Bừng thức những kỷ niệm

31.03.2022
Thanh Quế

Bừng thức những kỷ niệm

Khi đã nghỉ hưu, về sống an nhàn bên con cháu, người ta thường hay nhớ lại những kỷ niệm về quãng đời đã trải qua của mình, nhất là những người từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dằng dặc và khốc liệt. Những kỷ niệm bừng thức trong tâm hồn họ và một số người đã cầm lấy bút ghi lại những gì mình đã nếm trải, đã nghe thấy, đã xúc động. Nhà thơ Hoàng Thanh Thụy là một người trong số đó.

Hoàng Thanh Thụy quê làng Giảng Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam, một miền đất êm đềm, xanh tươi trù phú được bao bọc bởi hai con sông Thu Bồn và Vu Gia. Đại Lộc cũng là quê hương của các nhà thơ, nhà văn Tú Quỳ, Nam Trân, Trinh Đường, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng,... mà cả nước yêu mến, ngưỡng mộ. Tuổi thơ anh đã chứng kiến những trận ném bom, bắn phá của giặc Pháp xuống làng quê yêu dấu của mình. Nhưng tuổi ấu thơ vẫn như những mầm xanh cứ vươn lên trong khốc liệt. Anh cùng bạn bè hồn nhiên chơi u, chơi đáo, đánh trận giả, xem biểu diễn văn nghệ và được các anh bộ đội dạy cho những bài hát cách mạng mà giờ đây vẫn còn vang vọng trong tâm hồn...

Năm 1954, nghe tin hòa bình được lập lại, nhiều người vui mừng vì từ nay không còn bom đạn, bà con được tự do làm ăn sinh sống. Nhưng bọn Mỹ - Diệm đến! Chúng tiến hành những cuộc đàn áp, bắn giết trả thù những người yêu nước. Máu người chảy đỏ trên những cánh đồng, những dòng sông. Quê hương anh cũng như nhiều vùng quê khác ở miền Nam chìm trong cảnh tang tóc, điêu linh. Rồi Nghị quyết 15 của Đảng như bó đuốc soi đường cho cách mạng miền Nam. Lớp cha anh của anh lên rừng lập chiến khu chống giặc. Anh lớn lên, được giác ngộ cách mạng, được vào Đoàn, vào Đảng, nối bước cha anh. Thế hệ anh, sau này, nhiều người đã trở thành những cán bộ cốt cán, những anh hùng, dũng sĩ và cũng không ít người đã hy sinh cho đất nước. Hoàng Thanh Thụy đã sống, đã chiến đấu quên mình... Một lần anh bị giặc phục kích bắn bị thương và bị bắt. Trong tù, anh cùng đồng đội đã dũng cảm chống lại những trò chiêu dụ, lừa phỉnh và đàn áp của địch. Anh đã bất khuất trải qua các nhà tù Non Nước, Hố Nai, Phú Quốc cho đến ngày có hiệp định Paris, giặc phải trao trả các anh về với nhân dân, với cách mạng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, anh lần lượt trải qua những công tác khác nhau, nhưng chủ yếu là công tác tuyên giáo, giảng dạy lý luận chính trị ở trường Đảng, Bí thư Quận ủy. Lòng nhiệt tình, hăng say lý tưởng đã giúp anh vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh đã góp phần đáng kể công sức, tâm huyết và trí tuệ vào quá trình xây dựng, phát triển quận Sơn Trà. Với trọng trách một Bí thư Quận ủy nhiệm kỳ đầu tiên, anh đã cùng tập thể ban lãnh đạo, toàn Đảng bộ và nhân dân trong quận nỗ lực khắc phục những khó khăn, bất cập của một quận được xem là “vùng trũng” về nhiều mặt của thành phố, tập trung giải quyết những điểm “nóng”, bước đầu đem lại những chuyển biến rõ nét, tạo đà cho những bước phát triển sau này. Từ một quận ngày xưa với những khu nhà mái tôn lụp xụp, thấp lè tè trên bãi cát nóng như thiêu; những nhà chồ bẩn thỉu, tồi tàn; những khu gia binh dây thép gai chằng chịt như mạng nhện..., đã trở thành Sơn Trà hôm nay với những khu đô thị hiện đại, những khu nhà khang trang, những con đường rộng, thoáng, là quận đáng sống của thành phố Đà Nẵng đáng sống.

Cuộc đời anh dấn thân vào con đường cách mạng và trên con đường ấy anh đã cùng sống, chiến đấu với biết bao đồng chí, đồng bào, những người đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Vốn là một người yêu văn học từ nhỏ, nhất là thơ, trong khi hoạt động cách mạng, anh vừa sống vừa quan sát cuộc sống, quan sát nhân quần, thời cuộc để bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, dưới ngòi bút của anh, những sự kiện, những con người vẫn hiện lên sống động, nồng ấm tình người, tình đời. Nhiều người lo sợ thời gian trôi đi, thế hệ sau sẽ lãng quên quá khứ, nhưng tôi không tin, vì thế hệ sau mà nghe những câu chuyện như thế này, đọc những trang sách đẫm máu, mồ hôi và nước mắt như những trang sách này hẳn sẽ mãi thổn thức trong lòng và truyền lại cho con cháu họ, cứ thế, đời này sang đời khác qua suốt những tháng năm. Đó là hình ảnh một em bé gái ở Bàn Tân, khi ra sông gánh nước, thấy chú cán bộ đang loay hoay tìm cách qua sông, đã quay về nhà lấy mái chèo ra, vớt con đò bị đánh chìm dưới nước lên (vì để bảo vệ bí mật bến đò), đưa chú qua dòng nước xiết giữa tiếng pháo giặc gầm rít trên đầu. Đó là người chị, người mẹ đã chăm sóc tận tình cho hai thương binh (một người miền Nam, một người miền Bắc), không hề quen biết, tự nhiên vào nhà mình. Khi hai anh khỏe lại, từ biệt gia đình để trở về đơn vị, người chị moi từ trong túi áo ra những đồng bạc lẻ hiếm hoi, đưa cho anh thương binh người miền Bắc: “Chú này không có gia đình ở đây nên ưu tiên”. Còn bà mẹ thì lật đật chạy vào nhà, bị ngã trầy xước cả chân tay lục tìm hai bát đường đen đưa cho hai con đi đường ăn uống nước. Chị Hạnh đang sống cùng hai đứa con trai, đứa nhỏ mới lên mười. Chồng chị là cán bộ đoàn thể hồi “chín năm” bị bọn Mỹ - Diệm bắt giam ngoài đảo ngay từ những ngày đầu chính quyền của chúng mới dựng lên. Chị một mình làm lụng nuôi hai con và tham gia công tác kháng chiến. Niềm vui của chị là “phong trào”. Thượng vàng hạ cám, mọi việc ở thôn, xã họ đều gọi chị. Bà con quý mến gọi chị là “Bà Hạnh phong trào”. Cô Ba, một nữ giao liên yêu một người trong ngành, nhưng họ chưa nói cho ai biết. Một hôm cô đưa cho anh một gói quà, nhờ anh trao tận tay cho “người ấy”. Anh đã hai, ba lần tìm đến cơ quan “người ấy”, nhưng họ đi công tác vắng. Lần nữa anh đến lại, vẫn không gặp được “người ấy”, nhưng lại được người trong cơ quan đưa cho anh gói quà của “người ấy”, nhờ anh đưa tận tay cô. Anh mang cả hai gói quà nhưng chưa kịp trao tận tay ai thì anh bị địch bắt. Hai gói quà được anh cất giấu trong hầm cũng bị trúng bom. Còn sau này, như chúng ta được biết, thì cô Ba đã ngã xuống trên “đường dây” và “người ấy” của cô cũng hy sinh trong một chuyến vào vùng sâu... Đó là hình ảnh của Mai Tỵ, một bạn tù quê ở Ô Gia, trong tình hình khu giam rất căng vì địch đang đánh phá ráo riết vẫn nhận mình là đảng viên Cộng sản (điều mà có không ít người muốn giấu đi để nhẹ “tội” trong tù). Khi gia đình nhờ người bảo lãnh ra tù thì anh trả lời thẳng với bọn cai ngục: “Tôi không cần ai bảo lãnh, tôi không hồi chánh”. Địch đánh anh nhừ tử rồi đày ra Phú Quốc. Hai thiếu niên Hậu, Khẩu khi vào tù, tuổi mới 15, 16 và người lại nhỏ thó, gầy gò nữa. Địch gọi ra dụ dỗ, bảo nên khai trụt tuổi lại để được đưa đi “Trung tâm thiếu nhi Đà Lạt”, khỏi bị tù cực khổ, hai em nhất quyết không chịu nghe, thà bị chúng hành hung, đánh đập đến tức ngực, ho ra máu, người xanh quắt. Hai anh Bốn và Dội tính tình hiền lành, suốt ngày lén lút cặm cụi học tập. Từ chỗ mới biết đọc, biết viết, dần dần các anh đã giải được toán lớp ba, lớp bốn, các anh mừng hơn được vàng và vô cùng biết ơn anh em đã bày dạy cho mình. Đó là những cuộc đấu tranh có tính “đồng khởi” đòi cải thiện chế độ lao tù, chống bắt bớ đánh đập, phạt vạ tù vô cớ, bắt ép tù “hồi chánh”, “dùng tù trị tù”; những cuộc “đấu tranh chính trị” tuyệt thực kéo dài đến chín, mười ngày rồi chuyển sang đấu tranh “đổ máu”, bằng cách rạch bụng trước quân thù để đòi yêu sách. Tinh thần quả cảm ấy đã làm cho chúng phải chùn chân, lùi bước...

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hoàng Thanh Thụy tranh thủ những đợt nghỉ phép, những dịp đi công tác, quay lại thăm những nhà tù anh đã trải qua, nhất là nhà tù Phú Quốc. Anh đến các nghĩa trang tìm thăm lại những bạn bè chiến đấu đã không được may mắn như mình, đang nằm lại rải rác ở những miền quê yêu dấu của đất nước với biết bao thương nhớ. Anh luôn tự nhủ với mình và nhắc nhở mọi người không bao giờ được quên bất cứ ai, bất cứ chuyện gì của một thời máu lửa đã qua bởi chính nó đã làm nên cuộc sống hôm nay. Anh nặng lòng với quê nhà trong những chuyến về thăm làng xóm, bà con, họ hàng, bạn bè. Trong anh, những cái tên làng: Giảng Hòa, Phú An, Ô Gia, Quảng Đợi,... sao nó thân thương, gần gũi!. Anh vui mừng khôn xiết trước những đổi thay, phát triển của quê nhà, đồng thời cũng chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những khó khăn, chật vật mà đồng chí, đồng bào quê nhà đã và đang phải vất vả vượt qua. Anh cũng day dứt, trăn trở với những chuyện không vui và mong sao mỗi lần về quê anh được nghe thấy thêm nhiều chuyện tốt, tiến bộ để mà mừng. Anh viết bài, làm thơ để phản ảnh cho các cơ quan chức năng thấy hết được tình trạng khó khăn của bà con ta ở các làng quê. Những bài thơ, bút ký của anh mang nặng tình cảm, nghĩ suy về quê hương, đồng đội, đất nước. Những dòng thơ, lời văn ấy sau này được anh tập hợp vào các tập thơ in chung và riêng cũng như vào tập sách này. Hoàng Thanh Thụy còn quan tâm tìm hiểu về lịch sử Đại Lộc quê nhà, về nhà thơ Tú Quỳ, mà anh là hậu duệ của cụ, mong muốn người đời, trước hết là giới nghiên cứu văn học tìm hiểu thấu đáo và đánh giá đúng về cụ. Anh dựng lại chân dung của những nhà thơ đồng hương, từ lớp đàn anh đến lớp bạn bè: Trinh Đường, Nguyễn Quân, Phụng Lam. Những nhà thơ ấy ra đi để lại bao nỗi tiếc thương trong lòng anh. Họ như là một phần của quê hương Đại Lộc của anh...

Những kỷ niệm đã qua trong cuộc đời mình đã được Hoàng Thanh Thụy ghi lại thật sinh động, thật đằm thắm, cảm động với tâm hồn thơ nhạy cảm của anh. Qua những kỷ niệm ấy anh đã dựng lên được hình ảnh quê hương đất nước suốt những năm dài từ kháng chiến chống Pháp đến nay. Người đọc không những xúc động về những nhân vật, sự kiện được anh ghi lại mà còn xúc động bởi tấm lòng người viết, như thấy anh đang thổn thức, bồi hồi, run rẩy trước những trang giấy. Vì thế, cuốn sách này đã cuốn hút được người đọc, dẫn dắt họ về thăm một miền quê tiêu biểu (Đại Lộc) của đất nước yêu quý của chúng ta. Tôi yêu mến cuốn sách này và tin rằng bạn đọc cũng như tôi sẽ yêu mến nó.

T.Q