Sự di chuyển trong Truyện Kiều
Truyện Kiều của Nguyễn Du
Sự di chuyển là việc dời vị trí từ A đến B và từ B đi đến các địa điểm khác. Chúng có giá trị quan trọng đối với cấu trúc cốt truyện (plot structure) và số phận nhân vật (the fate of character). Thế giới Truyện Kiều là thế giới của sự chuyển động, chứ không bất động, tù đọng. Việc dịch chuyển vị trí của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm Thúy Kiều, thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện.
Khi các nhân vật rời vị trí cũ để đến một vị trí/ địa điểm/ không gian mới thì có các nhân vật, sự kiện, hành động, thử thách mới diễn ra. Vì vậy, sự di chuyển giúp xác định thêm số phận, tính cách, tâm lý, dòng đời của các nhân vật. Sau khi dịch chuyển vị trí, nhân vật phải đối diện với hàng loạt các tình huống mới, do đó, chúng phải ứng phó, phát ngôn, hành động để hóa giải các tình huống, nhất là các tình huống nan giải. Tính cách nhân vật, do vậy, được bộc lộ. Hơn thế, tác giả/ Nguyễn Du còn biểu lộ thái độ của mình đối với các nhân vật trong hành trình dịch chuyển của chúng. Ngoài những phát biểu trực tiếp, Nguyễn Du còn bày tỏ thái độ qua ngôn ngữ thơ, nhịp điệu câu thơ và qua việc mô tả tự nhiên khi đề cập đến việc di hành.
Trong Truyện Kiều, nhân vật trung tâm Thúy Kiều là nhân vật di chuyển nhiều nhất, bằng nhiều phương tiện khác nhau, khi thì đi bộ (bộ hành), khi thì bằng ngựa, bằng kiệu hoặc bằng thuyền, là các phương tiện lưu thông thời trung đại. Việc di chuyển đánh dấu các bước ngoặc trong cuộc đời Kiều. Mỗi lần di chuyển, nhân vật đều có tâm thái, số phận khác nhau, làm hình thành các phân khúc, phân đoạn của cốt truyện.
Thuở đầu đời, Kiều đi bằng những bước chân thong dong, thong thả, nhàn nhã. Bên cạnh sự lo âu là sự vô ưu, vô tư. Đó là bước chân của Kiều trong mùa xuân, với hội Đạp Thanh và tiết Thanh Minh, giữa cỏ hoa, bên dòng nước. Đó là khi nhân vật hầu như còn vô nhiễm, tinh tuyền: Bước lần theo ngọn tiểu khê (Kiều trong hội Đạp Thanh. “Bước lần” là bước thung dung). Kim Trọng cũng thế, thung dung bước: Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng (Kim Trọng đi ngựa, khi gặp gỡ Kiều). Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Như vậy, vẻ đẹp buổi ban đầu của Kim - Kiều còn nằm ở bước đi, dáng đi. Đây có thể là những bước chân thần tiên, khác xa, nếu không nói là hoàn toàn đối lập với những bước chân/ dáng đi sau này, khi nhân vật đã bị xô đẩy. Truyện Kiều nói gì đó về đời người: Con người đã đi từ vô nhiễm đến ô nhiễm, hữu vi. Sau hội Đạp Thanh, Kiều có một lần khác bộ hành (đi bộ). Đó là lần trốn khỏi Quan âm các. Lần này không còn sự thanh thản, thanh tao và ung dung mà đi trong lo âu, sợ hãi, trong “Canh khuya thân gái dặm trường”, trong “Mịt mù dặm cát đồi cây”, đầy cô độc, nhọc nhằn tâm cảm!
Khi Kiều ra đi với Mã Giám Sinh thì: Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh. Ở đây, Nguyễn Du không thuần túy mô tả con đường đi và sự chuyển động mà các hình ảnh “khấp khểnh”, “gập ghềnh” chủ yếu được dùng để mô tả tâm lý. Đó là sự xốn xang, xao động mạnh, ngổn ngang, quặn thắt trong tâm trạng. Đường đời Kiều đã bắt đầu lận đận, ngay từ chuyến ra đi đầu tiên, xa rời bản quán, gia đình và người tình này. Đây là lần đi có tính chất dự báo, là điềm gở. Mã Giám Sinh không công chính. Ông ta cho xe ngựa chở Kiều đi rất nhanh, vội vàng, như thể sợ bị phát giác: Đùng đùng gió giật, mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Đi với Sở Khanh, với “Dặm rừng bước thấp bước cao”, Kiều cũng đau đớn, xao xác, bị giày vò, đi trong không gian với những âm thanh rờn rợn (tiếng gà, tiếng gió), dưới ánh trăng thu kỳ bí, ma quái, trong đêm khuya “khắc lậu canh tàn”: Đêm thu khắc lậu canh tàn/ Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương/ Lối mòn cỏ lợt màu sương/ Lòng quê đi một bước đường một đau/ Tiếng gà xao xác gáy mau/ Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.
Thúc Sinh đi ngựa, khi chia tay Kiều. Đây là buổi chia tay đầy bịn rịn, lưu luyến, u buồn nhưng đẹp, trong “màu quan san” mờ mịt, nhạt nhòa: Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về, chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi, muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Việc mô tả sự chuyển động của các phương tiện đi lại, như đã nói, là đa nghĩa, được dùng để chỉ thân phận con người. Khi Kiều đi với Bạc Hạnh thì: “Thuận buồm một lá xuôi miền châu Thai”. Tại sao lại là “buồm một lá” mà không phải là “buồm ba lá” chẳng hạn? Đó là bởi vì con thuyền một lá mong manh này còn được dùng để nói đến thân phận mong manh của người đi trên thuyền là Thúy Kiều. Lúc này Kiều đang bị đưa đi bán vào hành viện. Việc ám chỉ như thế cũng đã được nói tới, khi Kiều đi với Mã Giám Sinh. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân([1]), tác giả chỉ nói Bạc Hạnh “ra bến tìm thuê thuyền”. Đối với Nguyễn Du thì thuyền này là “buồm một lá” như đã thấy ở trên.
Khi bị cưỡng buộc, phải lên thuyền ngược sông Tiền Đường theo thổ quan, Kiều đi kiệu ra sông nhưng là: Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền/ Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao. “Áp thẳng” tức là cưỡng ép, không được nói đến trong Kim Vân Kiều truyện. Sông Tiền Đường, nơi Kiều buộc phải đến, như lời tiên báo của Đạm Tiên và theo lôgic đời Kiều, không phải là “mồ chôn hồng nhan” như người Hàng Châu nói mà là nơi Kiều có chuyến đi cuối cùng trong đau đớn nhưng lại được tái sinh, trùng sinh.
Kiều có hai lần đi kiệu nữa, trong hân hoan, được nâng niu, hạnh phúc. Đó là khi được vị quan xử án tác hợp: Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi sao và khi được tái ngộ gia đình và người tình: Kiệu hoa giục giã tức thì. Tuy nhiên lần chuyển dịch vinh quang nhất, hân hoan nhất, được trân trọng nhất của Kiều là khi được Từ Hải cho binh tướng tới rước về Nam Đình (Triều đình ở phía nam của Từ Hải), sau khải hoàn. Lúc này, Kiều đi bằng “kiệu vàng”, có “trúc tơ”, trong cờ trống: Dựng cờ, nổi trống lên đường/ Trúc tơ nối trước, kiệu vàng kéo sau/ Hỏa bài tiền lộ ruổi mau/ Nam Đình nghe động trống chầu đại doanh. Không có lần nào Kiều di chuyển hạnh phúc như thế! Nguyên truyện (Kim Vân Kiều truyện), chỉ thấy nói là binh tướng Từ Hải đem “đoàn xe kiệu”([2]) đến đón Kiều. Với Nguyễn Du, Kiều lúc này phải được đón bằng “kiệu vàng”. Rõ ràng, suy nghĩ và tình cảm của Nguyễn Du đối với nhân vật là khác hẳn với Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả nguyên truyện. Sau lần di chuyển này là quãng đời “nở nang mày mặt”, được phán xét và đền bồi (tức Kiều được báo ân, báo oán). Người anh hùng nâng đỡ Kiều, Từ Hải, khác với tất cả nhân sinh trong Truyện Kiều, di chuyển/ ra đi bằng sự dứt khoát, mạnh mẽ, kiên quyết. Đây là khí khái của bậc “hơn đời trí dũng”, không có cái bịn rịn, ướt át: Quyết lời dứt áo ra đi/ Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng dong.
Không lâu sau những bước chân thong thả thời mới gặp gỡ ở hội Đạp Thanh, bước chân Kim - Kiều đã trở nên vội vã, thậm chí là tất tả. Đầu tiên là do tình yêu thôi thúc và sau đó, là do cuộc đời. Thời trung đại, nam nữ yêu nhau tự do là không được xã hội chấp nhận. Việc họ tự tìm đến nhau là điều cấm kỵ. Đây là lý do chính khiến Kim - Kiều xem tình yêu, các cuộc tự tình của họ là vụng trộm. Có điều gì đó bất an, bất ổn trong tình yêu Kim - Kiều. Kiều nói ngay buổi ban đầu: Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. Khi tình yêu thúc giục thì:
+ Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ, vội dời chân đi
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu
(Kim Trọng đi tìm Kiều)
+ Gót sen thoăn thoắt dạo ngay
mé tường
(Kiều tìm đến Kim Trọng)
Khi họ tự tình thì hoặc có âm thanh “xôn xao” đâu đó, khi thì lo âu bị gia đình phát hiện:
+ Một lời gắn bó tất giao
Mé sau dường có xôn xao tiếng người
+ Vội vàng lá rụng hoa rơi
Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang
+ Vắng nhà, chẳng tiện ngồi dai
Giã chàng, nàng mới kíp dời song sa.
Đặc biệt, bước thong dong không còn, kể từ sau khi Kiều ra đi với Mã Giãm Sinh. Thời trung đại, người ta không chuộng sự vội vã mà chuộng sự ung dung, khoan thai, từ tốn, chậm rãi. Dân gian nói: Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây (Ca dao). Hầu hết các nhà Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đều từ chối đô thị vì đối với họ, đô thành là hữu vi, do đó làm tổn hao thiên chân, thiên tính. Họ muốn trở về với thôn dã để được nhàn hạ, thong dong, vô vi. Thị thành hữu vi vì ở đó, nhân sinh vội vã, ồn ào để cạnh tranh, hơn thua, trái ngược với cái vô vi chậm rãi, khoan thai khi ở giữa thôn quê, tự nhiên. Kiều không còn thong thả, mặt khác, bởi đời đã biến thiên, bị bủa vây, do đó, phải ứng phó nhanh hơn. Sự vội vã (như khi phải đi cùng Sở Khanh, khi rời Quan âm các...) là yếu tố quan trọng cho biết số phận của nhân vật trung tâm đã biến đổi, đã trở nên cay đắng, bị dồn đuổi, tróc mã.
Kiều thường di chuyển không gian, địa điểm, vị trí vào đêm tối, đêm khuya, thi thoảng trong ánh trăng tà ma quái, rờn rợn (như khi đi với Sở Khanh, với thổ quan, khi trốn khỏi Quan âm các...). Đây là chuyến đi bão bùng với Mã Giám Sinh trong đêm khuya: Dặm khuya ngất tạnh mù khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông/ Rừng thu từng biếc chen hồng/ Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn. Trong Truyện Kiều, khi Kiều hạnh phúc là khi không gian phong quang, sáng trong (như lúc tìm thấy Chiêu ẩn am, khi sống ở thảo am, khi được phán xử...). Đêm tối, đêm khuya, đêm trăng ma quái gợi lo âu, bất an. Điều này tăng sinh tính hấp dẫn, yếu tố truyền kỳ cho truyện. Nó còn là dấu chỉ cho biết trước/ dự báo trước những điều chẳng lành/ chẳng may. Âm thanh khi Kiều di chuyển cũng đáng nói. Có khi đó là có tiếng gà xao xác, tiếng gà ở điếm nguyệt (đi với Sở Khanh) (đi từ Quan âm các), khi thì là tiếng chim gợi nỗi niềm (đi với Mã Giám Sinh)... Âm thanh ở đây miêu tả tâm lý sợ hãi, u buồn, lo lắng.
Có thể nói, những hành trình, những bước đường của Kiều từ khi giã biệt cố hương đều là “lạc bước”, như chính Kiều nói: Lỡ từ lạc bước bước ra/ Cái thân liệu những từ nhà liệu đi. Do vậy, tất cả các chặng đường của nhân vật đều nguy nan, hầu như không có hành trình nào là an vui, một bước đi là một bước lầm lỡ, “ma đưa lối, quỷ đưa đường”. Hầu hết các chặng hành trình của Kiều là không tự nguyện, ngược lại đều do cưỡng buộc. Kiều ra đi với ước vọng được hạnh phúc nhưng kết cuộc, lại bị đọa đày (như khi đi với Mã Giám Sinh...). Hành trình đau khổ của nhân vật hầu như là vô tận!
Kiều là nhân vật quý phái, “bậc tài danh”. Trừ một số trường hợp bất khả kháng, còn lại, nhân vật được di chuyển bằng các phương tiện khá sang trọng, tiện nghi thời trung đại, như kiệu, xe ngựa, ngựa... Các nhân vật nữ khác trong Truyện Kiều như Hoạn Thư, Đạm Tiên, Thúy Vân, sư Giác Duyên..., không được kể là đã đi lại bằng phương tiện gì. Chỉ có nhân vật tài tử mới được kể đến là đi lại bằng các phương tiện nhất định, thậm chí là được kể một cách cặn kẽ, có khi mỹ miều. Phương tiện đi lại giúp gia tăng giá trị cho người sử dụng chúng, làm cho nhân vật thêm quý phái, sang trọng. Người trung đại không có nhiều các phương tiện giao thông để lựa chọn. Họ thường là bộ hành, chỉ có một số ít người có khả năng, có phẩm trật mới có phương tiện đi lại sang trọng, tiện lợi, như xe ngựa chẳng hạn. Đi lại thời đó là khó khăn, do đường sá, hạ tầng giao thông kém phát triển. Người ta lại ngại tha hương, di chuyển. Di chuyển nhiều như Kiều là khá đặc biệt, bất thường. Việc di chuyển/ rời bỏ quê quán bị cho là không nên. Người ta muốn “an cư”. “An cư” thì “lạc nghiệp”. Dân cư sống tại bản quán được coi trọng, do ở đó họ có dòng tộc, gia đình, xóm giềng, mồ mả ông bà tổ tiên, các tập quán quen thuộc. Nhập cư và lữ thứ không được coi trọng. Nhà buôn thời trung đại di chuyển nhiều. Họ không chỉ bị coi thường do trọng lợi, thị tài mà còn do họ “sông hồ” đây đó, “lưu linh lưu địa”, Kiều đau khổ do phải lưu lạc, bị tách khỏi gia đình, bản quán. Cố quốc, cố hương vang vang rất nhiều lần trong tâm tư Kiều, tuy nhiên, việc phải không ngừng di chuyển cho biết Kiều là nhân vật từng trải, kinh lịch. Kiều đi bằng hầu hết các phương tiện giao thông thời đó, đi qua nhiều vùng miền, tiếp xúc với đủ hạng người.
Khi kể về sự di chuyển của tài tử, Nguyễn Du không chỉ đề cập đến tốc độ, không - thời gian, mô tả cảnh quan tự nhiên, mà như đã nói, còn mô tả các phương tiện di chuyển. Các phương tiện này tương thích với tư cách của các nhân vật, Kim Trọng xuất hiện trên tuấn mã: Tuyết in sắc ngựa câu giòn. Thúc Sinh cũng thế, đi bằng ngựa đẹp: Vó câu thẳng ruổi nước non quê người. Trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả kể, khi Thúc Sinh về lại Lâm Tri, chàng đi bằng “thuyền buồm”([3]), không phải bằng ngựa, như câu thơ trên. Sự thay đổi này cho biết, đối với Nguyễn Du, tài tử phải đi bằng phương tiện xứng đáng vì có gì đó huê tình. Các nhân vật nam, không phải tài tử, như Sở Khanh, di chuyển bằng các phương tiện không phải là “vó câu”, “câu giòn” (ngựa non). Tốc độ di chuyển của nhân vật tài tử nam có khi là khoan thai, như đã nói, Kim Trọng “lỏng buông tay khấu” là vậy. Khi họ di chuyển với tốc độ cao, đó là khi họ được tình yêu thôi thúc. Thúc Sinh “thẳng ruổi” Lâm Tri là do vậy. Các nhân vật khác thường di chuyển với tốc độ cao, như kẻ gian sợ bị phát hiện. Khuyển, Ưng bắt cóc Kiều và “vực ngay lên ngựa tức thì”, “buồm cao lèo thẳng cánh suyền”. Khi họ di chuyển, không có các mô tả tự nhiên như khi tài tử di chuyển, chỉ có sự trần trụi, không có chất thơ.
Truyện Kiều là truyện kể về những hành trình, sự di hành. Các nhân vật luôn chuyển dịch, không ngừng nghỉ. Nhân vật dừng lại là để di chuyển. Việc kể, miêu tả sự di hành là một phương tiện nghệ thuật, một thủ pháp, có ý nghĩa đa dạng. Không có sự di chuyển nào là đơn nghĩa/ chỉ có ý nghĩa như là sự chuyển dời vị trí thuần túy. Các truyện Nôm khác như Mã Phụng - Xuân Hương, Bích Câu kỳ ngộ... rất ít mô tả sự dịch chuyển và nhất là không xem nó như một phương tiện nghệ thuật. Việc kể/ miêu tả sự dịch chuyển là để mô tả tâm lý, số phận nhân vật và để triển khai cốt truyện. Sự chuyển dịch được thực hiện bằng các phương tiện đa dạng, phù hợp với trạng huống, khoảng cách địa lý, có tốc độ, âm thanh, có thời điểm khác nhau. Miêu tả/ kể về sự di hành, với các phương tiện khác nhau, do đó, là một yếu tố thi pháp, làm đa dạng hóa các hình thức nghệ thuật của Truyện Kiều.
T.N.H.T
[1] Phạm Đan Quế (Biên soạn), Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr 245.
[2] Phạm Đan Quế (Biên soạn). Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, Sđd, tr 257.
[3]Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, Sđd, tr 191.