Người con vùng cát cháy

29.08.2024
Vương Nhân

Người con vùng cát cháy

Anh Phan Thanh Bốn kể chuyện Bình Dương tại buổi ra mắt sách do Hội đồng hương Thăng Bình và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội

Chúng tôi thường gọi anh Phan Thanh Bốn là anh Bốn Hê. Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa, anh sống với ông bà nội. Nhà anh Bốn Hê ở sát chân nỗng ông Trùm Mận. Trước nhà anh chừng trăm mét có mạch trào rất lớn, nguồn nước dồi dào, trong veo, mát rượi, tạo thành đìa mội. Đìa mội giữ cho vùng ruộng thấp quanh năm có nước, cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng gần bậc cao của ấp Hòa Yên. Hòa Yên có ba cụm dân cư hình thành xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài. Tình làng nghĩa xóm, bà con dòng họ nên gần gũi thân quen, cùng nhau chung sống đêm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Bọn nhỏ trong làng chừng vài trăm đứa, chẳng lạ gì nhau, tới trường là bạn về xóm là bè, cùng chăn trâu cắt cỏ mò cua bắt ốc… chia phe đá bóng, thi chạy, tắm sông. Cũng lắm lúc tranh hơn thua cãi vả, tương nhau mẻ trán u đầu… phải có người dàn xếp để làm hòa với nhau, anh Bốn Hê xuất hiện vai trò đầu têu, thủ lĩnh. Anh tuy nhỏ con nhưng cứng cỏi, lanh lợi, hoạt bát, hơn nhau năm ba tuổi đã là lớp đàn anh gương mẫu, xông pha. Anh hay dành cho tôi sự để ý, bảo bọc. Í ới nhau để cùng thả trâu ra đồng, kèm cặp cho tôi biết bơi, biết lặn để không sợ sông nước, khi đốt lửa nướng khoai ngoài đồng anh luôn chia cho tôi miếng ngon nhất. Mỗi khi nhà anh có đám đình là anh mang nắm xôi gói trong lá chuối ra đồng cho tôi. Có lần cưỡi trâu, tôi té ngã sưng chân, không đi được, anh kê lưng cõng tôi về tận nhà…

Quê hương giải phóng (1964) các tổ chức đoàn thể được thành lập, các anh là thiếu niên tiền phong, lớp thiếu sinh quân đầu tiên ở xã. Tuổi trẻ xông xáo, anh trở thành người chiến sĩ nòng cốt, dũng cảm, kiên cường trong đánh giặc. Anh giới thiệu tôi vào lực lượng thiếu sinh quân, bày tôi cài lựu đạn, chôn mìn 3 càng để đánh bộ binh, giao tôi quản lý và hướng dẫn chọn địa thế đặt mìn kiềng đánh xe tăng. Tôi cùng Phan Đức Thông được anh phân công chịu tránh nhiệm canh chừng quả bom 250 cân đã đặt phục xe tăng sau nổng ông Bút, chúng tôi chỉ được mở rào chắn, rút chốt chặn bom bi làm mồi kích nổ lúc xe tăng địch chạy tới gần.

 Theo các anh tôi từng bước trưởng thành, là thiếu nhi được dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ ở cánh Đông, được giao nhiệm vụ A trưởng thiếu sinh quân rồi A trưởng du kích. Du kích Bình Dương đâu phải chuyện đùa! Cũng ngày đêm sống chết trên quê cát, nhiều thiếu nhi tuổi lên mười trở thành liệt sĩ… Du kích Bình Dương đâu phải chuyện đùa! Tháng 6 năm 1969, tạm biệt các anh tôi lên đường ra Bắc học văn hóa, anh Bốn Hê thủ lĩnh chúng tôi được giao trọng trách xã đội phó du kích Bình Dương.

Thời chiến ra trận như người anh hùng

Là một xã đội trưởng dày dặn kinh nghiệm chiến trường. Khi xung trận, luôn ở tuyến đầu, lúc ẩn, lúc hiện, chủ động thế trận, chớp thời cơ bất ngờ ra đòn rồi lùi về thế thủ, ẩn mình ủ mưu. Trải qua trăm trận đánh, nhiều lần cùng đồng đội ngẩng cao đầu tuyên thệ cảm tử quân, làm lễ truy điệu cho chính mình trước khi xung trận, coi cái chết nhẹ bẫng như bông. Câu chuyện tranh thủ trời chập choạng tối, anh cùng đồng đội trà trộn vào dân, đi vào khu dồn. Bắt tên ác ôn đứng yên, nghe bản cáo trạng đanh thép đã viết sẵn: “Mi là thằng Ngành, phản quốc hại dân, phạm nhiều tội ác, ức hiếp, đánh đập, đàn áp những người dân vô tội. Nay chính quyền cách mạng tuyên án tử hình”. Và hắn bị anh xử bắn tại chỗ trong khu dồn đồi ông Mong năm 1970.

 Nhớ lại đêm ngày 20 tháng 4 năm 1971, nhận được mật báo tên Quận trưởng Nguyễn Minh Đăng sẽ về gặp Hội đồng xã Bình Dương ở khu dồn đồi ông Cà lúc 13 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 4 năm 1971. Đồng chí Nguyễn Đức Tân Phó Bí thư Huyện ủy mời Trần Ngộ, Bí thư Đảng ủy, chính trị viên Phương và Phan Thanh Bốn xã đội trưởng để giao nhiệm vụ tiêu diệt tên Đăng. Nhân dân trong vùng đều nghe Nguyễn Minh Đăng là tên ác ôn khát máu, kẻ sát nhân máu lạnh. Những người tình nghi Việt cộng hắn đưa xuống bãi cát trắng dưới đường Quốc lộ 1, trực tiếp ra tay bắn vào đầu từng người, đào hố lấp lại và cứ thế khi hắn say cơn điên khát máu, cách giết người của hắn không thể nào tàn bạo hơn. Quân ta đã tổ chức mai phục tên Đăng nhiều lần nhưng đều thất bại. Như con chim mắc ná, con cá mắc lờ hắn càng nâng cao cảnh giác, đi đâu có lớp bảo vệ vòng trong vòng ngoài, chưa bao giờ ngủ hai đêm liền tại một điểm. Lòng căm thù ngút ngàn tên ác ôn nợ máu, không để thời cơ trăm lần có một mất đi, xã đội trưởng Phan Thanh Bốn đã đứng lên xung phong nhận nhiệm vụ cảm tử quân, trực tiếp tổ chức trận đánh. Tám giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1971, Phan Thanh Bốn cùng người bác là Phan Văn Đệ cải trang thành lính ngụy, nhân lúc hai tốp lính gác chộn rộn giao ca các anh đã vào khu dồn trú ẩn tại nhà bà Ba Lưu cơ sở của ta, chờ giờ G để hành động. Thời gian trôi qua hồi hộp chờ đợi, tới đầu giờ chiều cơ sở bên trong hội đồng mật báo Nguyễn Minh Đăng thay đổi kế hoạch, không về Bình Dương mà đi chợ Bà, Bình Giang. Không để lãng phí cơ hội Phan Thanh Bốn nhanh chóng đổi mục tiêu truy tìm bọn ác ôn khác ngay trong khu dồn. Tên Ry tâm lý chiến và tên Hướng phòng vệ dân sự bị anh bắn gục tại chỗ. Tên Nhu, tên Hội bị thương tháo chạy thoát thân. Sau những lần thực hiện nhiệm vụ tìm diệt bọn ác ôn ngay trong lòng địch, gây tiếng vang lớn làm bọn ác ôn luôn hoang mang lo sợ và chúng đã gắn cho người xã đội trưởng Bình Dương biệt danh Việt Cộng ác ôn Bốn Hê. Không để lãng phí cơ hội, Phan Thanh Bốn nhanh chóng đổi mục tiêu truy tìm và triệt hạ hai tên ác ôn Phan Kế Nhu, Phan Hội trong Hội đồng xã. Nguyễn Minh Đăng thoát chết nhưng hai tên ác ôn khác phải đền mạng. Sau những lần thực hiện nhiệm vụ tìm diệt bọn ác ôn ngay trong lòng địch, gây tiếng vang lớn làm bọn ác ôn luôn hoang mang lo sợ và chúng đã gắn cho người xã đội trưởng Bình Dương biệt danh Việt cộng ác ôn Bốn Hê.

Nhớ lần mật tập tiểu đoàn biệt động 37 đang càn quét, chúng canh tân ngủ trưa tại triền đồi nổng ông Ban. Anh Bốn Hê dùng M72 lấy của Mỹ bắn vào đội hình tiêu diệt nhiều tên làm cho bọn địch vô cùng hoảng sợ. Ban đầu chưa rõ tính năng của súng, khi bắn, lửa phun ra phía sau, gặp vật cản đã dội ngược làm anh bị cháy bỏng. Nhận thấy vết thương trầm trọng anh đã cho dân khiêng mình lên đồn Mỹ ở Núi Quế. Với thân hình nhỏ bé cùng tờ giấy khai sinh xác nhận 14 tuổi, bà con đã tranh đấu bắt đền Mỹ bắn vào dân, cần phải chữa vết thương cho anh. Nhìn vết bỏng Mỹ tin do vũ khí Mỹ bắn vào dân nên cho máy bay chở anh ra tàu sơ cứu, chuyển vào quân y viện Duy Tân. Vết thương cháy bỏng vừa khô da, nhưng đôi mắt rất mờ nhìn không rõ, bọn chúng chuyển anh vào nhà thương mắt ở Đà Nẵng tiếp tục chữa trị. Thông tin anh nằm viện tại Đà Nẵng lan ra lọt tai bọn tề ngụy chúng phát lệnh truy tìm. Chị Phan Thị Minh được xã phân công ra Đà Nẵng báo tin. Biết được âm mưu truy tìm của kẻ thù, anh cùng chị Minh nhanh chóng trốn bệnh viện, lẫn vào dân rời Đà Nẵng trên chuyến xe đò liên tỉnh, tới Nam Phước thì xuống xe băng qua Xuyên Tân để về Bình Dương.

Gần hai năm xây dựng và bảo vệ căn cứ lõm Bàu Bính, xã đội trưởng Bình Dương Phan Thanh Bốn đã góp phần quan trọng, tổ chức nhiều trận đánh uy lực làm cả ngàn quân địch sa vào thế trận giằng co, chúng e ngại không dám liều lĩnh lấn chiếm trận địa phục sẵn của ta. Căn cứ lõm Bàu Bính trở thành dấu son chói lọi để Bình Dương được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang lần thứ 2. Năm 1971, trận quyết chiến với quân thù càn quét trên quê hương, nhiều đồng đội đã ra đi mãi mãi không về, trong khi đang truy kích quân thù anh trúng đạn, ngã chúi trên cát, anh đau đớn gượng dậy sờ vào vết thương trên ngực, vết thương quá nặng. Không muốn anh em vì mình mà gặp nguy hiểm, anh rút trái lựu đạn chày ở thắt lưng đưa lên miệng cắn để mở nắp, quyết định tự chết. Nhìn thấy người chỉ huy bị thương, chiến sĩ Ơi lao tới chụp tay quàng anh lên vai vác chạy về phía sau để thoát hiểm trong cảnh mưa đạn. Máu anh đã đổ trên quê hương, nhưng thần may mắn giúp anh 9 lần vượt qua cái chết. Chưa chết có nghĩa là thần chết vẫn còn đeo bám con người mảnh mai, nhỏ thó này khi quyết làm người cầm súng ra chiến trường. Đồng đội và nhân dân nhớ mãi hình ảnh anh Bốn Hê tả xung hữu đột trên vùng cát cháy Bình Dương thời lửa đạn. Không thể tiếp tục cầm súng ra trận, anh Bốn Hê đành lùi lại phía sau để chữa thương. Ba tháng đường trường vượt Trường Sơn về hậu phương miền Bắc và được chuyển qua Trung Quốc chữa trị. Các bác sĩ phải cưa sáu xương sườn, cắt bỏ ba thùy phổi phải, xử lý vết thương ảnh hưởng hai thùy phổi trái… các bác sĩ đã dìu anh vượt qua cõi chết. Câu chuyện bệnh viện Mỹ, bệnh viện Trung Quốc truyền máu chữa thương cho anh để bây giờ trong người anh mang 3 dòng máu Việt, Mỹ, Tàu nghe cứ như “Những người thích đùa” của Azit Nêxin.

Mười năm chiến tranh, Bình Dương luôn là trận tuyến khốc liệt. 16 xã đội trưởng thay nhau cầm quân, có 13 người hy sinh anh dũng, 3 người còn sống cũng mang thương tích đầy mình. Một xã đội trưởng Trần Thị Cúc trở thành Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, hai xã đội trưởng là thương binh Phan Thanh Bốn (Bốn Hê) và thương binh Nguyễn Thị Thuý Một nên duyên chồng vợ sống hạnh phúc bên con cháu.

Tháng 11 năm 2023, Hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn giới thiệu hai quyển sách “Bình Dương - Vùng đất anh hùng”“Vườn Mẹ” tại Hà Nội, anh Bốn Hê một nhân chứng của lớp người trong cuộc kể lại câu chuyện chiến đấu vào sinh, ra tử đâu chỉ đôi lần, mà đó là nhiệm vụ thường xuyên, ở vùng chiến sự ác liệt khi địch ta giằng co nhau từng ruộng thổ, bờ mương, làng xóm.

Anh Phan Thanh Bốn (thứ 6 hàng sau, bên trái sang) cùng hội đồng hương Thăng Bình và Hội Nhà văn Việt Nam tới dâng hương Đài tưởng niệm mẹ VNAH tại Tam Kỳ

Tại diễn đàn khát vọng hòa bình “Người Bình Dương kể chuyện Bình Dương”, anh đã thể hiện năng khiếu bẩm sinh về phương pháp truyền cảm hứng tới người nghe một cách lưu loát và trôi chảy. Trong chiến tranh chúng ta hay phổ biến kinh nghiệm ẩn mình bằng phương pháp “đi không để lại dấu, nấu không có khói, nói không nghe tiếng” anh gọi đó là phương án thiêng về phòng thủ. Ở mặt trận Bình Dương, anh chủ trương ngược lại. Cố tạo dấu chân thật nhiều trên vùng cát với những hướng đi khác nhau, tổ chức đốt lửa ban đêm, hun khói ban ngày tại nhiều điểm, công khai hiện trường thật đan xen hiện trường giả… nhằm làm quân địch rối loạn khả năng đoán định thực chất lực lượng của ta. Những câu chuyện đánh giặc của du kích Bình Dương được người xã đội trưởng kể lại thật vui và hấp dẫn. Anh nói thời ấy tiểu đoàn 70, 72 Tỉnh đội Quảng Nam, R20, R25 Quảng Đà, Công trường 31… thường xuyên đóng quân trên địa bàn, sống chung trong dân, du kích cũng là dân, du kích hay “mượn tạm” tiểu liên, trung liên, B40, B41… của bộ đội để tự trang bị cho mình đánh giặc, lại có thêm nguồn vũ khí chiến lợi phẩm sau những trận đánh… vì vậy thời ấy vũ khí của du kích Bình Dương sử dụng không khác mấy vũ khí của lực lượng huyện đội, tỉnh đội… Và vũ khí quan trọng nhất của du kích Bình Dương là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường được người dân vùng cát cháy tin yêu trang bị cho người cầm súng ra trận.

Thời bình trên quê hương cát cháy

Hoà bình, anh được cấp trên phân công nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương. Cùng nhân dân “tay trắng” trở về quê hương tổ chức cuộc sống mới. Vượt qua nghèo đói và phủ xanh vùng cát cháy với ý chí “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đảng ủy chủ trương khai hoang, phục hóa bà con trồng rau củ quả, hoa màu để đáp ứng nhanh cho cuộc sống trước mắt. Mặt trận chống đói nghèo cũng nhọc nhằn không kém thời bom đạn. Những mái lá dựng tạm che mưa nắng, xóm làng yên vui rộn rã tiếng cười. Người Bí thư Đảng bộ miệng nói tay làm, xung phong gương mẫu, dẫn dắt phong trào để bình Dương không ngừng phát triển. Hàng triệu cây dương ươm mầm, màu xanh phủ dần trên vùng cát, đất chết dần dần hồi sinh, Bình Dương được Nhà nước vinh danh đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ xây dựng sau chiến tranh. Anh Phan Thanh Bốn được bầu vào Huyện ủy, cấp trên điều về làm Bí thư Huyện đoàn để có điều kiện đóng góp nhiều hơn. Ông Trần Anh Vũ nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết: “Phong trào cách mạng ở Bình Dương từ chiến tranh tới thời xây dựng trong hòa bình luôn giữ trong nhóm ngọn cờ đầu của huyện. Mảnh đất và con người nơi đây cũng từ phong trào cách mạng mà nhiều cán bộ trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Bình Dương là một trong những cái nôi đào tạo cán bộ. Bình Dương có 6 người con giữ chức danh Bí thư Huyện ủy Thăng Bình và 3 người giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, cùng nhiều cán bộ chủ chốt khác của huyện của tỉnh và Trung ương”.

Anh Phan Thanh Bốn một trong những người mang hình ảnh đại diện của người dân vùng cát. Anh không chỉ mưu trí dũng cảm kiên cường trong đánh giặc mà còn đóng góp nổi trội trong công cuộc xây dựng lại quê hương trong thời bình. Câu chuyện cây dương độc nhất tồn tại trên vùng cát cháy, miễn nhiễm với đạn bom thời chiến tranh, được anh thêu dệt, nêu ý tưởng, thần thánh hóa bằng bài thơ “Thần Dương” (Cánh tay rộng của thần dương che mát. Truyền cho nhau sức mạnh của thiên thần). Và cây Dương thần cũng có tên từ đó. Anh mong sớm khôi phục đình làng Lạc Câu, một địa điểm gắn với nhiều câu chuyện lịch sử làng xã. Anh chịu khó sưu tầm các bài văn tế, coi đó là nét văn hoá cha ông còn lưu lại. Những bài văn tế lễ trên vùng đất giàu truyền thống anh diễn giải nội dung mang tinh thần cách mạng cũng là chuyện nổi trội và nhiều bài viết câu thơ của anh góp phần xây dựng hình ảnh đất và người Bình Dương: “Ta giữ vững vùng trời góc biển. Điểm tiền tiêu cho cả cánh đông. Nơi nhóm quân, nơi họp hội bao lần. Nơi truyền đi mệnh lệnh tiến công. Thật xứng đáng với hai lần tuyên dương công trạng. Bình Dương ơi, lớp lớp thế hệ anh hùng”.

Tôi gặp anh để nêu ý tưởng về không gian Vườn mẹ, ôm chặt tôi, anh xúc động: “Nhạn thấy việc gì cần thì mình sẵn sàng chung tay góp sức, gìn giữ di tích cho mai sau cũng là góp phần làm giàu thêm tiềm năng văn hoá cho quê hương”. Nay tuổi đã cao, anh vẫn hăng hái kề vai cùng anh Nguyễn Hữu Hiệp, Phan Phước Sơn… trong các chương trình khuyến học khuyến tài ở xã, ở huyện. Mong anh có nhiều sức khỏe để sống vui, sống khỏe với đời.

V.N