Vài nét về Liên hoan âm nhạc lần thứ III của Hội nhạc sĩ Việt Nam
Liên hoan âm nhạc khu vực phía
Liên hoan âm nhạc là ngày hội của các nhạc sĩ ở các khu vực nhằm biểu dương, khuyến khích những tài năng có nhiều sáng tạo, tìm tòi trong lĩnh vực sáng tác, lý luận và biểu diễn âm nhạc. Đây là hoạt động truyền thống của các Hội và Chi hội âm nhạc địa phương và cũng là dịp để các nhạc sĩ học tập giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận và đào tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các lĩnh vực hoạt động âm nhạc. Ông Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đã phát biểu chào mừng Liên hoan thật trân trọng: “Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng Liên hoan cùng các đồng chí lãnh đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và anh chị em nhạc sĩ đến từ các địa phương gần gũi trong khu vực. Chúc tất cả sức khoẻ, có những ngày vui và hứng khởi bên sông Hàn lộng gió, giữa lòng Đà Nẵng tươi đẹp và mến khách. Sự kiện văn hoá này chắc chắn sẽ góp phần làm cho đời sống tinh thần của thành phố thêm khởi sắc, người dân Đà Nẵng lại có dịp được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc, gặp gỡ các nhạc sĩ tài hoa mà lâu nay mình chỉ mới nghe tên.
Đây cũng chính là cơ hội để những người hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng có dịp giao lưu học hỏi thêm những kinh nghiệm hoạt động biểu diễn và sáng tác của những người thầy và bạn bè đồng nghiệp, nhằm không ngừng phát triển phong trào âm nhạc của thành phố”.
Tham gia Liên hoan có hơn 200 diễn viên, nhạc sĩ của 10 đoàn nghệ thuật thuộc 10 Chi hội âm nhạc các tỉnh thành phía Nam, đó là các Chi hội: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hoà, DakLak, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và đơn vị đăng cai Đà Nẵng. Ngoài ra còn có 10 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật các tỉnh thành nhiệt tình đến tham gia liên hoan.
Các Chi hội âm nhạc đã trình làng 31 tác phẩm âm nhạc với các thể loại: Giao hưởng, romance, ca khúc, nhạc đàn…Đặc biệt lần này có sự hiện diện của Nhà hát Giao hưởng, nhạc vũ kịch Tp.Hồ Chí Minh với 70 nghệ sĩ, đã tạo nên khí thế mới cho Liên hoan. Điều này thể hiện sự quan tâm của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với hoạt động của Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Chín Chi hội Nhạc sĩ còn lại đã giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc mới sáng tác có giá trị nghệ thuật cao, và khắc hoạ được hơi thở của cuộc sống trong bối cảnh xã hội đương đại. Khán giả đã thật sự bị lôi cuốn theo những giai điệu lời ca trong 2 đêm diễn giới thiệu tác giả, tác phẩm đặc sắc tại Nhà hát Trưng Vương. Đoàn Chi hội Nhạc sĩ Đà Nẵng cũng góp mặt với 10 tiết mục đủ các thể loại âm nhạc, từ ca khúc cho thiếu nhi cho đến giao hưởng, romance...
Hương vị của núi rừng đại ngàn cũng làm khán giả bất ngờ với tiếng hát của Yphon K"Sor, dân tộc Êđê đến từ Daklak thể hiện ca khúc Chiếc gùi do chính anh sáng tác. Bên cạnh đó cũng có một số tác phẩm âm nhạc mới tạo được ấn tượng trong lòng người xem như: Ca khúc Gió Sông Hàn ( Phan Huỳnh Điểu), giao hưởng Ký ức Đồng Khởi (Võ Đăng Tín), romance: Chiều trên sông Sài Gòn (Tôn Thất Lập), Niềm vui phố núi ( Thái Nghĩa), Âm vang Bà Nà (Nhóm Xương Rồng), Đêm bên biển (Bá Lân), Nỗi nhớ ngựa Ô (Phạm Tuy)…phần lớn đã tạo nên ngôn ngữ mới trong âm nhạc dân gian với phong cách biểu diễn hiện đại.
Có một bất ngờ đầy thú vị trong Chương trình biểu diễn những tiết mục xuất sắc tại liên hoan là sự phối hợp ăn ý tạo nên một hòa điệu tuyệt vời từ 2 giọng ca thuộc dòng nhạc thính phòng đầy nội lực của NSND Quang Thọ (Hà Nội) và nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Ryo Chong Hea (TP HCM) qua ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách), Khúc hòa ca trang trọng, ấm áp đã tạo nên dấu ấn sâu sắc cho người xem.
Ngoài ra, sự hiện diện của 10 bài tham luận của các nhạc sĩ Ngyễn Thụy Kha (Hà Nội), Linh Nga Niekdam (DakLak), Văn Thu Bích (Đà Nẵng), Phan Văn Minh(Quảng Nam), Nguyễn Văn Hiên (TP. HCM) thể hiện nội dung đầy tâm huyết và một số ý kiến sâu sắc của các nhạc sĩ Trần Hồng, Phan Ngọc (Đà Nẵng), Amư Nhân (Ninh Thuận), Trần Viết Bính, Vũ Quang Vượng (Bình Phước) trong Hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong Âm nhạc Việt Nam ngày nay” đã vẽ nên toàn cảnh chân dung âm nhạc Việt Nam dưới nhiều góc nhìn khác nhau về biểu diễn, về sáng tác, lý luận, phê bình âm nhạc trên các kênh truyền thông cũng như trong đời sống thị trường…
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho Ban giám khảo Liên hoan đã hân hoan phát biểu trong buổi Tổng kết Liên hoan: “Cho phép tôi thay mặt Ban chấp hành hội Nhạc sĩ Việt Nam, xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thành Ủy, UBND TP, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Sở VHTTDL, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng. Xin cảm ơn sự tài trợ, giúp đỡ của Tổng Công ty xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5), Công ty Á Âu và các đơn vị khác.
Về với Đà Nẵng, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, giàu vốn văn hoá đa dạng rất mến khách và đặc biệt là thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành tốt đẹp Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá của đất nước , với hơn 200 nhạc sĩ, ca sĩ từ miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam Bộ trong những ngày qua đã đắm mình trong cảm hứng sáng tạo và trong những nghĩ suy về phương hướng hoạt động sáng tác nhằm triển khai tốt Nghị Quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn hoá nghệ thuật trong tình hình mới”.
Những thanh âm trong buổi Tổng kết như còn vang mãi trong lòng người nghe và mọi người đều cảm nhận tất cả những điều tốt đẹp tóat lên từ các tác phẩm âm nhạc và cả những sáng tạo đang nảy sinh trong từng nhạc sĩ, để hẹn ngày gặp lại sẽ có nhiều tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật nhiều hơn nữa.
V.T.B