Một vùng đất thấm đượm chất liệu dân gian

05.07.2021
Huỳnh Viết Tư

Một vùng đất thấm đượm chất liệu dân gian

Đường lên Tây Giang quanh co, khúc khuỷu. Phải luồn lách trong bạt ngàn núi xanh, rừng thẳm. Những bản làng Cơ Tu nằm lọt thỏm giữa các thung lũng ngàn xanh, nằm vây quanh nhà Gươl. Trung tâm huyện Lỵ đặt trên đất thôn AGrồng, xã ATiêng. Bên này, vách núi nghiêng, mọc đầy cỏ như tấm thảm xanh, kéo dần lên đến đỉnh cao sừng sững, trông thật hùng vĩ. Bên kia, dòng AVương âm vang thác đổ, rồi róc rách tự tình cùng thâm u, đầy vẻ mê hoặc như chuyện huyền bí của đại ngàn. Từ trên cao nhìn xuống, những cây cầu treo lát gỗ nối đôi bờ chênh vênh, lắc lư, trong không gian thác ghềnh, đồi núi mênh mang, chập chùng, khiến lòng người chênh chao...

Khi trời chiều chếch choáng, cảm giác lâng lâng phiêu bồng nơi tiên cảnh. Những cánh rừng nguyên sinh ngàn năm thách thức cùng năm tháng, dáng cây cổ thụ ưỡn mình, tự hào khoe tán lá xanh thẳm bao la. Trên những đỉnh núi chót vót, đám mây trắng quần tụ như chiếc khăn voan khổng lồ, trùm lên một vùng núi biếc bao la, nhấp nhô, lượn lờ, phất phơ gió lộng. Chúng tôi cảm thấy thích thú được thỏa lòng chinh phục những con dốc vòng vèo uốn lượn, dẫn lên đỉnh Quế cao 1369 mét so với mặt nước biển, ngất ngưỡng bên trời xanh.

Từ những con đèo ngoằn ngoèo bên vực thẳm, bên vách núi nghiêng chênh chếch, cheo leo dẫn đến khu di tích lịch sử cấp quốc gia, đoạn ATép đi Bù Lạch và ATép đi Hiên, đường mòn Hồ Chí Minh 559, đường Trường Sơn đoạn ngã ba ATép, mốc 678, đến thăm đình làng tại thôn ARầng, xã AXan mới xây trong những năm gần đây, nhưng rong rêu, dương xỉ, cỏ dại đã bám vào tường và mọc cả trên nóc. Phía trước đình có hai cây đa sộp, là hai cây đa di sản Việt Nam hơn bảy trăm năm tuổi, như là chứng nhân của đất trời về một vùng đất có người Cơ Tu sinh sống lâu đời. Thân cây đa sộp to lớn, tán rộng, rễ chính và rễ phụ đan xen nhau, như thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn của cộng đồng người Cơ Tu. Trải qua những cuộc chiến sinh tử từ hai làng kề nhau, xuất phát từ tục “săn máu”. Tục săn máu vốn là dạng nghi lễ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, khá phổ biến trong lịch sử nhiều tộc người. Bởi quan niệm máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm dẫn chất kết nối âm dương, trời đất - nhân tố cần thiết cho sự tồn vong và phát triển của vạn vật, tạo nên cuộc sống no ấm. Tập tục này diễn ra trong một thời kỳ dài, gây bao nỗi kinh hoàng, ngày nay không còn nữa.

Người ta truyền nhau, hai cây đa sộp di sản ở thôn ARầng, xã AXan này rất linh thiêng. Khi có việc lớn trong gia đình, thương lái, người đi khám phá, đi du lịch ngang qua, thường dừng lại thắp hương cúng Yàng để cầu sự bình an, may mắn. Hằng năm, thôn ARầng lấy ngày 18, tháng Giêng âm lịch tổ chức lễ cúng Yàng, để cầu mong bản làng yên bình, tai qua nạn khỏi, không có người chết xấu do sét đánh, tự tử, dịch bệnh…

Trên đường vào huyện Lỵ, chúng tôi bắt gặp bên đường một cái bảng lớn ghi: “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong!”. Phải chăng, miền đất Tây Giang đã thể hiện tấm lòng và ý chí của người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng, coi rừng thân thiết như là ruột thịt. Ông Bh'riu Liếc nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang đang vận động các xã tìm thêm những loại cây quý lâu năm, để mời Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đến khảo sát, lập hồ sơ công nhận cây di sản.

Hiện nay đã có 725 cây và đang tìm thêm để có từ 1.000 cây di sản trở lên. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc giữ rừng, phát triển bền vững huyện thành một vùng văn hóa riêng biệt, có những giá trị độc đáo. Khi tách huyện, việc đầu tiên của lãnh đạo huyện là tuyên truyền cho người dân và mọi người phải bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng - ông Bh'riu Liếc chia sẻ và kể lại: “Cuối năm 2011, huyện Tây Giang đã tổ chức cho thanh niên phát dọn, mở đường đi bộ từ thôn Voòng, xã Tr'Hy đi thôn Ganil, xã AXan để người dân các xã Ch'Ơm và Gari đi lại với nhau”.

Khác với những thôn, nóc của người Ca Dong, Giẻ Triêng, người Cơ Tu ở AXan sống khá tập trung. Nhà cửa vẫn giữ nếp truyền thống nhưng khang trang và sạch sẽ hơn. Có lẽ, khắp các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam không nơi nào có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn như ở Tây Giang. Nơi đây, người dân sinh sống cùng với rừng, dựa vào rừng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, nạn phá rừng không hoành hành như những nơi khác.

H.V.T