Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thị Anh Đào

07.09.2009

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thị Anh Đào

LTS: Nguyễn Thị Anh Đào là Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, hiện công tác tại VPĐD Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng. Chị viết văn và làm thơ. Tiểu thuyết NƠI BẮT ĐẦU là tiểu thuyết đầu tay của chị, viết về cuộc đời của Thư thuộc lớp người hiện đại, trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được nghị lực sống mãnh liệt, niềm tin vào con người và chất thuần khiết của làng quê, nơi nuôi mình trưởng thành...

Tiểu thuyết gồm 5 chương. Biếc xanh kỷ niệm là chương đầu tiên. Non Nước trích giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                                    N.N

 

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Biếc xanh kỷ niệm

T hư đang tiếc những ngày tuổi trẻ quá chăng?

Đã nhiều lần Thư đặt câu hỏi ấy. Ngớ ngẩn. Khi không lại thẩn thờ mà tiếc một phần đời đã đi qua thì mình đã già quá chăng?

 Miên bạn Thư vừa mất. Tin ấy đến với Thư vào một ngày trời nổi bão. Những trận bão cát vây tròn lấy Thư trên đường đi làm. Chiều muộn buông trên những con thuyền ngư chài đang vào bờ lánh nạn. Mọi thứ trống rỗng. Trong Thư, phân nửa người đang tan ra, rồi rơi không trọng lượng. Cái bờ dậu che chắn Thư bấy lâu lại e dè trong bổn phận.

 Cuộc đời mỏng quá. Mong manh như một tia nắng cuối ngày đọng lại những đợt lá non xanh nõn nà, sương ngậm trong vắt. Những lá thư đủ mọi màu sắc cứ chao liệng trước mắt Thư.

 Thư bắt đầu nhớ những kỷ niệm về Miên bằng tình yêu của Miên đối với Thắng trong những ngày ở giảng đường. Đại học Huế, trên thư viện tổng hợp cũ nằm ở đường Lê Lợi đã có đầy ắp kỷ niệm với Thư, Miên và Thắng. Thời đại học, ai cũng có những cặp tình nhân câu đối y như những giây phút bốc đồng của tuổi trẻ. Kết bạn, rồi yêu. Rồi tong tả những ngày mòn những góc quán cafe quen thân với những dòng nhạc tưởng như ảo ảnh Huế. Với những đêm lung linh hoa đăng thả trôi sông khấn nguyện trăm điều. Rồi xả hết năng lượng để bước trên những con đường đầy ắp phượng vàng, phượng tím, rồi bằng lăng buốt cả những con đường. Những cơn mưa Huế như đan lấy linh hồn những người trẻ tuổi đã lặng thầm yêu Huế. Đôi khi Thư cứ hình dung nếu ở thế giới cố kính của miền sông Hương núi Ngự mà không yêu ai đó, không lãng vãng ánh chiều với ai đó, liệu rồi có bình yên.

Miên và Thắng đến với nhau như một định mệnh của lòng thành. Hai người sùng tín chủ nghĩa độc thân bỗng một ngày đẹp trời biến thành một đôi giai nhân trai tài gái sắc. Viên xúc xắc mùa thu lần lượt qua tay người. Hất đổ những dục vọng tầm thường của đời người xuống đáy sông. Ở đó có nhiều những cổ vật mà thi thoảng được người dân trục vớt với một tâm thế mang đi bán dạo cho nhà đồng nát. Cuộc sống có những phần bấp bênh. Trên thánh địa của lòng tham, con người trở thành những vật vô tri bé nhỏ, tằn tiện trong chiếc bóng của mình để muốn hoá giải nhân loại. Tất cả đều tầm thường. Có lần Miên khóc và nói với Thư như thế. Để cắt nghĩa cho Thư biết sống trên cuộc đời này, mọi thứ đều phù du và Thư đừng bao giờ thần tượng hóa bất cứ điều gì. Những đêm sương lạnh giăng trên khắp mọi ngã đường đại nội. Trên những ngọn lau xác xơ sau những trận mưa, những chú giun đất đội ngày lên trống nắng. Quyện vào cái khí trời ẩm ướt, một nỗi buồn tê dại, một sự lãng đãng bủa vây.

ghe tin Miên mất, Thư bỗng nảy ra ý định viết nhật ký về những ngày trống trải ở Huế. Những ngày vào đời với bao nhiêu lo toan, bao nhiêu điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra với mình. Cuốn nhật ký có bìa màu vàng được lật giở những trang đầu tiên kể về sự khác lạ của cuộc sống đối với một cá thể nhỏ bé như Thư. Lạ lẫm với những chiếc bóng đèn cao áp, những con đường rợp hoa, những tà áo dài mướt phố. Những góc quán cafe du dương trong dòng nhạc Trịnh. Thư thì vẫn mang cái dáng tảo tần quê mùa của người quê ra phố. Ngờ nghệch trước đời sống phố phường. Cha đưa Thư vào nhập học, mang theo cả niềm hy vọng tận cùng về sự thành đạt của Thư. Như Thư học đại học là một niềm vinh hạnh lớn lao mà cả dòng họ không con nhà nào học được. Hiểu thấu điều đó nên Thư đã cố hết mình để học. Quê Thư bên sông Trí, quanh năm cha mẹ Thư chân lấm tay bùn bám chặt những thuở ruộng không mấy màu mỡ vì khô hạn, những váng đất cứng thô va vào chân cha Thư rôm rốp mỗi lần xuống ruộng. Mẹ chia tuổi thanh xuân của mình một nữa cho thanh niên xung phong, nửa kia cho cho gia đình, Thư và những đứa con. Quê Thư nhàu nhĩ những vụ mùa thóc lép, khoai sùng và những năm bão lũ ập về phá tan những ngôi nhà cấp bốn tạm bợ. Hồi còn bé, Thư thường rong chơi với mấy đứa bạn giữ trâu, giữ bò đồng trang lứa, áo quần lếch thếch, tóc vàng hoe vì nắng, rong chơi trên những ngọn đồi toàn cả may. Quê Thư những ngày đó thật nghèo nhưng bình yên. Sự bình yên của làng quê là những giây phút tuổi thơ Thư được tắm mát nước mưa nguồn. Vui với lũ bạn cùng tuổi với rổ khoai mẹ luộc nóng hổi hay mấy chiếc bánh đa bà nội dành làm quà sau mỗi buổi chợ trưa.

Nhà Thư hồi đó, mỗi bữa ăn, ăn cơm ba phần trộn sắn. Hồi ông bà nội còn sống, ngày ngày bà vẫn tất tả xuống chợ với vài ba mớ rau lang, mớ khế xanh…đổi lấy vài ba lon gạo. Những năm đó, mỗi khi ở nhà giữ em một mình, Thư rất sợ mấy người “ba bị”, đó là dòng người từ các tỉnh lân cận vào xin ăn. Thư cũng không hiểu sao hồi đó mình sợ đến thế. Lũ bạn thường đùa, là ông ba bị sẽ bắt bỏ túi đứa trẻ con nào không ngoan, không nghe lời. Nhà mấy anh em con ông bà nội nằm san sát nhau. Ông cho mỗi người một vuông đất có cả nhà và vườn tược. Vườn trồng chè và hoa màu tuỳ vụ, còn nhà thì cất bằng đất bùn trộn với rơm. Hồi đó, Thư chưa biết câu nhà tranh vách đất là gì, chỉ biết, mỗi mùa bão đến, cha lại hì hục bắc những bao cát lớn chần lên bực cửa, rồi trên nóc nhà. Còn mùa lũ, nguồn nước từ thượng nguồn đổ xuống, có khi nhà chú bác Thư đều đưa đồ đạc lên để ở nhà Thư, lùa cả trâu bò, heo, gà…đời sống những ngày đó rất bấp bênh. Sau lũ, tha hồ dọn dẹp. Bùn non bám đầy cái sân gạch trước nhà. Mẹ Thư thường dùng nước mưa hứng ở hiên sau để dội bùn. Những lớp bùn đặc quánh, mùi tanh của phù sa đầu nguồn sẽ làm tốt tươi mấy mảnh vườn trồng rau của mẹ. Mẹ hất những sợi tóc trước trán đang dính bết những bùn, gọi cho Thư làm giúp mấy cái dậu mùng tơi trước ngõ. Nhà Thư neo người, nên mỗi khi có việc gì cần đến sức đàn ông, là Thư lại phải gánh giúp mẹ, giúp cha một phần. Cha thường tựa cửa những giờ rỗi rãi, vân vê điếu thuốc lào, hít mấy hơi, làm thêm ngụm trà, rồi lại hồi ức những kỷ niệm thời chiến tranh với những người bạn mới gặp, mới quen mà đã nằm lại chiến trường. Cha có đôi ba lần sốt rét. Bác sỹ nói là sốt rét rừng hành hạ. Cha run cầm cập. Đắp mấy cái chăn chiên vẫn lạnh. Mẹ những lần ấy lại khờ người vì lo lắng. Thấm thoắt mà đã hai mươi năm. Thư lớn lên rồi đi học, mang theo bên mình một kho kỷ niệm ngọt ngào với tuổi thơ nghèo bên miền quê dưới chân đèo Ngang  Nơi mà sau này vào đại học, trên giảng đường Đại học sư phạm Huế - hồi đó sinh viên phải học đại cương  giáo sư dạy Văn đã phân tích rất kỹ về mấy câu thơ nổi tiếng của bà Huyện Thanh Quan, với cái tiếng chim quốc da diết, với hình ảnh chú tiều bên núi. Thư mới hiểu và thêm tự hào về quê mình. Miền quê nằm hiền hoà bên dòng sông Trí, với những kỷ niệm thuở thiếu thời đan lẫn với nước mắt trẻ thơ. Những niềm mơ ước được ra khỏi đất làng, được hoà vào dòng người bươn bã ngoài kia. Nhiều đêm Thư trở về làng với một giấc mơ không hoàn nguyên, những hình ảnh đứt quảng, gián đoạn, khuất lấp bởi một ánh mắt. Tưởng chừng như ánh mắt đó đã đi theo Thư bao lâu nay, đã ở bên Thư để quên hết muộn phiền. Ánh mắt mẹ Thư những chiều hun khói sau nhà và đốt những đống lá khô lên thành tro, vãi sau luống cà tím vừa chúm chím nụ. Thư đã có những năm tháng tuổi thơ không thể nào quên bên hiên nhà với những ngôi nhà được xây bằng cát, những chiếc vỏ ốc, vỏ trai được Thư nhặt ngoài bờ sông, cọ rửa sạch sẽ rồi đem về sau hiên nhà để chơi đồ hàng. Thư thường chơi với lũ con Gái, cái Na, thằng Hòe, và cả chị nữa, chị Nụ. Mỗi buổi trưa hè cả tụi lại rủ nhau tắm sông, đánh thẻ cù ở dưới những bờ tre mát rượi sau vườn. Thư đã có lần tự mình lấy củ ráy, thoa vào rái tai của em gái Thư rồi dùng gai của bụi tre gây sau ngõ đâm làm lỗ tai cho em. Nhớ lại, Thư vẫn còn sợ. Rồi những ngày sau lụt, Thư thường bắt rắn nước (quê Thư gọi là rắn lại), cột chặt rồi treo lên cây chay trước nhà và lột da, làm thịt nhuyễn như là tay nghề ngoài xã. Hú hồn. Sao hồi đó Thư gan đến thế. Mẹ chậc lưỡi, con gái chi như con, dịu dàng mô không thấy, toàn thấy làm việc y chang cái thằng. Thư thi thoảng vẫn trốn mẹ soi gương. Chiếc gương bé tí, màu đỏ đã nhợt, chiếc gương mà nội cho Thư. Tóc Thư thường buộc túm lại sau lưng. Thả dài. Bệt cả nắng, gió, mưa. Tất tần tật. Chẳng ngại gì cả. Hồi đó, Thư thường gội đầu bằng lá chanh, lá bưởi sau vườn. Không phải dùng những mỹ phẩm quảng cáo đủ lợi ích trên tivi mà tóc thì vẫn…rụng. Có lần, mẹ Thư bảo, con vò thêm ít lá ngải cứu, cho nó mát. Cốt là để mái tóc Thư mượt hơn, đen hơn. Cũng có lần mẹ nấu cho Thư cả một nồi nước gội bằng lá vừng. Vừng non. Gội xong là tóc mượt và mềm. Thư rất khoái cái cảm giác đó. Đứng trước gió Nam lào và sấy tóc. Thư thương ký ức của mình, bằng những kỷ niệm chắp nối, bằng những người bạn thân đã đi qua đời Thư, đã để lại trong Thư những dấu ấn một thời đèn sách, cùng nhau thả diều, chăn trâu, cắt cỏ. Thư đã có lần nói dối ông Nội, về đám ruộng trước nhà bị trâu bà Hòa ăn trụi, để ông khỏi đánh và khỏi la. Chỉ vì Thư và cái Tín rất thân nhau, hai đứa chạy hết bờ tre, rồi vào ruộng mía và tìm tổ chim trong đó, lỡ để trâu chạy hoang ở xẻo ruộng nhà bà Hòa ngay đầu xóm dưới. Sau này có lần đám giỗ, ngồi xem Nội tỉa cau trầu, Thư vừa làm theo vừa nói với Nội, Nội cười khà, chòm râu trắng và gương mặt hiền lành. “Tổ cha mi, rứa mà cũng dám lừa cả ông”. Thư thương ông nhất, sau ngày ông mất, mỗi lần lên mộ ông, Thư thường ngồi rất lâu, kể cho ông nghe nhiều chuyện. Trong đó, có những chuyện Thư buồn và đã gặp trong cuộc sống. Những khi đó, gió đồi thông cứ xào xạc, bó hương Thư thắp trước mộ ông, ngúm khói và bùng cháy.

   TUỔI THƠ VÀ CON ĐƯỜNG GIÓ

Thư đã từng đi soi cá một mình. Trước cửa nhà Thư, con sông Trí uốn quanh, tạo thành những khúc cong rất đẹp. Mỗi độ gió Nam, Thư lại trải chiếu ra sân hóng gió. Nhà hướng Tây, cửa ngõ hướng Đông. Họ nói, hợp với mạng tuổi cha Thư. Nhưng mà cha thì không mấy tin vào số đoán đó. Ông cất cái nhà này vào những năm sau đổi mới. Lúc đó, nhà Thư đã hết sắp hàng đi mua gạo, mua thịt ở bên phòng lương thực thị trấn. Mỗi lần nhìn cùi tem phiếu dắt ở chái hiên, mẹ thường đánh thượt tiếng thở dài vào đêm tối. Nhà Thư có mấy đám ruộng, sau ngày tách ra từ hợp tác, lại sây sẩy được mùa. Năm Thư học lớp 5, mẹ đã giao cho nấu một nồi cơm lớn và cá khô kho nước, thêm ít rau tập tàng làm canh, tất tật cho vào một cái gánh, hai đầu, một đầu là cơm canh cho bà con hàng xóm đang gặt ngoài đồng ăn trưa, một đầu là cái Tủn em Thư. Cuộc sống cứ thanh nhàn trôi đi trong sự bình yên của một vùng quê nghèo ven biển. Thư đến trường với bộ sách vở cho các anh chị con bác Thư để lại cho chị Thư học, rồi đến phiên Thư. Những cuốn sách được cha Thư bọc bằng ni lông cẩn trọng, những mẫu nilong được cắt ra từ mấy chiếc áo mưa đã cũ. Thư đi học với độc nhất một cái cặp, mà cả chị Thư, Thư, và em Thư thay nhau dùng. Sau này mỗi khi nhớ lại, Thư lại không khỏi ngậm ngùi. Rồi cái nghèo cũng như những đám ruộng bị phèn hóa, một ngày kia, xã ra quân đào kênh đưa nước về đồng. Cả xã nhốn nháo, kẻ cào, người cuốc, người lại xa kéo tay, tất cả tấp nập ra đồng khi có tiếng loa phóng thanh từ đầu xóm. Những năm đó, gia đình Thư bắt đầu có những bữa cơm không phải trộn 3/4 là sắn. Mẹ Thư đã bớt cơ cực hơn. Mấy chiếc áo tơi được chằm từ lá nón cứ treo ở sau chạn, nơi cha Thư gác mấy cái nơm cá, mấy cái cày, bừa. Năm đó, ruộng nhà Thư được cày bằng sức trâu của bác Thư. Thư cứ bị ám ảnh bởi tiếng la trâu của bác. Tắc, rì, tắc, rì…mấy cái nhịp từ đó được đệm vào những giọt mồ hôi nhỏ ròng trên gương mặt xương xẩu của bác. Thư vui. Cái hơi thở ruộng đồng cứ đầy ăm ắp trong Thư. Dù Thư có ăn diện những chiếc áo thật đẹp và sặc sỡ, thì cũng không thể che chắn được dáng vẻ nhà quê chân chất. Cha Thư ít khi hỏi Thư về những dự định của mình, ông thường chống cằm ngồi thật lâu bên chén trà đắng được mẹ Thư chế từ hoa hòe đã được “rang vàng hạ thổ”. Cha yêu và lấy mẹ từ những năm hai người là lính Trường Sơn. Hai người gặp nhau ở một căn cứ an toàn trên vùng Lản. Bà Nội và bác Thư phải gánh bộ sính lễ cau trầu đi hỏi vợ cho cha mất mấy ngày đường. Quê mẹ ở Đồng Lộc, nơi bây giờ rất gần với khu tưởng niệm 10 cô gái Thanh niên xung phong. Có với nhau được mấy mặt con, cha quyết định dời nhà lên chỗ ở hiện tại, nghe nói, số cha phải ở xa người thân thì mới ăn nên làm ra. Hồi đó, quê Thư có phong trào đi đãi vàng. Cả xã, cả xóm đàn ông đua nhau đi đãi vàng hết. Cha to tiếng với mẹ, răng bà không để tui đi, đi thì giờ có nhà cao cửa rộng. Nhưng mẹ Thư đã đúng, rừng thiêng nước độc biết đãi được vàng hay vàng mắt vàng da, rồi lại tiền mất tật mang, thôi ông ở nhà lo làm mộc, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Tui không tham chi mấy lượng vàng mà có thể đổi lấy tính mạng của ông được. Thế mà khi đàn ông và thanh niên trong xóm Thượng kéo nhau đi đãi vàng, cuối năm đó, có một vụ sập hầm, chết mất mấy người. Mẹ tôi thở phào, ông thấy chưa, tôi đã nói rồi, người có số cả, không dưng rừng cho không người ta cái gì ông à. Dạo đó, cha Thư mở một xưởng mộc lớn, nhận thêm nhiều thợ từ Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An vào làm. Nhà Thư đông hẳn. Mẹ Thư lại vất vả hơn, cơm canh cho thợ ngày hai bữa, rồi chăm cái Tủn em Thư. Kinh tế nhà Thư bắt đầu ổn định. Chị cả thi đậu vào khoa Thanh nhạc ở trường cao đẳng của tỉnh, nhập học và trở thành thầy giáo dạy nhạc sau này.

Nhà Thư nằm cao ráo trên mảng đồi trọc. Hồi đó, đất chủ yếu có được nhờ vỡ hoang. Mẹ Thư, con gái nhà lành, quanh năm hiền như đất. Làm dâu nhà Nội, gặp nhiều chuyện éo le của phận đàn bà, đôi khi lại thủi thủi một mình, một bóng. Cha mẹ vỡ hoang ngọn đồi này khi Thư vào lớp 1. Thư nhớ và thương cái mùi đất mới khi cha vỡ từng nhát cuốc lên những bụi cây trụi lá. Hồi đó, bombi nhiều vô kể. Hầu như trong vườn nhà Thư, chỗ nào cũng có đầu bombi hoặc bombi, có nhiều những dấu tích của chiến tranh. Có những buổi chiều Thư mãi chơi trên con dốc trước nhà với những thứ lượm lặt được, cha thường mắng cô:

- Nhặt thứ nớ mần chi. Cha Thư gằn giọng. Lỡ hắn nổ thì mất mạng con à.

-  Nhưng con chơi đồ hàng mà, mấy cái ni hắn lũng rồi cha à.

- Giữ bò thì lo giữ cái bò chạy hoang ăn rau người ta, lại khổ, đừng long nhong với mấy trò đó nữa.

Cha đi từ nương trên xuống nương dưới. Nhà Thư cất trên mảnh đất cao, hướng Tây. Cha bứng được hai cây dừa xiêm ở ngoài xã về trồng. Mỗi sáng mẹ lại múc mấy gàu nước giếng tưới vào gốc cây. Thế mà bẵng đi vài tháng sau, một trong hai cây dừa bắt đầu khô lá và chết đứng. Cha buồn. Năm đó, mẹ hạ sinh được một em trai mà em cũng ra đi khi còn đỏ hỏn. Nhà toàn nước mắt. Thư thường thấy mẹ mình ngồi một góc ở hiên sau, vừa khóc vừa kể lể cho mự Hòa nghe nỗi lòng mình. Hồi bà nội còn sống, bà cứ nằng nặc đòi cưới thêm dì cho cha Thư có con trai nối dõi tông đường, mẹ buồn như dao cắt nhưng không dám than vãn dù một câu. Mẹ là gái làng Thượng, nơi nổi tiếng với hai chữ thủy chung, trọng tình trọng nghĩa. Thế nên, ít khi thấy mẹ tỏ thái độ với bà nội, mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc ông bà nội như cật ruột của mình. Nhiều người hàng xóm cứ thắc mắc làm sao mẹ lại bình thản như vậy, trong khi ngày nào bà nội cũng chửi rủa mấy câu vì mẹ không sinh được đứa con trai nào cho cha có người nối dõi tông đường. Nhà Thư, mỗi năm đến rằm tháng bảy, mẹ lại tất tả đi chợ từ rất sớm. Đi chợ làm giỗ cho chị gái, anh trai và mấy em trai của Thư.

Thằng Ngãi là con một gia đình giàu có xóm dưới. Nó hay kiếm chuyện gặp Thư, khi thì mượn sách, khi thì cuốn vở bài tập. Thư vô tư nên không nghĩ gì. Con nít mới lớn, ai bày đặt chi chuyện hẹn hò trai gái. Thế mà có đêm đi họp xóm về, cha Thư gọi Thư đến bên bàn ông đang ngồi, hỏi rất nghiêm

- Rứa thằng Ngãi với con có tình cảm chi không? Cha nghe họ đàm tiếu chuyện con muốn quen con nhà giàu để làm sang?

- Không cha ạ, nó hay tìm gặp con mượn vở, mượn tập của con để học thôi, chứ có chi mô. Thư trả lời cho qua chuyện.

- Nhưng cha cấm con, cái gì cũng được, nhưng mà đừng để người ngoài đánh giá nhà mình này nọ. Mình nghèo mà sạch con à.

Thư dạ rồi đi ra ngoài bờ sông hóng mát. Thư 15 tuổi, làm chi nghĩ tới chuyện yêu đương trẻ con. Nhưng mà thằng Ngãi thì có. Nó cũng vài ba lần viết thư kẹp vào sách, vở khi đưa trả Thư. Ngãi con nhà giàu, bố làm ở xã, nhưng Ngãi sống bình lặng, học hành tử tế, lại hát hay. Mỗi lần lớp liên hoan văn nghệ, Ngãi lại đàn hát cho cả nhóm nghe. Đôi ba lần, Thư thấy Ngãi nhìn mình rất lạ. Nhưng Thư thường lãng tránh, vì với Thư, sự phân biệt giàu nghèo cứ đeo đẳng, không thể thoát ra khỏi suy nghĩ của Thư. Thư sợ mang nợ cả những ánh mắt nhìn. Thư làm ngơ trước những bức thư Ngãi gửi. Thư giấu nhẹm vào góc học tập của mình, lâu lâu, Thư lại đọc lại. Những ngày học thêm để ôn thi vào khối C, Thư thường đạp xe hơn tiếng đồng hồ để tới nhà thầy giáo An, dọc đường, Thư cứ nhìn quanh, vì con đường đó là duy nhất và độc đạo…dẫn tới nghĩa địa. Có dạo, trước nhà Thư nhìn ra cánh đồng lạc trước mặt, những đốm lửa đêm lại nhởn nhơ bay lượn. Người già bảo là ma trơi. Thư thường ngồi đếm, nhưng chả bao giờ Thư đếm hết, vì mỗi trận mưa rào đổ xuống buổi chiều thì tối đó, rất nhiều những đốm sáng bay lượn. Sau này Thư biết được, đó là chất phốt-pho hóa thạch, mỗi khi có nước mưa lại phát sáng…

Thư không sợ mà lại cảm thấy thích thú. Hồi đó, quê Thư người ta dùng thủy điện, chỉ thắp được loại bóng đèn tròn, nhà Thư mắc một bóng ở xưởng mộc. Còn bàn học của Thư là đèn dầu. Thư yêu cái mùi dầu cháy khen khét, những chấm hoa bên ngọn đèn khi khơi bấc lên, nổ lét đét. Góc học tập của Thư lâu lâu lại được cắm một bình hoa dại, hoa xuyến chi. Cái màu trắng tinh khiết đó, cứ nhắn nhủ trong Thư nhiều ước mơ cao đẹp về cuộc sống sau này. Sẽ là một căn nhà nhỏ, có những vườn hoa xinh xắn, vườn sẽ được trồng những loài hoa Thư yêu thích như thạch thảo, lay ơn, cẩm chướng, hoa hồng…

Nhưng câu chuyện về Ngãi sau này lại là nỗi ám ảnh đối với Thư trong suốt những ngày ngồi trên giảng đường đại học.

 Thư hay ngồi khóc một mình sau vườn chuối. Vì Ngãi là tình yêu đầu đời của cô…

N.T.A.Đ