Ngày trở về
Cái tin cụ Thượng về trí sĩ loan nhanh khắp làng Uy Viễn. Như cơn lốc. Ai cũng đoan chắc phen này được chứng kiến cảnh xe ngựa xênh xang, kẻ hầu, người quạt nườm nượp. Uy Viễn tướng công mà lỵ. Trước lúc về hưu lại được hoàng thượng xuống chiếu ban đặc ân: thực thụ hàm Thừa thiên phủ Doãn, thuộc hàm tam phẩm triều đình. Quái lạ. Sao chỉ độc cỗ xe gỗ bốn bánh, lắc lư trên đường làng thế này. Một chú bò vàng đủng đỉnh kéo xe, cổ đeo đạc ngựa, trên lưng vắt vẻo chú tiểu đồng. Tựa lưng vào thành xe là một lão nhân bần bách ung dung tự tại. Không quần đào, áo đỏ. Hành trang đơn giản. Một gói nhỏ quần áo. Một thùng tre đựng lương thực, bát đĩa, ấm chén thường dùng. Một hòm gỗ dài chứa đàn, sáo, nhị và giấy tờ, sách vở. Bất ngờ hơn, ngay ở đuôi bò nhấp nhô tấm mo cau. Ghi bài thơ tứ tuyệt. "Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn/ Lợm mùi giáng chức với thăng quan/ Điền viên dạo chiếc xe bò cái/ Sẵn tấm mo che miệng thế gian". Giọng thơ ngang tàng, ngất ngưởng pha chút xót xa...
... Cụ Thượng biết rõ thiên hạ nghĩ gì về mình. Một ông quan gàn và ngất ngưởng hết chỗ nói. Đang quyền cao chức trọng lại trả hết áo mũ cân đai cho triều đình để về quê. Làm anh dân thường. Hai lần viết tờ sớ xin về hưu trí ông mới được toại nguyện. Thật ra, cái ngày "quy khứ lai từ", về lại cố hương, ông đã "tuyên ngôn" từ rất lâu. Thuở còn bạch diện thư sinh. "Đường mây rộng thênh thênh cử bộ, / Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo/ Thảnh thơi thơ túi rượu bầu ". Mấy chục năm nay, chí làm trai buộc ông phải theo đuổi đến cùng sự nghiệp công danh. Cốt để giúp đời. Ông quan niệm, con người ta đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có chút danh gì với núi sông, xã tắc. Chữ danh liền với chữ thân, thân đã có ắt danh âu phải có. Trước là sĩ, sau là khanh tướng. Quyết không làm hạng người tầm thường, phường giá áo túi cơm! Nhớ khi Gia Long ra Bắc chịu thụ phong của nhà Thanh, chàng thanh niên xứ Nghệ không ngần ngại đón xe vua để dâng bản Thái bình thập sách, một chương trình cải cách quốc gia. Rồi, chọn con đường khoa cử để tiến thân. Hỏng ngay ở khoa thi đầu tiên năm Đinh Mão, ngoài ba mươi tuổi. Không nản chí, lại lao vào "trường văn trận bút". Trời thử lòng người. Học giỏi, khá nổi danh nhưng lại lận đận. Khoa thi năm Dậu, lại trắng tay. Phải sáu năm sau, số phận mới mỉm cười với chàng sĩ tử nghèo túng nhưng tài tử hào hoa, khi đã bước sang tuổi tứ tuần. Đỗ giải nguyên trường Nghệ, được triều đình bổ chức Hành tẩu ở Sử quán. Bắt đầu cuộc đời của một vị học quan, chuyên khảo cứu sách vở. Được vua Minh Mệnh sủng ái, anh thăng tiến rất nhanh. Từ chức Hành tẩu nhỏ bé lên ngay Tri huyện, rồi về Lang trung, lên Tư nghiệp, lên Thừa thiên phủ thừa. Làm Tham hiệp trấn Thanh Hóa chưa ấm chỗ đã được thăng Binh bộ thị lang, hàng chánh tam phẩm. Từ Dinh điền sứ thăng chức Tham tri. Lúc ngất ngưởng trên ghế Tổng đốc, Thượng thư. Nhưng nào biết hoạn hải ba đào! Bị giáng chức liên miên. Có lúc đang làm quan Tham tri đột nhiên bị giáng phạt liền bốn cấp. Đau nhất là lần bị vu cáo buôn lậu, từ một viên quan đầu tỉnh bị cách tuột thành anh lính thú. Khi tuổi đã gần thất thập. Mặc áo cộc màu chàm, đội nón dấu, quàng ruột tượng gạo trên vai, đeo con dao tu đến yết kiến các quan đầu tỉnh. Ai nấy đều ái ngại, muốn miễn mặc áo lính và tạp dịch nhưng ông khẳng khái. "Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh. Nay làm lính thú tôi không lấy làm nhục. Làm việc gì có phận sự nấy!". Nói vậy chứ lòng ông đau lắm. Phục vụ liên tiếp ba đời vua, gần ba chục năm nay, ông tận trung báo quốc, cúc cung tận tụy một lòng vì vua. Thế mà, các vị thiên tử, từ Minh Mạng đến Thiệu Trị đều tìm cách lung lạc và trói buộc ông trong vòng cương tỏa. Hết đẩy lên chức vị cao rồi kéo ngay xuống để cho đỡ ngông nghênh. Nhưng không kéo dài quá tránh gây oán giận. Lại đột ngột đẩy lên cao. Cái trò "mèo vờn chuột" này khiến nạn nhân dù muốn nổi loạn cũng bó phép. Chỉ như chim oanh hót hay nhưng cứ loay hoay nhảy nhót trong cái lồng son mà thôi! Chưa hết, đám quan lại trong triều cũng lắm chước ma quỷ, luôn ganh ghét, cản trở ông thỏa mãn ước mơ "xênh xang hội gió mây". Lần nọ, trong bữa tiệc, nhân lúc trà dư tửu hậu, có kẻ ngang nhiên dùng một câu trong sách cổ có chữ trùng tên ông để công kích, chế nhạo. Quân tử ố kỳ văn chi trứ. Người quân tử không thể nào ưa được anh Trứ! Thậm chí bọn họ còn toa rập trâng tráo vu oan giá họa, hòng loại ông khỏi chốn quan trường. Không biết tự lúc nào, ông hình thành thái độ giả câm giả điếc, giận căm gan nhưng miệng vẫn mỉm cười, giữ mình và cố tránh tai bay, vạ gió bất ngờ. Trí ông luôn ghi nhớ câu sách Luận ngữ: "Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân thường thích thích", người quân tử thường bình thản thư thái, kẻ tiểu nhân hay luôn buồn bực. Một người hiểu đạo không nên quá bám vào danh lợi ô trọc, phải có phong thái an vi. Chuyện "được, mất" là lẽ đời, như tích "thất mã tái ông" mà thôi! Chuyện "khen, chê" của người đời, xin bỏ ngoài tai, như ngọn gió đông thổi phơi phới qua. "Người quân tử phải biết đứng dậy, không đợi đến cuối ngày", Trần Nguyên Đán từng dạy rất chí lý từ hơn năm trăm năm trước. Cụ Thượng nhất quyết về hưu!
... Từ ngày về làng, cụ Thượng đi nhiều. Cỗ xe bò cùng chủ nhân của nó đủng đỉnh dạo chơi khắp chốn. Lúc vào quán nhỏ ven đường gọi chủ quán rót cho vài hồ rượu cúc. Nhiều lần đến làng bên nghe hát ả đào, ngắm người đẹp, uống rượu, ngâm thơ, tự tay đánh trống chầu, gảy đàn. Như một ông già tài tử. Không có dáng dấp một vị lão quan trí sĩ. Có những chiều tà, nắng đã tắt, cụ Thượng vẫn lặng lẽ ngồi câu cá ở bến sông quê. Mặc cho cơn gió chiều thỏa sức mơn man chòm râu bạc. Cụ lại đĩnh đạc chống gậy trúc lên non Hồng. Ngắm rừng thông xanh vi vu với gió ngàn, giữa trời mây bát ngát. Cây thông quả không hổ danh tượng trưng cho tiết tháo của người quân tử. Lẫn trong tiếng thông reo, một giọng cười phảng phất hơi men, tiếng sênh phách lùa vào bầu rượu. Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông. Cụ Thượng không quên dặn chú tiểu đồng, khi ta trăm tuổi, nhớ trồng trước mộ một cây thông!
Lâu ngày, dân làng Uy Viễn không gọi Cụ Thượng nữa mà mến gọi Cố Lớn. Cố cũng thích cái tên này lắm. Nó gần gũi và thân thương làm sao! Thì Cố cũng từ dân dã mà lớn lên và thành đạt đấy thôi. Trước khi vào chốn quan trường, cậu ấm con quan cựu Tham tán Sơn
VÂN THU