Thơ - chênh vênh một lối riêng (*)
Nếu có những nhà thơ, khi đọc tác phẩm của họ, người đọc tưởng như thơ ấy rút ruột mà thành, ngôn từ cứ như sông suối liền mạch vỡ tràn ra, thì cũng có những nhà thơ mà từng câu từng chữ của họ ta lại tưởng như vắt ra từ não tủy. Cho dù cách thể hiện như thế nào chăng nữa, thì với tôi, cái phẩm chất hàng đầu làm nên sức sống cho một tác phẩm nghệ thuật chính là thái độ chân thành của người nghệ sĩ, của nhà thơ trong quá trình sáng tạo, trước khi nói đến mọi giá trị khác như: hình thức, nội dung, những khám phá mới mẻ về thi pháp. Không có hoặc đã khô cạn cái phẩm chất đầu tiên ấy thì mọi yếu tố khác dù giỏi giang đến cấp độ nào cũng chỉ là những cuộc phiêu lưu bên ngoài thế giới của thơ.
Tập thơ “Trích tôi” của Đỗ Thượng Thế (NXB Hội Nhà văn. Tháng 01.2009) đã gợi cho tôi những suy nghĩ về trường hợp thứ hai, nghĩa là sự nhọc nhằn lao động nghệ thuật qua cách tư duy của một nhà thơ lúc nào cũng ngong ngóng con mắt về phía những chân trời lạ. Dường như Đỗ Thượng Thế luôn khát khao một chuyển động, luôn trong cái tâm thế cựa mình vùng vẫy vượt thoát sự cám dỗ mê ngủ của vần điệu và thanh âm mơn trớn. Cái tên gọi tác phẩm “Trích tôi” có thể hiểu là một ẩn dụ mang ý niệm vừa là định lượng thời gian vừa là hàm lượng không gian. Cũng có thể “Trích tôi” là một ngắt quãng, một chấm phá gợi mở ra nơi đối tượng tiếp nhận, bởi “Trích tôi” tức là một phần nào đấy của “tôi”, của cuộc đời dằng dặc, của cuộc sống bừa bộn “Từng giờ từng phút…cuộc sống thời trang. Thâm căn cố đế thằng tôi quê bần”.
Độ từ hơn mươi năm nay, tôi thường đọc thơ Đỗ Thượng Thế rải rác đăng trên các báo và tạp chí, nhưng để có một tập hợp tương đối đầy đặn thì phải đợi đến bây giờ khi cầm trong tay tập thơ của Thế vừa mới được phép trình làng. “Đầy đặn” mà tôi muốn nói đến là diện mạo của một gương mặt thơ, thoạt mới trông hăm hở lắm, náo động lắm, bứt phá lắm: “Bứt khỏi ra đêm/ đánh cược với ngày/ mưa gió tát nụ cười méo lệch/ bao hy vọng chớp qua thời khắc/ tóc cạn khuya khô rối rong câu… Những con vụ cuống cuồng/ hun hút bóng trong đau/ xảo thuật vẽ lòng vòng chóng mặt/ Tin yêu nhạt nhòa vành môi khóe mắt/ xoay theo chiều bão giông…” (Những con vụ).
Bỗng dưng tôi lại nhớ đến thơ Thanh Quế. Không phải là một liên tưởng hay một tương quan nào cả, cũng chẳng phải là một so sánh, nhưng là một tiếng ngân gióng lên réo gọi một…nỗi buồn “…Những khuôn mặt tí tởn. Đó là lớp sóng gợn. Trên hồ buồn đời tôi”. Ở Đỗ Thượng Thế, hình như sự hăm hở kia, có vẻ như che kín, như giăng mắt lấp đầy để khó đoán định ra cái “hồ buồn” thăm thẳm ấy, dù có đôi khi cái thị lực dáng vẻ hừng hực sục sạo khám phá chân trời lạ ấy, cũng đã ánh lên những khắc khoải về thân phận “Vậy mà giờ đây/ chỉ một điều, con biết/ nơi tận cùng đường cày đời cha/ nơi hạt thóc cuối cùng vụ mùa đời mẹ/ Đôi chân khô gầy/ đôi chân nứt nẻ/ vẫn chưa ra khỏi đất làng” (Điều con biết).
Không nhiều thanh âm và ngữ nghĩa “thằng tôi quê bần” bộc bạch niềm ưu tư đến mức giản dị đơn sơ như vậy trong “Trích tôi”. Bao lần “Đêm/ giằng co với chữ” đã thường hằn trong tư duy nhà thơ một nỗi ham hố làm mới thơ mình. “Thẳm cõi miền tôi trổ bề mắt ngó/ phía nào rồi cũng rỡ ràng sắc ảo/ những con cá mắt lồi/ ngày càng giương mắt to hơn” (Những con cá mắt lồi). Cách tân, khám phá luôn là yêu cầu khắc nghiệt của người cầm bút, bởi bất cứ một tác phẩm nào được thực sự xem là tác phẩm nghệ thuật thì tự thân nó phải chứng minh được sự khám phá mới mẻ cả hình thức lẫn nội dung. Nhưng hiệu quả thẩm mĩ nếu như biết chối từ lối đi mòn của sự dễ dãi, của sự đánh tráo một cách bóng bẩy mượt mà êm đềm ru ngủ, thì nó cũng biết khước từ sự lạ hóa một cách mù mờ rối rắm đến vô nghĩa. Tránh mọi lối đi mòn để xác lập mình, “Trích tôi” của Đỗ Thượng Thế quả đã in rõ dấu chân của mình trên một lối đi độc đạo chênh vênh dốc núi. Máu me thi sĩ gồng xuống đôi bàn chân liều lĩnh mà hăm hở bước. Những cuộc phiêu lưu chạm đến cõi đến miền “xứ lạ” dường như đã tự bao giờ được nuôi dưỡng cũng đã trở thành một thứ vô thức réo gọi “Sương khói buông chiều/ Bậu vàng vọt bóng/ Người nói bằng dấu lặng/ Giọng sóng trào đáy khơi/ Trong vòng tay cội đất/ Người về thanh giọng cỏ/ Hương ngút lời mang mang” (Thổ âm). Đọc lên những câu thơ như thế, ta có thể nghe ra được tiếng vọng động réo gọi dưới bề mặt ngôn từ. Đấy là một thứ vang hưởng, một thứ gắng gỏi những mong “của tin gọi một chút này làm ghi” (Nguyễn Du) mà không dễ thường lúc nào cũng gióng lên được. Thấu thị và nhận ra những “thanh giọng cỏ”, những “sóng trào đáy khơi” của thứ “Thổ âm” kia, để hiểu “Trích tôi” khu biệt một cõi gieo rắc đầy những thổ âm, những mật ngữ, khi thì “Mê lộ cỏ” lúc thì “ký sự đêm”, tất cả “marathon…ầm ào đầu bút/ marathon…tiết điệu trái tim”. Và đấy cũng là một kích thích tạo nên hiệu quả hoan lạc ngược chiều với “Nghêu ngao là bước đi tìm bao la” (Phạm Phú Hải), mà là gấp gáp săn lùng quyết liệt trên đường trường viễn du với nhịp sống tưng bừng, gào thét tốc độ và sự mới mẻ vừa như bất định vừa như vô định.
Chưa thể nói về một thu hoạch sớm từ “Trích tôi” của Đỗ Thượng Thế, nhưng kết quả này là có thật, đó là sức sống của tác phẩm đã gieo vào lòng người tiếp nhận những băn khoăn, những ám ảnh, những ưu tư thao thức cùng tác giả, tư duy cùng tác giả. Đọc “Trích tôi”, người ta ít gặp ở đó những bài thơ, thậm chí từng câu chữ của thơ một thứ nghệ thuật ngân nga êm ái sáo mòn hoặc lên gân cao đạo rổng rang một thứ triết lý siêu hình nào đó. Thơ Đỗ Thượng Thế có thể sự lạ hóa ở những chỗ, những bài đã vượt xa quá trớn đến chỗ xa xỉ. Có thể sự làm mới đây đó còn mang dáng vẻ kiểu sức. Nhưng tôi tin cái chất giọng đồng quê ấy, những “Bát ngát mùa dâng đậm sắc âm làng” ấy lưu cửu trong máu huyết thi sĩ, và đấy đích thực là nguồn mạch cho mọi khởi hành mới mẻ để Đỗ Thượng Thế lại hừng hực lửa đam mê trên con đường dốc núi chênh vênh!
NNT
(*) Đọc tập thơ “Trích tôi” của Đỗ Thượng Thế. NXB Hội Nhà văn. Tháng giêng 2009