Chuyện về “Memory” trên sông Hàn

31.03.2022
Võ Hà

Chuyện về “Memory” trên sông Hàn

Memory - một từ tiếng Anh có nghĩa tiếng Việt là ký ức, đây cũng là tên một nhà hàng nổi trên dòng sông Hàn thơ mộng hiện nay. Nhà hàng này được cải tạo trên cơ sở một nhà hàng nổi duy nhất trên sông Hàn trước năm 1975 - nằm đối diện khách sạn Caravelle trên đường Bạch Đằng. Ngày Xuân nhớ lại chuyện xưa, chuyện của ký ức không xa, bài viết điểm lại lịch sử nhà hàng Memory, với mong muốn làm rõ một số thông tin, trong đó gắn với trí thức văn nghệ sĩ một thời.

Đối với miền Trung, những con sông ngắn và dốc giống như một người phụ nữ đa đoan. Giận hờn, phẫn nộ khi mùa lũ về nhưng trên mình thì trở thành huyết mạch giao thông ngược xuôi, để hai bên sông mọc lên nhưng chợ, cảng thị, thương cảng “Ai về nhắn với bạn nguồn/ mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Và trong một trường hợp khác, đó là ngăn cách, phân chia của dòng sông Hàn như hai câu thơ mà người Đà Nẵng dường như ai cũng thuộc: “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”; nhưng cũng là điểm nhấn, là sức sống văn hóa của nơi có dòng sông đi qua. Sông Hàn đã mang trên mình những công trình kiến trúc thể hiện sự thay da đổi thịt của thành phố Đà Nẵng như những chiếc cầu thế kỷ, tuy nhiên có một kiến trúc khiêm nhường - nhà hàng nổi duy nhất (nhìn theo góc độ văn hoá, lịch sử - trừ công trình bến du thuyền bờ Đông sông Hàn), có những điều thú vị đối với chính người Đà Nẵng cũng như du khách thập phương khi đến thăm thành phố này.

Nhà hàng và những cái tên

Trong bài viết “Từ Kim Đình đến Memory” của nhà báo Trương Điện Thắng trên báo Quảng Nam, ngày 20-3-2013 cho biết “những ai đến sống ở Đà Nẵng từ giữa những năm 60 thế kỷ trước chắc biết nhà hàng nổi duy nhất trên sông Hàn: Kim Đình. Ngày nay, tại vị trí này là một hiệu cà phê sang trọng mang tên Memory cũng khá nổi tiếng do gắn liền với tên tuổi của con gái tướng Nguyễn Cao Kỳ là Nguyễn Cao Kỳ Duyên”. Vậy phải chăng, nhà hàng nổi này chỉ có hai cái tên đó hay có những cái tên nào khác và nó được xây dựng khi nào là một câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng hơn. Trong những dịp xem lại những tấm hình xưa của Đà Nẵng, đặc biệt là tiếp cận hồ sơ xin phép xây cất và gia hạn thời gian kinh doanh đối với nhà hàng nổi trên sông Hàn cho biết rõ hơn về điều này?

Một góc nhà hàng Kim Đình

Trong hồ sơ 28109 thuộc Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II có nội dung về nhà hàng này như sau: “Nay cho phép ông Nguyễn Anh Hùng, số nhà 55 đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm), Đà Nẵng xây cất tại bờ sông Bạch Đằng (số 9 Bạch Đằng), trước mặt Ty bưu cục Đà Nẵng cũ một nhà hàng nổi, nền móng đóng trụ, sân đúc đúng y họa đồ vị trí và kiểu mẫu. Trong lúc thực hiện công tác, nếu đương sự muốn làm khác đi thì phải xin phép trước và chỉ được thực hiện sau khi đã được chính quyền chấp thuận. Nhà hàng có ca nhạc với bảng hiệu nhà hàng Hoàn Vũ (UNIVERS)”. Đồng thời, trong hồ sơ có “khế ước cho thuê 300m² thủy diện sông Hàn ngày 10-3-1971”. Căn cứ vào giấy phép xây cất thì thấy rằng nhà hàng này chính thức được cấp phép xây cất vào năm 1971. Có một vấn đề chúng tôi muốn đề cập là theo các nhân chứng lịch sử từng sống tại Đà Nẵng trước năm 1975 thì cho rằng nhà hàng này có từ giữa những năm 1960, trong đó lấy mốc từ sau khi quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam sau sự kiện ngày 8-3-1965 tại bãi biển Xuân Thiều - Phú Lộc (thuộc quận Liên Chiểu hiện nay). Theo đó, chúng tôi thiên về việc nhà hàng này có từ giữa những năm 1960, nhưng sau đó vì nhiều lý do như: có các người chủ muốn mở rộng thủy diện nhà hàng, có nguy cơ phá vở cảnh quan tại một vị trí trung tâm và để đảm bảo tình hình an ninh...; do vậy, Tòa thị chính Đà Nẵng mới ban hành quy định cụ thể về cấp phép xây dựng đầu năm 1971 như đã nêu trên.

Cùng với đó, khi xem lại những tấm ảnh xưa của Đà Nẵng có các tấm hình về nhà hàng nổi này với cái tên Thủy Tạ. Những điều trên nói lên rằng nhà hàng nổi Memory hiện nay đã từng có 5 cái tên khác nhau: từ Hoàn Vũ (Univers), Thủy Tạ, Kim Đình, Hana Kim Đình và Memory nổi tiếng và thơ mộng. Tuy nhiên, có thể tên Thủy Tạ không được công nhận chính thức làm bản hiệu cũng như tên Hoàn Vũ chỉ dùng trong một thời gian ngắn, trong khi đó tên Kim Đình được đặt trong một thời gian dài nên người Đà Nẵng nhớ đến nhà hàng nổi này với cái tên Kim Đình là cũng là điều dễ hiểu.

Sự chuyển nhượng nhà hàng

Với sự đặc thù về đặc điểm xây cất và vị trí trên trên dòng sông Hàn, nhà hàng nổi này thực sự là một thách thức của những ai muốn sở hữu nó. Giấy phép xây cất do Tòa thị chính Đà Nẵng cấp ngày 20-3-1971, trong “Điều 4” có quy định rằng: “Người thuê phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng khoản thủy diện trên, không được xây cất thêm ngoài phạm vi khoảng thủy diện đã ấn định và không được nhượng lại cho bất cứ ai. Trong trường hợp hủy bỏ khế ước với bất cứ lý do gì, người chủ phải phá hủy tất cả những kiến trúc đã làm, chậm nhất là 3 tháng sau ngày tống đạt quyết định hủy bỏ và không được đòi hỏi Nha thương cảng một khoảng bồi thường nào. Qua thời hạn 3 tháng, nếu người thuê chưa hoàn tất việc phá hủy các kiến trúc đã dựng lên thì Nha thưởng cảng sẽ tự đảm nhiệm các công tác này và người chủ phải bồi hoàn cho Nha thương cảng các phí tổn”. Có một nội dung “lạ” trong giấy phép là không được chuyển nhượng cho bất cứ ai, nếu người được cấp phép không sử dụng nữa thì trong vòng 3 tháng phải phá bỏ và trả nguyên lại hiện trạng cho sông Hàn. Chính điều này đã làm tăng thêm giá trị, sự kiêu hãnh của nhà hàng và người chủ của nó, không gian này chỉ phù hợp với những sĩ quan Mỹ, viên chức cao cấp hoặc các phi công quân sự người Việt và thương gia.

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng ở Đà Nẵng sử dụng nhà hàng Kim Đình làm cửa hàng mậu dịch quốc doanh, bán cà phê, bánh bao buổi sáng và bán thức ăn “kèm bia” vào buổi chiều; là không gian tụ hội, hẹn hò của giới văn nghệ sĩ. Đến thời kỳ đổi mới, mở cửa, không gian và vị trí của nhà hàng được một nhà đầu tư người Nhật, xuất phát từ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa chính quyền thành phố Đà Nẵng và Nhật Bản cùng hợp tác với cái tên nửa Tây nữa Ta: “Hana Kim Đình”. Đến đầu năm 2012, sự chuyển nhượng của nhà hàng bằng cuộc đấu giá làm nhiều người phải ngạc nhiên với số tiền giá khởi điểm là hơn 10 tỷ đồng, người chủ mới của nó cũng là một nhân vật nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ với cái tên rất Tây là Memory. Một lần nữa, nhà hàng có dịp “kiêu hãnh” với một lối kiến trúc mới, về người chủ và những vị khách sang trọng của mình.

Nhà hàng và dòng chảy lịch sử thành phố

Nhà hàng Hoàn Vũ được xây cất với sự cho phép của Tòa Thị chính Đà Nẵng lúc bấy giờ là một điều đặc biệt vì nó nằm gần Tòa Thị chính, khi ta còn nhớ việc Lê Độ tiến hành ám sát lính Mỹ năm 1965 tại khách sạn Morin nằm ở đối diện vị trí nhà hàng được phép xây dựng. Tuy nhiên, điều đó cũng dễ hiểu bởi đây là một không gian sang trọng chỉ phù hợp với những sĩ quan, giới chức và người có quan hệ thân cận với chính quyền. Bên kia bờ sông là những nhà chồ nổi trên mặt nước với sự đối lập trong một thành phố, một giai đoạn lịch sử của Đà Nẵng. Nhà hàng như đại diện cho bên ni sông khi nhìn qua bên kia sông “xanh tàu lá” của dãy nhà chồ một thời. Và ngồi trên nhà hàng này, vị khách có thể ngắm nhìn thành phố sông Hàn chuyển động từ đầu sông đến cuối sông, hai bên bờ sông, có thể ngắm toàn bộ con đường Bạch Đằng với hàng ghế đá, bến phà tấp nập trong sự chuyển mình của thành phố mà đầu tiên là công trình cầu sông Hàn - biểu tượng của thành phố Đà Nẵng khi trực thuộc Trung ương.

Lịch sử của nhà hàng phản ánh những bước phát triển của thành phố thể hiện qua sự thay đổi tên gọi, sự mở cửa, hợp tác quốc tế và hòa hợp dân tộc. Từ một công trình sang trọng của thành phố trong thời kỳ chính quyền Sài Gòn có sự lai căng văn hóa Mỹ, nơi ăn chơi, “văn hóa phồn vinh giả tạo”; đến nơi làm cửa hàng mậu dịch quốc doanh trong thời kỳ bao cấp; trong thời kỳ mở cửa thì thành phố liên doanh với công ty của Nhật Bản, một nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp với thành phố cùng làm ăn; rồi đến chính cô con gái của Thủ tướng Sài Gòn tiếp quản, khi ông Thủ tướng khuyên con gái mình về đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng trước khi về bên kia thế giới. Dường như, mỗi bước ngoặt của nhà hàng phản ánh một trang mới trong sự phát triển của thành phố. Nhà hàng như là một điểm nhấn, tấm gương của thành phố, trong sự lặng lẽ, vừa kiêu hãnh vừa khiêm nhường bên dòng sông Hàn thơ mộng. Lạ mà quen, nhưng mà lạ!

V.H