Chấn thương và chữa lành trong “Đêm nguyệt bạch” của nhà văn Lê Trâm
Trong những nhà văn xứ Quảng, Lê Trâm là cây bút bền bỉ đi đến tận cùng xứ sở và tỉ mẫn chắt lọc vẻ đẹp ẩn dấu trong mỗi con người. Tại những chuyến đi mông lung của phận người, tưởng chừng đã bị vị thần thanatos (thần chết) nắm giữ, nhân vật của Lê Trâm vẫn gắng gượng để hồi sinh bản năng sống (eros), vẫn tin ở cuộc đời còn thả những “sợi tơ nhện” của cái đẹp.
1.Con người chấn thương: “Và một thằng người dở hơi vô tích sự”
Freud sử dụng thuật ngữ chấn thương để miêu tả “Một trạng thái tinh thần khổ sở tồn tại dai dẳng một cách khó hiểu trong cuộc đời của những cá nhân nhất định”.Hơn cả nỗi sợ hãi, mặc cảm tội lỗi hay những ký ức không mong muốn, chấn thương là một lực tổng thể tàn phá thế giới của mỗi người, dẫn đến một tình trạng đánh mất thế giới. Hiểu từng thớ đất của cái xứ nước mặn đồng chua cùng đôi mắt thế thời, Lê Trâm đã viết Đêm nguyệt bạchtừ điểm nhìn của con người đã trải qua những dư chấn khắc nghiệt của cuộc sống, những thân phận cùng khổ nằm ngoài những diễn ngôn đại tự sự.
“Tôi trở về như Từ Thức về trần. Tất cả cứ mơ mơ hồ hồ như một giấc hồ điệp” (101), đó là chuyến hành trình trở về trường xưa với bao vui buồn, xót cay trong Một trang giải phẫu sinh lý người. Một mảng lớn trong Đêm nguyệt bạch đến từ sự tái kí ức, nhân vật sống trong giấc hồ điệp chập chờn của quá khứ chiến tranh. Ngòi bút Lê Trâm đứng ở những vết thương bị lãng quên ngoài dòng lịch sử, nhà văn không cho phép mình khoan nhượng khi thể hiện sự ám ảnh, sự kiệt quệ - những di chứng hậu chiến. Đó là những phân mảnh trong Chìm dưới bụi thời gian: “Những tiếng nổ ầm oàng đinh tai nhức óc. Những tiếng réo gào của các oan hồn vất vưởng trong đêm. Những mảnh đạn... Một hình nhân khốn khổ và lạc lõng giữa chốn phồn hoa” (217). Hay chiến tranh trong những triền miên day dứt, ở đó có căn bệnh quái ác với tiếng hú từ “những cơn động kinh” của Ẩn Lan và đám con gái, ở đó có mối tình hoa mộng rụng rơi, có những đứa bạn mãi từ giã trường lớp vì bề bộn lo toan, những con người lạc nhau trong cơn li loạn thời chiến... được viết bằng điểm nhìn của người trong cuộc với thái độ không né tránh cái bi.
Truyện Vùng trời xám khai thác một chấn thương khác, một thảm họa mang tên “đám khói màu da cam” (205) khiến những đứa trẻ sinh ra chẳng nên hình hài, những người phụ nữ bị chất độc dioxin vĩnh viễn cướp đi cơ hội làm mẹ. Tất cả hóa thành giọng điệu phẫn uất của ông Lâm: “lẽ nào một tí khói thoáng qua cứ mãi lẩn khuất, ám ảnh số phận con người?... Là chiến tranh” (205) khi một người tưởng rằng miễn nhiễm với thời cuộc để cống hiến cho khoa học cũng phải chấp nhận gia đình bé nhỏ của mình bị “gây hấn” kẻ thù vô hình tàn ác. Lê Trâm trần thuật về cuộc đời của con người từ đứng ở rìa những chấn thương nay nếm trải một cách đau đớn những đòn âm ỉ dù chiến tranh đã chỉ còn là một khái niệm.
Trong cuộc bể dâu đời người, Lê Trâm xây dựng con người tự ý thức để khai thác đời sống sau ngày giải phóng với muôn mặt đời thường, với “thói đời” vô nghĩa lý. Nhân vật trong Đêm nguyệt bạch được đặt trong sự lựa chọn giữa bản tính thật thà của con người miền Trung với sống như thế nào là hợp thời, khôn ngoan. Họ loay hoay đi tìm một tấm vé thông hành giữa xã hội ngổn ngang đen trắng. Khai thác chữ nghèo như nhiều nhà văn Việt Nam tiếp cận hiện thực, truyện ngắn Lê Trâm mang màu sắc phóng sự, tính thông tin, không ngại dấn thân vào ngay cả những vùng đất cấm của quyền uy. Đêm nguyệt bạch viết về lớp người “tài cao phận thấp chí khí uất”. Tâm trong Ẩn bất lực tự vấn: “Quái! Lẽ nào thằng học nhiều nhất là thằng nghèo túng nhất?” (30). Thằng con trai dòng họ Lê mang tấm bằng loại ưu chạy đôn chạy đáo kiếm tìm cơ hội để thoát nghèo nhưng rồi cũng chỉ trở thành một “thứ ăn hại”. Người ba vì sĩ diện, sống vì dòng họ, vì khát khao làm vinh hiển dòng họ, “chẳng muốn thiên hạ dè bỉu” (21) nên trút hết mọi sự thất vọng lên đứa con trai thất thời. Trong Chúc ban mai tốt lành, con người oằn mình mang chữ nghèo đi giữa cuộc đời: “Nghèo nên mặc cảm. Tôi cứ muốn chìm đi mãi giữa đám đông” (57). Đề tài trên cũng được khai thác qua Chăn dê khi khắc họa Diêm mòn mỏi vì thi trượt, lên núi chăn dê cho ba, cuộc đời trôi đi trong buồn tẻ.
Khai thác con người chấn thương, Lê Trâm diễn tả nỗi tuyệt vọng bất khả xuyên thấu khi nỗi đau của nhân vật thức tỉnh. Bản năng chết (thanatos) là bản năng tự hủy, nhóm bản năng liên quan đến sự hủy diệt, gây ra những hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát. Freud cũng chỉ ra, những hành động tiêu cực sẽ thường xuyên tái diễn nếu con người vừa trải qua một sự kiện gây sang chấn. Rất nhiều những con người trong Đêm nguyệt bạch sống hoài, sống phí trong bản năng chết. Tâm trong Ẩn sau thời gian đôn đáo xin việc cũng “xuống dốc và hư đốn”, chỉ còn là “một thân xác tiều tụy, một tinh thần suy sụp” (26). Sau quãng thời gian dài phẫn chí, Tâm “đốt chòi và nhảy sông”. Cô gái trong Đêm dịu dàng trầm mình trong biển để kết thúc cuộc đời, mặc cho hoàng hôn trên biển đẹp mộng mị. Trong truyện ngắn cùng tên làm nên gương mặt của Đêm nguyệt bạch, Lê Trâm xoáy sâu vào con người trượt dài trên con đường tha hóa. Từ một Tuấn đầy dũng khí, dám phản ứng lại sự bất công với tay chủ nhiệm lại trở thành con người “ngậm ngải tìm trầm” tìm may rủi, sống hưởng thụ, không định hướng. Đó là lí do Tuấn không hề sợ cái chết, bởi: “mình đã chết từ lâu rồi cơ mà, từ những ngày đói rách lang thang mất hết niềm tin” (166). Viết về con người chấn thương, Lê Trâm chọn lối tự sự dòng ý thức cùng giọng văn mang tính phức điệu. Có những đoạn điểm nhìn nhà văn trùng khít với điểm nhìn nhân vật để cùng thở than, kêu gào, hoài nghi. Đó không phải là điểm nhìn trên cao mà điểm nhìn bên trong của một chủ nghĩa cảm thương nồng ấm.
2.Sự trỗi dậy của bản năng sống: “Cố sống cho ra con người”
Bản năng sống (Eros), theo học thuyết của nhà phân tâm học Freud, là những bản năng liên quan đến sinh tồn, sự thỏa mãn và sinh sôi nảy nở. Ông cho rằng những cảm xúc tích cực như tình yêu, sự hợp tác và những hành vi thuận xã hội là cách để con người duy trì sự sống của riêng mình và của xã hội, nuôi dưỡng những mầm sống mới. Để chấn thương không nuốt chửng hiện hữu, tập truyện Đêm nguyệt bạch vẫn tiềm tàng bản năng sống trong mạch truyện mang sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Chấn thương không phải là “một nỗi buồn thẳm sâu cần phải được thay thế bằng một thứ lạc quan nông nổi”, là một ngòi bút dày dạn gió sương khước từ sự nông nổi, Lê Trâm đưa người đọc đi tìm những điều khiến con người lạc quan, nâng đỡ con người.
Có những kiếp người đày đọa nhau thì cũng có những con người sưởi ấm nhau. Nhà văn chọn giải pháp tình người, đặt ra vấn đề về khả năng cảm thông của chúng ta trong thế giới tưởng chừng chỉ có sát thương, đổ vỡ. Sau khi Huy bỏ đi để lại “tôi” cùng với đứa con rồi sẽ mồ côi cha trong bụng, Tùng đã đến bên người con gái bất hạnh, lỡ làng ấy để chữa lành vết thương bằng một tình thương không cần hồi đáp, để rồi nhà văn như hòa vào liên tưởng của nhân vật mà đúc kết: “lòng dạ Huy thì tôi không đo được, chứ Tùng vẫn như dòng sông Thu Bồn này chứ đâu có gì xa lạ” (55) (truyện Những người đo nước). Nhưng hơn hết, trong Đêm nguyệt bạch, Lê Trâm tạo ra một mã thẩm mĩ - một điểm tựa nâng đỡ con người là thiên tính nữ.
Hệ thống nhân vật nữ trong tập truyện kết thành ánh hồng quang. Nguyễn Minh Châu từng mượn lời nhân vật Quỳ để định nghĩa thiên tính nữ là “tình thương bẩm sinh-sợi dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm của nữ giới chúng tôi”. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đưa ra khái niệm “thiên tính nữ trước hết là tinh thần của cái đẹp”, những thuộc tính tốt đẹp trời phú như “tinh thần vị tha và đức tính hy sinh”, “sức sống phồn thực” và kết luận “thiên tính nữ sẽ cứu vãn thế giới”. Trong nhiều truyện ngắn ở Đêm nguyệt bạch, chính thiên tính nữ đã đánh thức ý thức phải - sống - khác ở những con người trượt dài trong bản năng chết.
Vẻ đẹp phát sáng của thân thể nữ giới đánh thức cánh đàn ông cần định vị bản thân mình trong cuộc sống đang dần đánh mất đi bản sắc. Một ngày, “giữa lũ quỷ sứ sống cuộc đời ô trọc”, “giữa chốn núi rừng hoang lạnh”, vẻ đẹp của Lam (truyện Ẩn) quyến rũ, hồn nhiên đã khiến cho đám đàn ông sống ra đàn ông hơn. Trong Những người đo nước, bên dòng sông Thu Bồn, Mai Lan xuất hiện như một nốt trầm lặng lẽ. Trong Chăn dê, cái đẹp bất ngờ của Tiếu, một thứ “quyền uy của nhan sắc” (10) khiến Diêm “choáng”, “sợ hãi” , “đứng chết trân’ (11). Nhan sắc nữ giới đã đánh thức cảm xúc nơi những con người đã dần chai sạn cảm giác.
Vẻ đẹp của nhân vật nữ trong trang văn Lê Trâm là vẻ đẹp “nữ thần” bởi sự kết hợp với tính thiêng của trời đất, kì bí bởi được bao bọc trong mỹ cảm linh hóa. Vì sao huyền ảo? Các cuộc gặp gỡ đều chớp nhoáng, như vệt sáng qua ngang đời. Thứ hai, nhà văn dùng bút pháp phiếm chỉ hóa nhân vật, chức năng hóa nhân vật trở thành một la bàn định hướng con thuyền người chơi vơi. Được ví như Adam và Eva lạc vào một thế giới hậu thiên đường, bỏ lại phía dưới vườn địa đàng, cô gái và chàng trai trong cuộc gặp định mệnh ở Đêm dịu dàng đã cứu vớt nhau từ tận cùng sự sống: “đất trời chỉ còn lại hai con người ở một nơi hoang vắng với sự cám dỗ dịu dàng. Hai con người nhẵn nhụi không quen biết, không nhà cửa, không tiền bạc. Chỉ có sự ràng buộc mơ hồ với nhau” (135). Câu chuyện với bề nổi là chàng trai cứu sống cô gái tự tử bất thành lại thể hiện một bề chìm khác, chính cô gái đã cứu vớt quãng đời không mùi vị của chàng trai “sống mòn”. Nhân vật ngỡ ngàng trước một “khuôn ngực trắng trẻo quá sức kì ảo” (128), giữa hiện thực khô cằn thì “vẻ kì ảo có sức thuyết phục gấp trăm lần” (133). Vẻ đẹp của nữ giới là một đặc ân.
Như một dụng ý từ chính nhan đề tập truyện, trăng xuất hiện trong nhiều truyện ngắn để tạo nên tính phi thực của hình tượng nữ giới. Khoảnh khắc gặp gỡ gói trọn trong một “đêm dịu dàng” giữa thiên nhiên kì vĩ, giữa “biển ngợp những trăng” đã phục sinh một con người. Truyện Ẩn, khi “trăng mờ ảo, lung linh bóng lau” (35) thì cũng là lúc bản năng tính dục đàn ông đã trỗi dậy. Cuộc hạnh ngộ của con người luôn có mặt của chất thơ của thiên nhiên và chất thiêng của cội rễ văn hóa. Truyện Mùa chim bay đi, văn hóa, tính thiêng, chất thơ đã cùng hòa quyện để cất lên dòng tự sự đầy chất trữ tình. Ngoài ra, trong cảm thức về không gian, Lê Trâm trưng dụng cổ mẫu con nước để thể hiện niềm tin yêu cha đất mẹ sông là nơi bình yên cho mỗi con người mà khi rời xa nơi ấy, người cha không khỏi đau đáu nỗi lo: “làm sao nó đủ sức chống chọi với đời?” (109). Thiên nhiên lúc này mang tính mẫu, trở thành mẹ thiên nhiên, ẩn chứa sự bao dung, ấm áp. Vì vậy mà, nhân vật nữ của Lê Trâm, đôi khi sa ngã như đôi mắt đầy biểu trưng của Hải Chi trong Mắt màu biển động qua lời ông họa sĩ: “mắt cháu nhiều bọt sóng quá” (191), “lòng chung thủy dường như quá bấp bênh” (192) thì ý niệm về thiên tính nữ cũng đã cứu rỗi cô, trở về với biển như về với bao dung vô tận: “cô mong biển bao dung giúp cô gội sạch tất cả, trả cô nguyên vẹn về với ngày tháng cũ” (187). Sau tất cả, Hải Chi muốn đưa đôi mắt ấy về lại “màu xanh của trời” (191).
Bên cạnh ngôn ngữ giao tiếp “rặt Quảng”, Đêm nguyệt bạch thể hiện nghệ thuật phục dựng không gian văn hóa của Lê Trâm khi đưa văn hóa lồng trong cốt truyện, trong các biểu tượng. Ngòi bút ưa xê dịch Lê Trâm di chuyển đến nhiều miền không gian khác nhau để khám phá nét lam lũ, đôn hậu của con người. Ngọc trong Lao xao bến đời ở cái bến Hằng - bến con gái, sau rất nhiều lời can ngăn mối tình với Tuấn vẫn nhất quyết: “Dạ, con chờ” (117). Mai Lan trong Những người đo nước vẻ đẹp đọng lại trong một chữ chờ: “tôi vẫn chờ anh ấy quay trở lại. Như lòng sông ấy thôi, đo nhiều lần rồi cũng biết” (55). Khi ba của Tâm trong Ẩn không một lần ra thăm, liên tục buông lời phỉ báng, khi định kiến khiến nhân vật càng không thiết sống thì vẫn có bóng dáng của người mẹ dịu dàng “tới bữa lại mang cơm ra, không ngớt lời khuyên nhủ” (25). Câu chuyện sau mỗi rặng tre, sau mỗi bến nước, sau cánh rừng hoang từ Đêm nguyệt bạch đã êm dịu hơn nhờ thiên tính nữ.
Đặc biệt ở truyện ngắn Đêm nguyệt bạch, nhân vật Hạnh được nâng lên thành biểu tượng. Lê Trâm mở đầu bằng màu sắc phong tục bằng nghi thức dựng nêu của đồng bào Cơ Tu để rồi chính trong nghi thức, ta sống trong sự kết nối với cộng đồng, trong giây phút ngộ cái đẹp huyền ảo. Đang say sưa chiêm ngưỡng vũ điệu “hương đất dâng trời”, Tuấn chợt sững người trước “một dáng uốn cong như hình ngọn lửa trôi qua trước mắt anh” (163), hình ảnh khiến anh sống lại phút hạnh ngộ hai mươi mấy năm về trước. Đầu tiên là ảnh tượng cô gái trong sắc trắng ảo mộng: “bóng một cô gái nhòa tan rồi hiện ra rồi lại nhòa giữa màn nước trắng xóa”, “những đường cong tuyệt đẹp ẩn hiện sau làn nước, “những tia nước xòe ra như chiếc váy ôm trọn tấm thân lõa thể óng ả” (165), “tấm thân óng ả như dải lụa nuột nà cũng đang bay lên, như dẫn đường” (165) khiến anh từ một người đã “bán linh hồn” theo đám dân địu nay thèm sống hơn bao giờ hết. Con đường phục thiện, phục sinh đang dần mở ra. Nếu Đêm dịu dàng xây dựng phông nền kì ảo cho nhân vật là thiên nhiên hoang sơ thì ở Đêm nguyệt bạch là bối cảnh văn hóa đầy tính thiêng. Hạnh là biểu tượng cho thiên tính nữ giữa núi rừng: hồn nhiên, thương người, dịu dàng cùng “đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên những ánh lửa nhỏ” (183) khiến cho Tuấn khát khao: “giá tất cả đều dịu dàng như... Hạnh”(175). Xây dựng nét phi thực, tác giả đan cài những câu thơ của Nguyễn Trác: “Không thể có thực đâu. Cái dáng uốn cong của đôi tay vũ nữ. Không có thực cả đôi chân kia nữa. Cả tấm thân mang hình ngọn lửa. Cũng mơ hồ phi lí đến ngây thơ” (183). Truyện ngắn Đêm nguyệt bạch là sự thêu dệt của mã thẩm mĩ về sự phục sinh: hoạt động tính giao, đêm giao thừa, lửa, thiên tính nữ, để từ đó, nhà văn tâm niệm qua câu nói của Hạnh: “Có thể sống khác hơn được không anh Tuấn?” (181). Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến Tuấn ngộ ra: “Cô ấy có phải là một thứ trầm không?” (180) và nghĩa là, cái may rủi trên con đường tìm trầm để mưu sinh bây giờ đã hóa thành cái nhân duyên trên con đường tìm cái đẹp. Từ “một thằng người dở hơi vô tích sự”, những nhân vật của Lê Trâm luôn khao khát “cố sống cho ra con người”.
Lê Trâm, qua tập truyện nối dài cuộc sáng tác không ngừng nghỉ, đã tượng hình văn hóa trong những biểu tượng cùng lối tự sự đậm tính thơ. Nữ tính và những ảnh tượng gốc của vô thức tập thể đã tạo nên một màu sắc riêng cho Lê Trâm trên hành trình góp nhặt vẻ đẹp của xứ sở. Nói như Dostoievski: cái đẹp cứu rỗi thế giới, chúng ta có niềm tin rằng, sau tất cả, nhân vật sẽ dấn thân vào cuộc truy cầu hạnh phúc của riêng mình. Đêm nguyệt bạch là tập truyện viết bằng chấn thương. Đêm nguyệt bạch là tác phẩm viết để chữa lành.
L.T.N.T