Tập sách 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non

31.03.2022
Bùi Văn Tiếng

Tập sách 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non

Tôi lại đang cầm trên tay cuốn sách 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non do Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sưu tầm và biên soạn. Nói “lại” là bởi mới năm ngoái đây, Trịnh Tuấn Khanh đã sưu tầm và biên soạn một cuốn sách cũng dành cho tuổi thơ - cuốn 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2020).

Chắc là Trịnh Tuấn Khanh có thể đưa vào cuốn-sách-tấm-lòng này một số lượng trò chơi nhiều hoặc ít hơn con số 219 kia, nhưng dường như anh đang cố tình tạo nên sự kết nối giữa hai cuốn sách cùng thấm đẫm hồn dân tộc và mang đậm dấu ấn trò chơi dân gian - đương nhiên cuốn thứ nhất vừa chơi vừa hát còn cuốn thứ hai lấy chơi làm chính, cùng hướng đến đối tượng chủ yếu là lứa tuổi “như búp trên cành/ biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” (theo cách nói của Bác Hồ), và cùng thể hiện rõ nét lương tâm chức nghiệp của một nhà giáo yêu nghề mến trẻ.    

Có thể thấy dân gian trong quan niệm của Trịnh Tuấn Khanh không có nghĩa là loại trừ hiện đại, là xa lạ với những gì mà hằng ngày trẻ mầm non ngày nay có thể mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn Trịnh Tuấn Khanh đã đưa vào những trò chơi liên quan đến ảo thuật, toán học (trò chơi ảo thuật - trò số 28 chương II, trò chơi toán học - trò số 30 chương II...) Tất cả những trò chơi ấy không hề làm giảm đi hồn dân tộc, chất dân gian trong thế giới trò chơi của trẻ mầm non!

Điều đáng trân trọng ở Trịnh Tuấn Khanh trong 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non là anh đã hướng đến “độc giả kép” của cuốn sách tưởng chừng như chỉ dành riêng cho trẻ. Là một nhà sư phạm, Trịnh Tuấn Khanh luôn xác định giáo dục phải luôn lấy người học làm trung tâm, từ đó nhấn mạnh “Hãy để bé khởi xướng” như một “nguyên tắc tối quan trọng”, bởi vì “Bất kỳ hoạt động nào do bé khởi xướng cũng sẽ thu hút bé lâu hơn so với hoạt động do người lớn gợi ý. Khi bé chọn chơi gì thì bé sẽ học được nhiều điều hơn từ trò chơi ấy. Các trò chơi do bé khởi xướng cũng góp phần nâng cao gia trị bản thân cho bé” (Chương I).

Thế nhưng cũng bằng kinh nghiệm của một nhà sư phạm lâu năm trong nghề, Trịnh Tuấn Khanh hết sức đề cao vai trò đồng hành của người lớn trong thế giới trò chơi của trẻ mầm non, trước hết là những người làm cha làm mẹ: “Trẻ em không chỉ cần thời gian để chơi một mình và chơi với các trẻ khác không có sự can thiệp của người lớn; trẻ còn rất cần thời gian chơi với bố mẹ. Bé rất mong được chơi với bố mẹ vì điều này tạo nên cảm xúc rất đặc biệt cho bé. Vì vậy mà các bậc cha mẹ được khuyến khích tìm thời gian để dành chơi với trẻ một cách thường xuyên”, đương nhiên đồng hành/ cùng chơi nhưng “đừng áp đặt suy nghĩ của người trưởng thành cho trẻ nhỏ mà hãy làm điều ngược lại để bé cảm thấy bố mẹ là những người bạn cùng chơi, chơi luôn biết lắng nghe, quan sát và hỗ trợ bé khi cần chứ không phải là người thầy người cô”.

Nhạc-sĩ-thầy-giáo Trịnh Tuấn Khanh từng sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng về đề tài thiếu nhi, và trong cuốn sách 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non này, anh đã đưa vào phần phụ lục 50 ca khúc phổ lời đồng dao gần gũi với cho các trò chơi dân gian như một món quà dành tặng “những cô giáo mầm non đang âm thầm, cặm cụi làm công việc trồng người” - những người đồng nghiệp thân mến của anh...  

B.V.T