Họa sĩ Phan Ngọc Minh và “Tự họa với Shiva”- Một chặng khác - trên Con Đường

07.09.2009

Họa sĩ Phan Ngọc Minh và “Tự họa với Shiva”- Một chặng khác - trên Con Đường

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
 

Nếu nghệ thuật là cái mà con người đã “thêm vào” giới tự nhiên và sau đó, khi con người đã quên đi, thì nghệ thuật, một lần nữa, tạo ra sự sống lại của thời gian.

Với họa sĩ Phan Ngọc Minh (PNM) - người mà hơn mười năm trước, giới thưởng ngoạn mỹ thuật đã biết đến qua những tác phẩm về Hội An và Mỹ Sơn, khi hai địa chỉ này còn chìm dưới lớp bụi quên lãng của thời gian -  nghệ thuật là tình yêu của sự lãng quên. Và tình yêu ấy có cội rễ từ hai mảnh đất Việt - Chăm : những bức tranh bút sắt sống động về một ông tổng đánh trống, một người thổi kèn, một cụ bà bán hàng rong ở phố cổ. . . ; những bữc tranh sơn dầu chứa đựng ánh lấp lánh của bóng tối về sự câm nín của một mảng tường rêu ở Hội An hay điệu múa thần linh chập chờn ký ức trên điêu tàn nền gạch - đất Mỹ Sơn. . .

Thường thấy trong tranh PNM những sắc cực đoan như đỏ - đen. Tất nhiên, còn có những sắc chuyển tiếp: xám, trắng nhẹ. . . Và những hình khối vuông  tròn. . . Đấy là những biểu tượng của căn ủy dòng sống (bức Ký ức Chăm). Và những đối cực tâm lý : đau buồn và hân hoan, sự tuyệt vọng và niềm tin (bức Nhịp điệu thời gian). Ở những bức tranh này, có thể thấy được sự hài hòa giữa màu sắc, hình khối và cấu trúc. Nhất là cấu trúc : các khối hình xuất hiện ở bề ngang và bề đứng như những vị thế vừa đối lập, vừa quân bình. Hay nói cho đúng hơn : an trụ trong sự chông chênh..

Nhưng, về mặt thăng tiến trong đời sống nội tâm của chính tác giả, những bức tranh ấy, hơn mười năm trước, mới chỉ là những biểu hiện đầu tiên cho những dự cảm của PNM : người nghệ sĩ vốn có cái tố chất thấu thị; nhưng khả năng ấy phải được nghệ thuật mài giũa để đến một lúc nào đó, năng lực ấy mới trở thành sức mạnh sáng tạo: xin nói về những tác phẩm gần đây của họa sĩ.

Mười lăm năm trước, một lần, tôi đã nói với Minh về chỗ đứng chưa rõ nét của những con - người - bình - thường trong những bức tranh sơn dầu của anh. Khi ấy, với Minh, họ “. . . mới chỉ hiện lên trong tranh  như một tất yếu còn mù mờ”. Giờ đây, những tìm kiếm nghệ thuật đã dẫn anh đến với tiếng kêu gọi của cuộc sống trần trụi qua hơn 20 bức tranh mới nhất (chất liệu tổng hợp trên vải) có chung chủ đề mang tên “Tự họa với Shiva”. Trong Ấn Độ giáo, nếu thần Víshnu tượng trưng cho sự bảo tồn, thần Brahma (thần Sáng tạo, có ý nghĩa sinh thành), thì Shiva là thần hủy diệt và tạo dựng. Không là tín đồ Ấn giáo, cũng không là người “làm công tác” về văn hóa Chăm, PNM chỉ là “người cầm bút vẽ yêu cái đẹp” qua những chuyến “đi lùi” về một quá khứ huyền thọai và đầy hoan lạc. Và sau hơn 20 năm, khỏang thời gian không ngắn cho cuộc rong chơi dài, tại sao bây giờ, anh lại đứng trước sự ám ảnh của Shiva (hủy diệt - để tái tạo)? Có phải chính cuộc sống này đã không cho phép anh đi mãi vào thế giới lãng quên kia nữa? Đã “tạm đủ” rồi, cho những ước muốn nghệ thuật của những ngày tháng ấy. Bây giờ, thì Nàng Thơ lại kêu gọi anh (hay chính anh, thêm một lần tự vấn ), để quay lại với những ưu tư trước ngày  hôm  nay. “Tự họa với Shiva” là điệu múa của một thứ ý thức muốn chiếu dọi vào thực tại trên cái nền những tiếng trống bập bùng của hiện thực. Trong ý nghĩa ấy, họa sĩ đã từng bộc lộ: “Chúng ta mắc nợ quá nhiều từ đời sống, từ lịch sử, văn hóa. . .”. Tất nhiên, PNM tìm cách “trả nợ” theo kiểu thức của người nghệ sĩ. Đã trả được món nợ (đối với tất cả những ai biết đón nhận sự trao tặng từ quá khứ) ấy chưa? Không biết. Không cần biết. Và cũng không cần thiết. Vì, nghệ thuật không phải những lời đáp trực diện. Hay nói đúng hơn, “tự họa” đã chính là câu trả lời, trong mọi hình thức sáng tạo.

Đoạn trên, đã nhắc đến “sự thăng tiến về đời sống nội tâm” của họa sĩ. Và mong, “Tự họa với Shiva” chính là, thêm một bước quay trở lại, nhìn thật tường tận khuôn mặt cuộc đời, để rồi, sẽ chia - tay - mà - gặp - lại chính đời sống.

Vì sao? Bởi vì, PNM đã từng thâm cảm : các nghệ nhân Chămpa xưa là những đạo sư - nghệ sĩ : sự tận hiến cho lẽ Đạo lẽ Đời, thông qua sáng tạo.

Điều sau cùng muốn nói về PNM, với PNM: Đằng sau những bức vẽ của anh, tôi vẫn nhìn thấy, thấp thóang nét cười mơ hồ của thần Kala (thần thời gian). Thời Gian, nơi lưu giữ - che giấu - hiển lộ tất cả. Đang hiện ra như một Câu - Hỏi - Lời - Đáp.

Và, cái bóng nhẫn nại của người họa sĩ.

Trên Con Đường. . .

                                              16.6.2009

                                                N.Đ.N