Đồng dao cho trẻ em - góc nhìn trong xã hội đương đại

05.07.2021
Trịnh Tuấn Khanh

Đồng dao cho trẻ em - góc nhìn trong xã hội đương đại

Chúng ta đã biết, đồng dao là một phần của âm nhạc dân gian, một phần của trò chơi dân gian. Nói cách khác, đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam được thể hiện qua các bài hát, các trò chơi. Từ đời này qua đời khác, đồng dao là một đề tài rất hấp dẫn, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay, khi mà các trò chơi dân gian, đồng dao được chuyển thể thành các trò bắn nhau “thế quân, thế mạng” thu hút số đông trẻ em và cả người lớn.

Đồng dao dưới con mắt của một số nhà nho cũ

Theo nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Vũ Ngọc Khánh chúng ta không nên chấp nhận khái niệm đồng dao mà một số nhà nho cũ đã chủ trương. Họ cho đây là những câu sấm, nghĩa là bao giờ cũng ám chỉ một sự kiện lịch sử nhất định(1).

Đồng dao có nhiều chức năng, song nó không phải là một loại nghệ thuật dân gian có nguồn gốc với những hoạt động lao động tập thể, hội hè, nghi lễ. Đồng dao có tác dụng chủ yếu là thoả mãn nhu cầu vui chơi và tập cho trẻ một số tri thức để bước vào đời. Chức năng của nó chủ yếu là thẩm mỹ và giáo dục. Cấu tạo của đồng dao có những nét độc đáo, không áp dụng vào tục ngữ, ca dao được. Đã có nhiều người băn khoăn và cố tìm cho ra ý nghĩa của những câu mở đầu bài đồng dao mà đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Có người cố ý “cải chính” cho rằng: Chi chi chành chành phải đọc là Chu chi rành rành, mới thành lời sấm ngữ bảo ban cho mọi người hay; song họ cũng chỉ đoán được có một câu đấy thôi, còn thì phải bỏ qua những câu: nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, chồng lộng chồng cà, dâm dâm da da, chi vi chi vít, thìa la thìa lẩy... làm lơ không nói tới. Thực ra đi tìm ý nghĩa của những câu này chẳng khác nào đi tìm trăng đáy giếng.

Chúng ta thử tìm ý nghĩa của một số câu trong những bài đồng dao đã được một số nhà nho cho là câu sấm: Chi chi rành rành, Cái đanh thổi lửa, Con ngựa đứt cương (chỉ vào vua Tự Đức chết). Ba vương lập đế (chỉ vào ba ông Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc). Chấp chế thượng hạ (nghĩa là trên dưới đều do Tây cai trị). Ba chạ đi tìm (chỉ vào ba Làng Thanh Lạng, Thanh Cộc và Tha Mạc, chỗ vua Hàm Nghi ẩn nấp). Ú tim bắt gặp (chỉ vào việc vua Hàm Nghi bị bắt vào ngày 2-11-1788). Có người lại lập luận rằng; Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương (chỉ việc vua Lê Hiển Tông mất năm ngọ ngày 17/7/1786. Ba phương ngụ đế (chỉ vào việc nước Nam chia ba, có ba vua là vua Quang Trung, Thái Đức và Gia Long. Cấp kế thượng hải (chỉ vào việc hoàng tử Cảnh sang nước ngoài cầu viện 1789. Ú tim ù ập (chỉ vào trò chơi giữa nước Pháp và nước ta...). Có vị lập luận Chi chi chành chành, cái đanh nẩy lửa (chỉ việc quân ta nổ súng vào đồn Mang Cá 1885). Con ngựa đứt chuông (chỉ việc vua Hàm Nghi xuất bôn). Ba vuông thượng đế (chỉ lá cờ của Pháp có ba sắc). Chấp chế bóp mũi (ý chỉ Pháp cai trị vua quan phải bịt tai...) có lập luận: Chi chi chành chành, cá đanh mất mậm (chỉ vào nhà Đinh mất ngôi). Hột mậm mất da (chỉ vào nhà Lý suy đồi). Con gà mất cựa (chỉ vào nhà Trần hèn yếu. Trần Nghệ Tông tuổi dậu cầm tinh con gà). Con ngựa mất cương (chỉ họ Hồ bị nhà Minh bắt). Lê Vương thượng đế (chỉ việc Lê Lợi lên ngôi). Chấp chế thượng hạ (chính quyền nhà Lê trị nước). Ba chạ ăn mừng (nhiều làng xóm hân hoan vui vẻ). Chu chi lại hợp (đất nước chia ra lại hợp lại). Qua vài ví dụ dẫn chứng trên, chúng ta có cảm giác đồng dao được hiểu nghĩa theo lịch sử, có sự suy diễn, áp đặt nào đó chăng! nhưng đồng dao phần lớn là do trẻ nhỏ truyền miệng nhau. Mỗi lần truyền miệng nhau là một lần có khác, chưa kể dị bản theo vùng miền nữa. Không có lẽ đồng dao do người lớn sáng tác! Còn trẻ em, thì lại càng không thể tư duy lịch sử đương thời để sáng tác những câu đồng dao gọi là câu sấm được, cho nên những lập luận của các cụ nhà nho xưa kia, sẽ còn thêm nhiều bàn luận...

Đồng dao có tên tác giả và cách gọi tên bài bản dân ca, đồng dao

Cũng ở cuốn “Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt” Nhà xuất bản Văn hóa thông tin - Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian trang 1 lời nói đầu đã định nghĩa đồng dao: “Đồng dao là những bài hát truyền miệng của trẻ em lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên. Vốn là những sáng tác dân gian không rõ tên tác giả, về sau từ vần điệu của loại hình này, một số người sáng tác những bài thơ cho trẻ em hát, có tên tác giả cũng được các nhà nghiên cứu gọi là đồng dao”. Cho nên trong tập sách này một số tác giả có thơ được gọi là đồng dao đó là: Nhà nho Nguyễn Khuyến (nửa cuối thế kỷ XIX) 1835-1909 với bài: Bài hát ru em. Tác giả Nam Hương (nửa đầu thế kỷ XX) với một số bài như: Chuồn chuồn, ngựa gỗ, kéo gỗ, nhẩy, nu na, con cò, ru em... xin trích một đoạn của bài Dung dăng trong số 27 bài của tác giả Nam Hương (trang 462):

Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến chỗ mát trời, chớ nên bỏ phí, thở làn không khí, vừa sạch vừa trong, lòng đã hả lòng, thân càng mạnh mẽ, dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến chỗ đông người, nếu không nhìn kỹ, người ta vô ý, chân dẫm phải chân, đau đớn muôn phần, còn chi vui vẻ...

Một trăm bốn mươi hai bài thơ của Nhi đồng Lạc viên (tên thực là Nguyễn Văn Ngọc sinh 1890 mất 1942) do Nhà xuất bản Vĩnh Hưng Long thư quán Hà Nội 1936. Xin trích một bài: Trâu ơi trang 507:

Trâu ơi! Ta bảo trâu này, trâu ra ruộng lúa trâu cầy với ta, cấy cầy vốn việc nông gia, ta đây trâu đấy ai mà quản công, bao giờ cây lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Còn một số tác giả có thơ cũng được liệt vào danh sách đồng dao như: Thơ ca cho mẫu giáo: Nhược Thuỷ, Nam Phương, Phương Hoa, Nguyễn Văn Tiến, Võ Văn Trực, Định Hải, Nguyễn Thụy Kha, Xuân Quỳnh... (do thời lượng nên xin phép không minh họa hết được những bài thơ được gọi là đồng dao của những tác giả trên).

Là nhạc sĩ sáng tác phần lớn cho trẻ em, tôi có phổ một số bài thơ của các tác giả được xếp vào đồng dao. Lúng túng phần ghi lời của ca khúc, ghi thế nào cho đúng đây! Ghi đồng dao hay ghi tên tác giả. Ghi đồng dao thì e tác giả không đồng ý, tác giả sẽ không có tiền nhuận bút vì đó là lời đồng dao. Mà lời đồng dao thì do dân gian sáng tạo, phần nhiều là do trẻ em. Ghi tên tác giả thì áy náy vì những bài đó đã được bốn nhà nghiên cứu Nguyễn Thuý Loan - Đặng Diệu Trang - Nguyễn Huy Thông - Trần Hoàng đề cập trong cuốn “đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, (Nhà XB Văn hóa Thông tin 1997) Viện nghiên cứu văn hóa dân gian đứng tên ấn hành.

Hiện nay, khi nói đến dân ca, đồng dao nhiều người còn lẫn lộn dẫn đến ngộ nhận. Có tác giả sáng tác nhạc phổ hoặc phỏng lời đồng dao lại gọi nó là tác phẩm hoặc bài đồng dao. Gọi vậy chưa chính xác mà theo tác giả bài viết này phải gọi là ca khúc phổ lời đồng dao. Bởi thực chất nó vẫn là thể loại ca khúc, chỉ khác là lời của dân gian mà thôi. Thậm chí có những nghệ sĩ có tên tuổi khi đặt lời mới cho một vài làn điệu dân ca đều ghi là sáng tác. Có lời giới thiệu thế này: Sau đây là bài dân ca bài chòi “Nắng mới sông Hàn” do nghệ sĩ ưu tú abc sáng tác. Như vậy hóa ra các làn điệu dân ca của cha ông ngày xưa giờ đây được ông nghệ sĩ đương đại sáng tác lại. Đúng  phải giới thiệu là: Bản dân ca bài chòi “Nắng mới sông Hàn” do NSƯT abc đặt lời mới. Cách giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay nhiều người vẫn lẫn lộn giữa từ BÀI và BẢN. Từ BẢN gắn liền với dân ca, từ BÀI gắn liền với ca khúc... bởi BÀI nôm na là của tác giả có tên sáng tác ra. Còn Bản là những gì trong văn bản có sẵn, phù hợp với đồng dao và dân ca.

Đồng dao dưới góc nhìn trong xã hội đương đại

Theo Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh: “Văn nghệ dân gian trở thành một phương tiện quan trọng để giáo dục và nhận thức những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc. Hát đồng dao, một thể loại của văn nghệ dân gian rất được chú ý, bởi đó là những nét bút đầu tiên của dân tộc viết lên trên những tâm hồn trắng tinh của trẻ thơ. Trong môi trường sinh hoạt, mỗi bài đồng dao là một thể kết hợp văn hóa - văn nghệ dân gian. Thông thường nó gồm ba yếu tố: Trò chơi - lời ca văn vẻ - làn điệu âm nhạc. Cũng có một số bài chỉ có hai yếu tố, về lời ca và âm nhạc. Mỗi yếu tố hợp thành đã đóng vai trò của một thành viên không thể cách rời của thể kết hợp đó”.

Quan điểm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thu “Bài đồng dao được kết hợp bằng nhiều thể thơ: hai chữ, bốn chữ, năm chữ, tiết nhịp thích hợp với trẻ em. Đặc trưng kết cấu của đồng dao chủ yếu là tiết tấu ngắn gọn, giàu nhạc điệu. Tiết tấu đưa trẻ vào với thế giới thơ. Kiểu tiết tấu phân đôi gắn liền với sự hoạt động của chúng: đi, đứng, chạy, nhảy. Hát xong rồi chạy đuổi nhau, hoặc vừa đi vừa hát”.

Đặc điểm về nhịp điệu đồng dao là khi trẻ hát tập thể thường dễ khớp nhau, đều tăm tắp, gây hứng thú. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu để kết hợp trong vấn đề giáo dục giữa truyền thống và hiện đại sao cho hài hòa, bởi văn hóa gia đình vẫn là cơ bản đối với bất cứ một chặng đường ấu thơ nào.

Chúng ta cần khai thác những câu hát đồng dao và sử dụng nó một cách rộng rãi làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa của trẻ em về phương diện truyền thống. Đồng thời trên cơ sở đó tạo thành thói quen sinh hoạt đồng dao trong gia đình, thôn xóm, trong sân trường, trong vườn chơi của trẻ mầm non... Chính những bài hát đồng dao thường lại là những bài học đạo đức luân lý kết hợp với nghệ thuật âm nhạc và thơ ca, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.

Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Trần Hồng, có ý kiến rất cụ thể về đồng dao gắn với trò chơi: “Đồng dao là bài văn vần, ngắn, truyền miệng của trẻ em luôn kèm theo trò chơi. Các em vui chơi nơi ruộng đồng, đồi núi, sân vườn. Bài hát đồng dao thường là một bài vè 3 chữ, 4 chữ có vần, có nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ thuộc do các em sáng tạo ra phù hợp với các trò chơi. Về giai điệu, cấu trúc theo thang âm ngũ cung, hát như nói theo vần thanh âm rất đơn giản. Tiết tấu đều đặn, vui, khỏe, nhí nhảnh hợp với lứa tuổi của các em. Có những trò chơi dành riêng cho con trai hoặc con gái, nhưng thường là những trò chơi chung cho cả trai và gái rất vui vẻ”.

Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Trương Đình Quang đề cao tâm hồn của các em khi chơi các trò: “Đồng dao là thể loại ca hát bình dị, mà em bé nào cũng biết và yêu thích. Đồng dao với những trò chơi ngộ nghĩnh, những cảm xúc non tơ làm cho tâm hồn các em thêm tươi, thêm đẹp. Trò chơi trẻ em là những trò vui có lời (bài hát) hoặc không có lời. Những trò này đều mang những tính chất của sáng tác dân gian”.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng thì nhận định: “Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, những trò chơi đồng dao do dễ chơi - không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc - nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại.

Xin được nhắc lại: Đồng dao là một phần của âm nhạc dân gian, một phần của trò chơi dân gian. Bất kỳ dân tộc nào cũng có thú chơi dân gian. Người lớn có thú vui của người lớn, trẻ con có thú vui chơi riêng của thế giới tuổi thơ. Trò chơi là hình thái sinh hoạt ban đầu của trẻ. Khởi đầu của trò chơi là trò, tức là các hoạt động cá nhân đều diễn ra có ý thức, trước mắt người khác hay chỉ một mình. Sau đó trò được kết nối với chơi thành trò chơi mà theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1988 thì: Trò chơi là những hoạt động bày ra để vui chơi, giải trí. Như vậy trò chơi là hoạt động có sự tham gia của nhiều người. Không có trò chơi nào diễn ra duy nhất chỉ có một người chơi, mà tối thiểu phải có từ hai trở lên. Người tham gia càng đông, tính hấp dẫn của trò chơi càng tăng cao thêm. Trò chơi, trò diễn dân gian là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong lễ hội truyền thống của người Việt Nam, một mảng của kho tàng văn hóa dân tộc cần được bảo tồn. Cái làm nổi đình đám của Hội làng chính là các trò chơi, trò diễn, vui chơi, múa hát, thi tài là những sinh hoạt văn hóa đại chúng có sức hút mạnh mẽ, đông đảo mọi người cả hai phía: tham gia và tham dự, nhập cuộc và hưởng thụ, bởi nội dung và hình thức phong phú của các trò chơi, trò diễn dân gian đã khêu gợi hứng thú không chỉ giải trí, mà còn đáp ứng nhu cầu về rèn luyện tinh thần và thể lực của con người. Các trò chơi dành cho trẻ em không giới hạn cho một vùng, một địa phương nào, không thuộc của riêng làng này làng khác mà trở nên phổ biến rộng rãi. Chỉ tiếc là ngày nay, các trò chơi dân gian, đồng dao không còn phổ biến như xưa nữa.

Xin được nhắc lại: Đồng dao cũng có nhiều chức năng, song nó không phải là một loại nghệ thuật dân gian có nguồn gốc với những hoạt động lao động tập thể, hội hè, nghi lễ. Đồng dao có tác dụng chủ yếu là thỏa mãn nhu cầu vui chơi, do đó nhiều bài đồng dao khi đọc lên nó khó giải nghĩa, phần lớn là ngắn gọn có vần từ câu nọ tới câu kia khó có dụng ý thâm trầm như một số nhà nho trước kia đã giải thích ý nghĩa vài câu đồng dao ở trên. Một điểm khác trong cấu tạo đồng dao cũng dễ nhận ra ngay, là những bài ấy thường không có một đề tài nào tập trung. Trừ những bài rõ ràng có dụng ý tập hợp riêng để giới thiệu như kiểu vè trái cây, vè chim chóc, vè cá (thực ra những bài này tính chất vè rõ hơn chất đồng dao). Các bài hát trẻ em phần lớn gần như chỉ là những đoạn chắp vá, gặp đâu nói đó, chỉ cốt cho vần, còn ý nghĩa chung thì rời rạc, câu nọ xọ câu kia. Đang nói chuyện này lại bắt sang chuyện khác. Những ai hay hỏi tính logich, tính tập trung sẽ phải vừa bực bội lại vừa buồn cười. Đang “cái cống nằm trong, cái ong nằm ngoài” thì lại chạy sang “củ khoai chấm mật”, rồi lại “phật ngồi phật khóc” chẳng đâu vào đâu. Song xét cho kỹ hình như nó cũng có cái lý riêng của nó. Được trẻ em thích thú, vì nó phù hợp với đặc điểm trí lực của các em. Sức chú ý của các em chưa tập trung, tư duy logich của các em khác hẳn người lớn... Đó là lý do tại sao những bài như: Dung dăng dung dẻ, nu na nu nống, thìa la thìa lẩy, bắc kim thang... tản mạn, không gắn bó chặt chẽ với nhau mà lại được các em từ xưa đến nay thích thú, hơn cả những bài có nội dung tròn trịa.

Thế giới đồng dao là một thế giới sinh động, phong phú, chứa chan sức sống và màu xanh. Phần lớn những bài đồng dao đều gắn với các trò chơi. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm rất khác của loại hình này. Trong đồng dao có đủ những con trâu, con nghé, con voi, con ve, con kiến, cho đến tôm tép, cua còng. Đồng dao có cây cỏ, đất nước, nhà cửa, đồ ăn thức uống. Và tất cả đều có hồn biết trò chuyện, biết tâm sự với trẻ em. Nhiều tưởng tượng bất ngờ đã giúp cho các em tạo nên một cuộc sống hồn nhiên, thân mật, đậm đà xung quanh mình. Đồng dao dưới góc nhìn trong xã hội đương đại được các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian khái quát rất rõ ràng và chân thực.

Để kết thúc bài viết này tôi xin trích dẫn số liệu khiêm tốn của nhà nghiên cứu Đoàn Việt Hùng về trò chơi đồng dao: “Qua những lần đi điền dã một số làng, xã trong khu vực, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên là; ở độ tuổi từ 7 đến 15 trong số 141 em được hỏi biết bao nhiêu trò chơi thì có 9,2% biết từ 40 đến 50 trò chơi đồng dao phổ thông, 32% chỉ biết từ 5-10% trò chơi, số còn lại hoặc “nghe nói” hoặc “biết sơ sơ”. Đây là dấu hiệu đáng buồn cần phải báo động. Trong khi đó hỏi những người lớn tuổi thì hầu như ai cũng biết, cũng đã từng chơi rất nhiều lần những trò chơi này khi còn là đứa bé con. Không nói đến trẻ con thành phố, vậy thì trẻ con nông thôn hiện nay đang chơi những trò chơi gì? Đa số con trai chơi bóng đá, con gái phụ giúp gia đình. Hết thời gian học bài trẻ em thường dán mắt vào ti vi hoặc chơi trò chơi điện tử trong điện thoại. Có thể nói, đa phần các trò chơi mà cha mẹ chúng đã chơi trước đây hầu như không còn hấp dẫn đối với chúng nữa”. Đó là một thực trạng đáng buồn.

T.T.K