Nghe vọng âm núi rừng sâu

05.07.2021
Tuệ Mỹ

Nghe vọng âm núi rừng sâu

(Đọc bài thơ “Bài văn xuôi về tiếng đàn đá” của Nguyễn Nho Khiêm)

 

Bài văn xuôi về tiếng đàn đá

Thuở học trò mơ mộng

Tôi hay đến động Huyền Không trên núi

Ngũ Hành Sơn

Ở đây mọi âm thanh được vách đá

lưu giữ

Ở đây có chiếc trống bằng đá

Những bàn tay thơm khi gõ vào

sẽ kêu lên những âm trầm

Như giọng nói người đàn ông núi

Tiếng trống đá trong động Huyền Không

bí ẩn

Vang trong lòng ngực tôi một thế giới khác

 

 Rồi cuộc sống đưa tôi đi dọc dài sông núi

 Được nghe tiếng đàn đá vang lên giữa rừng Tây Nguyên bên chóe rượu

Nghe tiếng đàn đá em biểu diễn trên sân khấu đầy ánh sáng

Tiếng đàn đá rất lạ

Như tiếng nói của người xưa vọng về

 

Tôi thấy những dãy núi dọc dải Trường Sơn

Những dãy núi rẻ quạt tung hoành Bắc Bộ

Tiếng đàn đá dũng mãnh như suối,

như thác

Tiếng đàn đá êm đềm như làn gió

đêm khuya

Tiếng đàn đá vang trong lòng đất

Tiếng đàn đá dìu dặt tầng không

Gọi ánh sáng về.

 

Sáng nay tôi viết bài văn xuôi về tiếng

đàn đá

Gió thoảng trước sân nhà vọng âm núi

rừng sâu.

27/9/2020

Nguyễn Nho Khiêm

 

Lời bình:

Với cái tựa bài thơ Bài văn xuôi về tiếng đàn đá, cứ ngỡ ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sẽ dẫn người đọc bước vào một không gian âm nhạc để thưởng thức tiếng đàn vang lên từ một nhạc cụ có tên là “đàn đá”. Nhưng không, “Tiếng đàn đá” trong thơ ông là hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho tiếng vọng của dân tộc, của đất nước. Tiếng vọng thiêng liêng đó cứ dần kết đọng, lặng sâu, lớn dần lên trong tâm thức “Tôi” trong suốt hành trình vào đời. Bắt đầu từ “Thuở học trò mơ mộng”, “Tôi” cảm nhận âm vọng đó qua “tiếng trống đá” trong động Huyền Không trên núi Ngũ Hành. Trong cảm thức cậu học trò, tiếng trống đá nghe “âm trầm” “như giọng nói người đàn ông núi”. Tiếng đá làm liên tưởng đến giọng người mà là “người đàn ông núi”, phải chăng đây là âm vọng của một dân tộc thuở mới khai sinh, nguyên sơ nhưng có sức sống mãnh liệt. Nguyễn Nho Khiêm đã khéo đặt “tiếng trống đá” trong một không gian đầy “bí ẩn” của động Huyền Không để tạo nên thế giới bí ẩn khác trong nội tâm của chủ thể trữ tình “Vang trong ngực tôi một thế giới khác”. “Thế giới khác” được gợi lên trong “Tôi” hẳn cũng linh thiêng, huyền bí như âm vang của tiếng trống đá trong động Huyền Không.

Cái “thế giới khác” đầy bí ẩn đó cũng dần hé mở theo mỗi bước chân Tôi “đi dọc dài sông núi”.

Được nghe tiếng đàn đá vang lên giữa rừng Tây Nguyên bên chóe rượu

Nghe tiếng đàn đá em biểu diễn trên sân khấu đầy ánh sáng.

Đến đây, “đàn đá” được trở về đúng nghĩa là một nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Và tiếng đàn đá ở đây đã vang lên trong một không gian cũng “đậm màu” Tây Nguyên: bên chóe rượu, trên sân khấu đầy ánh sáng. Hẳn đây là không gian lễ hội Tây Nguyên. Người dân Tây Nguyên luôn cho rằng âm thanh của tiếng đàn đá là sợi dây nối liền giữa con người và trời đất, thần linh; nối quá khứ với hiện tại và hướng con người đến tương lai tốt đẹp. Thưởng thức tiếng đàn đá trong không gian đó, Tôi nhận ra “Tiếng đàn đá rất lạ”. “Rất lạ”, có phải vì “tiếng đàn đá” ở Tây Nguyên không giống “tiếng trống đá” trong động Huyền Không? Có thể. Bởi khác nhau ở thời điểm nhận thức của con người (thuở học trò - lúc trưởng thành), còn khác ở không gian nghe đàn (trong động bí ẩn- trên Tây Nguyên, dưới ánh sáng). Nhưng không lạ ở ý nghĩa linh thiêng, huyền bí được gợi lên từ vọng âm đá “Như giọng người đàn ông núi - Như tiếng nói của người xưa vọng về”.

Rời Tây Nguyên hùng vĩ, Tôi tiếp tục đi về đất Bắc. “Tôi thấy những dãy núi dọc dải Trường Sơn/ Những dãy núi hình rẻ quạt tung hoành Bắc Bộ”. Có điều lạ ở đây là Tôi “thấy” núi chứ đâu phải “nghe” đàn như lúc ở Tây Nguyên, vậy mà dòng âm thanh đá cứ tuôn chảy dưới ngòi bút của Nguyễn Nho Khiêm:

Tiếng đàn đá dũng mãnh như suối,

như thác

Tiếng đàn đá êm đềm như làn

gió đêm khuya

Tiếng đàn đá vang trong lòng đất

Tiếng đàn đá dặt dìu tầng không.

Không phải âm thanh phát ra từ “trống đá”, “đàn đá” khi có “bàn tay thơm” gõ vào mà đây hoàn toàn là tiếng vọng tự nhiên từ đá núi dội vào lòng “Tôi”. Có phải âm thanh đá bắt nguồn từ dải núi “tung hoành” kia nên “Tôi” nghe như âm vọng khí phách bản lĩnh của dân tộc mình trước bao cơn thử lửa (dũng mãnh như suối, như thác)? Còn nghe cả âm vang của tiếng lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình, yêu cái Đẹp của cha ông (êm đềm như làn gió đêm khuya). Biên độ của tiếng đàn đá còn mở rộng ở tầng sâu (vang trong lòng đất), ở tầng cao (dìu dặt tầng không) tựa như lời ngợi ca tâm hồn Việt, tầm vóc Việt. Đến đây, ngòi bút của Nguyễn Nho Khiêm không còn tả thực “tiếng đàn đá” như trước mà đã phả lên nó hơi hướng tượng trưng. “Tiếng đàn đá” không phải được cảm nhận bằng thính giác mà là bằng tâm thức. “Tiếng đàn đá” là tiếng vọng nước non nhưng cũng là tiếng vọng lòng “Tôi”. Lòng tự tôn dân tộc trầm tích trong tiềm thức chỉ cần chạm vào là bung bật ra ngay. Hẳn đó cũng là lời lý giải vì sao “thấy” núi mà “nghe” tiếng đá. Và đến đây, tứ thơ cũng đã được đẩy lên cao trào. “Tiếng đàn đá” được đặt ở đầu bốn dòng thơ đứng liền kề đã tạo nên dòng chảy âm thanh đá dạt dào, bất tận. Phải chăng, đây cũng là lúc dòng cảm xúc cội nguồn trào dâng mãnh liệt trong lòng chủ thể trữ tình?

Nếu “trống đá” và “đàn đá” chỉ tạo nên những vọng âm đơn lẻ thì “dãy núi hình rẽ quạt” kia đã hòa phối thành hợp âm “tiếng đàn đá” vang dậy, vừa hùng hồn vừa dặt dìu tha thiết. Một dân tộc “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi), “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận) đã được Nguyễn Nho Khiêm để cho “tiếng đàn đá” cất lời. Nghe hợp âm “tiếng đàn đá” lúc này, Tôi không thấy lạ và mơ hồ như trước nữa mà nhận thức rất rõ ràng: hợp âm đàn đá đã “Gọi ánh sáng về”. Là ánh sáng gì? Có phải là “Trong và thật: sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” (Huy Cận)? Hay đó là “Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu)? Hẳn là thế. Bởi, tiếng đàn thiêng chỉ có thể gọi về ánh sáng thiêng.

Tôi nghe “Tiếng đàn đá” ở khắp mọi miền đất nước. Từ Nam Trung Bộ, nơi có Ngũ Hành Sơn đến Tây Nguyên và cuối cùng hội tụ ở Bắc Bộ. Nhà thơ rất có lý khi để hợp âm đàn đá cất lên trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, “cái nôi” của dòng giống Lạc Hồng để bộc lộ niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước.

Mạch cảm xúc về hồi ức “tiếng đàn đá” bất ngờ đọng lại ở hai câu kết:

Sáng nay tôi viết bài văn xuôi về tiếng đàn đá

 Gió thoảng trước sân nhà vọng âm núi rừng sâu

Hai câu thơ này đã đặt Tôi vào thời gian hiện tại “sáng nay”. Trong hôm nay, mặc dù bị cuốn vào nhịp sống hối hả, xô bồ của thời hiện đại nhưng Tôi không quên hướng lòng về quá khứ dân tộc; trân trọng, tự hào những giá trị thiêng liêng, cao quý mà cha ông đã dày công gầy dựng nên. Là người cầm bút, Tôi muốn dùng con chữ để bày tỏ tình cảm này. “Bài văn xuôi về tiếng đàn đá” Tôi viết “sáng nay” không ngoài mục đích đó. Để viết thành “bài”, Tôi sống lại với ký ức mà “tiếng đàn đá” đã lịm vào hồn Tôi suốt dặm dài đất nước Tôi qua. Nên, “Bài văn xuôi” ấy chính là bản ký âm tâm hồn Tôi về “tiếng đàn đá”. Chắc hẳn nó rất dài. Chẳng phải “Tiếng đàn đá” đã lưu khắc trong tâm khảm Tôi từ “thuở học trò” đến nay? “Bài văn xuôi về tiếng đàn đá” được viết nơi “sân nhà” nhỏ hẹp nhưng lại có sức ôm trùm cả không gian vô tận và có một sức chứa cực lớn “vọng âm núi rừng sâu”. Phải chăng vọng âm đó là “giọng người đàn ông núi”, “giọng người xưa vọng về”, là thanh âm hùng hồn “dũng mãnh như suối, như thác”, là tiếng “êm đềm như gió đêm khuya”, “vang trong lòng đất”, “dặt dìu tầng không”? Hóa ra, “vọng âm núi rừng sâu” đó chính là “tiếng đàn đá”, là nội dung của “Bài văn xuôi” Tôi viết sáng nay. Một “bài văn xuôi” có nội dung vừa “dài”, vừa “sâu” như thế thật đáng trân trọng!

Bài văn xuôi về tiếng đàn đá mang hồn vía của bài thơ nên dĩ nhiên được tác giả dùng đặt tên cho bài thơ này. Nhưng sao không là “bài thơ” về tiếng đàn đá mà là “bài văn xuôi”? Gọi là “bài thơ” chẳng phải làm cho “tiếng đàn đá” đầy chất thơ hơn? Có lẽ, đây là thủ thuật dẫn dụ người đọc tiếp cận bài thơ được viết theo thể tự do, không vần của Nguyễn Nho Khiêm. Không vần nhưng giàu nhịp điệu. Nhịp điệu bài thơ chính là nhịp điệu tâm hồn, nhịp điệu cảm xúc của chủ thể trữ tình phả vào các hình thức ngữ âm, phép điệp từ ngữ, cách ngắt ngừng... để tạo nhạc, truyền đến tâm hồn người đọc tiếng lòng mình. Yếu tính này của thơ hiện diện rất rõ trong Bài văn xuôi về tiếng đàn đá.

Lấy cảm hứng từ “tiếng đàn đá” để thăng hoa cảm xúc về tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc là nét sáng tạo, riêng biệt của Nguyễn Nho Khiêm khi chạm bút đến đề tài quen thuộc. Thơ viết về Tổ quốc, Dân tộc thường mang giọng điệu hào sảng, quyền uy nhưng bài thơ Bài văn xuôi về tiếng đàn đá thì khác. Trầm lắng, thong thả là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này.  Không “lên gân”, “lên giọng”, bài thơ chỉ là lời thầm nhắc  của một công dân Việt với ý  nguyện nuôi dưỡng tâm hồn mình trong “tiếng đàn đá” và lấy “ánh sáng” được gọi về từ tiếng đàn thiêng để soi chiếu mỗi bước đi.

T.M