Những mẩu chuyện về Bác Hồ

07.09.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Ứng biến nhanh giặc nào cũng thắng

Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Văn phòng Trung ương Đảng thường tổ chức bữa cơm thân mật... Thành phần tham dự mở rộng đến cả gia đình.

Hôm đó, các đồng chí và gia đình được mời đến dự đông đủ. Riêng còn thiếu gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến giờ quy định Ban tổ chức có ý đợi thêm một lát.

Bác bảo: "Đúng giờ ta đi ăn cơm, ai tới chậm để phần".

Đang lúc mọi người chuẩn bị nâng cốc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình tới. Biết chậm, Đại tướng vội bế cháu nhỏ khẩn trương bước vào phòng. Vợ đồng chí cùng cháu lớn vội vã theo sau...

Thấy Đại tướng, Bác giơ tay xem đồng hồ: "Chú Văn chậm 4 phút 20 giây! Đại tướng mà cũng chậm giờ à?"...

Đại tướng vội đặt cháu nhỏ xuống tiến lại trước Bác đứng nghiêm, theo tư thế quân nhân:

- Thưa Bác, riêng quân chủ lực thì cơ động dễ dàng. Song còn, "lực lượng dân quân du kích" đông đảo thế này cơ động khó quá ạ!...

Bác cười và khen:

- Giỏi! Chú ứng biến nhanh đấy, nếu tướng nắm vững quân của mình như thế thì giặc nào đánh cũng thắng.

Nói rồi Bác chỉ vào bàn ăn:

- Nào xung trận.

Tất cả mọi người có mặt reo lên phấn khởi, cùng Bác "vào trận"./.

 

Bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội

Sau Cách mạng tháng Tám, Trung ương giao đồng chí Trần Đăng Ninh đón Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội. Bác đi đò qua sông Hồng đến làng Gạ (tên chữ là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội)(1), và ở nhà một cơ sở của "an toàn khu" Trung ương. Đó là vào tối ngày 23 tháng 8 năm 1945. Anh chị em tự vệ xã đã nhanh chóng chuẩn bị bữa cơm tối đón đoàn cán bộ chiến khu về kịp ăn sau một chặng đường xa mệt nhọc.

Bữa cơm hôm đó có gần 20 người dự, chia làm ba mâm đặt trên hai chiếc phản và trên bàn. Cụ già nhất ngồi trên phản cùng anh em. Bữa cơm có cơm gạo đỏ nấu hơi khô, thức ăn có canh mướp và muối vừng. Ai cũng ngại cụ già không ăn được, nhưng cụ vẫn dùng cơm ngon lành như người khác.

Ăn xong, một đồng chí tự vệ rót nước nóng bưng lên mời cụ uống, cụ bảo:

- Cứ để ấm chén ở phản. Ai uống thì rót lấy.

Tất cả anh em tự vệ có mặt hôm ấy không ai biết rằng bữa cơm đạm bạc đón đoàn cán bộ chiến khu về là bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội của Cụ Chủ tịch nước mà ít ngày sau đó họ mới nhận ra trên lễ đài trong ngày Độc lập./.

(1) Nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

 
Bác không đồng ý thế

Ngày 28 tháng 4 năm 1946, sau khi đi dự lễ khánh thành đê Hưng Nhân, Thái Bình xong, lúc trở về, Bác bảo không đi xe theo đường cũ tức là đường Nam Định - Phủ Lí - Hà Nội, mà đi qua đất Hưng Yên -  Phố Nối - Hà Nội.

Đoàn đi hôm đó có Bác, cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số đồng chí khác. Không hiểu ai đã tiết lộ đường về của Bác mà nhân dân ở các làng xã hai bên đường đã tổ chức mít tinh đón Bác với các nghi lễ như đón vua vi hành qua địa phương mình. Bác rất không hài lòng về việc làm rùm beng, tốn thì giờ, tiền bạc của nhân dân. Nhưng trước sự nhiệt tình của nhân dân, Bác bảo hạ cửa kính xe và cho xe chạy chầm chậm. Người tươi cười vẫy tay chào đồng bào. Nhìn thấy đoàn xe của Bác chậm chậm đi qua, mọi người kéo đến ngày một đông, kín cả hai bên đường. Từ các cụ già đến trẻ em, đều đứng cả ra lòng đường, chỉ mong sờ được vào tay Bác, nhìn thấy Bác, làm cho lực lượng tự vệ không ngăn nổi. Có lúc xe không đi được. Không hiểu do sáng kiến của ai, hai đồng chí tự vệ từ lúc nào cũng nhảy lên ngồi hai bên tai xe, chĩa súng ra hai bên. Họ còn đề nghị Bác cho bắn chỉ thiên để dẹp đường. Bác không đồng ý. Xe cứ nhích dần giữa dòng người như vậy, chật vật lắm mới về đến Hà Nội./.

 

Dù mưa hay nắng

Trong suốt thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan Bác đóng ở nhiều địa điểm khác nhau. Để giữ bí mật, mỗi địa điểm ở không quá ba tháng là chuyển đi chỗ khác.

Có một thời gian, cơ quan Bác đóng ở xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương) thuộc tỉnh Tuyên Quang, còn cơ quan Trung ương đóng ở bên kia đèo De, thuộc tỉnh Thái Nguyên. Qua lại đèo De đã thành một việc thường xuyên. Tuy không ai nói và kêu ca, nhưng ai cũng ngại, vì đi lại lúc đó không phải ô tô, hoặc ngựa mà chủ yếu là đi bộ.

Trong những chuyến đi công tác như vậy, hôm nào trời nắng to, Bác cháu ai cũng mồ hôi nhễ nhại, tay không rời cái quạt. Những lúc ấy Bác thường nói vui: "Chà may quá, hôm nay trời không mưa!". Nghe Bác nói, ai nấy so sánh với những ngày trời mưa, đường trơn, gặp suối lũ và vắt(1) thì đều vui vẻ và cảm nhận thấy đỡ vất vả hơn. Có lần đang đi gặp trời mưa, Bác lại nói: "Hay thật, trời mưa đi mát quá. Các chú nhớ không, trời nắng đi qua quãng đường này đến là mệt". Anh em bảo vệ, phục vụ đi theo đưa mắt nhìn nhau mỉm cười tán thưởng, trong lòng cảm thấy vui vui, đôi chân như khỏe ra, dẻo dai hơn./.

 

(1)     Một loài giống như đỉa. Khi có người đi qua là bám vào chân để hút máu.