Những cú lừa ngoạn mục

05.07.2021
Lệ Hằng

Những cú lừa ngoạn mục

Xin nước mắt sẽ vơi

nơi giọt buồn đọng lại.

Xin ban mai tỏa rạng

hong khô vạn vũng sầu.

1. Ông Đài rướn người lên kéo tấm rèm cửa sổ cho nắng hắt vào phòng. Lúc trưa, thằng Quang - cháu ông - đã thả hai cánh rèm xuống đặng che nắng xế chiều, nó không biết rằng ông ghét cái thứ cứ chận ngang tầm mắt ấy lắm. Chói quá, ông nặng nhọc đưa tay che mắt. Mới cuối xuân nhưng nắng đã đanh và xót xáy lắm. Gió thổi lao xao trên chòm lá vối bên hiên nhà bà Quế, đối diện chỗ ông nằm. Chợt, ông thèm ly nước lá vối tươi quá thể. Cả tuần nay rồi ông chỉ mới uống được mấy ngụm bà Quế dè dặt mang sang. Buồn thay cho ông, đang mạnh phơi phới ngày nào cũng đạp một vòng xe ra chợ rồi hiên ngang chở về giỏ thức ăn cho hai ông cháu, thỉnh thoảng còn mua hộ cho cả bà Quế neo đơn, vậy mà bất cẩn một giây trượt chân có phát rồi nằm cả tuần không ra khỏi giường vạ khổ cho thằng cháu. Nó phải chăm đàn gà, gom trứng bán, lo chợ búa, nấu nướng, giặt giũ và cả bưng bô cho ông. “Thiểm quá!”. Ông nghẹn ngào tự vả mình. Nước mắt ông trào ra, đục ngầu, chẳng khác gì màu của mảng ký ức cứ sóng sánh theo từng ngày, từng tuổi của thằng Quang.

Ba mẹ thằng Quang kết thúc cuộc hôn nhân sóng gió trong yên ắng bằng những văn bản và lời phán quyết rõ rành của tòa án. Thế là ly hôn, là hết chung đụng dưới một mái nhà chứ chẳng phải là kết thúc một cuộc tình vì giữa họ tình yêu là cây nến thiếu tim nên chẳng bao giờ có thể thắp lên được. Tại ông, tại ông tất cả. Ông lại tự vả mình cả trăm cả ngàn lần mà không nguôi được. Ông biết rõ ba thằng Quang không hề yêu mẹ nó nhưng vẫn cố ép duyên như “ép dầu, dép mỡ” vì mẹ nó là con nhà tử tế còn cô gái kia là “đầu đường xó chợ” tình cờ lang bạt đến đây, gốc tích, gia cảnh chẳng biết hỏi ai mà lần. Ăn đời ở kiếp không chỉ cần “tình” mà còn cần “nghĩa”, có “nghĩa” ắt sẽ có “tình”. Như ông và bà lúc được hứa gả cho nhau có thấy mặt mũi nhau sứt mẻ hay lành lặn thế nào đâu, vậy mà vẫn mặn nồng vẫn yêu vẫn ghen cho tới ngày chẳng thấy nhau được nữa. Và dù bà đi sớm vẫn không người phụ nữ nào chen vào tim ông được. Đó, cuộc đời ông là minh chứng hùng hồn nhất rồi còn gì. Nhưng không có nghĩa cuộc đời con trai ông cũng thế. Gần mười năm chung sống, thằng Quang sáu tuổi thì họ bỏ nhau và bỏ đi. Thành phố này không thiếu việc làm cho họ nhưng nó nhỏ quá, họ sợ lại thấy nhau trên bước đường đời và thành phố này cũng u ám quá vì nó đã chất ngất những kỷ niệm buồn, những đổ vỡ tột cùng trong câm lặng nên họ phải đi, mỗi người một hướng. Chỉ có thằng Quang - hình bóng cuối cùng của cuộc hôn nhân - ở lại với ông. Nó thành đứa mồ côi tình cảm gia đình, mỗi năm chỉ mong duy nhất ngày sinh nhật được ôm quà và thư ba mẹ nó gửi về.

Ông Đài nhấc tay quệt ngang nước mắt, hình như nước mắt làm ông thấy mình yếu hẳn. Ông dỏng tai ngóng thằng Quang. Thì giờ trôi qua chậm chạp, chẳng biết khi nào mới nghe tiếng xe đạp cọc cạch vọng trên lối vào con hẻm hun hút này. Còi xe máy dội từ xa lại làm ông thèm nhấc chân lên và đi lại, như những chiều trước đây ông đi bộ ra vào hẻm hít thở khí trời.

Nôn nao như ai đốt lửa vào lòng, ông Đài với tay cầm sẵn cuốn vở và cây bút đặt trên đầu giường: “Lạy Chúa, xin cho con…”.

2. Bà Quế mừng mừng tủi tủi run rẩy trả chiếc điện thoại cho thằng Quang. Cuộc điện thoại lịch sử sau ngót nghét chục năm chờ đợi. Cuộc điện thoại chuộc vớt tâm hồn bà từ vũng lầy nhơ nhớp của ăn năn, giải phóng cho tháng ngày tội lỗi. Thằng Quang vẫn chưa về, nó sợ bà lăn ra xỉu. Lát sau, hai đầu gối lẩy bẩy va vào nhau, bà nhờ nó đỡ dậy đến bên giường lôi ra một xấp thư xếp ngay ngắn dưới gối. Nơi hốc mắt tưởng rằng suối lệ đã già nua, những giọt nước non nớt lại rỉ ra. Những giọt nước trong veo nhỏ xuống xấp thư. Thằng Quang đứng cạnh mắt cũng đỏ kè, nó quay mặt ra hiên nhìn cây lá vối rợn gió lao xao, gạt vội.

Trong khoảnh khắc được tha thứ, bà nghẹn ngào tua lại cuộc đời mình từ sai lầm đầu tiên. Bà bất chấp cuồng nộ của gia đình để chạy theo người đàn ông bà quen và yêu chớp nhoáng. Khi ấy, bà đang là sinh viên khoa văn, số ít người xinh đẹp và có học thức trong xã hội nên bà kiêu hãnh rạng ngời. Tình yêu lãng mạn sét đánh và bất chấp càng khiến bà kiêu hãnh rạng ngời hơn. Sau cuối, không rạng ngời nhưng bà kiêu hãnh bước khỏi vòng tay trăng hoa của người đàn ông ấy để một mình nuôi con. “Ba con chết trước khi con được sinh ra” - Bà nói với con gái mình như thế, luôn luôn và duy nhất một câu trả lời hơn ba chục năm không thay đổi. Con gái bà lớn lên với một tâm hồn không cân đối, khuyết nửa tình thương của người cha và khát mãi câu trả lời cha mình là ai. Không một di ảnh hay một kỷ vật nào trong ngôi nhà cho cô bé tìm thấy chút ấm áp hay đôi tí bóng dáng người cha. Và khi đã đi qua hơn nửa đời người, khi đã làm mẹ cô bé ấy mới tìm thấy câu trả lời: Cha mình lâu nay vẫn sống, sống gần mình và sống sờ sờ ngay trong thành phố quê hương mình. Khi ván bài đã đến hồi lật ngửa, bà thừa nhận bà không bao giờ muốn cô nhìn mặt cha. Thậm chí, lúc ông đã già nua ốm yếu, đã không còn nhiều thời gian, đã sám hối, đã cầu xin bà tha thứ và cho nhận con một lần, bà vẫn thẳng thừng nói không. Bà đanh thép: “Nếu ông gặp con bé thì tôi chết cho ông coi!”.

Bà không phải chết nhưng ông và hơi thở của ông đã thành hư vô trước khi kịp nhận con và nhận lời tha thứ từ bà. Hơn ba chục năm khắc khoải, con gái nhìn mặt cha mình khi chỉ còn trên di ảnh. Yêu thương và tôn thờ mẹ bao nhiêu bây giờ cô quay sang hờn hận và trách móc trái tim sắt đá của bà bấy nhiêu. Bà chẳng yêu cô như bà đã nói, bà chỉ nghĩ cho mình, cho sự hả hê trong thù hận của mình. Không chấp nhận được sự thật, cô dắt díu gia đình nhỏ của mình rời thành phố vào Nam. Chỉ một lần duy nhất, sau khi rời thành phố được một năm cô viết thư cho bà để báo là cô vẫn ổn. Và chỉ một lần thư ấy, bà gửi bao nhiêu thư sau đó cô cũng không hồi đáp, chỉ có tiền là cô vẫn đều đặn nhờ bà con gửi về. Giá mà cô đừng làm thế thì bà còn đỡ đau khổ hơn... Cô ghét sự sắc lạnh của bà nhưng chính cô ngày càng trở nên giống bà, sống trong hình ảnh của bà...

Bà còm cõi héo hon, bà khóc mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, mỗi tối. Hai mắt bà mờ đục. Bà không còn tự viết thư được nữa, bà phải đọc nhờ ông Đài chép. Thư đi mãi rồi cũng có hồi âm, mấy năm trở lại đây bà nhận được đều đặn hai tháng một lần. Thời đại này rồi, điện thoại đầy cả ra nhưng cô chẳng bao giờ gọi điện cho bà dù lá thư nào bà cũng nhắc ông ghi kèm số điện thoại của ông và thằng Quang. Bà biết cô chưa thể tha thứ hoàn toàn cho bà và bà cũng biết mình không đáng được tha thứ dễ dàng như thế. Cuộc gọi vừa rồi của cô khiến bà chấn động. Chấn động hơn nữa khi cô thú nhận nhiều năm qua cô không hề viết lá thư nào cho bà. Mãi đến hôm nay, khi cầm trên tay lá thư cuối cùng của ông Đài vết thương lòng của cô mới chịu kéo da non làm lành những nỗi đau âm ỉ.

3. Hơn bốn giờ sáng, thằng Quang trở mình dậy dù đêm qua nó ngủ rất muộn. Nó sang gian bên ngồi vào chiếc bàn học đã trống trơn. Nó nhìn lại ngôi nhà xập xệ, tất cả đều đã trống trơn. Chốc nữa thôi nó sẽ ôm di ảnh ông lên xe theo ba nó vào miền Nam. Nó nhìn qua nhà bà Quế, nó muốn sang tặng bà một kỷ vật của ông nhưng nhà bà điện vẫn chưa sáng, chỉ có bóng ngọn đèn ngoài hẻm hắt vào cây lá vối thân quen. Nó cất con dấu có khắc chữ “Bưu Điện Tỉnh Bình Dương” làm giả vụng về vào ba lô, cái con dấu mà ông và nó cất công đẽo gọt bắt chước con dấu của bưu điện. Và nó đủ lớn để thấy đó là một trò trẻ con.

Xe khởi hành, nó rời hẻm nhỏ. Sáng chủ nhật, dù mới tờ mờ đường vào nhà thờ ông hay đi lễ cũng đã rộn ràng. Bất chợt, nó xin bác tài cho xe dừng lại. Lần đầu tiên sau mười lăm năm có mặt trên cuộc đời, nó thấy mình cần được ngước nhìn Đấng cao hơn và quỳ dưới chân Người. Trên cao, Thiên Chúa đang nhìn nó. Tất cả nước mắt nó cất nín lâu nay tuôn chảy thành dòng trong lời kinh cầu nguyện cho ông nó, cho ba nó, cho bà Quế và cho chính nó nữa.

Từ nay, sẽ chẳng có ai lừa phỉnh nó nữa. Sẽ chẳng còn ai giả làm ba nó để viết thư cho nó trong ngày sinh nhật nữa. Sinh nhật lần thứ mười hai của nó, ba nó vô tình gọi điện về lúc ông không ở nhà. Ba nó thậm chí không nhớ nổi năm ấy nó bao nhiêu tuổi. Và mẹ nó cũng thế. Họ còn có cả một gia đình phải xây đắp và họ cũng chật vật đủ điều. Nó chỉ thương ông, mấy cái sinh nhật rồi nó vờ vịt vui vẻ khi nhận quà và viết thư lại, như thể nó chưa từng nhận cuộc điện thoại chiều hôm ấy.

Thằng Quang hít thật sâu lôi chiếc điện thoại ra xóa một nick Facebook có tên Vinh Nguyễn - tên của ba nó. Đó là tài khoản Facebook nó lập cho ông, vì ông. Hai năm nay, nó thấy ông mỗi ngày một già đi. Ông không còn minh mẫn như trước nữa. Ông kể đi kể lại ngày cả chục lần những mẩu chuyện chắp vá hồi ba nó còn ở thành phố. Từ sở thích ăn chè đậu ván, ăn cá nục kho ớt xanh, ăn canh rau ghét canh bầu cho đến mùi mồ hôi trên áo ẩm ương, cho đến việc ngủ ngáy, cho đến cái đánh rấm cũng nên câu nên chuyện. Và càng ngày nó càng hiểu ông nhớ ba nó quay quắt. Mười bữa như chục, nó đạp từ trường về dựng xe trên hiên là nghe ông kể ba nó mới gọi điện hỏi han ông, nhắc nhở nó. Nó đủ lớn để biết lúc nào ông nói dối. Nó ở gần ông lâu ngày lây “bệnh”, nó quay lại lừa phỉnh ông. Ông thấp thỏm đợi tin nhắn từ Messenger của Vinh Nguyễn - con trai ông - hằng ngày. Nhưng từ giờ sẽ chẳng còn ai lừa nó và cũng chẳng còn ai cho nó lừa nữa rồi…

4. Bóng thằng Quang vừa khuất thì anh Vinh xuống xe. Trong tiết trời se se một sớm đầu xuân, những ngọn đèn trên lối đi dẫn vào thánh đường hắt ánh sáng vàng mờ ảo trong sương. Đôi chân anh nhấc lên vài bước rồi khựng lại. Không! Anh phải để thằng Quang vào đó một mình, anh không thể là chiếc bóng bám sau cuộc đời nó, càng không thể làm gián đoạn khoảnh khắc nó đến quỳ dưới Đấng giàu lòng thương xót ấy.

Thằng Quang mười lăm tuổi, vậy là ngót chục năm anh không đặt chân lên con đường thênh thang, sạch sẽ và mầu nhiệm này. Lần đầu tiên anh thấy nó mầu nhiệm. Anh làm sao có thể tưởng tượng nổi đến một ngày, sau khi trải qua hết thảy khổ đau và lầm lạc, anh lại thấy thân mình nhẹ nhõm, lòng mình đơn sơ như ngày bé anh cùng người cha vừa khuất dắt tay nhau vào thánh đường. Chuông nhà thờ vang trên ngọn tháp, mảnh trăng già chìm dần xuống phía Tây. Bầu trời lồng lộng. Anh ngước lên cao, giọt nước mắt ăn năn xuôi gò má tuôn dài.

- Đi được chưa con?

- Rồi ạ.

Giọng thằng Quang chắc nịch. Trước mắt nó là con đường thênh thang dẫn đến phi trường, nơi có chuyến bay đã sẵn sàng cất cánh. Nó cũng đã sẵn sàng cho chuyến bay của cuộc đời mình. Mười lăm tuổi, nó đủ lớn để biết ba nó sẽ nhiều trăn trở khi lo cho một gia đình có con của vợ cũ lẫn vợ mới, nó đủ lớn để muốn mình trở thành một chàng trai vững vàng ghé hộ một vai sớt gánh nặng cùng ba và đủ lớn để biết yêu thương những đứa em mà nó chưa một lần thấy mặt.

Cuối con hẻm, bà Quế vừa dậy. Bà múc nước tưới cho cây lá vối nhớ những ngày cố bấm đọt cho cây đừng lên cao quá để ông dễ bề hái lá. Nắng đã lên, nắng hiu hiu rớt trên hiên nhà bà mấy chấm tròn thật dịu. Bà đứng trông sang, chợt gọi: “Ra hái lá ông ơi!”

L.H