Người bắc nhịp cầu qua “thế giới thần tiên”

05.07.2021
Thiều Hạnh

Người bắc nhịp cầu qua “thế giới thần tiên”

Tôi nhớ đã đọc được đâu đó những dòng tản văn rất hay rằng: “Tuổi thần tiên là độ tuổi tươi đẹp nhất. Thế giới của độ tuổi ấy cũng đầy chất thơ. Tâm hồn ấy như những dây đàn mỏng manh, óng ánh và nhạy cảm. Bất cứ thứ gì chỉ cần chạm nhẹ là dây đàn ấy lại ngân lên những giai điệu thánh thót và mở ra những chân trời với bao ước vọng phía trước...” Ai cũng đã từng đi qua những năm tháng của “tuổi thần tiên”. Dù lớn lên trong đủ đầy yêu thương, hạnh phúc hay thiếu thốn, khó khăn ở những miền quê nghèo,  không ai ngăn được mọi trẻ thơ ấp ủ cho riêng mình những ước mơ trong sáng, đẹp đẽ. Ít có người lãng quên mà thường cất giữ trong một góc sâu thẳm của tâm hồn hay chia sẻ cho thầy cô, bạn bè lúc hàn huyên, gặp gỡ và cũng có người xem đó như một báu vật quý giá, muốn được truyền cảm hứng đến mọi người những xúc cảm trong veo của thế giới trẻ thơ. Cô giáo, nhà văn Nguyễn Thị Phú là một người như thế! Chị không giữ cho riêng mình những ký ức đẹp về một thời dạy học chẳng thể nào quên, đặc biệt khi còn là cô giáo “mới tinh sương” về dạy học ở miền quê cát trắng Thăng Bình, Quảng Nam.

Nơi ấy, cô giáo Nguyễn Thị Phú có một kho đầy ắp những kỷ niệm khó quên với bao thế hệ học trò “đầu trần, chân đất”. Từ giây phút bỡ ngỡ khi bước chân lên bục giảng với tiết dạy đầu tiên, đến lúc gắn bó, thân thuộc từng cái tên, từng gương mặt, cá tính, hoàn cảnh mỗi em học trò: có ham học, ngoan hiền, có lém lỉnh, nghịch ngợm, ham chơi và cả những thành viên “siêu quậy”... Song dưới cái nhìn trìu mến, cảm nhận tinh tế của cô giáo dạy văn,  mỗi em học trò là một người bạn nhỏ đáng yêu, một mảnh ghép dễ thương, đầy thú vị và là bản sao non nớt, ngây ngô của mình thời nhỏ đáng được nâng niu, yêu thương... Những tập truyện ngắn viết cho tuổi thơ được nhà văn Nguyễn Thị Phú cho ra mắt từ năm 2013 đến năm 2017 như: “Sương khói học trò”(2013), Về miền tuổi thơ”(2014), “Vũ điệu thần tiên”(2015), “Nhớ một mùa hoa”(2017) được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích đón nhận đã nói lên tình cảm, mối quan tâm đặc biệt của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thị Phú dành cho trẻ thơ, những thế hệ học trò thân thương. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng từ rất lâu trong tâm hồn cô giáo Phú, để rồi khi rời bục giảng, làm thành nỗi nhớ dịu dàng, sâu thẳm, đơm hoa kết trái chín mọng bằng những đứa con tinh thần thật đáng yêu.

Từ tác phẩm đầu tay “Sương khói học trò” với những câu chuyện ngộ nghĩnh, hài hước, cảm động về tình thầy trò, tình bạn... bằng giọng văn dung dị, gần gũi mà hóm hỉnh, tác giả dẫn dắt người đọc đi vào thế giới trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ với những nét ngây thơ, mộc mạc, đầy tinh nghịch mà giàu tình cảm của những cô bé, cậu bé học trò miền quê đối với gia đình, thầy cô, bạn bè, trường lớp... Những tiêu đề khá “ấn tượng”: “Đi coi cô giáo”, “Em muốn đi... tu”, “Chửi bằng... hình vẽ”, “Cô phải nghe lời em”... khiến người đọc vừa bật cười thích thú, vừa xúc động trước những tình cảm đáng yêu của tuổi học trò. Tình cảm ấy đẹp đến nỗi không chỉ được bao lớp học trò lưu giữ suốt một thời đi học mà thắm thiết mãi đến sau này, khi các em đã trưởng thành vẫn luôn nhớ về cô. Cũng bởi suốt những năm tháng dạy học “ngoài việc làm “điểm tựa” để các em trao đổi việc học tập, cô Phú còn là “chỗ dựa tin cậy cho các em gửi gắm những tâm sự buồn vui trong cuộc sống...” Đổi lại, chính tâm hồn trong sáng, tình cảm chân thật của các em trở thành nguồn động lực lớn cho cô “Chính các em học sinh đã mang thêm cho tôi sức mạnh, tình yêu nghề và những bài giảng hay trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng”.

Nếu “Sương khói học trò” là nỗi nhớ, là ký ức để lại nhiều dấu ấn vui buồn của một thời thanh xuân dạy học xa nhà, đến tác phẩm “Về miền tuổi thơ”, tác giả  đưa người đọc trở về với thời thơ ấu của mình ở miền quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nơi có dòng sông Trà Khúc đong đầy kỷ niệm. Cũng là những mẩu chuyện nhỏ như những mảnh ghép của bức tranh sống động về ký ức tuổi thơ của cô bé Chín hồn nhiên, lém lỉnh, sợ đi học, thích những trò chơi tinh nghịch nhưng rất dễ thương, đầy tình cảm với những người thân trong gia đình, với quê hương, làng xóm, bạn bè như  chuyện “Tắm nắng”, “Ngày nước lụt về”, “Chuyện buồn tản cư”... Đặc biệt, hình ảnh người cha, người mẹ trong ký ức tác giả hiện lên thật gần gũi, thân thương với những cảm xúc hết sức da diết, mãnh liệt, đẹp như trong cổ tích: “Lần đầu lên phố”, “Về thăm quê nội”, “Lãng đãng sông trăng”...

Tựa như một niềm nhớ thấm đẫm ân tình, được cất giữ quá lâu ở góc sâu thẳm, đến lúc vỡ òa như suối nguồn tuôn chảy, mạch cảm xúc về ký ức tuổi thơ cùng những lứa học trò thân yêu nối tiếp trào dâng trên những trang viết của nhà văn Nguyễn Thị Phú. Tập truyện ngắn “Vũ điệu thần tiên” ra mắt bạn đọc năm 2015 với những câu chuyện vừa dí dỏm qua góc nhìn ngộ nghĩnh của cô bé Mít như “Thủ môn... giấy, “Hiểu lầm”, “Trúng chưởng”... vừa ấm áp trong tình cảm gia đình, bạn bè như  “Vết sẹo nhỏ”, “Sợ muỗi đốt”..., có khi lãng đãng, mơ mộng với trí tưởng tượng bay bổng trong “Tập làm thơ”, “Chơi cờ tướng”, “Giấc mơ tiên”..., có khi đượm nỗi xa xót, buồn thương lúc mất đi người bạn yêu quý hay trước những phận người không may mắn trong: “Chuyện con Lu”, “Người đàn ông điên”, “Chiều gió mùa đông bắc”...

Cứ thế, cái tên Nguyễn Thị Phú cùng những đứa con tinh thần của chị đi vào từng mái trường, từng lớp học, được các em đón đọc trong tiếng cười khúc khích, giòn tan. Dẫu đến với nghiệp “viết lách” hơi muộn, khi đã cống hiến gần như cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, song nhờ cái duyên “muộn mằn, đằm thắm” ấy đã giúp chị đến gần hơn với thế giới tâm hồn tuổi thơ qua những trang viết đậm “chất học trò”. Như được tiếp thêm nguồn nhựa sống, năm 2017, tác phẩm “Nhớ một mùa hoa” ra đời với những câu chuyện lý thú kể về những ký ức vui buồn, những bài học đầu đời của tuổi học trò, mở ra một thế giới tuổi thơ rộng lớn, trong veo như những hạt sương, hồn nhiên như cây cỏ và đầy sắc màu phong phú. Trong buổi ra mắt tác phẩm được tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Huệ với sự có mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ, thầy cô giáo và học sinh , nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, lúc ấy là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước đã bày tỏ sự tâm đắc của mình: “Trong bối cảnh văn học đương đại đang thiếu những tác phẩm viết cho thiếu nhi thì nhà văn Nguyễn Thị Phú đã đóng góp những tác phẩm rất có giá trị.”      

Không phụ niềm mong đợi của những người thiết tha với các sáng tác dành cho tuổi thơ, năm 2019, bạn đọc tiếp tục được đón nhận một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Thị Phú, cuốn tiểu thuyết đầu tay với cái tên thật bay bổng “Ở hai phía Cầu Vồng”. Đọc cuốn truyện mang màu sắc giả tưởng này, cảm nhận như tác giả sinh ra để viết cho trẻ thơ vậy. Với lối kể chuyện tự nhiên, dí dỏm, trí tưởng tượng phong phú, ngộ nghĩnh chỉ có ở trẻ thơ, cốt truyện kết hợp khéo léo giữa hiện thực và yếu tố kỳ ảo, tác giả khiến người đọc như lạc vào một thế giới kỳ diệu với bao tình tiết hấp dẫn. Như giấc mơ của cậu bé Quang Quang, nhân vật chính của tác phẩm: “Mơ thấy mình chui qua một chiếc Cầu vồng và lạc vào xứ sở thân thiện, có nhiều điều kỳ lạ, cảnh thì đẹp tuyệt vời, khoái nhất là được ngồi trên tấm thảm bay để đi chơi hay đi học với đám bạn có tóc hai màu. Y như trong truyện cổ tích vậy”. Một giấc mơ dài, có sự háo hức, lạ lẫm về một thế giới đầy những điều lý tưởng nhưng xuyên suốt câu chuyện, giữa bao cảm xúc thăng hoa khi bị cuốn theo những điều kỳ diệu, cậu bé vẫn nao nao nỗi nhớ người thân trong gia đình, khao khát được trở về nhà “Ngay khi hạnh phúc thì lòng tôi vẫn đau đáu nhớ về gia đình, cô giáo, bạn bè, nhớ từng con đường đi chơi, đi học... và luôn tìm cách để quay về nhà”. Dưới ngòi bút giàu tưởng tượng, ngôn ngữ văn chương lúc dịu dàng, chuẩn mực , lúc lém lỉnh, tinh nghịch như những học trò “siêu quậy”, tác giả như hóa thân vào từng nhân vật, giúp các em tìm thấy mình qua hình tượng những cô bé, cậu bé thông minh, có chút gì đó phá cách nhưng luôn biết nghĩ đến ba mẹ, người thân, rồi tự rút ra những bài học thấm thía cho mình. Phải là người gần gũi, am hiểu tâm lý trẻ thơ, xem các em như những người bạn, mới có thể viết nên được những giấc mơ đẹp đẽ, trong veo đến vậy!

Điều tâm đắc qua tác phẩm là những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu gia đình, cả những xúc cảm chớm nở của tuổi mới lớn hay mối quan hệ giữa người lớn và trẻ con được chuyển tải một cách tinh tế, nhẹ nhàng nhưng thấm thía. “Người lớn “hay lắm”, thường tỏa ánh sáng dịu dàng và đọc được ý nghĩ của mọi người. Thế nên, họ đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn”. Mượn nội tâm nhân vật để nói lên tiếng nói đồng cảm với những khát khao của trẻ thơ, nhưng khiến người lớn phải giật mình nhìn lại, dịu dàng, thấu hiểu hơn lòng con trẻ. Đặc biệt thú vị, với việc lồng vào những chi tiết mang màu sắc “sáng tạo công nghệ” như chiếc thảm bay chỉ cần nhấn nút có thể đưa các em đến bất cứ nơi nào mình muốn, chiếc chổi điện tử “tha hồ bay như các bà phù thủy trong cổ tích” hay những nhân vật robot thông minh, thân thiện, sản phẩm của trí tuệ nhân tạo mới, trước đây chỉ nằm trong trí tưởng tượng và ước mơ của loài người... Qua đó, tác giả như muốn gửi gắm những khát vọng của trẻ thơ về một thế giới hiện đại, văn minh trong tương lai với những phát minh diệu kỳ của khoa học giúp cho cuộc sống con người trở nên hạnh phúc hơn. Có thể nói, với “Ở hai phía Cầu Vồng”, nhà văn Nguyễn Thị Phú đã bắc được một nhịp cầu “thân thiện” giữa tâm hồn trẻ thơ với cuộc sống, thiên nhiên tươi đẹp, giữa các em với người lớn, và sâu xa hơn là tiếng gọi tìm về cội nguồn, về mái ấm gia đình, chỗ dựa đầy yêu thương của mọi trẻ thơ trên thế gian này như lời một người mẹ trong tác phẩm: “Mọi con đường đều tồn tại khi ai đó tìm về”.

Một tác phẩm văn học giả tưởng mà trẻ em thích thú đọc, người lớn cũng tìm thấy điều đáng quan tâm như Ở hai phía Cầu Vồng, có thể nói là một sự tìm tòi sáng tạo, như nhận xét của nhà văn Bùi Công Dụng trong lời giới thiệu về tác phẩm: “Tác giả đã đắm chìm trong sự hồn nhiên trong trẻo để sống lại thời ấu thơ của tuổi học trò, qua đó bộc lộ những suy nghĩ trẻ thơ với bạn bè, cha mẹ, thầy cô giáo. Sự tưởng tượng đó được tác phẩm thể hiện qua các lĩnh vực về môi trường học tập và vui chơi, sự quan tâm của gia đình và phương thức giáo dục. Chỉ vậy thôi, tác phẩm cũng đủ nói lên những điều tuổi mới lớn quan tâm, khao khát thay đổi. Một cậu bé lọt vào thế giới khác của ngày mai để thấy những tương phản rõ nét cần phải được thay đổi thế giới của ngày hôm qua, thì đó là sự tìm tòi mới không phải dễ làm...”

Có một câu nói ý nghĩa:“Mỗi đứa trẻ là một thiên thần nhỏ sống trong thế giới thần tiên của mình ngay trên mặt đất”. Phải chăng, vì quá yêu thương, gắn bó và thấu hiểu thế giới tâm hồn trong trẻo, nhạy cảm của “những thiên thần nhỏ” mà nhà văn Nguyễn Thị Phú đã dành trọn tâm huyết cho những tác phẩm chứa đựng tình yêu thương, thấm đẫm hơi thở của tuổi thần tiên với những khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Như tác giả từng gửi gắm trong lời ngỏ của một tác phẩm: “Không ai có thể quay lại tuổi thơ nhưng cũng xin đừng ai quên lãng tuổi thơ. Tuổi thơ đối với tôi như vũ điệu thần tiên. Nó lung linh lấp lánh, lúc ẩn lúc hiện với muôn màu đa sắc, góp phần làm nên cuộc sống kỳ diệu hôm nay”. Mong sao các em sẽ còn được đón đọc nhiều tác phẩm hay về tuổi thơ “vẫn đang được cất giữ đâu đó trong trái tim” cô giáo, nhà văn Nguyễn Thị Phú.   

T.H