Trại sáng tác văn học Quân khu V
Một số Nhà văn nhà báo gặp nhau sau Hiệp định Paris được ký kết.
Ngày 15-9-1975, theo chủ trương của trên, các cơ quan Dân chính cấp Khu đều phải giải thể. Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5) cũng được giải thể. Một số anh chị em văn nghệ sĩ xin ra Bắc, về cơ quan cũ hay tự xin việc ở cơ quan mới. Một số xin về các tỉnh trong Khu. Số còn lại được lãnh đạo Hội - chủ yếu là nhà văn Nguyễn Chí Trung - bàn bạc với Cục Chính trị Quân khu 5, chuyển về Trại sáng tác văn học Quân khu 5 sẽ mở vào đầu năm 1976, đóng tại vị trí 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng, vốn là cơ quan của Hội Văn nghệ giải phóng thời gian qua1. Việc tổ chức Trại sáng tác văn học Quân khu 5 được anh Nguyễn Chí Trung giải thích với lãnh đạo Cục Chính trị, là cách để anh em sáng tác văn học viết nốt những gì đã dự định trong chiến tranh mà chưa thực hiện được, như là một sự tổng kết về văn học. Nó cũng phù hợp với việc Quân khu 5 tổ chức Ban Tổng kết chiến tranh để làm nhiệm vụ tổng kết về mọi mặt của Quân khu.
Trại sáng tác văn học Quân khu V gồm 20 người, cả bộ đội và dân chính. Số anh em dân chính được chuyển thành công nhân Quốc phòng, hưởng lương theo thang cán sự. Trại do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ và Nguyên Nam làm trại phó. Ngoài số cán bộ viết văn ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 cũ (gồm bộ đội và dân chính), trại còn rút thêm một số anh em viết văn trong quân đội ở nơi khác như Thanh Thảo ở Nam Bộ ra, Trung Trung Đỉnh ở Gia Lai về, Nguyễn Đăng Kỳ ở Quảng Ngãi ra, một số anh em viết văn ở các đơn vị trong quân khu như Trần Văn Phương, Vũ Văn Thoại… Số phục vụ có 1 cấp dưỡng, 1 quản lý, 1 kế toán, 1 y tá và 1 nhân viên đánh máy.
Tôi được tham gia làm trại viên của trại. Chúng tôi được tự do lựa chọn đề tài, chủ đề, thể loại mà mình ấp ủ định viết. Những ai thấy cần bổ sung thêm tài liệu thì được Trại cấp cho kinh phí đi lại để trở về vùng đất, đơn vị mình từng hoạt động lấy thêm tư liệu. Tôi mở một đợt đi vài tháng về Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Tuy An, Tuy Hòa (Phú Yên)…
Trước khi ngồi viết, tôi cũng như các trại viên khác báo cáo với Ban lãnh đạo Trại về nội dung và thể loại tác phẩm mà mình sẽ viết. Các anh lãnh đạo góp ý, bổ sung thêm tài liệu và căn dặn thêm về cách viết. Trại khuyến khích trại viên viết các thể loại dài như tiểu thuyết, trường ca, truyện vừa. Đối với thể loại truyện ngắn và thơ phải hoàn chỉnh cả 1 tập.
Sau khi một tác giả viết xong tác phẩm, nó được nhân viên đánh máy lần đầu và chuyển cho tất cả các trại viên đọc. Ban Lãnh đạo tổ chức cuộc họp góp ý. Nếu bản thảo nào cần sửa thì tiếp tục sửa để lần sau lại được góp ý cho đến khi hoàn thành. Có tác phẩm như Vàng Crum của Nguyễn Đăng Kỳ phải góp ý đi góp ý lại nhiều lần.
Nhiều chuyện buồn cười đến chảy nước mắt khi Ban lãnh đạo trại góp ý tác phẩm của trại viên. Vốn “văn mình vợ người” mà. Một lần, Nguyễn Chí Trung góp ý cho Thu Bồn một chi tiết gì đó trong tác phẩm Đỉnh núi, viết về việc làm thủy điện của Anh hùng Lao động Lưu Ban ở Duy Xuyên (Quảng Nam). Thu Bồn đỏ mặt nói:
- Anh chẳng hiểu hư cấu là gì, cái gì anh cũng bắt phải viết như sự thật cả.
- Hư cấu cũng phải dựa vào sự thật chứ. Ở đây là anh bịa đặt, bịa đặt biết chưa - Nguyễn Chí Trung quật lại.
- Sao anh dám bảo tôi bịa đặt chứ. Thu Bồn đấm bàn quát.
Hai người cãi nhau xô bàn, đẩy ghế. Vậy mà tối đó, hai “cụ” lại gật gù ngồi đánh cờ với nhau, cười ha hả…
Lần khác, Nguyễn Chí Trung nói với Trần Vũ Mai:
- Cái câu cậu viết về thằng đầu hàng “hôn cờ Đảng” trước khi đi công tác là dở. Phải nói là “hít cờ Đảng” chớ, loại người này có bao giờ thật lòng yêu Đảng đâu, nó chỉ giả vờ thôi.
- Anh biết gì về thơ mà nói. Mai đỏ mặt cãi.
Lần này, Nguyễn Chí Trung “tạm lui” để chuẩn bị tấn công đợt mới. Anh gọi tôi, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh tới:
- Các cậu thấy mình góp ý với Mai có đúng không?
Khi thấy chúng tôi đồng ý với anh, anh bảo:
- Các cậu góp ý cho Mai đi. Các cậu làm thơ nên Mai dễ nghe hơn mình.
Có trường hợp như Nguyễn Đăng Kỳ viết tiểu thuyết Vàng Crum, bị bắt chữa nhiều quá, đổ quạu:
- Tôi không sửa nữa. Các anh không cho ở trại thì tôi về đơn vị đây.
Nguyễn Chí Trung dỗ:
- Tiểu thuyết của Kỳ nói chung được đấy, chỉ còn vài chỗ phải sửa thôi, cố gắng lên em.
Bản thân tôi cũng được nhà văn Phan Tứ góp ý:
- Cái truyện Hai bà cháu của cậu viết được. Mình chỉ thấy cái chi tiết “con chó trắng” của cậu là chưa hay. Phải nói thêm “con chó trắng có chấm đen trên trán” thì cụ thể hơn. Trong truyện ngắn, các chi tiết độc đáo cực kỳ quan trọng.
Những bài học ấy làm tôi nhớ đời, sau này đem ra ứng dụng trong những tác phẩm mới của mình. Tôi thật cảm ơn các anh lãnh đạo, các bạn viết trong trại đã cho tôi những bài học về nghề.
Vào khoảng cuối năm 1978, sau ba năm sáng tác, các trại viên đã hòm hòm hoàn thành những dự định sáng tác của mình. Phải nói thật đây là một mùa bội thu.
Về trường cá có: Những người đi tới biển của Thanh Thảo; Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai.
Về tiểu thuyết có: Hồi đó ở Sa Kỳ của Bùi Minh Quốc; Năm 1975, họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân; Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi; Vàng Crum của Nguyễn Đăng Kỳ.
Về truyện vừa, truyện ngắn có: Vùng chân Hòn Tàu của Thái Bá Lợi; Chuyện từ một truyền thuyết của Thanh Quế; Miền đất ấy của Nguyễn Bảo, Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân; Thung lũng Đắc Hoa của Trung Trung Đỉnh, Thanh Quế.
Về thơ có tập Đôi mắt nhìn tôi của Bùi Minh Quốc; Tình yêu nhận từ đất của Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Ngân Vịnh.
Các tập bản thảo hoàn chỉnh được lãnh đạo Trại đọc duyệt lần cuối và chuyển cho các nhà xuất bản in. Một chuyện thật là cảm động. Tập trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo được lãnh đạo Trại cho là hay, giao cho Thu Bồn đem ra Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhờ in. Lúc ấy, Thanh Thảo chưa được biết đến rộng rãi nên lãnh đạo nhà xuất bản có ý trù trừ. Thu Bồn vừa nói vừa khóc:
- Các anh đọc Trường ca Chim Chờ rao của tôi chưa? Các anh thấy thế nào?
- Hay lắm!
- Sao trường ca này còn hay hơn các anh lại không chịu in?
Các anh lãnh đạo Nhà xuất bản cười:
- Có Thu Bồn bảo lãnh rồi thì in ngay.
Sau này trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thu Bồn tự hào nói với các anh nhà xuất bản: “Đấy, mấy ông thấy chưa? Tôi đã mang đến cho mấy ông tác phẩm nào là xứng đáng tác phẩm ấy…
Vào những năm 1978, 1979, sau khi các trại viên hoàn thành một số tác phẩm, Ban lãnh đạo trại điều động chúng tôi lên Tây Nguyên lấy tài liệu về bộ đội xây dựng kinh tế và sang Campuchia lấy tài liệu về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau đợt này, nhà thơ Thu Bồn hoàn thành trường ca Campuchia hy vọng; nhà văn Nguyễn Trí Huân có truyện vừa Dòng sông của Xônét. Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Liên Nam có những chùm thơ mới. Nguyễn Bảo, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh có những chùm truyện ngắn.
Cuối năm 1979, đầu năm 1980, một số trại viên được điều động ra Hà Nội học trường viết văn Nguyễn Du như Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh…
Tháng 8-1980, nhà văn Nguyễn Chí Trung được điều ra làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Bảo và tôi được điều ra là làm biên tập viên. Nhà văn Nguyên Nam trở về Thuận Hải làm Tổng biên tập báo Thuận Hải.
Trại sáng tác văn học Quân khu 5 đã kết thúc!
Nhìn lại, ta thấy Trại sáng tác văn học Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sáng tác được nhiều tập tiểu thuyết, trường ca, thơ và truyện ngắn. Trong đó có những tác phẩm có tiếng vang, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Namvà Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Tiểu thuyết Hồi đó ở Sa Kỳ của Bùi Minh Quốc)…
Nhiều trại viên của trại lần lượt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam trở thành những cây bút chuyên nghiệp: Nguyễn Chí Trung, Thái Bá Lợi, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trí Huân, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Ngân Vịnh, Cao Duy Thảo (lúc đầu ở trại, sau chuyển về Bình Định).
Trại sáng tác văn học Quân khu 5 kết thúc nhưng tiếng vang và kinh nghiệm rút ra từ nó vẫn được kéo dài về sau. Đây là một trại viết “vô tiền khoáng hậu”, chưa có tiền lệ ở nước ta vì nó được tổ chức trong một thời gian dài (5 năm), nơi trại viên vừa viết vừa đi thực tế, nơi trại viên được góp ý tác phẩm và được giới thiệu đến các nhà xuất bản. Nó còn giúp cho nhiều trại viên thai nghén cho những tác phẩm mới. Tôi nhờ ở Trại sáng tác, được đi thực tế, được rút kinh nghiệm sáng tác, nên đã chuẩn bị để năm 1981, viết tiểu thuyết Cát Cháy, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trại đã tạo điều kiện cho trại viên định danh và phát triển sau này. Một số cây bút đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Thu Bồn), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Thanh Quế). Nhiều người đã trở thành những cây bút chủ lực của văn học Việt Nam đương đại. Một số người đã trở thành lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành phố và các cơ quan xuất bản, báo chí của Trung ương và địa phương.1
T.Q - P.H.T
1 Trong khi chờ đợi vào Trại, số trại viên là cán bộ dân chính được Ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại Khu Trung Trung Bộ, do đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 làm Trưởng ban, vừa được thành lập trước đó, trả lương.
1 Một số trại viên từng kinh qua các chức vụ: Nguyễn Trí Huân (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Bùi Minh Quốc (Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng), Liên Nam (Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Phú Yên), Cao Duy Thảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa), Thanh Thảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ngãi)… Trung Trung Đỉnh (Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn), Nguyễn Bảo (Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội), Nguyên Nam (Tổng biên tập báo Thuận Hải)…