Một thoáng vùng cao

05.07.2021
Nguyễn Thị Phú

Một thoáng vùng cao

Tôi mong ngày trở lại sông Kôn, ghé thăm cô bạn nhỏ và hít thở không khí trong lành dịu hương rừng núi Đông Giang. Dù không chắc cô bé ấy còn nhớ!

Hôm đó. Khi tôi đang ngắm nhìn cảnh thôn làng yên tĩnh trong ánh nắng rực rỡ của buổi sáng đầu hè thì một cô bé đi ra từ đường thôn rợp bóng cây. Thấy người lạ, cô bé nhìn không chớp mắt, cái ánh nhìn ngây thơ thoáng nét xa xôi. Tôi cất tiếng chào nhưng cô bé cứ im lặng nhìn, như thể cảnh giác. Tôi bắt chuyện:

- Cô là cô giáo ở Đà Nẵng. Cô hỏi chuyện một tí được không?

Cô bé im lặng vài giây, chả biết nghĩ gì, rồi gật đầu, cả khuôn mặt mỉm cười thân thiện. Không gian thôn làng và khuôn mặt đậm chất dân tộc Cơ Tu của em là một điều gì đó rất hay ho mà tôi mong ước trong chuyến đi này. Tôi hỏi tên. Em trả lời gọn lỏn: “Thơ”. Tưởng cô bé nói một cái tên theo tiếng Cơ Tu, tôi bảo em đánh vần tên đi, em mỉm cười:

- Thơ là thờ ơ thơ đó cô.

Em nói tiếng Kinh. Thế mà nãy giờ, cứ im lặng mãi, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt với nụ cười làm tôi hơi bối rối. Tôi hỏi thăm về trường học, về cô giáo và các bạn. Em có vẻ thích điều này. Em kể cô giáo của em xinh lắm, mấy hôm nay trường đóng cửa nghỉ học chống dịch Corona nên cô về nhà rồi, ở xa lắm, tận trên A-Ting. Lớp của em có nhiều con trai rất nghịch, nhưng cũng có nhiều đứa rất hiền, mà chơi với con gái dễ chịu hơn. Con gái còn siêng năng hơn con trai, hay quét lớp sạch sẽ nữa... Chợt nghĩ, trẻ con thường có những nét tính cách khá giống nhau, khác chăng là bởi đời sống vật chất, tập tục, truyền thống của mỗi vùng miền.

 Tôi kể chuyện mình tháp tùng theo nhóm bạn làm phim phóng sự của một đài truyền hình khu vực. Giờ, họ đã đến nhà của già làng. Tôi và anh lái xe do mải mê khám phá nhà Gươl nên bị mất dấu, nãy giờ không có ai qua đây để nhờ họ dẫn đường. Cô bé nhìn tôi mỉm cười. Chẳng biết có phải vì hai bờ môi bị khô và nứt nẻ nên nó cứ chúm chím nụ cười trên khuôn mặt trái xoan, làm cho chiếc cằm dài nhọn ra. Tôi hỏi em có biết nhà của già làng không? Em bảo: “Ai cũng biết mà!”. Lúc này, anh lái xe muốn được ngồi nghỉ chân. Thơ dẫn tôi đi qua mấy đoạn đường thôn vắng vẻ. Nhà nào cũng mở toang cửa mà nhìn vào thì chẳng thấy ai bên trong. Cuộc sống thật vắng lặng! Có lẽ người lớn đã lên nương. Thỉnh thoảng, gặp vài đứa trẻ trên đường, Thơ giơ tay như thể chào bạn, nhưng các em ấy chỉ đứng yên nhìn chúng tôi bằng ánh mắt xa lạ, có chút ngạc nhiên. Rồi cứ đứng yên thế nhìn theo. Tới ngả quanh, thấy hai thằng con trai độ tuổi lên mười đang lúi húi giăng sợi dây qua đường, tôi bước tới làm quen. Nghe giới thiệu là cô giáo ở Đà Nẵng, thằng bé tóc xoăn hiện một chút vui trên ánh mắt:

- Em biết Đà Nẵng rồi. Có rất nhiều người và xe.  

- Em đến đó lâu chưa?

Thằng bé ngửa cổ lên, mắt nhìn ngọn cây, chớp chớp, như để hồi tưởng. Đôi mắt to tròn như hai viên bi ve. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt trong ngần, bất chợt nhớ tuổi thơ mình thường nheo một con mắt để nhìn vào thế giới bí ẩn muôn màu chứa trong viên bi ve. Viên bi nhỏ xíu thế mà ai đã cất vào trong đó cả dòng sông, mây trời và rất nhiều cây cỏ. Chỉ cần vê ngón tay lăn viên bi qua phía khác, thế giới trong ấy sẽ đảo lộn, mây hóa thành sông và cây cỏ hóa con đường... Một cái khoèo tay làm tôi giật mình đánh rơi viên bi ve trong ký ức.

- Em đi Đà Nẵng hôm hội chợ. Mẹ em bán gạo đỏ với tiêu rừng ở đó.

Tôi hỏi em thích Đà Nẵng không? Cậu bé lắc đầu. Nó bảo ở đây vui hơn. Tôi biết, dẫu gì thì quê hương mình vẫn hơn tất cả. Nơi xa xôi nào đó có thể có những điều diệu kỳ, lý thú, nhưng nó không thuộc về mình, nó chưa thể mang lại niềm vui.

Hỏi các em đang làm gì đó? Thằng bé áo tím bảo: Đang chơi. Tôi đề nghị cho mình cùng chơi với. Thằng bé lắc đầu, bảo:

- Không được! Đây là điều bí mật.

Sợ trò chơi bí mật có thể gây ra nguy hiểm cho ai đó, tôi nắm tay hai thằng bé năn nỉ:

- Cho cô chơi với! Cô giáo sẽ giữ bí mật mà.

Thằng bé tóc xoăn nhìn tôi, nhìn sâu vào mắt tôi như thể dò xét rồi gật đầu đồng ý. Tôi bảo nó bày cách chơi. Hai thằng bé bèn gỡ hai cái vỏ lon bia từ hai phía gốc cây ra. Và tôi hiểu trò chơi thế này: chúng dùng sợi dây ni lông hơi mảnh; ở mỗi đầu dây, chúng buộc vào một thỏi đá nhỏ có dáng thon dài, cỡ hai lóng tay; rồi lại quấn sợi dây vào thỏi đá nhiều vòng. Tiếp đến, chúng cho hai thỏi đá có buộc dây vào bên trong hai vỏ lon, đặt vào hai gốc cây hai bên đường, nhặt thêm mấy chiếc lá vàng phủ lên lon bia. Thằng bé áo tím chỉ tay vào đoạn dây hơi sà xuống mặt đường bảo:

- Mình đánh lừa ai đó đi qua đây.

Rồi cũng chính nó, giả vờ làm người qua đường vướng chân vào sợi dây. Lập tức, sợi dây căng lên và những âm thanh “tong, tong...” vang ra từ phía hai lon bia. Hai thằng thích chí cười vang rồi hỏi tôi:

- Bị giật mình vui chưa?

 Tôi mỉm cười gật đầu, nhìn thấy niềm vui trên hai khuôn mặt con trẻ, dù chỉ là trò chơi với ý tưởng và vật liệu giản đơn. Chẳng biết sẽ có cô bé, cậu bé nào lơ đễnh bị giật mình không đây? Tôi mở túi xách lấy gói kẹo chia cho các em. Chúng thản nhiên đón nhận và ngồi xuống vệ cỏ ăn ngon lành. Nhưng Thơ không quên nhiệm vụ. Nó nhắc chuyện đến nhà của già làng. Tôi thích ngồi đây chơi với các em một lát. Thơ không phản đối, ngồi xuống bên cạnh tôi cùng ăn kẹo. Bất chợt, thằng bé tóc xoăn cất tiếng Cơ Tu, rồi cả ba đều nói với nhau bằng ngôn ngữ ấy. Hai thằng con trai nhìn tôi với nụ cười... bí ẩn. Cảm giác đang bị cười cợt vì một điều ngớ ngẩn nào đó (trong ý nghĩ của chúng), tôi hỏi:

- Các em cười gì cô đó?

Cả hai thằng bé lắc đầu nguầy nguậy nhưng tiếng cười lại rích rích to hơn. Tôi nhìn Thơ cầu cứu. Thơ thật thà bảo:

- Chúng nói cô là cô giáo mà không biết nhà của già làng, cũng không biết trò chơi bí mật, không biết tiếng Cơ Tu. Chắc cô chỉ biết... đòi mẹ cho bú thôi.

Khi Thơ phiên dịch chưa hết câu thì hai thằng bé đã ù chạy với giọng cười tinh nghịch vào trong ngõ xóm. Bị bất ngờ, tôi chỉ biết đưa mắt nhìn theo với một nắm đấm tay. Thơ thỏ thẻ: “Hai thằng đó nghịch lắm, cô đừng nghe”. Rồi em dẫn tôi đến nhà của già làng. Mọi người đang ngồi quây quần bên bếp lửa trong căn nhà sàn nhỏ. Dù là ban ngày, ba cây củi to vẫn chụm đầu vào nhau trong bếp kiềng với những cục than đỏ rực. Những làn khói mỏng bay lên ám vào giàn bếp chất đầy củi khô, tỏa lên mái lá. Trong cái không gian chật chội cay nồng mùi khói đó, già làng đang thao tác dát mỏng mấy khoanh dây mây để đan gùi, đan rổ. Anh nhiếp ảnh gia chăm chú chụp hình. Anh phóng viên thì tác nghiệp ngược lại, anh ghi hình của nhiếp ảnh gia để làm chương trình giới thiệu chân dung của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cô nhà báo vừa quan sát, ghi chép, vừa gợi ý già làng và anh chàng quay phim một vài chi tiết để có khuôn hình đẹp. Xong việc rồi, mọi người mới ngỡ ngàng khi nhận ra nét đẹp của Thơ, nét đẹp nguyên sơ của bé gái Cơ Tu mà những đứa trẻ cùng trang lứa hiếm có. Anh nhiếp ảnh gia xin bé cho chụp mấy tấm hình, bổ sung vào bộ ảnh hôm nay. Thơ hồn nhiên “diễn” như người mẫu. Em mở bím tóc, mắt nhìn ra sân nắng. Em choàng tấm khăn thổ cẩm, mỉm cười. Em nhìn lên giàn bếp, kiếm tìm v.v... cho nhiếp ảnh gia ghi hình. Tôi thì sà vào đám trẻ trong nhà, vui chơi cùng chúng và “nhòm ngó” một chút chiếc rương đựng đồ của người phụ nữ. Bà vợ của già làng mở nắp rương cho tôi và cô nhà báo xem bộ trang phục thổ cẩm với những vòng cườm đầy màu sắc rồi khóa ngay lại, móm mém cười bảo: “Để dành! Khi nào có lễ hội mới mang”.

 Xong việc ở đây, tôi và các bạn tạm chia tay, hẹn giờ gặp lại, rồi mỗi người tiếp tục tự do đi theo đề tài của riêng mình.

Tôi và Thơ nắm tay nhau đi trên những con đường nhỏ mà cả hai đều không biết dẫn đến nơi đâu. Thơ bảo ít khi nó đến đây. Nhưng nó biết nếu vòng về hướng bên tay trái, sẽ gặp con suối, thỉnh thoảng nó cùng các bạn xuống suối tắm và bắt ốc về nấu ăn. Lúc này, nắng đã hơi gắt, vẻ oi nồng, tôi bèn mang khẩu trang. Thấy thế, Thơ hỏi với thái độ rất nghiêm túc:

- Cô chống Corona đó à?

Câu hỏi làm tôi giật mình nhớ lại những khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực tình, từ lúc đặt chân đến đây, nhìn thấy người qua lại rất thưa thớt, không khí lại quá trong lành nên tôi quên đi tất cả những hiểm nguy về dịch bệnh. Tôi đưa cho Thơ chiếc khẩu trang. Con bé lắc đầu với nụ cười chúm chím:

- Corona không đến đây được đâu cô?

- Sao vậy?

- Vì không ai mang nó đến đây. Nó ở rất xa mà.

Mong sao ý nghĩ trẻ con, ngây thơ của con bé là hiện thực. Ở đây, cuộc sống con người vốn đã thiếu thốn, dịch bệnh nữa thì biết làm sao? Nói thế, nhưng tôi vẫn dúi chiếc khẩu trang vào tay con bé.

Rẽ qua đường xuống suối, bất chợt, Thơ nắm chặt tay tôi kể chuyện nó đã từng xuống suối một mình, vì hồi đó mẹ nó bị ốm nên chỉ hái rau trong vườn luộc ăn với con cá muối phơi trên giàn bếp. Nó thèm ốc quá, trốn học xuống suối bắt ốc. Như thể ốc thương nó nên hôm đó nhiều vô kể. Nó say sưa nhặt từng con ốc lớn, nhỏ đủ loại, ước chừng nấu được cả nồi canh to. Niềm vui khiến nó không thấy nóng dù nắng đã trưa. Gói ốc đầy trong vạt áo, nó ù chạy về nhà. Trưa đó, cả nhà được nồi canh ốc ngon lành. Ăn xong, nó mới sực nhớ là bỏ quên quyển vở ngoài suối. Nó vội chạy ra tìm nhưng không còn nữa. Quyển vở đã nằm dưới lòng suối. Nước trôi hết chữ rồi... Tôi quàng tay ôm bờ vai con bé và lắng nghe nó kể tiếp những câu chuyện về bọn trẻ con trong thôn. Chưa trực tiếp chứng kiến nhiều, vì tôi cũng chỉ có cơ hội đến miền cao vài lần trong ba năm trở lại đây, song tôi đã chạnh lòng thương, cảm nhận rằng ở đây trẻ con sống đơn giản, chan hòa và phụ thuộc thiên nhiên, rừng cây, đất núi. Chúng đã “đi chậm” so với trẻ con vùng xuôi khoảng hơn hai mươi năm. Chúng biết nhiều chuyện không có trong trang sách giáo khoa, nhưng lại chẳng thể hình dung hết được những điều viết trong sách đó. Và rất lạ, bọn nhỏ chẳng có câu chuyện giận hờn, ganh ghét, cũng chẳng nghe chúng vòi vĩnh cha mẹ những món quà đến từ miền xuôi xa xôi. Các em hạnh phúc với những gì đang có, mà nhất là niềm hạnh phúc gia đình.

Quá mười một giờ trưa, tôi trở lại nhà Gươl. Các bạn của tôi đang chờ ở đó. Lúc chia tay Thơ, tôi hỏi làm thế nào để liên lạc với em. Con bé lắc đầu, mắt đượm buồn. Nó chỉ tay về phía dưới nhà Gươl và bảo: “Nhà em ở đó. Qua khỏi cái nhà có cửa màu xanh là tới nhà em”. Rồi nó vụt chạy nhanh trong nắng trưa. Tôi cùng các bạn đi về hướng cầu Bho Hoong. Đến chân cầu, tôi quay lại nhìn, cái dáng bé nhỏ của em vẫn còn trên con đường vắng vẻ, yên bình.

Mong sao cuộc sống của các em cứ mãi yên bình như thế, nhà nhà vùng cao đều có cơm ăn áo mặc đủ đầy; các em đều được cắp sách đến trường; thôn làng chắt lọc giữ được những bản sắc tốt đẹp vốn có, không hòa lẫn, pha trộn, nhưng cũng cần soi rọi những ánh sáng văn minh, tân tiến để cuộc sống hòa điệu với cộng đồng các dân tộc anh em cùng sống chung trên mảnh đất thân yêu này.   

N.T.P