Trần ai lạc định

31.03.2022
Diệu Phúc

Trần ai lạc định

Mùa đông năm nay đặc biệt lạnh.

Lê Quát nhận thánh chỉ ban hôn, cảm thấy một trận giá rét len lỏi qua từng lớp vải, thâm nhập đến tận xương cốt. Thái úy Lê Phụ trầm ngâm:

- Cha biết là ủy khuất cho con. Nhưng được mất trong cuộc hôn nhân này, hẳn là con hiểu rõ.

Thông lệ, công chúa đến mười sáu tuổi mới xuất cung hạ giá lấy chồng. Nhưng thiên hạ có ai mà không biết trưởng công chúa Ngọc Đường năm nay chỉ vừa mới lên mười. Nàng xuất thân cao quý, là kim chi ngọc diệp, nhưng từ nhỏ đã mắc chứng câm.

Lê Quát cũng vừa mới bước sang tuổi mười sáu. Bản thân hắn mỗi ngày không luyện kiếm thì đọc sách, ngày ngày văn ôn võ luyện, chỉ muốn sau này được như phụ thân, phụng sự triều đình, làm rạng danh tổ tiên. Hắn trước giờ vẫn chưa nghĩ đến chuyện thành gia lập thất.

Là phò mã đô úy, cả đời không được nạp thiếp. Mà một đứa trẻ mười tuổi, làm sao có thể cùng hắn lưỡng tình tương duyệt?

Hôn lễ của công chúa mười tuổi vốn khác lạ so với điển lễ đã là chuyện chấn động cả kinh đô Thăng Long. Phò mã đô úy lại là con trai thái úy Lê Thụ, là vị khai quốc công thần, người đứng thứ mười ba trong “Lam Sơn tam thập hổ tướng”. Thế nên, từ quan nhỏ ở địa phương đến quan lớn trong triều, từ người muốn lấy lòng hay kẻ ưa cầu cạnh phủ thái úy đều đua nhau đưa lễ vật đến mừng. Gấm thêu, lụa là ngoài phố người người tranh mua. Kinh thành một phen náo nhiệt.

Giờ lành đã đến, Ngọc Đường được hỉ bà đỡ xuống kiệu, dắt tay vào lễ đường. Nàng mặc hỉ phục thêu loan phượng tinh xảo, bộ dáng yểu điệu khiến quan khách trầm trồ tán thưởng. Tiếng pháo và tiếng chúc mừng vang lên không ngớt. Đối diện nàng là một thiếu niên cử chỉ phong độ nhẹ nhàng, dáng vẻ tuấn mỹ như chi lan ngọc thụ. Đứng cạnh hắn, trông nàng càng thêm nhỏ bé. Nàng thoáng chốc ngơ ngác, mi mắt hơi run lên. Hắn vẫn như cũ giữ một vẻ trầm ổn uy nghiêm, mang theo mấy phần thờ ơ.

Làm lễ xong, tân nương được đưa về phòng tân hôn. Ngọc Đường ngồi trên giường lớn, đưa mắt nhìn ngang ngó dọc một lượt khắp căn phòng. Hai bên giường, màn trướng ngọc bích rủ xuống. Phía đối diện là một chiếc bàn con, bày đôi chén ngọc và bình rượu hợp cẩn. Mọi thứ đều xa lạ khiến nàng nhớ đến mẫu hậu và hoàng đệ.

Hoàng đệ Bang Cơ chỉ mới bảy tuổi, mẫu hậu buông rèm nhiếp chính, các thế lực đối địch trong triều lúc nào cũng như hổ đói rình mồi. Trưởng hoàng tử Nghi Dân càng không cam lòng chuyện phế thái tử, ngầm kết bè đảng, bất cứ lúc nào cũng có thể soán ngôi vua. Nếu nàng chấp nhận gả cho Lê Quát, kết tình thâm giao với thái úy Lê Thụ, thì ngai vàng của hoàng đệ mới có chỗ dựa vững chắc. Từng lời của mẫu hậu trước ngày hạ giá, nàng đâu phải không hiểu. Nhưng lúc này, khi chỉ có một mình, không hiểu sao nước mắt của nàng cứ thế trào ra. Nàng cuộn mình, cô độc nằm xuống giường.

Cửa phòng mở ra. Bóng nến trên tường khẽ lay động. Lê Quát khóa trái cửa, bước đến bên giường. Nhìn bóng dáng tân nương nằm cuộn tròn như một chú mèo nhỏ, chiếc gối thêu ướt đẫm một mảng, lòng hắn bỗng dâng lên một chút thương cảm lẫn chua xót.

 Hắn cứ đứng như thế, không biết đã qua bao lâu.

Áp xuống những rối ren trong lòng, hắn kéo chăn lên, đắp kín cho nàng, rồi nằm vào bên cạnh. Mùi tóc nàng thoang thoảng, trầm lắng, gợi lên chút ấm áp giữa đêm đông vắng lạnh. Căn phòng quay trở về vẻ tĩnh lặng vốn có. Hắn nhắm mắt, lặng nghe tiếng thở đều đều phảng phất bên tai.

Tờ mờ sáng, than trong chậu cũng gần tắt. Cái lạnh bên ngoài bắt đầu len lỏi vào phòng. Ngọc Đường vô thức trở mình, ôm chặt lấy người bên cạnh. Lê Quát choàng tỉnh. Hắn ngây ngốc nhìn gương mặt non nớt đang say ngủ của Ngọc Đường, đôi hàng mi như phiến lá mềm thi thoảng khẽ động. Lòng hắn cũng khẽ động.

Đây chính là người sẽ cùng mình gắn bó, trải qua phần đời còn lại sao? Trước đây, tuy hắn chưa từng nghĩ đến, nhưng cũng không thể nào ngờ được người đó lại có bộ dáng này. Hắn thầm cảm khái. Đến cùng, là hắn cưới nương tử hay là nhận nuôi hài tử mới đúng đây.

Ngọc Đường vừa mơ màng tỉnh giấc, chợt thấy gương mặt của hắn đập vào mắt, liền ngồi bật dậy. Không khí giữa hai người bỗng trở nên ngượng ngập. Hắn định rời giường, nhưng bỗng nhớ ra điều gì đó, hắn bảo nàng quay mặt đi. Nàng không rõ hắn muốn làm gì nhưng vẫn nghe theo. Bỗng một tiếng “bốp” vang lên, nàng giật mình quay lại. Hắn khẽ nhăn mày, dáng vẻ có chút khổ sở. Chỉ một thoáng sau, máu từ mũi hắn bắt đầu nhỏ xuống. Nàng hoảng hốt, định lấy khăn cầm máu nhưng hắn ngăn lại, rồi nhanh chóng quẹt máu lên tấm đệm trải giường. Nàng ngây ngốc một hồi, bỗng hiểu ra, không nhịn được mà bật cười thành tiếng.

Nàng chợt ghé lại gần, cầm lấy tay hắn. Ngón tay nàng trắng nhỏ, thon dài, di di trong lòng bàn tay hắn, viết lên mấy chữ: “Phu quân, chàng đau không?”. Một thoáng ấy, lòng hắn bỗng lóe lên một chút khác thường. Hắn ngây ra như phỗng, rồi nhanh chóng lấy lại vẻ mặt thản nhiên, vội lắc đầu, khẽ cười.

Đêm tân hôn, hắn và nàng đã cùng trải qua như thế.

Trong đình viện có một chiếc sạp dài. Ấm trà sớm nhẹ nhàng vương khói rồi tan nhanh trong hơi lạnh ngày đông. Lê Quát mở một quyển sách ra xem, dáng vẻ thư thái. Ngọc Đường đến bên cạnh, thấy trên bàn nhỏ có cả giấy bút, liền chấm mực, viết mấy chữ:

- Phu quân, chàng đang xem sách gì?

Lê Quát nhìn nét chữ của nàng, vừa chân phương, vừa mềm mại, lòng không khỏi khen thầm. Chàng đặt sách xuống, thể hiện ý tứ muốn cùng nàng trò chuyện.

- Đây là Hiếu kinh.

Ngọc Đường vui vẻ viết:

- Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra, không được gây hư hại là nét đầu của chữ Hiếu.

Lê Quát hứng thú nhìn nàng:

- Nàng tuy còn ít tuổi nhưng thật hiếu học. Nàng còn biết gì nữa, kể ta nghe xem?

Thấy được khen, Ngọc Đường hồ hởi viết tiếp:

- Chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau là lập thân.

Hắn xem xong, không giấu nổi vui mừng, kéo tay nàng:

- Theo ta, ta đưa nàng đến một nơi.

Lê Quát đưa nàng đến thư phòng. Hắn nói:

- Thư phòng này của ta, từ nay cũng chính là của nàng.

Nàng nhìn căn phòng đơn giản nhưng sách bày trên kệ tinh tế, ngăn nắp, chứng tỏ chủ nhân khá dụng tâm, lòng chợt thấy ấm áp.

Ngọc Đường chăm học, lại rất thông minh. Những điều không hiểu trong sách, nàng thường đánh dấu lại để hỏi Lê Quát. Hắn thấy mình được coi trọng, trong lòng cũng rất vui, càng lưu tâm dạy dỗ nàng hơn. Chẳng bao lâu sau, rất nhiều vấn đề, Ngọc Đường đã có thể cùng hắn bàn luận.

Lê Quát không chỉ am hiểu tứ thư, ngũ kinh, hắn cũng rất say mê kiếm thuật. Có lẽ từ nhỏ, hình ảnh phụ thân ở trong lòng hắn đã như một vị thần. Đời vua Lê Thái Tông, tên tuổi phụ thân gắn với trận chiến thành Xương Giang, ải Chi Lăng. Đời vua Lê Nhân Tông, người đánh tan quân Chiêm, bắt được chúa Bí Cai, danh chấn thiên hạ. Mỗi ngày, Lê Quát đều đặn dành nửa canh giờ để luyện kiếm, ngày nắng cũng như ngày mưa, chưa từng ngưng nghỉ. Hắn không ngừng cố gắng, đơn giản chỉ vì để xứng đáng là con trai của người.

Tháng tư, hoa lựu nở đỏ. Lê Quát luyện kiếm sau đình viện. Kiếm quang sắc lạnh. Một loạt động tác lưu loát như mây bay nước chảy. Ngọc Đường nhìn hắn đến ngẩn người. Bắt gặp ánh mắt của nàng, lòng hắn gợn lên chút sóng. Niềm hưng phấn không thể nói ra thầm len lỏi trong lòng, càng lúc càng dâng cao.

Có khi, chiều ý nàng, hắn múa kiếm dưới trăng. Gió đêm lướt nhẹ qua làm tung bay tà áo. Nàng nhìn người trước mắt dáng vẻ thanh thoát, ôn nhuận như ngọc, cảm thấy tâm tình mãn nguyện, lòng thầm nghĩ, ngày tháng về sau, giá cứ mãi như thế này thật tốt.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi.

Có lẽ đã từ rất lâu rồi, hắn và nàng dường như chưa từng rời nhau nửa bước.

Lại thêm một mùa trăng tròn.

Ngọc Đường nằm trên giường, trằn trọc không ngủ được. Bụng nàng âm ỉ đau suốt ngày hôm nay. Mồ hôi lạnh toát ra đầy trán. Nàng nghĩ đến món bánh nướng lần đầu tự tay làm để cùng Lê Quát đón tết Trung Thu, hẳn là có vấn đề. Lê Quát cảm kích tấm lòng nàng, ăn nhiều hơn nàng đến mấy phần, nhưng thấy chàng cũng không có vẻ gì là khó chịu trong người. Nàng ngồi dậy, uống một ly ước ấm để cơn đau dịu xuống. Khi trở lại giường, bỗng nàng thấy trên đệm một mảng máu loang lổ. Mà dưới chân nàng, máu cũng nhỏ xuống không ngừng. Lần đầu tiên nhìn thấy máu đổ, nàng bỗng thấy choáng váng, tay chân bủn rủn, bất lực khuỵu xuống bên giường.

Lê Quát nghe tiếng động tỉnh giấc, thấy cảnh tượng trước mắt cũng hoảng hốt, liền bế nàng lên giường, cho người gọi thái y.

Ngọc Đường cầm tay hắn, viết vào một chữ “Đau” rồi nước mắt cứ thế tuôn rơi lã chã. Nàng hỏi hắn:

- Có phải thiếp sắp chết rồi không?

Hắn đầy căng thẳng, nhưng vẫn trấn an nàng:

- Có ta ở đây, nàng sẽ không sao cả.

Nàng lại viết:

- Thiếp không nỡ rời xa chàng, không muốn thấy chàng quãng đời còn lại sống một mình cô độc. Nếu thiếp không phải là công chúa thì thật tốt.

Hắn nghe chua xót, ôm chặt lấy nàng, bảo nàng giữ sức, đừng nói gì thêm nữa.

Quan thái y vừa đến, liền vội vàng bắt mạch. Trong lúc chẩn mạch cho công chúa, ông lặng lẽ quan sát. Gương mặt vị quan già dần giãn ra. Ông lắc đầu, khẽ cười, khiến Lê Quát càng thêm bối rối.

- Đây chẳng qua là kinh nguyệt thôi. Thiếu nữ ai cũng sẽ trải qua. Mà công chúa nay đã mười bốn rồi. Lão phu sẽ kê cho công chúa một đơn thuốc. Những việc còn lại, phò mã cho gọi thị nữ đến lo liệu là được.

Quan thái y đi rồi, Ngọc Đường vẫn xấu hổ không dám nhìn Lê Quát, thế nên, càng không thấy được ý cười thoáng hiện lên trên gương mặt hắn.

Kể từ dạo ấy, Lê Quát dường như chú ý đến Ngọc Đường nhiều hơn. Hắn phát hiện ra, nàng đã cao lớn thêm không ít. Phía sau làn áo, những đường nét nhu hòa thoáng ẩn thoáng hiện. Có khi, bất tri bất giác, hắn ngắm nhìn nàng thật lâu, rồi ngẩn người, nhận ra tim mình dường như vừa lạc đi một nhịp.

Tuế nguyệt xoay vần. Mười năm nhẹ trôi như một cái chớp mắt.

Có những đêm, nàng yên lặng lắng nghe tiếng hô hấp trầm ổn của phu quân. Trong đầu nàng thoáng hiện ra hình bóng tân lang năm đó mặc hỉ phục đỏ thẫm cùng nàng thi lễ. Nàng cũng đã hiểu được cái gì gọi là sớm chiều ở chung, đến kim thạch cũng sẽ bị lòng chân thành phá vỡ. Không biết từ bao giờ, ở bên cạnh chàng luôn có một cảm giác kỳ lạ, nhưng rất đỗi an ổn và thoải mái. Bất giác, nàng khẽ mỉm cười.

Không biết qua bao lâu, nàng chập chờn rơi vào giấc ngủ.

Nàng nghiêng người, cánh tay khoát lên hông hắn.

Trong bóng tối, Lê Quát chầm chậm mở mắt ra. Hắn nghiêng đầu, nhẹ nhàng hôn lên bờ môi mềm mại mà ấm áp của người nằm bên cạnh, ngắn ngủi vài giây, như chuồn chuồn lướt nước.

Trước đây, hắn không hiểu cảm giác của chính mình đối với nàng là gì, nhưng lúc này đây, tựa như con tằm phá kén chui ra, cuối cùng lòng hắn cũng đã minh bạch tất cả.

Trong giấc ngủ an yên, cả hắn và nàng chẳng hay kinh thành vừa trải qua một cơn biến loạn.

Đêm hôm qua, trưởng hoàng tử Lê Nghi Dân cùng bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Bang và hơn ba trăm người bắc thang vào tận cung giết vua Lê Nhân Tông và hoàng thái hậu, soán ngôi hoàng đế, còn viết chiếu thông cáo thiên hạ, làm sáng tỏ chuyện vua Lê Nhân Tông không phải con ruột tiên đế.

Bản thân Ngọc Đường biết, nhiều năm qua, trong dân gian vẫn lưu truyền bài ca dao nói về thân thế của Bang Cơ hoàng đệ.

Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa

Dòng máu ai đây quý báu à?

Núp bóng Thái Tông làm linh dược

Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha.

Nàng cũng hiểu được, hoàng huynh Nghi Dân vẫn luôn ấm ức trong lòng bởi là con trưởng, không may tiên đế đi tuần ở miền Đông, bỗng băng ở ngoài, mẫu hậu nàng muốn vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh đưa hoàng đệ lên ngôi. Hoàng huynh càng không cam tâm bị tu hú chiếm chỗ, nên mới gây nên chuyện vô đạo, giết vua và quốc mẫu hoàng thái hậu, lên ngôi hoàng đế.

Đến cùng vẫn là nồi da xáo thịt, máu chảy ruột mềm, lòng này sao có thể không đau?

Mười bảy năm hoàng đệ kế vị, bên trong yên tĩnh, bên ngoài thuận lòng, trăm họ mến đức, thiên hạ thái bình yên vui. Đối với thái hậu, hoàng đệ dốc lòng hiếu lễ, đối với anh em thì hết lòng thương yêu, hòa thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, chăm sóc chính sự, hết lòng thương dân. Dẫu cho đệ ấy có là dòng dõi đế vương hay không, đối với nàng, điều đó không quan trọng. Đạo làm vua, chính là lấy dân làm gốc, hậu đối với người, bạc đối với mình, thiên hạ mới đời đời được thái bình, hưng thịnh.

Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng kẻ gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông thay đổi hết thảy, người người oán giận.

Thái úy Lê Thụ cùng các đại thần Lê Ê, Đỗ Bí, Lê Ngang làm binh biến, nhưng việc bị phát hiện, bị bắt giam, chờ ngày xử tử. Tất cả gia quyến theo lệnh vua bị đuổi ra khỏi kinh thành Thăng Long, cả đời không được quay lại.

Lê Quát không biết phải làm sao để đối diện với Ngọc Đường. Trên khuôn mặt luôn bình tĩnh trước sóng gió, nay bỗng hiện lên vài tia mờ mịt. Nhìn làn mưa nhỏ tí tách trong đêm, hắn nén lại những bi ai trong lòng, nói với nàng:

- Ngọc Đường, ta muốn nàng viết hưu thư.

Ngọc Đường nhìn hắn, thấu hiểu hết những thống khổ trong lòng hắn, nàng khẽ lắc đầu, có phần ủy khuất.

- Nàng dù sao vẫn là trưởng công chúa, vẫn nên trở về cuộc sống cẩm y ngọc thực như trước đây. Ta không muốn nàng theo ta chịu khổ.

Lòng nàng ngũ vị tạp trần, cảm thấy vừa chua xót lại vừa ngọt ngào. Nước mắt không biết từ lúc nào bắt đầu rơi xuống. Nàng nắm lấy bàn tay hắn, khẽ viết:

- Thiếp nguyện ý đi theo chàng.

Lê Quát nhớ lần đầu tiên nàng cầm lấy tay hắn, dịu dàng viết vào hai chữ “phu quân”, nàng đâu hay đã vô tình khảm hai tiếng thiêng liêng ấy vào tim hắn. Mười năm bên nàng, dưỡng nàng trưởng thành. Hắn dùng chân tình mười năm cũng chỉ mong đổi lại một câu nói này của nàng mà thôi.

Hắn nhẹ lau nước mắt cho nàng, hôn lên đôi làn mi đang khẽ rung, xoa dịu những thổn thức, rồi lần tìm môi. Sự khát cầu trong lòng hắn càng dâng lên. Hắn bịn rịn lướt xuống cổ. Vai áo nàng khẽ tuột xuống. Đôi tay hắn mò mẫm dọc theo bờ eo, dịu dàng uyển chuyển mà tinh tế. Một cảm giác tê dại đến tận xương tủy khiến nàng bất giác khẽ run lên, người hơi lùi lại. Trên đôi mắt nàng vẫn còn ngập một tầng nước mỏng, tràn ngập nhu tình, càng khiến hắn cảm thấy khiêu khích, cử chỉ càng thêm quyết liệt. Dần dần, nàng cũng thuận theo sự vuốt ve ngang ngược của hắn.

Ngọn đèn khẽ lay động trong bóng đêm, in lên tường hai chiếc bóng đang hòa làm một.

Ngoài thềm, mưa vẫn rả rích rơi.

Hơn nửa năm sau, giang sơn lại thêm một lần đổi chủ. Nhóm đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa, lật đổ Lê Nghi Dân, đưa con út của vua Thái Tông là hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi.

Tháng ba, tiết trời ấm áp.

Lão thuyền phu buông nhẹ mái chèo. Chiếc thuyền nhỏ rẽ nước, xuôi nhẹ theo dòng nước trong xanh. Hai bên bờ sông, hoa xuân chưa nở hết. Xa xa, một ngôi nhà gỗ mới dựng. Khói mỏng liêu xiêu vờn nhẹ lên mây.

Dưới thềm gỗ, nam tử khoác một lớp ngoại bào bạch y mỏng, dáng vẻ thư sinh, nhưng diện mạo tuấn tú. Chàng trầm ổn giảng bài. Đám học trò ê a đọc theo, tiếng vọng vang động cả một khoảng không.

Ngọc bất trác, bất thành khí

Nhân bất học, bất tri nghĩa

Vi nhân tử, phương thiếu thời

Thân sư hữu, tập lễ nghi.

(Trích Tam tự kinh)

(Ngọc không đẽo gọt, không thành món đồ

Người ta không học thì không biết nghĩa lý

Phận làm con, đương lúc còn nhỏ

Thân với thầy bạn để tập lễ nghi).

Bên gốc hoa đào gần đó, bóng một nữ tử đang mỉm cười nhìn thầy đồ trẻ. Mái tóc nàng rũ xuống vai thon, mi mục như họa, dáng vẻ phong tư trác tuyệt.

Tất cả tạo nên một bức tranh hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên.

Nhân gian thật thanh bình.

D.P