Tản văn Nguyễn Đông Nhật

31.03.2022

Tản văn Nguyễn Đông Nhật

NẰM TRÊN BIỂN

Nằm trên bờ mép cát và sóng. Sóng lùa cát, cát tan vào sóng, rồi cát-sóng phủ quanh thân thể. Như kéo đi, như giữ lại, mơn man xì xào. Có lúc xoay người thử soi mình trên nước. Nhưng khác với sông với suối, biển không mang hình bóng theo dòng nước cuốn trôi mà xóa nhòa ngay tức khắc. Biển là sự hòa tan; biển không là sự trôi cuốn. Biển nhận tất cả vào lòng. Để làm nên sự chuyển dịch bất tận là sóng. Thầm gọi sóng, sóng ơi! Và ngay lập tức nhận ra sai lầm: tại sao lại dại khờ tạo ra một sóng nhỏ nhoi vô nghĩa trong khi điều duy nhất nên làm là buông thả hoàn toàn trong lòng sóng bằng sự yên lặng đón chờ?

Nhiều người nằm trên cát. Những người khác đi lại trên cát hay nô đùa trong bãi tắm. Họ là khách du lịch, tây và ta. Một số ít là dân phố địa phương. Nhưng họ đều giống nhau: họ đến với biển để tìm niềm vui. Niềm vui là gì? Lên núi, xuống biển… phải chăng là để tìm sự bình yên? Nhưng phải chăng, biển đang mất dần, ít nhất là đối với những ai eo hẹp túi tiền? Chẳng phải thế sao, khi giờ đây, hàng trăm khu du lịch dọc các đô thị ven biển đã che khuất tầm nhìn của bao nhiêu “thường dân”? Chỉ “đơn cử” hai địa phương thôi. Ở Phan Rang, muốn thấy màu xanh nước biển, phải “chạy” đến tận bãi tắm Ninh Chữ. Hay, dọc tuyến đường từ Hội An ra Đà Nẵng, những bức tường vững chắc được “vẽ vời” đủ màu sắc đã ngăn không cho nhìn thấy biển, đã khiến biển trở thành một thứ... thiên đường mất dấu! Những resort ấy, hẳn nhiên đem lại nhiều lợi nhuận. Tiếc thay, tiếng nói của đồng tiền và hạnh phúc thường không phải bao giờ cũng tìm được sự “đồng thanh”! Bởi vì, nghĩ cho cùng, sống, là đi, nhìn ngắm, đón nhận ánh nắng và gió trời; nghe và thấy cảnh vật-con người trên mỗi vùng đất đi qua. Là để đi xa hơn, sâu hơn vào văn hóa - lịch sử. Và trên hành trình ngược chiều thời gian, con người sẽ dần dần hiểu rõ hơn bản thân. Để tìm lại chính mình. Cảnh và người, đáo cùng, sẽ phản chiếu rõ hơn chân dung của khách, trên đường đi.

Đã nằm trên nhiều bãi biển. Biển Quảng Bình hoang vu không bóng người mùa hè năm 1974. Gió hung dữ xô lệch, những đồi cát lúc ra đi buổi sáng, buổi chiều trở về đã đổi thay hình dạng. Đêm biển Nha Trang mùa thu năm 1977, những chấm sáng chạy men theo bờ vịnh như cánh cung lửa giương ra, bắn vào đêm tối mũi tên vô hình. Và Cửa Đại - Hội An ngày trẻ thơ, những dấu chân nhỏ mất hút trong rừng dương, ngập ngừng bên mộ táng cá Ông. Và Lăng Cô, Cửa Thuận. Và bãi Hàm Rồng nằm không xa núi Linh Thái của Túy Vân (Thừa Thiên Huế) những năm sau 1975 đìu hiu... Rồi tất cả đã sống lại. Vũng Tàu, Mũi Né ngập tràn nỗi khát thèm nắng gió của thị dân Sài Gòn vào mỗi cuối tuần. Quy Nhơn, Sầm Sơn, Hạ Long bước ra khỏi cơn ngái ngủ, vươn vai cười với khách viễn phương. Cảm ơn biển. Biển đã cho tôi nghe được nghĩa thịt da trong đêm Tam Thanh mờ ảo. Đã tan trong sóng chiều Mỹ Khê rộng lớn niềm vui. Hay buổi sáng Sa Huỳnh trong veo nắng biếc mà gió trên hàng dương kia như còn gửi lại lời mến thương của thời gian đến với cuộc đời.

Biển đã rơi trên mình tôi. Những cái bóng ngũ sắc cứ mơ hồ rơi-bay. Cho được mất cái-tôi trong tiếng hải triều trong veo-an lặng. Để được thấy lại chính-tôi, trong sự quay về giữa đời sống, sau khi lạc lối đến tận cùng của những câu hỏi. Như thế, tôi không còn là một cá thể vô danh vô nghĩa mà là sự trở thành của khoảnh khắc bay vào-tan biến giữa thời gian. Thời gian là dòng sông không có bờ mà hai cánh tay ôm hóa thành Dòng-Sông-Một-Bờ, nếu còn phải mượn lời để diễn tả Điều-Không-Nói-Được...

Mặt trời đang xuống, còn treo một hình tròn màu cam đỏ. Trăng lên. Yên lặng một dáng tròn trắng xanh. Bao nhiêu khách du kia có gì khác hơn là hình chiếu ấy của luật âm-dương không ngừng chuyển vận?

 

Trong phố và trong vùng cận duyên, những tiếng đời vẫn ngập ngừng xao xác. Và gió vẫn thổi qua mọi niềm thịnh suy, như lời tiếc thương hay bỡn cợt trước sự mù lòa của con người?

Ngoài kia, biển yên tĩnh hay rì rào?

Những câu hỏi, là biển. Trả lời, cũng là biển. Và gió, tiếng hát nhớ-quên của thời gian. Tất cả những thanh âm với vô vàn sắc thái và cung bậc, đáo cùng, sẽ dẫn đến tiếng hải triều yên lặng-trong suốt-rỗng không. Có phải như thế? Hay chính là như thế? Không biết. Chưa biết. Hãy đi. Hãy tìm. Để có thể thấy.

Biển ơi!

ÁO ƠI!

Một vật bình thường: cái áo. Quen quá, bình thường quá, đến độ quên mất ý nghĩa ban sơ của nó. Với những người chuộng mode hay thích chăm chút trang phục của mình, cái áo trở thành một hình thức biểu hiện của Cái-Tôi: trang phục như thế này là thuộc đẳng cấp cao, ăn mặc như thế kia là không sành điệu... Ở mức độ thấp hơn, cái áo lắm khi trở thành sự phô trương để bù lấp cho cái thiếu hụt bên trong. Áo, gần như chỉ còn là chuyện thuần túy hình thức, trong khi “thoạt kỳ thủy”, áo là biểu tượng cho cái-bên-trong của cuộc sống, là tính-nội-dung-của-hình-thức, theo cách nói của lý luận văn học.

Mà, dù có thay đổi theo trình độ văn hóa, kinh tế hay xã hội thì chuẩn mực về cái-đẹp của áo quần (trang phục) vẫn là: trang nhã, phù hợp và hài hòa với môi trường chung quanh.

Nhật ký.

Buổi sáng ngồi cà phê, nhận tin nhắn của người bạn: Miền Trung mưa nhỏ, se lạnh. Chợt nhớ, mùa đông năm trước, một đợt rét đậm-rét hại kéo dài đã làm cho đời sống bà con nông dân vốn đã eo sèo, lại càng thêm nỗi cơ hàn. Cơ hàn ư, nói như vậy, có quá đáng chăng? Thì, đâu phải đã chấm dứt chuyện xóa đói giảm nghèo? Thì, cũng trong đợt rét vừa kể, hàng bao nhiêu tấn áo quần quyên góp của đồng bào cả nước chẳng đã gửi đến bà con ở những vùng sâu phía bắc hay sao? Và, hàng năm, từ khoảng tháng 6 đến tháng 9, nhiều tỉnh-thành đã quyên góp bao nhiêu chiếc áo ấm, gửi tặng bà con vùng cao còn phải chịu nhiều nỗi...

Tự dưng nhớ lại. Tháng 6 năm 1975. Trở lại Sài Gòn sau những tháng năm xa. Người cậu thương cháu, nhưng chỉ có cái quần cũ đã lỗi thời để làm quà. Anh không mặc được, nhưng vẫn giữ. Cũng trong cái tháng 6 ấy, anh không nhận một số tiền khá lớn của một người trong gia tộc tặng, vì anh “nghe” được trong món quà ấy có điều gì khác với sự chân tình.

Cái quần cũ ấy của người cậu, khi thôi nôi đứa con đầu lòng, vợ của người cháu đã xé ra may cho con mình tấm áo. Tấm áo ấy, còn được giữ mãi đến mười mấy năm sau. Chiếc áo không chỉ là vải, mà là sự kết tinh của tình người, đã được tiếp truyền từ đời này qua đời khác.

Ghi chép.

- Người bạn lớn tuổi gửi cho hai chiếc áo cũ, còn mặc được. Anh muốn tỏ chút tình mà những người đàn ông cứng rắn thường ít khi muốn bày tỏ một cách ồn ào...

- Trong buổi “tạm biệt”, những người đồng nghiệp trẻ tặng chiếc áo vải “dễ thấm mồ hôi” cho người đi công tác đường xa...

Áo ơi, sao áo sâu xa nghĩa người đến vậy!

 

Và cái mùi áo của mẹ những đêm mùa đông năm nào xa lắc mà không phai, trên chiếc chõng tre nghe gió lùa qua mái lá.

Và những cơn mưa đời sẽ làm buốt cóng trái tim người biết bao, nếu không có những tấm-áo-lời-thương che chở!

Và, trong ánh ngày đang dần rạng, có một thân người quấn trong mớ giẻ bùng nhùng, nằm mê mệt trên vỉa hè giữa tiếng xe qua, bên bóng những người đi tập thể dục buổi sáng...

Có phải vẫn còn đó, câu thơ Đỗ Phủ không phai, sau bao nhiêu bào giũa của thời gian: Đồng đình sở bạch phân/ Bản tự bần nữ xuất (dịch nghĩa: những tấm lụa ban phát trước sân rồng/ đều do những người con gái không đủ áo mặc làm ra).

Và mong sao, một ngày nào hành tinh này sẽ không trở nên trơ trụi nếu những tấm áo che quả đất không dần trở nên xơ xác trước lòng tham vô tận đang như lửa-nước trào dâng!

Và cuối cùng, chiếc-áo-tinh-thần nào sẽ là con đường cứu rỗi cho những mù lòa của tâm thức con người?

Áo ơi!

 

THƠ TẶNG!

Thơ tặng nhiều quá!

Đã nhiều người nói như vậy.

Đấy là câu than phiền, hay là câu tán thán? Dường như thế, cả hai.

Thơ không bán được, thì phải đem tặng, chứ sao? Nhưng có ai đó không đồng tình: Chẳng nên làm như thế, vì sẽ càng “góp phần” cho thơ bị xuống giá. Nói vậy, cũng không sai.

Giờ đây, có nhiều người làm thơ, so với 50-70 năm trước. Tốt thôi: có nghĩa, số người cầm bút tăng lên nhiều, số người mù chữ bị xóa... gần hết? Vậy là vui, vì dân trí có khá hơn. Duy có một điều không nên bị “vướng” vào: sự lạm phát của hai tiếng “nhà thơ”, do cái thói háo danh. Chẳng phải sao?

 

Trong đời sống tinh thần của lịch sử loài người, cái gì là quý nhất, nếu không là triết học và thơ ca. Xã hội nào thiếu hai cái “nền” ấy, tất nhiên… yếu ớt (dẫu có rất nhiều cái “nền vật chất” khác). Hơn 2000 năm trước, khi đến một xứ sở, để biết thực trạng xã hội nơi ấy, triết gia Tuân Tử đều muốn nghe nhạc. (Thời ấy, thơ và nhạc gần như là... một, nên mới gọi là thi ca). Và ông đã phán định: Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm. Đúng quá!

Chợt nhớ một mẩu tin đã đọc mấy năm trước: chính phủ Pháp bao cấp “trọn gói” cho 15 ấn phẩm về thơ; trong đó, có tạp chí thơ xuất bản hằng tháng với số lượng 547.000 bản/lần. Hẳn rằng, nhà cầm quyền Pháp không “dại gì” mà quẳng rất nhiều tiền vào một lĩnh vực có vẻ... vô bổ như thơ? Lại nhớ, trong cuộc chiến với Đức quốc xã vào những năm 1940, thơ của thi sĩ Paul Eluard được in thành truyền đơn đã trở thành sức mạnh lớn cho kháng chiến quân chống lại kẻ xâm lược. Ở xứ ta, giờ đây, thơ được đối xử như thế nào?

Một anh bạn cung cấp thêm thông tin khác: ở Mỹ, có khoảng 12.000 nhà thơ, tất nhiên đều là nhà thơ chuyên nghiệp. Và anh làm bài toán: dân số Mỹ nhiều hơn dân số Việt Nam khoảng 3,5 lần; nếu tạm căn cứ vào cái “chuẩn” là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam để có thể tạm được gọi là nhà thơ (chứ chưa “phân tích phân loại” thật-giả thế nào), thì số lượng nhà thơ ở cái quốc gia “kỹ thuật máy móc” ấy nhiều gấp năm lần xứ sở Việt Nam “yêu mến văn học” (ấy là chưa nói đến thực chất của cái-gọi-là nhà thơ, cũng ở xứ ta).

 

Sáng nay, được anh bạn Bùi Xuân tặng tập thơ dịch. Thơ Tagore, tập Mùa hái quả. Thi hào Ấn Độ đã để lại hơn 50 tập thơ, là những chuỗi ngọc quý trong kho tàng thơ ca nhân loại. Ở Việt Nam, dường như mới có khoảng năm-sáu tập thơ của Tagore được dịch. Người dịch và mang sách đến tặng là một cán bộ cần mẫn. Anh làm việc ở Ban Tuyên giáo, làm thơ, lại dành thời gian cho việc dịch thuật. Quý quá! Quý hơn, là con người anh: anh yêu tinh thần của Tagore, và làm việc gì cũng vì muốn đem đến sự tốt đẹp cho xã hội. Tập thơ có 86 bài, thấm đượm sắc tượng trưng với nhiều ẩn dụ sâu sắc. Bài thơ cuối (Lễ tạ ơn) có những câu thơ mãi mãi thời-sự-và-chân-lý: Những người đi trên lối mòn của niềm kiêu hãnh đã chà đạp những cuộc đời hèn mọn dưới chân mình và phủ lên màu xanh dịu dàng của trái đất bằng những vết chân đẫm máu... /... Những người hèn mọn đã chịu nhiều khổ đau và gánh nặng cường quyền đã phải giấu mặt và bóp nghẹt những tiếng nức nở của mình trong đêm tối... Để rồi cuối cùng, đối với những con người bị chà đạp ấy: Từng nhịp đập đớn đau của họ đã đập trong đêm sâu bí ẩn, và mỗi lời sỉ nhục đều được thu vào sự im lặng lớn lao của người. Ngày mai là của họ...

Đọc xong, thầm nói: Cảm ơn thơ tặng...

TRƯỚC SÔNG QUÊ

Có người ví von, đời người cũng như dòng sông. So sánh ấy không mới mẻ gì, mà dường như chưa hề sai. Trước hết, vì cả hai đều... trôi. Như lời dạy của các thánh nhân Đông-Tây. Như khoa học hiện đại đã chứng minh từ lâu lắm rồi: Sống là một quá trình chết...

Mà thôi, sao đang nhớ sông quê, lại lan man chuyện cũ làm chi như thế? Bởi chưng, đứng trước dòng sông, tâm thức con người lẽ nào lại im dừng?

 

Với người Quảng Nam, dường như hồn-sông-quê là dòng Thu Bồn. Nhưng ở từng nơi trong tỉnh, cái hồn chung ấy đương nhiên gắn với những gì riêng biệt. Ấy là để nói về đoạn sông chảy qua làng Giao Thủy, quê tôi. Sông như cuộc đời, nên sông cũng đi qua bao nỗi phế hưng. Chuyện từ thuở Nam tiến 500 năm trước thì không biết nhưng riêng trong mắt mình, dòng sông quê tôi cũng đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Má tôi kể, thời chống Pháp, dân làng tôi tản cư lên Trung Phước, thuộc huyện Quế Sơn. Trong quang gánh của má, một đầu thì đựng những vật dụng quơ vội quơ vàng, một đầu là... tôi, bé tí như con chuột oặt. Xuồng đầy ắp người, ai cũng sợ bị lật, chìm thì chỉ có chết. Phía sau, là thôn làng đỏ rực lửa cháy, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Phía trước, là mịt mù điêu linh bao nỗi cực nhọc thiếu thốn. Ngày ấy, gia đình tôi không nghèo. Nhưng sau ba lần tản cư là ba lần đốt nhà, làm sao và lấy gì mà gây dựng lại?

Rồi gia đình tôi dời ra sống ở Hội An, cái thị xã buồn thiu bị lấp dưới thời gian quên lãng. Và tôi đã lớn lên bên dòng sông chảy qua phố Hoài, ngày ấy...

Kỷ niệm đầu tiên không thể nào quên cùng con sông này là lần suýt chết đuối, nếu không có người bà con cô cậu ruột là anh Phan Phụng Toản kịp vớt lên... Và những đêm chạy chơi trò “bắn bành” với lũ nhỏ hàng xóm. Và những buổi chiều của tuổi mới lớn, thường ngồi bên bờ sông nhìn những đám mây sáng chói in bóng xuống dòng nước ngày hè ngắt xanh. Những dãy phố phong rêu mơ mơ trôi đi trong ánh sáng ấy. Và cậu thiếu niên vừa chớm đến tuổi mộng mơ ngỡ như vừa cảm nghiệm ra một điều gì lớn lao mà gần gụi. Nhiều năm sau này, cái ánh sáng ấy đôi lúc vẫn hiện ra, dẫn tôi đi qua những cung đoạn gấp khúc của đời người trong một đất nước phải gánh chịu quá nhiều biến động...

Sông ở miền Trung thường để lại bao nỗi đau lòng trong mùa bão lũ. Những ngày còn bé ấy, mỗi khi lũ lụt kéo về, tôi thường nhìn thấy đôi túp lều tranh bị cuốn theo dòng nước, bên trên nóc là những con người tuyệt vọng nhìn về phía bờ xa không sao tấp vào được, trong khi dòng nước hung bạo vẫn phăng phăng về phía biển... Những ngày còn bé ấy, khi lụt dâng tràn vào ba con phố cũ, cũng là lúc vui đùa nghịch nước dù bị mẹ mắng. Thích nhất là được ăn cháo cá trôi, những con cá lớn trôi theo nước lũ mà cha tôi mua từ những người đánh cá chuyên nghiệp... Biết bao nhiêu những ngày thơ dại mà thơ mộng ấy...

 

Rồi lớn lên. Rồi đi xa... Rồi đã qua biết bao nhiêu dòng sông khác. Mà con sông quê đôi khi vẫn hiện ra như một điểm sáng dịu dàng không tắt, mặc cho bao nhiêu gió cát bên lòng...

Rồi, sau mấy chục năm trở về, ra bến sông của làng quê. Bãi cát rộng ngày nào đã thu hẹp lại, biền dâu xưa cũng không thấy nữa. Cha tôi ngày trước từng nói, cứ 50 năm, đoạn sông chảy qua làng lại bên lở, bên bồi. Giờ đây, làng tôi đang lở. Những người dân ở lại không còn đất canh tác, phải đi thuê đất ở nơi khác. Còn phần lớn là lớp trẻ thì kéo nhau vào miền Nam kiếm sống. Ở đầu nguồn dòng sông Thu, những người tham lam khai thác vàng đã làm hoen ố cả dòng sông. Tất cả chỉ còn là nỗi ngậm ngùi của thời gian. Tất cả chỉ còn trong trí tưởng.

Mỗi khi về quê, thường ra đứng nhìn sông...

Ở đoạn gần đến biển. Sông cứ trôi đi. Như đời người. Như tôi.

Không buồn không vui. Như đời sông. Sông ơi...

N.Đ.N