Dấu xưa, làng dệt...

07.09.2009

Dấu xưa, làng dệt...

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

 
Làng Vân Hà, nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là một ngôi làng khá đặc biệt với hai làng nghề thủ công truyền thống là nghề mộc và nghề dệt vải. Trong ký ức của các bô lão, hơn năm mươi năm trở về trước, trong lúc đàn ông thanh niên trong làng quanh năm suốt tháng “vác” thước, đục, cưa... đi làm thợ thì phụ nữ ở nhà ngày ngày miệt mài bên khung xửi, chăm chút dệt vải. Đáng buồn thay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, làng nghề dệt cổ truyền của Vân Hà đã sớm lụi tàn!

Quả thật, đến Vân Hà, thật khó tin rằng đây là nơi xưa có làng nghề dệt một thời thịnh đạt không thua kém làng nghề mộc. Ông Đinh Thẩm, năm nay đã 85 tuổi, một trong số những bậc cao niên hiếm hoi còn sót lại, và là thợ mộc nổi tiếng khéo tay đất Vân Hà, nhớ lại “Hồi đó, cứ mười nhà mười dệt. Nhà nào cũng có khung cửi... Mà, nghề này có từ xưa. Không ai biết cụ thể từ khi nào. Có lẽ xuất hiện từ lúc lập làng...”. Nghề dệt vải xưa rất cực khổ, không phải dễ dàng như bây giờ. Vân Hà tiếng là làng dệt nhưng không gia đình nào trồng bông. Vậy là cả làng phải đi mua bông. Đặc biệt, chuyện mua bông cũng rất kỳ công.  Bấy giờ, chưa có xe cộ gì, họ hoàn toàn phải đi bộ. Mỗi lần đi, họ rủ có lúc cả chục người đi cho vui và cho có người chuyện trò qua lại, quên đi mệt nhọc, cả đoạn đường xa còn ở phía trước. Thường thường, chị em thức dậy sớm, ăn uống, gói thêm nắm cơm ăn dọc đường, rồi í ới gọi nhau. Họ đi đến các xã ở huyện Điện Bàn, lắm khi ra tận Miếu Bông ở Hòa Vang. Đi đến nơi đã năm, sáu chục cây số. Mua xong, lại phải gánh bộ về. Cả đi và về, tính ra, cả trăm cây số. Đi xa, gánh nặng, gian nan, cực nhọc là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng, chuyện đâu đã hết. Bông mua về, phải qua nhiều công đoạn mới có sợi dệt vải. Đầu tiên, người ta phơi bông cho thật khô rồi lượm hết rác và chất bẩn bám vào bông. Sau đó, dùng dụng cụ tách bông và hột ra, xong “bắn” cho “chín” bông, se thành con “cúi” rồi đánh ống như cái sút mới dệt được... Nói ra thì dễ nhưng làm rất công phu, đòi hỏi người thợ dệt phải kiên nhẫn. Bấy giờ, phụ nữ Vân Hà dệt bằng khung cửi được điều khiển chủ yếu bằng tay. Bà Trần Thị Nga, năm nay đã 74 tuổi, một thợ dệt có tiếng  thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hồi tưởng “Hồi ấy, cứ tối tối, chị em phụ nữ, cả già lẫn trẻ, ít ai ở nhà mà đi kéo vải. Tuy bận bịu, từ sáng đến tối nhà nào nhà nấy cũng tất bật lo làm nhưng không khí lao động rất vui...”.  Cũng vào nửa đầu thế kỷ XX, nổi tiếng dệt vải nhiều nhất là gia đình bà Sấm, rồi gia đình bà Ánh, gia đình bà Tài. Sau có gia đình bà Trần Thị Mỹ, Trần thị Hường... Họ dệt nhiều chẳng qua vì trong nhà có đông đàn bà, con gái, chứ tựu trung chẳng tài cán gì. Riêng bà Chẩm, lại nổi tiếng là người “bắn” bông giỏi. “Bắn” bông nghĩa là làm cho “chín” bông. Khi “chín”, bông sẽ xơ ra, kéo mới ra sợi. Ngoài dệt vải bông, trong làng, cũng có một số hộ dệt vải thao. Dệt thao đòi hỏi kỳ công hơn dệt vải ta. Phải qua nhiều công đoạn... Nổi tiếng nhất trong dệt thao là gia đình bà Chiến.

Bấy giờ, gia đình nào dệt, gia đình đó phải mang sản phẩm đi bán. Thường thì người ta bán ở các chợ trong vùng. Phổ biến nhất bán ở chợ Cây Sanh, nay thuộc xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Cũng có một số bà con gánh vải ra tận Miếu Bông, nay thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để bán. Hồi ấy, họ hoàn toàn đi bộ. Xa gần gì cũng đi bộ. Một trong những kỷ niệm bà Trần Thị Nga, và những người tuổi “thất thập cổ lai hi” như bà nhớ nhất là trận đói lịch sử năm 1952 ở Quảng Nam. “Hồi ấy, mùa màng bị mất, dân đói quay quắc. Dân làng Vân Hà cũng rứa. Bấy giờ, nhà tui làm vải nhiều. Được cây mô, anh tui với chị tui đều đem đi đổi. Mà lên tận vùng có đồng bào dân tộc để đổi. Đổ trên đó được hơn ở dưới đồng bằng. Tui nhớ, mới đầu mỗi cây vải đổi được 12 ang lúa. Sau hạ dần xuống còn 12 ang bắp. Cuối cùng, phải đổi vải lấy hạt mít. Đói quá nên cái chi cũng đổi. Không đổi, chẳng lẽ chịu chết đói à?”.

Làng dệt cổ truyền Vân Hà lụi tàn vào những năm cuối thập kỷ 1950, khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết. Nguyên nhân chính khiến làng nghề lụi tàn, theo bà con, là do nguồn bông vải không còn. Hơn thế nữa, nghề dệt vải cũng không đủ sức cạnh tranh với những loại vải ngoại nhập vừa bền chắc vừa rẻ tiền. Làng dệt có bề dày lịch sử hàng trăm năm thực sự chỉ còn là ký ức của một thời xưa cũ.

                                   
 P.H.Đ.Đ