân, của lợi ích nhóm, đề cao tính nguyên tắc của đường lối do Đảng chỉ đạo và ban hành...

Tính chặt chẽ, khoa học của tác phẩm còn được thể hiện ở chỗ: Tác giả đã công phu thống kê, lựa chọn hàng trăm tài liệu tham khảo, Danh mục các văn kiện chính của Đảng được dẫn chứng trong chuyên luận; Danh mục tác phẩm chính của Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được nêu trong chuyên luận: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu... cùng hơn 40 ảnh tư liệu hiếm quý qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử của hoạt động VHVN Việt Nam kèm theo để minh họa, tăng thêm tính logic, phong phú, nâng cao khả năng thuyết phục.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện luôn luôn là người chỉnh chu, mực thước, sống có tình nghĩa trước - sau... ngay đời thường cũng như hiện thực trong mỗi tác phẩm của mình. Biết ơn và coi trọng lịch sử; tôn vinh, ngưỡng mộ các thế hệ ông cha, các bậc tiền nhân; đồng thời ông cũng hết sức quan tâm, chăm lo học hỏi, tiếp thu, bồi dưỡng bạn bè là cộng sự, đồng nghiệp, nhất là các thế hệ kế tiếp, tương lai... Điều đó đã được thể hiện rõ trong Phần II (Tiểu luận & Phê bình) của Chuyên luận này. Ông luôn đề cao tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh; về sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu với Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam hay những đóng góp của “một chính trị gia, một nghệ sĩ' Vũ Mão đối với nền VHVN nước nhà. Song ông cũng luôn tôn vinh, kính trọng người Thầy, người anh - nhà nghiên cứu Lý luận & Phê bình VHNT hàn lâm, xuất sắc hàng đầu Việt Nam như GS. VS Hoàng Trinh; GS.TS Trần Đăng Suyền; danh họa bậc thầy, lão thực Năng Hiển... hoặc không sao quên được ngôi trường cấp III - Trần Phú 3, nơi in đậm dấu ấn của thuở học trò - nơi ươm mầm văn chương của ông và nhiều đồng nghiệp sau này. Nhưng khi được trả lời phỏng vấn, tham gia các cuộc hội thảo khoa học bàn về phương thức: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT, ông nghiêm khắc lên án, phê phán những sai trái, lệch lạc về nhận thức, quan điểm muốn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về VHNT của các tổ chức tự xưng như: Văn đoàn Việt Nam độc lập, Hội nhà báo Việt Nam độc lập; thơ của nhóm Mở miệng, Luận văn của Nhã Thuyên...

Khi được trao đổi về những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị về giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, hội viên trong hoạt động VHNT nói chung, làm công tác Lý luận - Phê bình VHNT, quản lý và làm báo, tạp chí nói riêng, ông luôn đau đáu trước những thách thức hiện nay: Các hội VHNT chưa có một mô hình tổ chức thống nhất, kinh phí hoạt động chưa được đảm bảo thường xuyên, ổn định mà có xu hướng bị giảm thiểu, co hẹp... (tr.216); Kinh phí cấp cho báo chí VHNT là quá ít ỏi, nghèo nàn, không đủ để triển khai các hoạt động cần thiết... (tr.317), qua đó đưa ra những kiến nghị toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm trọng điểm là việc Đảng và Nhà nước cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, đi vào hành động cụ thể... để có chiến lược ngắn hạn, dài hạn đúng, trúng về tổ chức, xây dựng con người, bảo đảm về kinh phí, vật chất, trang thiết bị... cho hoạt động VHNT trước thách thức của thời đại công nghệ 4.0; 5.0... trên toàn cầu hiện nay và tương lai.

Nguyễn Ngọc Thiện đã bước qua tuổi 70, sức khỏe có phần suy giảm, nhưng bằng con tim nhiệt huyết luôn hết lòng vì sự nghiệp được minh chứng qua bề dày gần 40 năm gắn bó với Viện Văn học, hơn 50 năm chuyên sâu trên lĩnh vực nghiên cứu Lý luận - Phê bình VHNT, 15 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam và đã có 46 tác phẩm in riêng, chủ biên với hàng vạn trang sách... Mỗi chúng ta thêm vững tin trong những năm tới, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện sẽ còn tiếp tục gặt hái thêm hoa thơm trái ngọt và cho ra mắt bạn đọc những đứa con tinh thần mới, với cách nhìn mới để đời.

N.T.L