Vài kỷ niệm với Đoàn Vũ trang tuyên truyền văn nghệ

05.07.2021
Văn Thị lục

Vài kỷ niệm với Đoàn Vũ trang tuyên truyền văn nghệ

BBT: Đoàn Vũ trang tuyên truyền văn nghệ Điện Bàn hình thành từ tháng 1 năm 1965 đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng - 29/3/1975 đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền dưới hình thức văn nghệ trong giai đoạn 10 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng.

Tại thời điểm thành lập tháng 1 năm 1965 đoàn gồm 15 người: Lê Văn Hiến (Lê Bá Hộp) - Phó Ban Tuyên huấn huyện, làm Trưởng đoàn, Phan Minh (Tân Nhân) - Phó đoàn, Trần Hữu Lân - Phó Đoàn kiêm chính trị viên, Phạm Tuấn Linh (Chương) - Phó đoàn phụ trách chuyên môn, Lý Công Châu, Lê Huy Thông (Thôi), Nguyễn Văn Thành (Mênh), Lê Hồng Vinh (Hai Quá), Phạm Thúy Điền (Thúy Vân), Lê Thị Tiếu (Thúy Tiếu), Phan Tấn Đà, Nguyễn Thanh Thọ, Phan Thành Chơn, Lê Thị Liên, Lê Phương Thanh.

Trong quá trình phát triển Đoàn có 39 người thì đã có 16 liệt sĩ, 9 thương binh. Một số liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt để đưa về nghĩa trang, một số liệt sĩ không người thờ cúng, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), BBT Tạp chí Non Nước giới thiệu một số hồi ức của chị Văn Thị Lục trong những ngày tham gia Đoàn Vũ trang tuyên truyền văn nghệ Điện Bàn giai đoạn 1967 -1975. Qua các bài viết này bạn đọc có dịp hiểu thêm về công tác vũ trang tuyên truyền của cách mạng trong những năm chiến tranh và biết thêm về Đoàn Vũ trang tuyên truyền văn nghệ Điện Bàn trong thời gian khốc liệt của chiến tranh.

 

1. Như rắn không đầu

Chừng ấy năm sống cùng các anh chị em trong Đoàn, mình chưa bao giờ biết bận lòng về chuyện cơm áo gạo tiền. Chuyện ấy mặc nhiên đã có người lớn lo. Nhưng cũng ý thức được thời kỳ này rất khó khăn về đời sống khi đóng quân ở thôn 1 Điện Nhơn (nay là Điện Phong). Gò Nổi lúc này bị cày xới san bằng, dân bị xúc trắng ra vùng tạm chiếm...

Khó khăn quá nên Đoàn phải chia thành 3 nhóm: Anh Chơn dẫn một nhóm ra Điện Tiến, chú Châu dẫn một nhóm về vùng C, một nhóm ở lại Điện Nhơn tối tối qua Điện Châu, Điện Thành (nay là Điện Phương) công tác lẻ và nhờ dân để giải quyết vấn đề đời sống.

Nhóm ở lại gồm có chú Thông, anh Thanh, chị Tiếu, chị Liên, anh Thắng và mình. Các đơn vị đóng ở đây cũng tương đối đông vì đây là địa bàn bàn đạp để vào sâu quận lỵ Điện Bàn, Hội An... cả đơn vị trinh sát của Trung đoàn 36, đội công tác Điện Thành, đội công tác Điện Châu, Điện Minh và trinh sát huyện đội cũng ở cả đây. Khi địch đã phát hiện những tần số liên lạc của vô tuyến, chúng tập trung đánh phá...

Một ngày đầu tháng 8 năm 1968, hôm ấy khoảng 9 giờ sáng, máy bay tàu rà L19 bắt đầu quần đảo quăng trái khói, đỏ cả một vùng. Một phi đội phản lực gồm 3 chiếc, cứ trái khói đỏ ở đâu thì một trái bom sát ngay đó. Từ xóm ngoài vào xóm trong, trái bom nào cũng suýt soát trúng một cái hầm, may là không ai bị gì. Chỉ riêng nơi mình ở, mình chỉ kịp nghe một cái “bực” tức thì tất cả tối sầm. Lúc này chú Thông và anh Thanh còn ở trên, một người ngã xuống từ miệng hầm đã đè cứng lên một bên chân của mình. Chị Tiếu, chị Liên và anh Thắng ngồi gần miệng hầm phía sau tự moi đất rúc lên được, cũng may đó là trái bom cuối cùng trong loạt 6 trái đã thả xuống đây. Chị Tiếu và chị Liên nghe tiếng mình rên nên đã moi hầm kéo mình lên mặt đất. Không cần quan tâm ai sống chết, chị Tiếu, chị Liên thay nhau cõng mình chạy ra khỏi chỗ này. Được một lúc thì mình tỉnh lại nhưng vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra, các chị kéo lê mình chạy lên thôn 2, người mình đầy máu me và máu của người bị thương bắn sang bê bết. Chạy được một lúc mồm miệng thi nhau thở, mình như người không trọng lượng cứ mặc cho mấy chị kéo đi... Tiếp tục hai chiếc AD 6 quần liệng bắn rốc két tứ tung. Mình lại tiếp tục bị mảnh đạn găm vào thái dương máu đầy mặt... Vẫn chạy tiếp, chạy miết lên đến xóm Vạn Buồng, nơi này lưa thưa ít nhà dân, tạm nghỉ ở đây để xem xét vết thương, may sao gặp anh Chiến, anh Vấn cán bộ huấn học của Ban đang công tác ở đây... Ngoài mảnh đạn găm nơi thái dương thì mình chỉ bầm trầy sây sát vì sụp hầm chứ không bị thương nơi nào. Xử lý vết thương cho mình xong, chiều tối hôm đó các chị dẫn mình xuống nhà bác Tải ở thôn 2 Điện Nhơn gởi mình ở đó, còn các chị với anh Chiến, anh Vấn xuống trở lại tìm xác chú Thông và anh Thanh...

Lúc này ý thức mới trở lại với mình, mới cảm thấy có cái gì mất... có cái gì chơi vơi, hụt hẫng... có cái gì buồn buồn, có cái gì lạnh lạnh len lỏi trong tâm hồn... Sáng hôm sau mình chỉ nhìn chị Tiếu mà không dám hỏi. Sau này chị Tiếu mới kể cho mình rằng không còn gì cả, mỗi người chỉ chia ra một ít thịt và đắp một nấm mộ mà thôi...

Câu chuyện kể của mình đong đầy máu và nước mắt... Buổi chiều hoàng hôn... Đêm thu trăng lạnh... Nhưng ngày ấy không được phép buồn lâu. Lại phải bước tiếp đi về phía trước với những hiểm nguy gian khổ bội phần.

Với những trải nghiệm này, về sau mình trở lại chính con người mình khi đóng vai cô du kích Hồng, người con gái của “Bà mẹ Gò Nổi”.

Trước tình hình đó anh Chiến và anh Vấn mới viết một lá thư gởi về Ban đề “hỏa tốc” ngoài bì. Ngày ấy thư đề hỏa tốc thì có chết giao liên cũng phải mở đường máu mà đi, vì thế quy định rất nghiêm ngặt. Vì chỗ này mà sau anh Chiến và anh Vấn suýt chút nữa bị kỷ luật. Cái tựa đề “Như rắn không đầu” là mình lấy nguyên văn câu trong thư của các anh. Rồi sau các anh cũng lần lượt hy sinh.

Sau đó chú Châu lên đưa hết về Ban rồi về vùng C để ổn định lại tinh thần và củng cố bổ sung quân số vì anh Chơn, anh Thắng lại tiếp tục được tỉnh điều động nên thiếu rất nhiều.

 

2. Con nuôi đại úy

Tháng 9 năm 1969, mùa hè năm ấy kéo dài, nắng gay gắt. Vùng cát khô rang, cây cối cháy trụi, lưa thưa còn một ít dân bám trụ...

Một trận càn trắng đã diễn ra. “Càn trắng” nghĩa là có thể đóng quân ở lại ban đêm, dồn dân về một hoặc nhiều điểm, có thể đốt nhà, phá hầm, tìm diệt “Việt cộng” tại chỗ, phân loại trong dân để tìm cán bộ hợp pháp, đưa hết dân về các khu dồn... Riêng trận này đặc biệt bọn tề xã điểm mặt từng người bắt về quận Điện Bàn hoặc nhà lao Hội An.

Vì tránh càn rất nguy hiểm nên các chú, các anh gởi mình cho bác Chinh tại thôn Trung, xã Điện Nam nhận làm con gái. Không ngờ, khi thấy Mua Năng xã trưởng Thanh Minh là người cùng làng quá quen biết nên bác Chinh sợ không dám nhận mình là con nữa. Từ thôn Trung, xã Điện Nam, chúng lùa hết ra Điện Ngọc, bắt màn trời chiếu đất một đêm, sáng hôm sau đưa hết về khu dồn Cồn Lân nhốt vào các trại nhà bạt...

Đến lúc này mình trống lưng hoàn toàn. Khi xã trưởng hỏi cung:

- Mi con nhà ai? Nhà mi ở chỗ mô?

Mình nói đại:

- Con là con ông Nguyễn Mai. Con tên Nguyễn Thị Xì. Nhà ở chợ Cẩm Sa.

Ông ta đập bàn một cái rầm.

- Mẹ mày! Tau ở chợ Cẩm Sa đây. Làng tau không có ai tên là Nguyễn Mai hết. Mi nói láo tau chôn sống mi chừ! Mi nói thiệt đi, mi là con Hát con nhà Kim, anh mi là thằng Ca, chị mi là con Xướng. Mi làm giao liên cho Việt Cộng tau biết hết rồi. Mi còn nhỏ, khai thiệt tau tha, còn không tau đưa cho bọn an ninh nó trị cho ra bột, đừng nói tau người làng mà ác. Nói đi! Mi con ai?

Nó đánh, nó đào hố cát lấp cả người mình chỉ chừa từ cổ trở lên, nó dọa đủ kiểu, dỗ dành cho ăn đủ thứ. Mình cứ nói đi nói lại chừng đó. Bực mình nó bảo lính trói mình vào cây cột sắt nguyên một đêm, muỗi cắn thí chết. Hôm sau thằng Mua ở mãi trên quận không xuống nữa. Chiều hôm sau thì có một chuẩn úy tâm lý chiến tên là Quế, từ Hội An ra gặp chỉ huy ở tại khu dồn Cồn Lân, chúng trao đổi gì đó với nhau một hồi, xong Quế đưa mình lên một chiếc xe jeep chở ra Đà Nẵng. Chúng không trói nhưng mình buộc lòng phải đi theo. Chạy miết, đường nào mình cũng chẳng biết (nhưng sau mình nhận ra là đường Đống Đa bây giờ) thì về đến một ngôi nhà nằm sâu trong hẻm, là nhà riêng chị ruột của Quế.

Bắt đầu từ đây mình là con nuôi của chị ruột nó. Gia đình có cái lý lịch như thế này: Chị ấy người Huế, tên là Cẩm Hoa, làm thư ký nhà đèn (nay gọi là điện lực). Chồng (mà mình phải gọi là ba) là đại úy Hồ Tăng Dư làm tình báo ở phòng 5 đóng ở Non Nước. Gia đình này chỉ có một cậu con trai tên là Khôi Nguyên, do không sinh được nữa, nên mới đi tìm một bé gái để làm con nuôi. Mình lúc ấy cũng 15 tuổi. Họ đưa mình đi mua sắm áo quần và các dụng cụ sinh hoạt cần thiết... Cô gái giúp việc không rời mắt khỏi mình, cứ dắt đi chơi loanh quanh, còn bà mẹ già thì có vẻ mừng, cứ xuýt xoa: “Con bé dễ thương quá!”.

Nguyên một tuần trôi qua, mình lặng thinh giả vờ như không biết gì, cứ vui vẻ, hoà nhã, đóng tròn vai một đứa con nuôi dễ thương của gia đình họ. Mà thực ra nếu mình không phải là một “Việt cộng” thứ thiệt thì phải khách quan mà thừa nhận rằng làm con nuôi của họ cũng sướng, họ rất tốt với mình, chỉ khác nhau ở chỗ không cùng chiến tuyến.

Mấy ngày liền mình dụ cô giúp việc ra ngoài chơi để dò đường, xe chạy ngõ nào thì về Thanh Quít, đợi thời giờ nào thích hợp mình mới trốn được. Những ngày “ba mẹ” nghỉ làm ở nhà, mình đành tạo lòng tin, vui chơi còn giúp mẹ làm bếp thật ngoan.

Trưa hôm đó ba mẹ đã đi làm hết, chờ cho bà mẹ và chị giúp việc ngủ trưa, mình mới lén đi ra đường, đành bỏ hết áo quần, chỉ đi người không vì sợ rủi bắt gặp thì coi như mình đi chơi.

Ra đường lớn mình lân la lại chỗ chiếc xe lam đang đậu, mình hỏi ông phụ xe đi đâu? Ổng bảo đi Vĩnh Điện, mình mừng quá nói: “Chú cho con đi với”. Khi vừa leo lên xe, mình gặp ngay thím Hai Miên vợ chú Hai Trí cán bộ xã Điện Nam. Thím làm nghề buôn cá từ Đà Nẵng về chợ Thanh Quít, thím hỏi mình đi đâu đây? Mình nói nhỏ: “Con bị bắt, con trốn, về nhà con kể”. Thím Hai nhét mình vào giữa những chồng rổ cá thở không ra hơi, lấy nón đậy lên trên. Chạy một vèo về đến chợ Thanh Quít, mình xuống xe chưa kịp kể cho thím Hai chuyện gì, mình vội lúp xúp chạy một mạch xuống thôn 1 Điện Ngọc, vào gặp cô Bốn Đài chị ruột chú Châu. Cô Bốn bảo chú Châu ở bên Hương Bốn bên kia con sông, mình lội bơi một mạch qua đến nhà ông Hương Bốn, lúc này chưa được 4 giờ chiều, chú Châu đi chống càn chưa về, vậy mà chưa kịp mừng mình trở về thì ngay khi vừa về, thấy mình chú Châu nói một câu: “Sao hôm nay con mới về?”. Không cần hỏi chuyện gì đã xảy ra với mình trong thời gian bị bắt, mình tủi quá khóc một trận. Thím Ngọc hỏi đủ chuyện, xong sáng mai dẫn mình lên chợ Thanh Quít sắm cho một mớ áo quần mới.

Lúc này các chú, các anh cũng đã trở về thôn Trung, cả Đoàn đang ở đó.

Nói thêm cũng trong trận này chị Mai và chị Được chạy ra thôn 3 Điện Bình sát đồn Cồn Khe và bị địch bắt về Đà Nẵng. Sau khi được thả các chị về luôn gia đình không trở lại Đoàn nữa. Không hiểu sao trong Đoàn trai gái gì cứ hễ bị bắt là đi luôn không trở lại như chị Mai, anh Thắng, chị Được, sau này là chị Hường cũng thế, trừ mình...

Mình đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống sung sướng. Từ bỏ làm con nuôi của đại úy, để trở về:

“... làm con của vạn nhà;

Là em của vạn kiếp phôi pha...”

Tiếp tục sống và chiến đấu cho đến ngày toàn thắng...

 

3. Thoát chết

Bây giờ vào khoảng tháng 5 năm 1972, cả Đoàn lúc này vẫn ở vùng B. Anh Nhựt làm Trưởng đoàn, anh Minh Công làm Phó đoàn. Quân số gồm có các anh chị: Nhựt, Công, Liếu, Dũng, Mẫn, Bài, Liên, Lưỡng, Lục, Nương, Thu. Sau khi củng cố quân số tăng đáng kể. Đã có thể dựng vở “Bà mẹ Gò Nổi”, song tấu “Hai chị em” và một số tiết mục dân ca bài chòi... Có thể tổ chức biểu diễn một chương trình hoàn chỉnh trong vòng vài tiếng.

Đoàn ở nhờ nhà dân nhưng ăn thì tự túc. Mỗi sáng thì tư thế phân tán chống càn. Sơ khoán khoảng nửa buổi thì về tập kịch, tập hát. Riêng mình thì đảm nhận thêm nhiệm vụ tìm và chép bài hát trên radio, chép tin chậm trên đài để phục vụ cho việc đi loa tuyên truyền và binh địch vận. Lúc ở Phái Nhứt, lúc ở Phái Nhì, Ban Tuyên huấn ở Châu Lâu.

Tại Phái Nhứt và Phái Nhì mỗi nơi có hai hầm bí mật để tránh càn đột xuất, khi càn lớn thì có kế hoạch rút quân đi vùng khác...

Thời điểm này trên chiến trường, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu rút,

quân chư hầu vẫn còn như Triều Tiên, Philippine... chủ yếu Trung đoàn 51, Sư đoàn 3...

Trảng Nhật thời gian này thay cho quân Triều Tiên là lính Việt Nam

Cộng hoà. Thỉnh thoảng kéo ra vùng có dân như Xóm Mới, Phái Tư, Phái Nhì...

Đã hai hôm liền cứ sáng chúng lại lên Phái Nhì, chiều lui xuống đồn Trảng Nhật. Mình, chị Liên và Liếu ở hầm bí mật trên bờ miệng giếng đất nhà ông Dân ở Phái Nhì. Cũng sáng xuống hầm, chiều chúng rút lại trở lên. Dân đa số là tốt, che chở bảo vệ đến cùng.

Như mọi hôm cũng xuống hầm được một lúc, lúc này địch chưa lên, không hiểu sao chị Liên bảo với mình:

- Tau thấy tụi này cứ lên xuống xụt xịt hoài, hay là mình qua bên kia sông chơi trớt.

Mình bảo:

- Có địch rồi làm răng?

- Bên nớ có huyện đoàn không lẽ họ bỏ mình mà sợ.

Lúc đó mình đã yêu một anh con trai huyện đoàn, nên nghe chị Liên bảo vậy mình đồng ý ngay. Ba chị em chui lên đi qua cơ quan huyện đoàn chơi. Ngày đó gần như cả vùng B không có địch. Riêng bên Phái Nhì...

Ngày thứ ba liên tiếp chúng lùng sục khắp nơi. Khoảng 9 giờ ta, 10 giờ Sài Gòn có một tốp 7 người đi trực chỉ ra giếng nhà ông Dân, tới ngay chỗ bụi tre trúc nơi có căn hầm bí mật mà bọn mình thường ở, chúng đặt một khối thuốc nổ giựt tanh banh... Cả xóm, bà con kéo nhau chạy ra hết Phái Ba không dám ở nhà. Bác Năm Xế, chị Sáu Lự kể lại: “Sợ tụi nó bắt ra đào xác tụi bay nên chạy hết trơn!”.

Từ bên kia sông, mình cũng nghi tụi nó khui công sự nhưng không ngờ... Chiều đó khoảng 4 giờ nghe im, bọn mình về. Vừa tới đầu xóm gặp anh Hai Sanh, anh ấy nhìn mình nói: “Trời đất ơi! Tau đang đợi mấy người về để ra kiếm xác tụi bây đây chớ! May phước quá bây ơi, hắn giựt nát bét cái công sự rồi, tưởng tụi bây chết hết rồi”. Nói chung nhiều người biết có công sự ở hướng đó nhưng không biết cụ thể ở chỗ nào. Nếu như chị Liên không chủ trương ra khỏi công sự thì...

Một trận chết hụt 3 mạng. Vậy mà vẫn nhẹ như lông hồng. Cứ vui như hội. Riêng mình thì còn nhiều trận nữa nhưng thần chết cũng tha cho, nên cứ trơ trơ cho đến ngày hoàn toàn im tiếng súng ...

Vì vậy mình mới nói: “Sống chết có số” là như thế!

V.T.L