Khung nhạc xuân
Công việc kết thúc khi hoàng hôn xuống. Chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Lệ Nim, khu cao nhất Bà Nà. Đang chuyện trò bên bàn ăn thì điện tắt phụt. Quản lý khách sạn báo mất điện với ai đó qua điện thoại trong khi cô lễ tân châm nến và đưa cho chúng tôi, mỗi phòng một cây. Mấy cô cậu trẻ chậc lưỡi tiếc lỡ tập phim, trận bóng khuya… Tôi nhớ thời bao cấp điện cúp liên tục, ngày nào không là được ân sủng. Trụ điện thì thấp tè, nghiêng vẹo, chằng chịt dây vậy mà có thành ngữ “đứng đắn như trụ điện”!
Để dành nến khi về phòng, chúng tôi lên sân thượng. Sương mù như tấm kính mờ khổng lồ vừa được dựng lên, ánh đèn ngay dưới ban công cũng đùng đục màu nước lũ. Mỗi khi màn sương dạt theo gió, thành phố dưới chân núi hiện ra như một khối kim cương khổng lồ, lấp lánh. Ánh điện hắt lên soi rõ mặt người trên độ cao gần ngàn rưỡi mét. Mấy cô cậu trẻ reo như bắt được vật quý. Cô lễ tân nói tối nào cũng được ngắm nhìn nên sau bão Xangsane, thành phố chìm nghỉm trong đổ nát và Bà Nà chìm trong màn đêm đúng nghĩa, tối như mực. Mỗi tối thêm một khu vực có điện là thấy thành phố đang sống lại từng phần, từng phần...
Tôi không được chứng kiến cơn bão đổ bộ vào Việt
Cái lạnh theo màn đêm đặm lại. Chúng tôi về phòng. Không gian tĩnh lặng, ánh nến lung linh nhưng vẫn thấy thiếu hụt một chương trình thời sự, một game show quen thuộc. Bỗng điện bừng sáng, tiếng reo cười rồi tivi vang lên. Điện được sửa chữa thế nào trong điều kiện núi dốc như thế nhỉ?
Anh Lê Văn Thuận, Chi nhánh trưởng chi nhánh Điện Khu vực II, khu vực có đường điện Bà Nà nghe tôi hỏi vậy, cười: cáp treo Bà Nà đang giữ hai kỷ lục Ghi-nét thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất và có độ chênh lệch ga trên và ga dưới lớn nhất, có nghĩa đường điện cũng ăn theo kỷ lục đó. Nhưng không thể leo núi sửa chữa trong thời gian ấy, ít nhất phải một buổi. Đấy là do chim đậu gây ngắn mạch, nhảy máy cắt. Tổ khắc phục sự cố kiểm tra trạm biến áp An Lợi dưới chân núi Bà Nà thấy chỉ mất một pha, có khả năng khôi phục được nên Điều độ Công ty cho phép đóng mạch. Anh Thuận nói sự bình yên, non nước hữu tình và nằm trên con đường di sản văn hóa miền Trung mà nhiều sự kiện trọng đại được tổ chức tại Đà Nẵng và vì thế Điện lực Đà Nẵng được ăn theo trách nhiệm! Khu vực Chi nhánh II quản lý có khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Thanh Vinh, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ. Nhánh Hải Vân có trạm Vi-Ba, Đài Thông tin Duyên Hải cứu hộ cứu nạn trên biển của miền Trung, trạm tiếp sóng Mobifon, VNPT… là những nơi cần nguồn điện liên tục. Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế và khánh thành cáp treo Bà Nà với hai kỷ lục Ghi-nét vào ngày 27/3/2009 nhưng trước đó, ngay sau tết Nguyên Đán, cán bộ và công nhân Chi nhánh đã được Ủy Ban Thành phố gặp mặt đưa ra kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn cho cáp treo. Chi nhánh đã cắt điện để giải tỏa mặt bằng và có điện cho sản xuất ở khu công nghiệp Thanh Vinh và mỏ đá Sơn Phước, nơi cung cấp đá làm đường. Trực chiến 24/24 và hoàn thành đúng kế hoạch. Không chỉ vậy, anh Thuận nói, ngày Thế giới không dùng điện đúng vào ngày Đà Nẵng thi bắn pháo hoa Quốc tế, vì vậy chúng tôi chỉ cắt điện cục bộ, những nơi không ảnh hưởng đến lễ hội, nhắc khách hàng giảm số đèn dùng cho biển trang trí, quảng cáo. Không ngờ dung lượng điện giảm 10MGW/145MGW so với hàng ngày!
Bạn bè tôi ở nhiều tỉnh về xem thi pháo hoa Quốc tế đều tấm tắc thành phố trẻ, năng động. Họ rất ấn tượng bởi thành phố không có người ăn xin, đi đầu trong nâng chuẩn người nghèo, nhiều công trình giữ những con số độc đáo. Đường phố rất đẹp, rực rỡ ánh điện…
Anh Thuận nói địa bàn chi nhánh nhỏ nhưng nhiều đặc thù, núi cao luôn có sương mù, có mưa là có lũ trong khi tiêu chí “giữ bình yên dòng điện” bao hàm vận hành an toàn (cho người và thiết bị) và tin cậy (liên tục, không bị gián đoạn). Các loại sự cố thường xảy ra theo mùa. Quý I thời tiết ôn hòa, sản xuất ít nhưng dân cư tập trung về ăn Tết đông, điện sinh hoạt lớn. Lúc này cũng là mùa chim làm tổ, bay về nhiều và đặc biệt chúng thường đậu vào mỏ phóng gây ngắn mạch, nhảy máy cắt. Quý II sản xuất tăng, thành phố vào kỳ chỉnh trang, xây dựng nên bụi bám đường dây gây dẫn điện, mưa dông thường làm sứ nứt vỡ do nhiệt độ thay đổi đột ngột. Rồi phụ tải tăng cao do nóng, không vệ sinh, bảo dưỡng đường dây, đặc biệt là các vị trí có lắp đặt đo đếm cao áp sẽ dễ dẫn đến cháy kẹp đai nối hoặc quá tải biến áp. Mùa thu Đà Nẵng vẫn nóng, sinh viên các trường đại học tựu trường. Mùa đông mưa dầm, bão lũ, cây ngã vào đường dây, đổ trụ. Cho nên hết phát quang, kiểm tra cổ sứ, tần suất ngày và đêm, sơn tủ điện, thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp, đo nhiệt độ tiếp xúc mối nối với các XT (điểm xuất tuyến)… Coi như tứ quý, chưa nói đường điện còn nhiều việc phải làm để bảo đảm kỹ, mỹ thuật.
Anh Sơn, phó chi nhánh nói: 4 xã núi và ven núi, Hải Vân đệ nhất hùng quan, Bà Nà đứng đầu độ chênh trong Ghi-nét, khu công nghiệp và nơi đông dân như Hòa Khánh - Liên Chiểu nhưng chỉ có 20 người vừa quản lý vừa xử lý sự cố. Không chỉ khó khăn trong vận hành và bảo dưỡng, điện lực là ngành kinh doanh rất đặc biệt. Bán điện nhưng không có việc tiền trao cháo múc mà tiền chưa trao đã mời “ăn”, cả tháng sau mới xin tiền. Vậy mà nhiều khi bị mắng vốn, điện quá tải, át-tô-mát tự cắt cũng bảo ngành điện tùy tiện. Có trường hợp cắt điện vì sau khi gửi thông báo cắt điện vẫn không đến nộp tiền, thế là gọi điện về chi nhánh la om sòm rồi đe “báo sở” rồi “điện lực độc quyền” trong khi giá điện nước ta vẫn thấp nhất trong khu vực, ở nông thôn vẫn dưới giá thành… Có khách hàng mỗi tháng cả tỷ đồng (khu công nghiệp) vẫn ngâm nợ, phải nói nhẹ, chủ nợ nhưng phải nài nỉ con nợ!… Rất mừng là anh em tự tìm niềm vui trong công việc.
*
Phó chi nhánh phụ trách kỹ thuật Phan Hiền Trí đứng trước sân với gần chục người áo quần màu da cam, xung quanh là dao rựa, kìm búa, máy nổ, dây… Phong cách như tên gọi, Trí nhỏ nhẹ: xây dựng nhà máy đã rất khó khăn nhưng vận hành an toàn gian nan không kém bởi nó đòi hỏi tính an toàn và tính liên tục trong lúc luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường. Bà Nà và Hải Vân là hai nhánh có đường dây đi trên địa hình phức tạp, quản lý rất khó khăn.
Một người của Công ty mỏ đá Sơn Phước vào xin làm thủ tục cấp kế hoạch điện hàng tuần. Hướng dẫn xong Trí nói: chúng tôi đang xây dựng Công ty với tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, báo kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng cho khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất. Song song với việc bảo đảm điện bằng phương án hoán chuyển, nâng dung lượng và chống quá tải phục vụ các dịp lễ tết là tuyên truyền tiết kiệm, thay tuýp hỏng bằng bóng tuýp gầy.
Điện thoại vang lên. Trí xin lỗi vì phải đến Nhà máy nhiệt điện Cầu đỏ thực hiện buổi diễn tập. Hóa ra những người trước sân là đội xung kích đang chuẩn bị cho diễn tập. Đội mũ bảo hiểm, Trí ra xe, những người thợ cũng lên xe. Tôi xin phép đi cùng. Vừa nổ máy, Trí vừa hỏi dao rựa, áo phao và máy móc gì đó. Người phụ trách nhóm xung kích báo đủ. Xe hướng về Hòa Cầm. Tôi hỏi Trí: xếp tự lái xe đi công vụ cũng là một chuẩn của văn hóa doanh nghiệp? Anh cười: trưởng, phó các chi nhánh đều biết lái xe, đó là luật bất thành văn. Buổi diễn tập hôm nay lái xe Chiến cũng có trong đội xung kích. Trí nói những năm trước diễn tập tại chi nhánh nhưng năm nay tập trung ở Nhà máy Điện Cầu Đỏ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão yêu cầu ứng cứu. Với số km từ Chi nhánh đến Nhà máy Điện Cầu Đỏ xe đi bao lâu (thời gian tính từ cuộc gọi mà Trí nhận), lực lượng xung kích có đúng yêu cầu tình huống không, thiết bị, dụng cụ có phù hợp và đầy đủ với công việc không…Tình huống của Chi nhánh II là mưa bão làm cây ngã đè lên đường trung áp XT471TH, yêu cầu huy động chặt cây tách khỏi đường dây. Anh Trung, xung kích viên nói tình huống này là trúng chóc. Hồi bão Xangsane, dự báo rất mạnh nên tụi tôi được lệnh phát dọn, cưa cành, cắt điện những nơi có nguy cơ, nơi nào cần thì cho mượn máy nổ. Giao ca xong thì bão vào. Gió rít ào ào nhưng tôi phải về nhà lo cho vợ con. Cứ đi được năm mét thì xe vòng lại năm mét. Gió rít như cưa sắt, vặn cả cổ xe, phải rạp mình rù ga hết cỡ. Đến nhà đúng lúc gió mạnh nhất, tôn liệng như ném dĩa, phải nép chờ. Gió vừa lặng chạy vào đến nhà thì gió lại rít, tôn lại bay vèo vèo. Tối ấy vợ chồng tôi đưa nhau sang nhà ba má ngủ để nhà cho hàng xóm, xung quanh nhà thì sập, nhà bị lột hết tôn. Lúc đó Trí đang ở Chi nhánh Điện Khu vực III ở Mỹ Khê. Tháp ăng-ten cao 30m chân đế rộng 5m, lừng lững như tháp Ép-fen mà buloong chịu lực nổ đôm đốp rồi đổ cong như bún. Anh nói có thể do ảnh hưởng địa hình mà Chi nhánh Điện Khu vực II bị tàn phá mạnh nhất: nhà sập, hỏng máy biến áp, loại máy này rẻ nhất cũng 20 triệu đồng một cái. Trụ điện đổ theo hiệu ứng đôminô và theo sau là vô số “hiệu ứng”: hỏng biến áp, vỡ sứ, dây điện nằm trên đất, máy phân định khu vực (loại máy khi có sự cố, đèn chỉ thị đỏ trong 30 phút và thợ sữa chữa theo sau đèn tìm điểm xảy ra sự cố nhanh, lắp năm 2003) thì hỏng hết. Dân chờ điện và việc dây điện nằm trên đất rất khó bảo quản. Vì vậy nước đang trắng đồng vẫn dựng trụ. Ngoài khu công nghiệp Hòa Khánh nước ngập đến cổ, phải lặn hụp mà móc xích, dùng tời thủ công kéo trụ lên rồi néo tạm 4 góc, nước rút mới gia cố chân trụ. Độ nghiêng cho phép là 50 nhưng dựng thủ công với bốn bề nước thì hơn đánh vật. Cây cối gãy đổ, máy cưa chạy đến nỗi xạc xích, hỏng bình lọc dầu, mòn trục cơ. Dọn mặt bằng mới dựng trụ, thay sứ, kéo dây... Anh Nguyễn Chí Thành tổ trưởng tổ khắc phục sự cố (D2) lúc đó nói: nhà ngập, vợ chồng con cái khiêng xe qua chuồng heo xẻ vườn sau nhà mà đi. Lên đến nơi “dính” luôn, từng nhóm ba hoặc bốn người độc lập tác chiến. Nguyên tắc làm việc của D2 là trực tiếp với Phòng Điều độ Công Ty (B35) nhưng vì cả thành phố đổ nát, lệnh gọi đến B35 luôn đầy ứ nên phải làm việc với Trưởng Chi nhánh hoặc Phó phụ trách kỹ thuật rồi Chi nhánh tổng hợp, 2 hoặc 3 giờ làm việc với B35 một lần. Mục tiêu là có điện cho từng xuất tuyến (nhánh điện) nên ba đến bốn nhóm trên cùng một đường dây, vì thế càng phải khớp lệnh, nếu không muốn “nướng” quân. Nước ngập, không điện, không củi, cứ nhai mì tôm sống uống nước mà làm đến 12 giờ đêm, mười ngày như thế. Còn sáng mờ mắt đi cho đến tối thì cả tháng ròng. Lên điện hết thành phố rồi mới quay sang dọn nhà mình.
Xe vừa kịt lối đi nhà máy mọi người nhảy xuống mở cửa sau lấy áo phao, dây Balan, thước tiếp địa, túi thiết bị, máy phát điện… đưa vào bãi diễn tập. Xếp hàng điểm danh: 12 người, đủ quân! Trí đánh xe vào sân rồi vào ngay.
Trên bãi đất rộng cuối nhà máy, chiếc xe cẩu tải và xe gàu đặc chủng chuyên xử lý sự cố của ngành điện đã dựng xong trụ. Hai người thợ leo lên gàu. Tình huống của chi nhánh họ là bão gây đổ trụ 2 pha, nổ máy biến áp. Sau khi dựng trụ họ thực hiện thao tác bắt xà, lắp sứ. Nắng trưa nỏ lửa, bộ đồ màu cam đẫm mồ hôi trở màu nâu sậm. Cách chừng 10m, máy quay, ban chỉ huy, nhân viên y tế áo blu trắng... Tất cả đều im lặng theo dõi.
Phân xưởng Điện Cầu Đỏ diễn tập tình huống nước ngập gian máy I, mất điện tự dùng phải chạy máy phát Skoda. Đội xung kích phải bơm hút dầu nhờn carte các máy phát để tránh hư hỏng nhờn. Đặt bao cát chặn, đặt máy bơm bơm thoát nước. Rồi tình huống nước ngập hầm cáp; bảo vệ so lệch MBA 11V, cấp cứu tai nạn điện và ngã cao… Dưới nắng trưa, người nào cũng đẫm mồ hôi.
Anh Cương, trưởng phòng tổ chức của Sở Điện lực cũng đứng dưới nắng theo dõi. Anh nói tình huống thực, xử lý thực, theo phương châm phòng chống lụt bão: 4 tại chỗ. Các thao tác được máy quay ghi để ban Giám khảo xem lại lần nữa và kết luận. Vùng rốn thiên tai mà điện lực là ngành không được phép sơ suất, dù chỉ phần nghìn giây!
*
Phó Chi nhánh Phan Hiền Trí giới thiệu Võ Quang Hùng, tổ trưởng tổ khắc phục sự cố. Bộ đồ màu cam và dáng rắn rỏi của Hùng gợi tôi liên tưởng đội bóng đá Hà Lan. Đã trưa nên tôi bấm số di động của Hùng để liên lạc đi theo ca thì máy anh hụ lên âm thanh như còi xe cấp cứu. Tôi bật cười: cơn lốc màu da cam mà vẫn xin nhường đường sao? Hùng bảo: suốt ngày trên xe phải còi này mới nghe.
Ca II bắt đầu lúc 15h. Một cơn mưa bất ngờ làm tôi đến chậm 5 phút, gọi Hùng đã nghe nói đang khôi phục lưới điện ở trạm rẽ nhánh Bách khoa 474E9. Tôi đến thấy Hùng đang kê giấy trên yên xe máy ghi rồi bấm bộ đàm báo Ban Điều độ xin tháo dây tiếp đất để đóng mạch điện. Phiếu thao tác ghi rõ bậc an toàn Quang Hùng 5/5, Phi Hùng 4/5. Lê Phi Hùng, người cùng ca với anh đang lục cái túi lỉnh kỉnh dây điện, búa kìm, cờ lê, ti đặc chủng… lấy dây bảo hộ đeo rồi buộc thêm sợi dây dù vào thắt lưng. Di động reo, Phi Hùng bật máy “D2 nghe…” rồi ghi: 293, Âu cơ, 3738749 và giờ phút nhận báo mất điện.
Được lệnh từ Ban Điều độ, Phi Hùng trèo lên dùng thước tiếp địa tách dao cách ly. Thước tiếp địa có ba chấu, dao cách ly có ba dây móc lại vướng thanh xà, sứ, dây điện nên Hùng phải đổi tư thế, nhẹ nhàng tháo từng dây, phải mười phút sau mới xong. Cuộn dao cách ly, dây tiếp đất, bảng báo hiệu nhét vào túi, hai người đến chỗ đóng cầu dao điện. Lại gọi, lại ghi…Di động reo, Phi Hùng lại mở sổ, điểm mất điện là đường Nguyễn Khuyến. Tôi hỏi sao phải kềnh càng cả di động và bộ đàm? Hùng bảo di động thông dụng, khách hàng liên lạc tiện còn bộ đàm là yêu cầu bắt buộc vì bộ đàm không phải bấm nhiều số. Hơn nữa, Điện lực đăng ký với Cục tần số một “tần số sạch”, không mất thời gian chờ, dùng bộ đàm thì một người nói là tất cả mọi người trong hệ thống tần số (Ban điều độ) đều nghe và biết lệnh cắt hay đóng điện.
Điểm khôi phục thứ hai ở Nhà máy thép DANA - Ý. Chúng tôi đi xuyên qua khu công nghiệp Hòa Khánh sang khu công nghiệp Thanh Vinh. Quang Hùng chở, Phi Hùng vác thước tiếp địa. Tôi bảo trông như vác đinh ba của Trư Bát Giới. Hùng cười: nửa đêm đi, gà gáy đi, qua tha ma, qua nghĩa địa, trèo rừng lội suối, hai giờ chiều ăn trưa, chín giờ đêm mới ăn tối, mười giờ đêm giao ca nhưng có khi xử lý sự cố hai ba giờ sáng mới về đến nhà. Thỉnh kinh cũng chỉ đến thế! Tôi hỏi đi đêm có sợ? Hùng lại cười: chỉ sợ tư thế nằm. Trụ nằm, dây nằm là mình phải lồng lên. Cứ phải đứng đắn như trụ điện, cứ phải vắt ngang trời!
Vừa qua trận mưa khá lớn, nước vẫn đóng vũng, lối vào nhà máy lầm đất. Gỡ dao cách ly, đóng điện, bàn giao cho tổ trưởng tổ điện Nhà máy nhưng chờ hòa lưới điện nhà máy xong Hùng mới lên xe đến địa chỉ người báo mất điện. Anh nói hôm nay có hai vụ, vậy là nhàn chứ thường chạy hết tốc lực. Nhìn thầy trò len lỏi trong hẻm nhỏ tôi hỏi có khi nào “tận dụng” sự cố, đi ngang về tắt không? Có chớ. Xăng xe nằm trong lương thưởng càng phải đi ngang về tắt chớ - Hùng cười nói tiếp: điều độ điện lực ăn ngành dọc. Điều độ miền là A1, A2 rồi xuống Công ty là B… Tụi tôi hạng chót, D2, nói gọn là “dê”. Tôi là “tổ trưởng tổ dê”, tổ khi nào cũng bắt mặt nhìn lên đường điện tìm sự cố. Nhìn lên miết thành bệnh nghề nghiệp vậy mà các cô không biết cho lại nói làm bộ! Rồi bộ đồ da cam này đến đâu ai chẳng biết! Rồi chạy như cơn lốc... Toàn người thật việc thật đó chị!
Tôi bật cười khi nhớ âm thanh cấp cứu hụ lên trong phòng Phó chi nhánh Phan Hiền Trí. Bản báo cáo công tác quản lý kỹ thuật quý I/2009 ghi số đường dây trung áp 22kV là 237,269 km, hạ áp 234,501km, tuyến cáp quang, cáp đồng đôi cho dịch vụ Etel... Tất thảy là 501,763 km. Cũng trong báo cáo quý I có 35 lần sự cố với lưới trung áp, 13 lần với hạ áp, 2 lần với trạm biến áp, chưa kể sự cố điện dân dụng! Tổ trực sự cố 9 người, chia ba ca, tha hồ mà cuốn như cơn lốc.
Xử lý xong Hùng đưa tôi ra đường số 5, đường lên Bà Nà - Suối Mơ còn tươi nhựa. Đến trạm rẽ nhánh đi Hòa Phú, anh dựng xe dưới vệ đường đi xuống chân trụ. Phải tìm chỗ đặt từng bước chân nhưng giày tôi vẫn bết bùn. Hùng chỉ đường dây điện chạy mút rừng: vậy đó, tính độ dài theo đường chim bay với ngành nghề tụi tôi là chính xác nhất. Tiêu chí dựng trụ là đảm bảo kỹ thuật song song với việc đi đường ngắn nhất cho đỡ tốn kém. Sau anh em cứ theo đó mà băng rừng lội sông kiểm tra chim có đậu “đất lành”, cành lá có… la đà không mà xử lý. Sáng nay tuyến này bị nhảy máy cắt, anh em theo đường dây lội rừng “mới” 9 cây số thì phát hiện một con chim Mắt cắt đậu vào mỏ phóng, gỡ xuống đã ba giờ chiều. May mà đất lành, mới 9 cây đã đậu chứ nó bay đến trụ 104, giáp huyện Hiên của Quảng Nam thì còn “làm thơ” với cái bụng rỗng mệt nghỉ! Công đâu lội rừng ra ăn rồi lội lại? Xe máy cũng khóa còng bánh trước vất đấy, ra mới biết còn hay mất thôi. Mà chẳng chờ sự cố, ở tại phòng trực cũng qua giờ cao điểm mới ăn, cơm trưa một giờ chiều, cơm chiều 8 giờ tối. Là quy định sao? Hùng cười: chẳng quy định nhưng phải vậy chứ vừa bê ra mà có sự cố thì bỏ luôn. Hùng chỉ dãy trụ thẳng băng giữa đồng lúa bảo: hồi bão Xangsane chỗ này nước ngập đến cổ, phải lặn hụp mà móc xích, dùng tời thủ công kéo trụ lên rồi néo 4 góc, nước rút mới gia cố chân trụ. Phi Hùng cười, được dự báo là cơn bão cực mạnh nên chỉ duy trì điện ở những nơi thật cần thiết, có nơi cần nhưng vẫn cắt mà cho mượn máy nổ còn cả tổ đi phát chặt cành nhánh, sa thải điện… Năm giờ sáng về nhà, má em ra mở cửa vừa khóc vừa quát: mưa gió, cây cối đổ rầm rầm sao giờ mới về? Trước bão vậy ai ngờ sau bão đi khôi phục mút chỉ, cả tháng. Thế nhưng máy phân định khu vực thì đến nay vẫn chưa có thay thế nên lại phải “mắt thịt” của người trần, cứ dọc theo đường dây, ban đêm thì thêm cây đèn pin mà soi tìm! Quang Hùng bảo nắng cháy mặt nhưng vẫn đỡ hơn mưa. Mưa kéo theo nhiều việc: nước dâng thì rắn, chuột leo lên trạm biến áp, gây nổ biến thế. Cột điện trơn trèo đã khó, đôi chỗ không có lỗ đút ti làm bàn đạp thế là gồng người lên, trèo lên tuột xuống rồi lại trèo lên, cho nên sau khi thao tác xong là thả lỏng tay cho tuột đến đâu thì tuột! Nối dây bọc cách điện nguyên lý là không cho nước xâm nhập vào bên trong nên phải dựng bạt che rồi mới nối. Rồi vắt rừng ngóc dậy… Cứ đi, cứ làm, ra đến đường mới cởi áo gỡ vắt.
Tình cờ tôi biết Võ Quang Hùng từng đi xuất khẩu lao động. Năm năm ở nước ngoài được lên hai bậc nhưng khi về anh trở lại điểm khởi đầu để Một, hai! Một, hai!... Hùng nói: bằng cấp nước ngoài chẳng bằng của mình đâu. Năm nào cũng bão lũ, chỉ riêng cơn bão Xangsane cũng đủ tột bậc! Từ khi tách chi nhánh điện Thanh Khê, tổ khắc phục sự cố được trẻ hóa. Hùng chỉ chiếc xe: đấy, “ngựa sắt” cũng chỉ đến đây là nằm chứ đâu có “phi” được nữa, gối mỏi chân chồn sao đọ dốc cao vực sâu, tôi mới 47 nhưng đã là “già làng” của tổ!
Khuôn mặt cháy nắng càng rõ nụ cười của Hùng làm tôi nhớ đến câu nói của anh Sơn: rất mừng là anh em tự tìm niềm vui trong công việc... Tôi hiểu vì sao Ban lãnh đạo Sở Điện lực và Chi nhánh lại giới thiệu họ với tôi.
Mây trắng vắt ngang rừng chiều xanh thẫm. Trời trong rõ tháp Vi-Ba trên đỉnh Hải Vân, rõ cả biệt thự trên đỉnh Bà Nà. Đường điện lên mút đỉnh núi cũng rõ và thẳng băng như khung nhạc. Anh Thuận nói cáp treo Bà Nà có nguồn diesel dự phòng với công suất hai máy 1000 KVA, sau 5 phút là có điện. Nếu nguồn điện hỏng thì hệ thống thủy lực vận hành đưa khách về ga. Thế nhưng đó là phương án dự phòng, hiện Thành phố đang cho xây dựng kế hoạch đường dây Bà Nà đi riêng, ngay từ trạm DT602, để không phải mất thì giờ, dù chỉ 5 phút! Kế hoạch đang lên nhưng trước hết là tăng cường kiểm tra, thay sứ đỡ, vệ sinh sứ chuỗi và phát quang hơn 20km đường nội vụ. Bảo vệ thương hiệu là đó, văn hóa doanh nghiệp là đó.
Nhìn bộ áo màu da cam, tôi bảo tối nay có trận bóng tranh cúp C1 của M.U và Barxa, trực ca đỡ mệt mỏi. Phi Hùng cười: không đâu, phòng trực không tivi, không radio, phải ngồi bên máy bộ đàm, hễ đâu báo trục trặc là vù ngay. Nói chung là…đứng đắn như trụ điện!
Hoàng hôn đã buông nhưng ở một chợ nhỏ phía ngoài khu công nghiệp Thanh Vinh rất nhiều hoa trái và người mua tấp nập. Từng nhóm công nhân, tay túi quả, tay bó hoa cúc vàng rực. Đúng rồi, mai tết Đoan Ngọ...
Di động của Hùng hụ lên. Nghe xong anh nổ máy rồi tăng tốc. Tôi nhìn con đường mới với sáu làn xe, hàng phi lao giữa con lươn và hai dãy muồng kim phượng bên đường vừa tỏa bóng rồi nhìn lên đỉnh Bà Nà. Cô gái ấy vẫn ngắm thành phố như ngắm một khối kim cương khổng lồ. Tôi muốn nói với cô rằng trong khối kim cương ấy có người áo vàng da cam. Giờ đây, giữa chiều tím, giữa màu xanh cây lá và áo công nhân trông như một nốt nhạc lặng.