Đông Hà
Hẳn rằng, cả thế hệ chúng tôi, đứa con trai nào lớn lên cũng từng yêu một cô gái có tên : Đông Hà (!). Cái cảm nhận này dến với tôi từ hồi thơ ấu, khi thỉnh thoảng nghe loáng thoáng vài đứa bạn hé lộ nỗi lòng của mình về cái tên một người con gái như vậy. Đến năm 17 tuổi, trong một lần thức thâu đêm học thi, một đứa bạn khác lại nói với tôi điều mơ ước, sau này đỗ đạt thành tài, sẽ trở về phố cũ, tìm lại người con gái mà nó thích nhất. Tôi hỏi :
- Ai?
Nó nói
- Đông Hà (!)
Tới nước đó thì tôi thật sự bàng hoàng (!). Tôi muốn gào lên, than khóc với đất trời: tại sao thế giới rộng lớn, bao la là vậy, Thương đế lại chỉ có một người con gái duy nhất dành cho chúng tôi (?).
Dù vậy, tôi vẫn tự an ủi mình: chính tôi mới là đứa con trai đầu tiên đã từng quen, từng thổ lộ với Đông Hà... Những đứa khác chỉ là đến sau. Và may thay, thời gian trôi qua, mọi kỷ niệm thời thơ ấu cũng dần bị xoá nhoà vào lãng quên, phai nhạt...
Nhưng bây giờ, chiều nay, bỗng dưng một cú hẹn có một không hai làm tôi vô cùng nao nức: Họp lớp - cuộc gặp gỡ của tất cả mọi đứa nam nữ cùng thời đã từng lớn lên học hành tại phố cổ Hội An. Thực tình mà nói, trong tổng số danh sách hơn hai chục người mà phụ nữ chiếm hơn hai phần, tôi nhận diện giỏi lắm chỉ dăm ba người. Bởi lớp bụi thời gian đã làm chọ họ xa lạ làm sao (!). Thế nhưng, các chị các anh cứ vồn vả tay bắt, mặt mừng với nhau vô cùng thân thiết. Hiệp - trưởng ban liên lạc của nhóm lớp giới thiệu lần lượt mọi người với nhau, rồi chợt nhìn ra đường reo vang :
- À, xin bổ sung thêm một người : Đông Hà. Năm nay là năm đầu tiên có người đẹp Đông Hà tham dự đấy!
Mọi người vỗ tay râm ran. Đông Hà nhanh nhảu bước đến chen người vào giữa. Trời ạ! Nãy giờ trong đám đông bạn cũ, chỉ có duy nhất con người này là tôi nhận ra ngay. Vẫn dấp dáng mảnh khảnh như một con chim sâu nhảy nhót chuyền cành. Vẫn khuôn mặt trái xoan, nụ cười nhè nhẹ mà mỗi lần nhìn thấy hồn tôi bay bổng cả chín tầng mây.
Không có phần phát biểu dạo đầu. Không mời mọc khách sao. Cứ thế, tràn đầy những bia bọt chúc tụng cho cuộc hội ngộ lần thứ 3 với người này, lần thứ 2 với người kia, lần đầu tiênvới người nọ... Ai to miệng nhất thì người đó là chủ diễn đàn. Tôi cố gắng chen lời vào câu chuyện để nhắc nhớ vài kỷ niệm với Đông Hà :
- Hồi nhỏ, ngày nào tôi không chạy ngang trước cổng nhà Đông Hà là tôi không chịu nổi...
- Thế à! Hồi ấy ông ra sao nhỉ? Ừ, tui cũng thấy quen quen... Hình như ở gần nhà hở?
Đúng rồi! Vậy là Hà có nhớ ra. Mà chắc không chỉ tôi là đứa con trai hàng xóm, mà còn nhớ ra tôi là cái đứa đeo đuổi, nhớ nhung Hà cả bao năm trời... Tôi định bụng chiếu hẳn lại một đoạn phim thời thơ ấu với Hà, thì bỗng dưng có tiếng Hiệp bi bô:
- Đông Hà có nhớ cái bài thơ tui làm tặng Đông Hà hồi học lớp 12 không? Cái bài thơ mà tui đến tận nhà Hà để đọc ... cả ba Hà cũng phải nghe luôn đó!
- Ui! Hồi đó cái ông ni dạn ghê! Ông có nhớ là ba tui bảo: "Cậu ni có để con gái tôi học hành không? Từ nay về sau đừng đến đây thơ ca chi nữa nghe!"
Thế rồi Hiệp say sưa đọc :
"Ngôi nhà nàng ở con đường ra biển
Nên mỗi ngày sóng rào rạt hồn tôi
Tuổi hai mươi, thầm lặng nỗi yêu người
Để năm tháng càng xanh rêu màu phố...
Ngôi trường nữ nằm kê` bên con chợ
Nên lòng tôi như một kẻ chờ thời
Một ngày gặp là một vốn bốn lơ`i
Một ngày vắng, quạnh hiu bao hàng quán
...."
Dăm ba người tham gia vào bối cảnh sự ra đời của bài thơ. Đó là năm 12, chuẩn bị đi thi đại học. Bạn bè cùng thời cùng lứa lúc này thường rất gắn bó, đoàn kết và có nhiều kỷ niệm với nhau. Nhưng buồn thay, lúc đó là lúc không có tôi. Vì tôi đã rời bỏ phố cổ đến một nơi khác từ năm lớp 10. Tôi đành im lặng, chịu thua thiệt. Hiệp không ngừng liên tục tấn công. Xem ra, hắn đã từng yêu Đông Hà chân thật chẳng thua kém bất cứ một người nào. Đông Hà cười tít mắt...
Buổi họp lớp với nhóm bạn thời thơ ấu của tôi lần đầu tiên diễn ra như vậy.
* *
*
Thế mà đã hơn cả 5 năm. Trong suốt thời gian này, ở cái tuổi của một người trưởng thành, ngoài nỗi bận rộn trên đường công danh cơm áo thì hầu như các vấn đề liên quan khác không để lại dấu ấn rõ rệt như thuở ấu thơ. Thỉnh thoảng, gặp một người bạn nào trong nhóm lớp cũ, cũng chỉ kịp vẫy tay chào, rồi biến mất. Hoạ hoằn, có người đau ốm, khánh thành nhà mới.. thì mới có cuộc hội ngộ, viếng thăm đột xuất.
Tuy nhiên, riêng Hiệp vẫn là nhân vật được quan tâm xếp vào đầu bảng. Bởi hắn luôn luôn có chuyện để nằm viện. Tôi nhớ dường như trong vòng hai năm gần đây, tôi đã phải thăm Hiệp đến bốn, năm lần. Một lần bị mổ ruột gan gì đó, một lần bị tông xe, một lần bệnh cũ tái phát.... Những lần như vậy, cứ tưởng là lần chót của Hiệp rồi, nhưng chẳng bao lâu, sau khi bình phục, lại gặp Hiệp ở các quán nhậu, cười hề hề, mời cụng ly, và đã uống thì phải quên đường về...
Mới cách đây hơn một tháng, lại có cuộc điện thoại của bạn cũ nào đó gọi tôi vào viện thăm Hiệp. Tôi nghe ừ à... qua loa, rồi quên. Thăm nó mãi chắc cũng vậy thôi. Nhưng không. Điều phải đến đã đến. Liên tiếp trong hai ngày liền cả nhóm bạn học cũ nhốn nháo tìm nhau trước cái tin : Hiệp đã qua đời! Trong cái lần nhập viện cuối cùng Hiệp đã ra đi trong cô đơn. Vì không mấy ai ngờ, con người lạc quan, yêu đời như vậy lại vội bỏ cuộc chơi...
* *
*
Cuộc họp lớp lần này diễn ra bất ngờ, không hẹn trước, nhưng đông đủ hơn bao giờ hết. Người điều hành Ban lễ tang của Hiệp xướng gọi mời từng nhóm bạn lên phúng điếu : nhóm Sài Gòn, nhóm Đà Nẵng, nhóm Huế, nhóm Hội An.... Thật ra, từ những nhóm ở chân trời xa lắc đến những nhóm trung học, đại học, Anh văn, vi tính.... chung quy, phần lớn cũng là nhóm bạn thời thơ ấu ở Phố Hội sau này trưởng thành gặp lại Hiệp ở những hoàn cảnh khác nhau. Thương tiếc bao nhiêu rồi cũng chỉ là một thoáng ngậm ngùi. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sau phút giây phúng điếu, cả nhóm bạn lục đục kéo nhau vào một quán lẹp xẹp ở đầu đường. Trước mặt tôi lại là Đông Hà. Bây giờ trông nàng thay đổi nhiều hơn. Dáng điệu mập mạp phù hợp với phong cách một thiếu phụ đứng tuổi. Tôi cố vờ không quan tâm đến Đông Ha, nhưng chính Hà lại gợi chuyện trước :
- Nề, ngày nhỏ tụi mình ở gần nhà nhau hở? Hình như lần trước gặp nhau, ông nhắc làm tôi nhớ lại hồi rất nhỏ mình có một đứa bạn...
- Thì hồi nhỏ tui mê Hà quá trời, bộ không biết à ?
- Mê ra răng? Tui chẳng biết chi hết!
- Chứ không nhớ mỗi ngày tui phải chạy đến trước ngõ nhà Hà ném vài cục gạch cho chó sủa rầm trời lên thì mới chịu được...
- Trời đất! Răng chừ mới nói? Lần trước không thấy nói chi hết?
- Lần trước Hiệp dành nói hết trơn, tui phải nhường cho hắn nói chứ!
Câu chuyện nửa chừng bị đám đông huyên náo phá ngang. Nào hãy cạn ly chia tay người bạn thân yêu về miền vĩnh cửu. Một vài đứa đứng dậy thay đổi chỗ ngồi, đi vòng quanh... Vui lên đi, chắc Hiệp cũng sẽ vui lòng, bởi vì nhờ nó mà mới có cuộc họp lớp lần này. Đáo qua đáo lại mấy vòng rốt cuộc tôi vẫn trở lại vị trí cũ đối diện Đông Hà. Tôi tranh thủ nối lại câu chuyện :
- Hà này, từ nhỏ đến giờ tôi vẫn cứ thắc mắc một điều (!)
- (...)
- Ngoài tôi, ngoài Hiệp, tôi đã từng gặp mấy đứa bạn kể câu chuyện thầm kín về một tình yêu với chỉ một người có tên Đông Hà (?)
Đông Hà chúm chím cuời. Thỉnh thoảng, nàng đưa tay nhìn đồng hồ. Chợt một người nào đó nói to :
- Đã khuya lắm rồi! Đề nghị anh em cho nhóm Hội An về trước kẻo đường xa. Tạm biệt nơi đây và hẹn cuộc họp lớp lần sau nhé!
Chúng tôi - vài đứa còn ở lại sau cùng, lần lượt ra trước cổng quán bắt tay tiễn từng người lên xe. Cầm tay Đông Hà, nhìn vẻ xúc động của nàng, tôi nói ráng thêm một câu nữa:
- Hà biết không, câu chuyện thời thơ ấu nó ám ảnh đến mức về sau tôi lấy một người vợ có tên là Hà đấy!.
Đông Hà tròn mắt tỏ vẻ kinh ngạc. Đột nhiên, có tiếng chuông điện thoại từ một gã đàn ông trong nhóm bạn lục đục ra về. Gương mặt gã này khá xa lạ, tôi không tìm thấy trong ký ức. Gã cầm điện thoại lắng nghe và trả lời:
- Đông Hà hở? Ừ, không sao. Ba đang sửa soạn về đây...
Tôi không ghìm được tò mò, thể hiện sự thân tình hỏi gã:
- Ủa, ông vừa nói chuyện với ai vậy?
- Con gái tui đó. Đứa con đầu của tui mang tên người con gái tui thích nhất...
Có tiếng còi xe ngoài đường vang lên giục giã. Tôi nhớn nhác tìm lại Đông Hà, nhưng nàng đã lẩn khuất, chừng như tan biến mất sau giờ họp lớp../.
T.T.S
LAM PHƯƠNG
Thơ cỏ
Truyện ngắn
Lạng ơi, em đang ở đâu?
Giọng Thái ngập ngừng, nghèn nghẹn trong hơi thở.
Tôi bỏ ngoài tai tiếng tha thiết của Thái. Cứ mải miết đi. Đôi chân trần gót son của tôi giẫm lên những triền cát mịn. Tôi rẽ nước lội qua dòng sông. Dòng sông nước trong văn vắt. Tôi đang hướng về phía bờ bên kia, nơi ấy là một cánh đồng đầy ắp cỏ và hoa. Cỏ xanh thẳm và những bông hoa dại trắng vàng đủ màu sắc như một rừng tiên bướm, đang đợi tôi.
Tôi muốn khám phá một điều lạ lùng. Một túp lều. Một túp lều cỏ mướt xanh như cánh đồng mùa thu. Khi bình minh lên, túp lều hồng lung linh. Hoàng hôn buông xuống túp lều ngả màu vàng. Đêm đêm, túp lều sáng bừng lên như muôn ngàn ánh lân tinh gắn kết với nhau.
Chuông điện thoại lại đổ. Giọng Thái lại nghèn nghẹn:
- Lạng ơi! Anh nhớ em lắm! Sao em không trả lời anh. Em đang ở đâu. Trời mưa nắng thất thường, em đừng đi xa, không giữ gìn sức khỏe, ốm xuống thì khổ đấy!
Tôi muốn hét lên với Thái rằng hãy đừng coi tôi là một đứa trẻ. Hãy đừng nhắc đến căn bệnh tim mạch, rối loạn tuần hoàn não và những chứng bệnh vớ vẩn khác của tôi. Hãy đừng sớm thuốc này, chiều thuốc kia và nên ăn uống kiêng khem những gì. Thái là bác sĩ nhưng đừng là bảo mẫu của tôi.
Chân trần gót hồng tôi giẫm trên những hòn đất mấp mô trồi sụt của cánh đồng. Những cành cỏ dại sắc cào xước chân tôi, bàn chân nõn nà con gái mướt như chiếc lá non rớm máu, lòng bàn chân tôi nhức nhối. Túp lều lạ lùng và người đàn ông lạ lùng. Trong túp lều cỏ, người đàn ông xanh mướt như cỏ đang kết những cọng cỏ làm thơ. Ông làm mải miết, thấy tôi, ông gật đầu khẽ mỉm cười. Nụ cười ông xanh như cỏ, mắt ông cũng xanh như thảm cỏ thảo nguyên và nó sâu thẳm. Tôi ngỡ ngàng trước những bức thơ cỏ treo la liệt lên bốn bức vách cỏ. Những cọng cỏ quen thuộc. Cỏ mật ngọt ngào, cỏ sữa thơm ngào ngạt, cỏ chỉ mềm dai, cỏ hoa may quyến luyến, cỏ chát, cỏ đắng... không biết cơ man nào là cỏ được ông kết thành thơ. Những bức thơ lạ lùng, khó hiểu.
- Lạng ơi!- Sau hồi chuông điện thoại Thái lại rưng rưng- Về đi em! Anh tìm em khắp nơi. Em đang ở đâu? Về đi, căn nhà hạnh phúc đang chờ em đấy!
Căn nhà hạnh phúc của Thái! Ngôi nhà ba tầng hệ thống khép kín. Ba lớp cổng. Bức tường rào có những cọc sắt nhọn hoắt cao vút. Con chó béc giê mỗi lần thấy khách lại gầm gừ, mắt long sòng sọc muốn ăn tươi nuốt sống. Mỗi lần đến, tôi nép sau lưng Thái, chờ Thái kéo con chó sát cây cột hàng rào, vuốt đầu nó dỗ: "Lích, ngoan nào. Cô chủ của mày đấy!" nó mới chịu ngoan ngoãn nằm xuống, lè lưỡi thở và nhìn tôi ra chiều hiền hậu, phép tắc lắm.
Nhà Thái thứ gì cũng đẹp, cũng sang trọng, sạch sẽ đến tinh khiết. Bộ bàn ghế gỗ chạm trỗ cầu kì, bóng loáng. Những chiếc ly thủy tinh trong veo như mắt ngọc. Nền gạch hoa soi không có một hạt bụi nhỏ. Máy điều hòa rì rì, hơi mát dìu dịu. Tủ lạnh đủ thứ trái cây, nho Mỹ, quýt Thái và những trái gỉ trái gì xuất xứ từ Úc, từ Ấn. Thái bảo những thứ đó tốt cho tôi, chúng được kiểm tra kĩ càng trước khi mua, chúng tươi tốt nhưng hoàn toàn không có sự xuất hiện của hóa chất. Thái là vậy, cái gì cũng chu đáo và cẩn thận. Tôi vốn là bệnh nhân của anh. Từ nhỏ tôi đã ốm yếu dặt dẹo. Ba mẹ bảo tôi khó nuôi, phải gửi tên ở chùa đến năm mười hai tuổi. Trên mười hai tuổi rồi, tôi vẫn là đứa ốm yếu nhưng hay mơ mộng. Mẹ liên tục dẫn tôi đến phòng mạch của Thái, tôi bị lắm chứng bệnh như đã nói. Nhiều lần anh nói, ông Trời bắt anh làm bác sĩ của đời tôi. Anh yêu tôi. Bàn tay Thái ngón nào cũng tròn, trắng mũm mĩm, mềm và mát rượi hay vuốt má tôi từ khi tôi còn là đứa bé lên mười. Anh bảo tôi là con bé bệnh nhân đáng yêu. Anh không cho tôi thức khuya, không được suy nghĩ nhiều, vì chúng sẽ làm hại sức khỏe của tôi. Thái đi làm rồi, tôi nhìn ra phía cổng. Chiếc cổng sắt nặng nề đã khép kín. Hàng rào những cây cọc sắt nhọn hoăn hoắt. Người giúp việc bị câm, chỉ quanh quẩn cơm nước và nấu cho tôi những thức theo thực đơn Thái đã kê. Tôi quẩn quanh trong nhà, tiếng máy lạnh rì rì. Con chó không gằm ghè sủa tôi nữa, nó ngoan ngoãn nằm bên chậu hoa hiền từ nhìn tôi. Tôi lững thững bước lên sân thượng, tôi muốn phóng tầm mắt của mình thật xa. Tôi vốn là đứa hay mộng mơ.
Căn nhà của Thái cao nhất vùng nên tầm mắt của tôi không có gì cản trở. Tôi nhìn những mái nhà lô nhô, những tán cây xanh, những con đường thẳng tắp như vạch thước kẻ, và tôi nhìn qua phía bên kia dòng sông. Bên kia dòng sông xa lắc là cánh đồng, thấp thoáng túp lều mướt xanh như cỏ. Túp lều lạ lùng kích thích trí tò mò của tôi. Tối tối, tôi lại lên sân thượng nhìn đám sáng bừng lên như ánh lân tinh. Thái bảo tôi vớ vẫn, lãng mạn không đâu. Thái bảo, có thể đấy là một cái chòi làm bằng tranh tre nứa lá của người nông dân canh ruộng dưa, ruộng lúa hay đại loại là vậy. Hồng lên khi ánh bình minh chiếu vào, vàng khi ánh hoàng hôn của mặt trời sắp tắt. Còn ban đêm, Thái lại giải thích, người ta chăng điện để tránh lũ chuột phá hoại. Thái chẳng buồn nhìn về túp lều, bởi Thái chẳng bao giờ vớ vẩn như tôi nhưng Thái lại lý giải vanh vách. Đối với Thái, con người của khoa học, cái gì cũng có cơn cớ nguồn cội như những con vi khuẩn nhỏ xíu dưới làn kính hiển vi, chúng không thể tự nhiên mà sinh ra. Đối với Thái, cái gì cũng chính xác tuyệt đối, như nhát rạch của con dao phẫu thuật. Cuộc đời này phàm chẳng có gì vô cơ sở cả, Thái bảo vậy. Nhưng tôi vẫn cảm giác rằng túp lều nhỏ bên kia dòng sông, ở cánh đồng xa lắc ấy rất lạ lùng, nó không hẳn là căn lều canh ruộng. Sớm, chiều, tối, và những lúc nó xanh mướt màu cỏ. Nó có một ma lực mạnh khủng khiếp hút hết cả tâm trí của tôi. Chẳng lúc nào tôi không nghĩ về nó. Cả khi trong vòng tay ấm rực của Thái, cả khi môi Thái chạm vào môi tôi, cả khi con béc giê hiền lành ngoan ngoãn dụi vào chân tôi ra chiều thân thiện. Chẳng bao giờ Thái to tiếng với tôi. Tôi là đứa bệnh hoạn, yếu tim, yếu thần kinh. Thái chăm bẵm tôi như một đứa trẻ, lo lắng, cưng nựng chiều chuộng. Nhưng lần này thì Thái đã giận tôi vì tôi đã đứng dưới mưa hàng tiếng đồng hồ, mặc cho cơ thể ướt lướt thướt như con chuột lột chỉ để ngắm ánh lân tinh phát ra từ túp lều xa lạ. Thái kéo mạnh tay tôi, đóng sập cánh cửa khóa lại. Thái bắt tôi thay áo quần và lấy chiếc khăn lông to tướng lau nước trên người tôi. Anh tỉ mẩn lau lên đầu lôi, từng sợi tóc, từng sợi tóc. Tóc tôi dài, dày, mượt và xanh như cỏ, mái tóc lạ lùng này Thái bảo anh luôn muốn vuốt ve và hôn lên đấy, nó như cánh đồng cỏ bao la trên thảo nguyên và môi anh là con ngựa non tham lam tinh nghịch, nó làm cho tôi tăng gấp đôi gấp ba giá trị của tôi, nó làm cho tôi mạnh mẽ lên trong một cơ thể yếu đuối, mỏng manh dễ gãy dễ vỡ như thủy tinh. Tôi co ro bên Thái như con mèo bé bỏng hàm ơn chủ.
Thái đi rồi, tôi lại leo lên sân thượng. Túp lều hồng lên giữa cánh đồng xanh. Tôi mải mê ngắm nó đến độ Thái về lúc nào không biết. "Em chưa ăn cơm à ?", tôi giật mình. Lúc này túp lều đã ngả sang màu vàng. Thái không bằng lòng. Anh gắt um lên vì cả ngày nay tôi không chịu ăn cơm và uống thuốc.
Thái đi rồi, tôi lại leo lên sân thượng. Nhưng lúc này cánh cửa lạnh lùng đã khóa im ỉm. Thái đã cất hẳn chìa khóa. Tôi xuống phòng, vật vạ một mình đâm ra lan man nhớ túp lều cỏ. Không được nhìn thấy túp lều, tôi như bị thiếu một thứ gì đó. Tôi như say, như điên, như người mộng du lãng đãng.
Cánh cửa ra sân thượng vẫn khóa. Thái đi rồi, tôi lén lén bước ra khỏi con ngõ và đi. Tôi đi qua những bóng cây, những con đường, hướng về phía cánh đồng có túp lều cỏ. Tôi đã đứng trước nó, túp lều lạ lùng có người đàn ông lạ lùng xanh như cỏ lẳng lặng ngồi dệt cỏ làm thơ. Thái đã sai rồi, tôi không vô lý. Những bức thơ lớn nhỏ khác nhau, đủ thứ hình thù xanh rức treo lủng lẳng trên bốn bức vách. Tôi say sưa ngắm đôi bàn tay thoăn thoắt của ông. Bàn tay những ngón nhỏ, dài và xám xịt vì nhuốm đầy mủ cỏ. Ông say sưa như một nghệ sĩ tài ba lướt trên những phím ban cầm. Mỗi bức thơ cỏ là một kiệt tác vĩ đại. Tôi thấy thật thú vị và muốn giúp ông. Tôi ra cánh đồng bạt ngàn ngắt những cọng cỏ cho ông làm thơ. Cỏ sắt, cỏ chỉ, cỏ mật, cỏ chát, tôi lội cả xuống vùng lầy hái cỏ lùng, cỏ lác. Tôi bó những bó cỏ thật to, thật nhiều, hăm hở cõng về. Bàn tay vốn thon nõn mượt mà mà Thái nâng niu như hạt ngọc, anh thường hôn lên đấy bây giờ chai sần. Mủ cỏ làm nó đen nhoáy. Mái tóc và làn áo mỏng manh của tôi lúc nào cũng vương đầy cỏ khi mỗi lần tôi cõng cỏ về. Tôi sung sướng tò mò nhìn những bức thơ lần lượt thành hình dưới bàn tay kì diệu của ông. Những bó cỏ của tôi nhanh chóng hóa thành những bức thơ. Chát đắng, ngọt ngào, quyến luyến, vẫn thật lạ lùng và bí ẩn. Thực ra tôi không hiểu gì về nó, chỉ thấy lạ lẫm và thích thú. Tôi chưa bao giờ thấy ai dệt cỏ làm thơ.
Sáng sớm, tôi ra cánh đồng, gạt những giọt sương mai lung linh đọng trên những cọng cỏ đem về lều nấu nước pha trà cho ông. Tôi biết, ông cần những giọt sương này, chúng sẽ giúp ông tăng thêm sinh lực để dệt cỏ làm thơ. Ông sống bằng nó, chẳng ăn uống gì khác. Tôi cũng tập sống như ông, uống trà bằng sương cỏ để sống. Chẳng ăn uống gì khác, cũng chẳng cần liều trợ tim. Đã lâu rồi, tôi không nghẹt thở, tim tôi không nhói nhức và tôi cũng chẳng còn chứng chóng mày chóng mặt xây xẩm như hôm nào. Để được một bình trà, tôi phải dậy từ sớm tinh mơ, đến lúc ông mặt trời rọi những tia nắng chói chang làm tiêu tan hết những giọt sương mỏng manh mới thôi.
Tôi sung sướng nhìn ông nhẩn nha hớp từng ngụm trà. Đôi mắt xanh như thảo nguyên xanh của ông sáng lên, tôi soi mình vào đấy. Tôi thấy mình cũng xanh lên như cỏ. Thật kì diệu và hạnh phúc.
- Lạng ơi, anh đợi em mãi mà sao em không về?
Tôi vẫn dửng dưng, chưa bao giờ tôi dửng dưng với Thái đến vậy. Tôi mải miết hái cỏ và hứng những giọt sương mai. Tôi muốn một lúc nào đấy tôi sẽ hiểu được những bức thơ cỏ.
Đã lâu tôi không còn nhận được điện thoại của Thái. Chẳng phải vì anh mệt mỏi mà vì điện thoại tôi hết pin. Cánh đồng này không có điện. Có lẽ vậy sẽ tốt hơn.
Mấy ngày nay mưa tầm tả. Những hạt mưa nặng xối xả trút lên nóc lều. Túp lều cỏ mỏng manh rung lên. Những bức thơ trên vách cũng rung lên. Mắt người đàn ông thoáng buồn. Đôi mắt ngả màu cỏ úa. Tôi nhìn ông xót xa. Ông nhìn màn mưa giăng giăng, nhìn dòng nước bạc từ phía sông dâng lần lên cánh đồng. Tôi co ro trong túp lều. Chắc giờ này Thái đang lo cho tôi. Nếu như điện thoại tôi còn pin thì sẽ nghe anh gọi. Tiếng gió mỗi lúc một mạnh. U u gào gào muốn xé nát cánh đồng và túp lều. Những quầng nước gió tạt xoé vào lều. Tôi run bần bật vì lạnh. Màu nước bạc dâng lên trong đêm. Cánh đồng xanh mượt hôm nào giờ đây trắng một màu u ám.
Sau mấy ngày đêm, nước mới chịu rút khỏi cánh đồng ngập ngụa. Nước rút hết rồi, trơ lại những vũng bùn non nhão nhoét, tanh tưởi, những ụ rác lều bều trôi trong lũ vắt vẻo bíu lấy những ngọn cây. Cánh đồng sau lũ xác xơ, tiêu điều. Cánh đồng cỏ xanh ngắt, trù phú giờ trơ trọi những gốc cỏ thối mục, buồn như khoác áo tang.
Mắt người đàn ông chuyển từ màu cỏ úa sang xám xịt, xám như cánh đồng sau lũ. Ông khóc, những giọt nước mắt chảy dài trắng bạc như nước lũ. Tôi biết, ông không thể sống thiếu cỏ, ông đang cần chúng để dệt những bức thơ. Những bức thơ là linh hồn của ông. Nhìn ông, tim tôi nhói lên, không phải cơn nhói của căn bệnh tim mãn tính. Tôi cũng khóc. Những giọt nước mắt của tôi chảy dài, ướt bệt cả mái tóc xanh. Mái tóc xanh, những sợi tóc xanh như cỏ của tôi, ừ nhỉ. Sao tôi không nghĩ ra. Tôi hăm hở nhổ từng cọng tóc của mình. Từng cọng, từng cọng. Tóc tôi xanh màu cỏ, mái tóc đang thì con gái mượt hơn cỏ tươi trên thảo nguyên, mềm dai hơn chỉ, ngọt ngào hơn mật, thơm ngào ngạt hơn hương sữa. Đầu tôi chỉ nhói lên một chút, một chút thôi, không sao cả. Sá gì. Tôi hăm hở đưa những cọng tóc cho ông, mắt ông thoáng ánh nghi ngại, cho tôi hiểu chẳng nên hy sinh và đày đọa bản thân mình như thế. Tôi khẩn thiết, van vỉ ông hãy nhận những cọng tóc của mình. Những cọng tóc dâng hiến, tôn thờ và trái tim nó đang run rẩy. Cho ông hiểu rằng, nếu ông từ chối nó, tôi sẽ rất buồn và có thể đâm ra hoảng loạn. Tôi vốn đau tim và còn lắm chứng bệnh nan y khác. Người đàn ông đón những cọng tóc của tôi và lại hăm hở dệt những bức thơ. Những bức thơ lạ lùng không phải từ cỏ mà từ những cọng tóc con gái, xanh mượt, ngọt ngào, thơm lừng, một bức thơ hoàn mỹ nhất trong các bức thơ ông đã từng dệt. Người ông lại xanh mướt, sức sống của ông đã tràn về không còn màu cỏ úa. Tôi sung sướng vô cùng, sự hy sinh của mình đã không uổng. Miễn là ông vui, miễn là ông dệt được những bức thơ. Những bức thơ lạ lùng đến giờ tôi vẫn không hiểu. Tôi chỉ mong một ngày ông giải mã cho tôi.
Tóc trên đầu tôi có hạn, tôi đã nhổ đến cọng cuối cùng và hết. Tôi không còn tóc để nhổ và người đàn ông cũng chẳng còn có tóc để đan. Người ông lại ngả sang màu cỏ úa. Mắt ông lại đục như màu nước bạc của lũ. Tôi biết, nếu không có cỏ hay những sợi tóc tôi để dệt thơ, ông sẽ không còn sức sống. Nhưng biết làm sao, cánh đồng sau lũ vẫn trơ trọi những gốc cỏ mục thối. Cánh đồng chưa thể hồi sinh. Người đàn ông chuyển màu xám dần, xám dần rồi tan vào những gốc cỏ. Căn lều của ông, những bức thơ của ông cũng chuyển màu xám dần xám dần rồi tan vào những gốc cỏ mục thối. Tôi bơ vơ giữa cánh đồng cỏ mục thối. Cánh đồng chết. Tôi lặng lẽ nhìn về phía bên kia dòng sông, ở đấy cuộc sống vẫn hàng ngày diễn ra sôi động, tấp nập đều đặn theo một quy luật, có Thái, có ngôi nhà hạnh phúc của anh, có người giúp việc câm và con chó thấy khách lại gầm gừ. Tôi bỗng nhớ Thái da diết, tôi đã không đúng với anh. Tôi đã để anh phải lo lắng vất vả khổ sở kiếm tìm. Điện thoại của tôi đã lâu chẳng còn rung lên, nó đã hết pin. Bây giờ, anh ở đâu? Giá như điện thoại tôi còn dùng được. Tôi lại băng qua cánh đồng hoang tàn, rẽ dòng sông đục ngầu phù sa trở về với cuộc sống. Đôi chân trần gót nứt nẻ của tôi giẫm lên những hòn đất trồi sụt, giẫm lên những vũng bùn non nhão nhoét, tôi rời xa cánh đồng tìm về căn nhà kín cổng cao tường có ba lớp cổng với những cọc sắt hàng rào nhọn hoắt. Tôi đang cần tìm thấy sự ấm cúng ở đấy.
TRẦN TRUNG SÁNG